Chúng ta bắt đầu bằng khám vành tai, cửa tai xem da ở trước tai và sau tai. Chúng ta dùng ngón tay cái ấn vào những điểm kinh điển như : sào bào, mỏm chũm, bờ chũm, nắp tai, để tìm điểm đau. Đối với trẻ nhỏ chúng ta không nên hoàn toàn dựa vào sự trả lời của nó vì sờ vào chỗ nào nó cũng kêu đau hoặc khóc thét lên. Trái lại chúng ta đánh giá cao hiện tượng nhăn mặt vì đau khi chúng ta ấn vào tai bệnh.
Tay sờ giúp chúng ta phát hiện sự đóng bánh ở sau tai hoặc sưng hạch ở trước tai.
Tiếp theo đó chúng ta khám ống tai ngoài và màng nhĩ.
- Tư thế của bệnh nhân :
Nếu bệnh nhân là người lớn chúng ta để họ ngồi đối diện với thầy thuốc, đầu quay về bên tai không khám.
Nếu là trẻ em nhỏ, nên cho nó đi đái, xong rồi chúng ta nên để cho bà mẹ bế con ngồi lên đùi của mình và ôm ghì đầu em bé vào ngực, như vậy em bé bớt sợ hãi và bớt giãy giụa.
Nếu là một em bé khó bảo, tốt hơn hết là nhờ một người hộ lý khỏe giữ chặt nó lại : hai chân kẹp chân em bé, tay phải quàng trước bụng nó và cầm chặt hai tay bệnh nhân, tay trái ôm ghì đầu nó vào ngực mình.
- Sử dụng spêculum tai :
Thầy thuốc đầu đội đèn Clar hoặc gương trán tập trung ánh sáng vào cửa tai, dùng tay phải (đối với tai trái) hoặc tay trái (đối với tai phải) kéo vành tai về phía sau và trên để đánh giá độ rộng của ống tai sau đó chọn một cái spêculum vừa cỡ với ống tai.
Nếu khám tai phải, nên cầm spêculum bằng tay phải, nếu khám tai trái thì cầm bằng tay trái. Nên hơ ấm dụng cụ trước khi cho vào tai. Trong khi đặt spêculum không nên đẩy thẳng từ ngoài vào trong mà phải len lỏi theo chiều cong của ống tai, tránh làm thương tổn thành ống tai.
Khi bắt đầu thấy màng nhĩ thì dừng lại không vào sâu nữa. Nếu ráy tai hoặc mủ che lấp màng nhĩ thì phải gắp ráy tai ra hoặc lau sạch mủ rồi mới xem tai. Động tác chùi sạch ống tai rất quan trọng, nó tránh cho chúng ta không mắc sai lầm khi đánh giá màng nhĩ và giúp chẩn đoán chính xác. Muốn thấy phần trên của màng nhĩ cần phải hướng phễu soi về phía trên và trước.
Ở hài nhi, ống tai có nhiều lông mịn che lấp màng nhĩ, chúng ta nên dùng dầu vaselin vuốt các lông này nằm xuống trước khi soi.
- Hình ảnh màng nhĩ bình thường :
Màng nhĩ hình trái xoan, màu trắng bóng như vỏ củ tỏi. Ở người lớn màng nhĩ nghiêng về phía ngoài 45 độ so với trục đứng của ống tai ngoài, ở hài nhi góc này lên trên 60 độ. Vì vậy nên màng nhĩ rất khó xem ở loại bệnh nhân này
Người ta chia màng nhĩ ra làm hai phần phần căng và phần chùng :
Ranh giới giữa hai phần là dây chằng nhĩ búa trước và dây chằng nhĩ búa sau. Giữa phần căng chúng ta thấy có điểm lõm, đó là rốn màng nhĩ tương xứng với cực dưới của cán búa. Cán búa là một cái gờ dọc đi từ bờ trên của phần căng xuống đến rốn màng nhĩ, nó hơi nghiêng về phía trước khoảng 15 độ.
Ở cực trên của cán búa có một điểm lồi bằng đầu kim ghim, được gọi là mỏm ngắn của xương búa. Về phía dưới và trước của màng nhĩ có một vùng sáng hình tam giác mà người ta quen gọi là tam giác sáng. Đó là sự phản chiếu ánh sáng đèn do mặt bóng của màng nhĩ.
Phần chùng bắt đầu từ phía trên dây chằng nhĩ búa, màng nhĩ ở đây màu hồng, dễ nhầm lẫn da của ống tai. Phần chùng còn được gọi là màng Srapnen (Shrapnell) và ngăn cách thượng nhĩ với ống tai ngoài.
Trong khi khám màng nhĩ chúng ta nên bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và nuốt nước bọt (nghiệm pháp Toynhee) để xem màng nhĩ có di động không. Chúng ta có thể thay thế nghiệm pháp này bằng cách bơm không khí vào ống tai với spêculum Sieglơ.
Trong trường hợp tai bị bệnh chúng ta sẽ thấy sự thay đổi về màu sắc, về độ bóng, độ nghiêng của màng nhĩ. Chúng ta cũng có thể thấy sự giãn mạch máu ở dọc theo cán búa, hoặc mức nước ở màng nhĩ. Trong trường hợp tai giữa tích mủ thì màng nhĩ sẽ căng. Sự vắng mặt của tam giác sáng và của những nếp gờ nói lên rằng màng nhĩ bị phù nề. Màng nhĩ cũng có thể bị thủng hoặc có những sẹo mỏng, sẹo dày, sẹo dính, sẹo vôi hóa.
Màng nhĩ bình thường ở mỗi người có thể khác nhau vì vậy cần phải xem cả hai tai để có cơ sở so sánh.
- Khám vòi Ơxtasi. Chúng ta có nhiều cách thử để xem vòi nhĩ Ơxtasi có bị tắc không.
Nghiệm pháp Valsava: Bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và xì hơi thật mạnh làm phồng cả hai má. Nếu bệnh nhân có nghe tiếng kêu ở tai tức là vòi thông.
Nghiệm pháp Politzer: Bảo bệnh nhân ngậm một ngụm nước, bịt một bên mũi. Thầy thuốc dùng quả bóng cao su to bơm không khí vào mũi bên kia trong khi bệnh nhân nuốt nước. Nếu bệnh nhân nghe tiếng kêu trong tai tức là vòi Ơxtasi thông.