Hội chứng đau nhức sọ mặt nhóm họp các bệnh lý gây ra đau nhức vùng sọ, đáy sọ và vùng mặt.
NGUYÊN NHÂN
Do phân bổ dây thần kinh cảm giác sẽ phân ra hai vùng: Dây V (tam thoa) cảm giác các xoang mặt, vùng mặt, da đầu, đáy sọ. Dây IX, X chi phối cảm giác cho vùng họng và tai. Đau nhức sọ mặt do rất nhiều nguyên nhân gây ra.
Đau dây V (nevralgie facial) thường gặp hơn dây IX-X.
Các nguyên nhân viêm, nhiễm trùng, khối u: các tổn thương trong trung ương-sọ não hay các dây thần kinh ngoại biên: về mạch máu, các khối u trong nội sọ-não màng não ở vùng hành não (hội chứng Wallenberg) cầu não, vùng tuyến yên, vùng đỉnh xương đá (hội chứng Willis, Gradenigo), các bệnh lý cholesteatome, chordome, meningiome, kyste epidermoide, viêm xương, tắc mạch máu, phình mạch cảnh, viêm động mạch màng não mạn tính (hội chứng Raeder), khối u hậu nhãn cầu-sau ổ mắt (hội chứng Tolosa-Hunt), viêm tắc tĩnh mạch xoang hang (hội chứng đỉnh xương đá), khối u vòm mũi họng, hốc mắt-nguyên phát, thứ phát (hội chứng khe bướm), các nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ.
Một số nguyên nhân thường gặp: trong tai mũi họng (viêm các hốc xoang mặt- hội chứng Migraines), chuyên khoa mắt (nhiễm trùng ổ mắt), các nguyên nhân do răng hàm mặt (sâu răng, nha chu viêm, khối u,..). rối loạn vận mạch vùng mặt, đau đầu do huyết áp, do thay đổi thói quen sinh hoạt làm việc.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng
Khai thác tiền sử các cơn đau, chú ý đến vị trí, tính chất đau, hoàn cảnh xuất hiện, mức độ, tiến triển và thoái triển.
Thăm khám toàn diện, hệ thống vùng tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt.
Thăm khám thần kinh trung ương và thần kinh các dây sọ.
Thăm khám vùng cổ (hạch, tuyến nước bọt, giáp cận giáp)
Thăm khám toàn thân huyết áp, gan thận, các tuyến nội tiết…
- Cận lâm sàng
Các xét nghiệm tìm nguyên nhân gây đau trong tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, sọ não: Các xét nghiệm cơ bản, đo điện cơ, điện não, soi đáy mắt, chụp CT, MRI.
Chẩn đoán phân biệt
Quan trọng là tìm nguyên nhân gây đau từ các bệnh lý thực thể: Tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, sọ não. và các rối loạn thần kinh thực vật, vận mạch đơn thuần.
ĐIỀU TRỊ
- Nguyên tắc điều trị
Điều trị nội khoa cắt cơn đau kết hợp điều trị nguyên nhân gây đau.
- Sơ đồ/phác đồ điều trị
Điều trị nội khoa giảm cắt cơn đau (carbazepine-Tegretol, Di-Hydan) hoặc nhóm clonazepam (Rivotril).
Điều trị ngoại khoa về thần kinh khi thất bại với nội khoa: Đốt nhiệt bao myelin các nhánh cảm giác đau dây V.
Điều trị các nguyên nhân gây đau từ tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, sọ não.
- Điều trị cụ thể (nội khoa, ngoại khoa)
Nội khoa cắt cơn đau: Tegretol (100mg/ ngày).
Đốt nhiệt bao myelin dây V cảm giác (lỗ bầu dục- đường vào Hartel), đốt nhiệt và giải phóng bao hạch Gasser.
Điều trị các nguyên nhân gây đau nếu có như viêm nhiễm trùng, khối u trong nội sọ, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng.
TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
- Phụ thuộc vào các nguyên nhân gây đau.
- Sử dụng thuốc nội khoa phải theo dõi tình trạng giảm tế bào máu.
PHÒNG BỆNH
Điều trị triệt để các nguyên nhân nội khoa hay ngoại khoa thuộc các chuyên khoa gây đau vùng đầu mặt cổ.