Các liệu pháp tâm lý ở trẻ em

Bệnh nhi khoa

Liệu pháp tâm lý là các kỹ thuật tâm lý mà các nhà chuyên môn sử dụng tác động tâm lý một cách tích cực có hệ thống vào mục đích phòng và chữa bệnh.

Hiện nay để cải thiện các rối loạn tâm lý ở bệnh nhân có rất nhiều các liệu pháp được sử dụng như: liệu pháp ám thị, liệu pháp thôi miên, liệu pháp nhận thức hành vi, thư giãn, liệu pháp gia đình, liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp tâm lý nâng đỡ, liệu pháp trò chơi, liệu pháp vẽ tranh… Trong thực hành nhi khoa một số liệu pháp sau đây thường được áp dụng.

LIỆU PHÁP TRÒ CHƠI

Khái niệm

Liệu pháp trò chơi được tiến hành dựa vào nhu cầu tự nhiên của trẻ em là muốn được chơi. Nhà trị liệu tổ chức các trò chơi có mục đích và hệ thống nhằm chẩn đoán và trị liệu các rối loạn tâm lý.

  • Chức năng chẩn đoán:

Thông qua trò chơi trẻ tự bộc lộ khả năng của mình về các mặt: nhận thức, cảm xúc, hành vi, đặc biệt là những thiếu hụt trong tính cách và mối quan hệ của trẻ. Nhà trị liệu thu thập và phân tích thông tin để góp phần đưa ra các chẩn đoán tâm lý.

  • Chức năng trị liệu:

Trò chơi tạo cho bệnh nhi khả năng tự bộc lộ cảm xúc, giải toả những băn khoăn vướng mắc, căng thẳng, lo hãi đồng thời tạo sự thư giãn và hứng thú vào quá trình điều trị. Thông qua những trò chơi, các rối loạn về nhận thức, cảm xúc và hành vi của trẻ được cải thiện đưa tới sự phục hồi các chức năng tâm lý.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

Cho các trẻ có những rối loạn tâm lý như:

Các rối loạn cảm xúc, lo âu, trầm cảm, rối loạn phân ly, chán ăn tâm thần, rối loạn hành vi đạo đức. Các bệnh thực thể nhưng có các vấn đề về tâm lý. Các rối loạn như tic, đái dầm, nói lắp, rối loạn ngủ. Trẻ em bị chậm phát triển, tự kỷ, tăng động giảm chú ý, tâm thần phân liệt…

Chống chỉ định

Những bệnh nhân có cơn xung động, kích động, hung tính. Bệnh nhân loạn thần nặng hoặc trầm cảm có nguy cơ tự sát. Bị một số bệnh thực thể cần được nằm yên tĩnh.

Cách tiến hành

  • Lựa chọn chủ đề chơi phù hợp với mục đích trị liệu của thầy thuốc nhằm cải thiện hiệu quả nhất về các rối loạn tâm lý.

Ví dụ: Bệnh nhân có lo âu, trầm cảm phải: chơi nhóm, trò chơi động, đóng kịch, văn nghệ, hái hoa dân chủ, ném lon, cầu lông…

  • Bệnh nhân tăng động nên chơi cá nhân hoặc trò chơi tĩnh như: cờ vua, cá ngựa, cắt gấp giấy…
  • Có thể tổ chức chơi ở buồng bệnh, phòng chơi hoặc ở sân. Đối với bệnh nhân bị bệnh thực thể, trò chơi phải phù hợp với đặc điểm lâm sàng của bệnh.
  • Người hướng dẫn chơi có thể là nhà tâm lý, y tá, bác sĩ, cha mẹ hoặc chính bệnh nhân.
  • Đồ chơi phải được an toàn (tránh dễ vỡ, sắc nhọn…) đặt chỗ dễ lấy…
  • Thời gian một buổi chơi khoảng 30 – 50 phút, số buổi chơi còn phụ thuộc vào tiến triển của các rối loạn tâm lý.

Nhà trị liệu ít bình luận mà phải ghi chép theo dõi mỗi buổi chơi, đánh giá những cải thiện tâm lý của trẻ và đưa ra trò chơi mới phù hợp.

LIỆU PHÁP VẼ TRANH

Khái niệm

Vẽ tranh là một hoạt động thông thường và phổ biến ở trẻ em. Liệu pháp này không cần sử dụng tối ngôn ngữ. Đặc biệt đối với những trẻ bị rối loạn tâm lý có khó khăn trong sự cảm nhận và biểu thị bằng lời, thông qua tranh vẽ trẻ có thể biểu thị được phần nào. Liệu pháp vẽ tranh sử dụng có nhiều lợi ích trong chẩn đoán và trị liệu các rối loạn tâm lý.

  • Chẩn đoán tâm lý:

Hình vẽ của trẻ thể hiện mức độ phát triển trí tuệ cũng như phản ánh những thiếu hụt trong các mối quan hệ. Hình vẽ trẻ phần nào bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc bị dồn nén, những mong muốn, xung đột tâm lý không thể hiện được bằng lời.

  • Trị liệu tâm lý:

Vẽ tranh có tác dụng như một yếu tố giải cảm ứng, loại bỏ sự căng thẳng. Trong quá trình vẽ trẻ phải tự mình nghĩ cách bố cục bức tranh, khắc phục và vượt qua nỗi sợ hãi, kìm chế căng thẳng nội tâm, sau khi vẽ trẻ sẽ dần dần vượt qua được tình trạng rối loạn tâm lý.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Với hầu hết trẻ em từ 5 tuổi trở lên với các rối loạn tâm lý như:

Các rối loạn cảm xúc rối loạn phân ly, chán ăn tâm thần, rối loạn hành vi, các bệnh nhi bị thực thể nhưng có các vấn đề về tâm lý, các rối loạn như tic, đái dầm, nói lắp, rối loạn ngủ, trẻ em bị chậm phát triển, tự kỷ, tăng động giảm chú ý, bệnh tâm thần phân liệt…

Chống chỉ định

Không áp dụng với những trẻ từ chối vẽ, bệnh nhân có cơn xung động, kích động, hung tính, bệnh nhân loạn thần nặng.

Cách tiến hành

  • Một số chủ đề vẽ thường được áp dụng: vẽ gia đình để tìm hiểu xung đột và mong muốn của trẻ về gia đình mình. Vẽ người tìm hiểu trình độ trí tuệ và một số nét tính cách. Vẽ cây tìm hiểu chiều hướng nhân cách. Ngoài ra trẻ còn vẽ bệnh viện, vẽ trường học…
  • Phòng vẽ cho trẻ phải yên tĩnh, đủ ánh sáng, ít có tác động ngoại cảnh (tiếng ồn, sự gợi ý, sự phê phán hoặc sự ganh đua…).
  • Giấy vẽ (khổ A4 hoặc A3), bút chì, sáp màu, bột màu, bàn ghế hoặc giá vẽ…
  • Trong khi vẽ, nhà trị liệu nên theo dõi trẻ về cách thức vẽ, thời gian vẽ, thứ tự vẽ từng nhân vật, không bình luận tranh vẽ.
  • Sau khi trẻ vẽ, nhà trị liệu có thể hỏi trẻ một số chi tiết trên bức tranh nhưng không bắt buộc trẻ trả lời.
  • Việc đánh giá tranh vẽ dựa vào màu sắc, nét vẽ, nội dung bức tranh, các nhân vật, các chi tiết, bố cục bức tranh…
  • Một chủ đề tranh vẽ được tiến hành nhiều lần, có theo dõi, ghi chép để đánh giá sự tiến triển trong tâm lý của trẻ.

LIỆU PHÁP HÀNH VI NHẬN THỨC

Khái niệm

Liệu pháp nhận thức – hành vi là các kỹ thuật tâm lý, trong đó nhà trị liệu sử dụng việc kết hợp lời nói và mẫu hành vi một cách có mục đích và hệ thống nhằm điều chỉnh các rối loạn tâm lý.

Liệu pháp nhận thức – hành vi dựa trên nguyên tắc điều kiện hoá và củng cố cũng như mối quan hệ giữa nhận thức – cảm xúc – hành vi.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Liệu pháp nhận thức – hành vi được áp dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các rối loạn sau:

Các rối loạn lo âu; các rối loạn tâm lý ở trẻ em như đái dầm, tic, nói lắp, tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi; các chứng nghiện: thuốc lá, ma tuý; trầm cảm (không có tự sát); bệnh tâm thần phân liệt qua giai đoạn cấp; trẻ em bị chậm phát triển, tự kỷ vừa, nhẹ…

Chống chỉ định

Tâm thần phân liệt trong giai đoạn cấp; trầm cảm có ý tưởng tự sát; Loạn thần hưng trầm cảm, chậm phát triển, tự kỷ nặng.

Các kỹ thuật trong trị liệu nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức – hành vi là tập hợp nhiều kỹ thuật khác nhau, sau đây là một số kỹ thuật chính thường được áp dụng trong thực hành nhi khoa.

Nhận ra mối quan hệ giữa cảm xúc, các triệu chứng cơ thể và ý nghĩ

  • Trẻ phải nhận ra được các trạng thái cảm xúc khác nhau của mình: buồn, tức giận, lo lắng, hoảng sợ và vui vẻ. Trẻ nhỏ có thể dựa vào các bức tranh vẽ các nét mặt miêu tả trạng thái cảm xúc đó. Trẻ lớn có thể mô tả bằng lời. Ngoài ra trẻ phải nhận ra cường độ các cảm xúc của mình bằng sử dụng thang bậc tự cho điểm từ thấp đến cao.
  • Trẻ phải nhận ra một số triệu chứng có thể hiện quan đến cảm xúc.
  • Trẻ phải nhận ra được ý nghĩ sai lầm của mình có liên quan đến cảm xúc (nên đưa ra các ví dụ cụ thể để minh họa).

Cấu trúc lại nhận thức

Hầu hết các rối loạn tâm lý đều do những suy nghĩ không hợp lý, những niềm tin sai lệch hoặc mong muôn quá thái không phù hợp gây ra, vì vậy kỹ thuật này gồm 3 bước:

Bước 1: Giúp trẻ nhận được ý nghĩa sai, niềm tin vô lý.

Bước 2: Tìm bằng chứng thực phản bác lại suy nghĩ, niềm tin vô lý.

Bước 3: Nảy sinh những ý thức mới, đúng đắn, hợp lý và thực tế thay thế vào những ý nghĩ sai, vô lý.

Tự khẳng định

ở liệu pháp này cả nhà trị liệu và trẻ phải hiểu được suy nghĩ đã dẫn đến các ứng xử không phù hợp. Từ đó thay vào việc chú ý tới những tình huống tiêu cực trong quá khứ bằng tập trung vào những biểu hiện tích cực, phát triển và khẳng định nó.

Giảm cảm ứng có hệ thống

Là kỹ thuật tâm lý làm cho trẻ em thích nghi dần với tình huống gây sợ từ mức độ thấp đến mức độ cao và cuối cùng là hoàn cảnh thực gây ra đáp ứng không thích nghi. Gồm các bước sau:

Bước 1: Tưởng tượng ra một loạt các kích thích gây stress xung quanh một sự kiện gây sợ nào đó và sắp xếp chúng theo trật tự từ yếu đến mạnh theo một hệ thống điểm.

Bước 2: Đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn toàn thân, giúp trẻ tưởng tượng ra những kích thích gây sợ hãi ở mức yếu nhất.

Bước 3: Nếu kích thích đã được quen dần không gây cảm giác lo sợ thì lần lượt chuyển sang kích thích mạnh hơn.

Khen thưởng

Là liệu pháp tâm lý dùng phần thưởng để củng cố hành vi hợp lý loại bỏ hành vi sai trên cơ sở thực hiện một cách có hệ thống, có nguyên tắc và được thảo luận trước với trẻ.

Phần thưởng có thể là lợi ích vật chất hoặc tinh thần, phải lập bảng theo dõi cảm xúc, hành vi và quy định mức thưởng, phải có sự cam kết giữa trẻ và nhà trị liệu.

Thư giãn là một phương pháp hành vi đòi hỏi con người phải chú tâm vào tập giãn mềm cơ bắp, tập thở chậm, tạo trạng thái thoải mái về tinh thần, giảm kích thích và tạo sự nghỉ ngơi của vỏ não.

  • Nơi tập thư giãn phải thông thoáng, yên tĩnh, không sáng chói, không bị các kích thích gây mất tập trung.
  • Người tập phải hết sức tập trung, huy động sự chú ý, ý thức của mình vào việc hình dung ra cảm giác căng hoặc giãn mềm cơ bắp.
  • Tập thả lỏng tuần tự từng nhóm cơ (đặc biệt là hai bàn tay, hai cánh tay, vai, cổ, ngực, bụng, lưng…).
  • Tập thư giãn tĩnh ở tư thế nằm kết hợp với thở bụng (thóp bụng, thở ra, phình bụng hít vào, thở êm, chậm, sâu, đều).
  • Tập kết hợp với tưởng tượng được hướng dẫn bằng lời. Ví dụ “tay phải mềm ra”, “giãn ra”, “chùng xuống”, “ấm dần lên”… giọng đọc phải chậm, rõ, âm thanh vừa phải.
  • Một buổi tập từ 15 – 30 phút tuỳ theo lứa tuổi, tập hàng ngày.

Một số lưu ý khi thực hiện

Sử dụng ngôn ngữ đơn giản. Có các ví dụ và biểu đồ cụ thể: tranh, hình ảnh, thang điểm. Nên giải thích và dạy một số kỹ thuật đơn giản cho cha mẹ. Chú ý đến độ tuổi của trẻ để áp dụng một cách phù hợp. Thời gian cho các kỹ thuật 20-30 phút/1 lần/1 ngày.

THAM VẤN

Định nghĩa

Đối tượng tham vấn tâm lý trong thực hành nhi khoa là cha mẹ và trẻ em có vấn đề về tâm lý (gọi là thân chủ).

Tham vấn là một quá trình thiết lập mối quan hệ giữa nhà tham vấn và thân chủ nhằm giúp đỡ thân chủ cải thiện cuộc sống của họ bằng cách khai thác, nhận thức và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ, hỗ trợ và khuyến khích thân chủ đưa ra cách giải quyết vấn đề.

  • Quá trình tham vấn: nhà tham vấn và thân chủ có thể gặp nhau trong một khoảng thời gian cố định (thường từ 50 – 60 phút), một tuần một lần hoặc nhiều hơn (tuỳ thuộc vào mức độ vấn đề của thân chủ).
  • Các mục đích của mối quan hệ trong tham vấn:

+ Giúp thân chủ xác định các vấn đề của họ và đặt thứ tự ưu tiên cho các hoạt động can thiệp.

+ Giúp thân chủ hiểu rõ căn nguyên của vấn đề về họ đang gặp phải.

+ Giúp thân chủ nhận ra các suy nghĩ và cảm xúc của họ đóng góp hoặc liên quan đến các vấn đề họ đang gặp phải.

+ Giúp thân chủ nhận ra các suy nghĩ và cảm xúc của họ đóng góp hoặc liên quan đến các vấn đề của họ như thế nào, từ đó nhận thức thế giới theo cách thực tế và tích cực hơn.

+ Hỗ trợ thân chủ trong quá trình ra quyết định bằng cách giúp họ xác định các lựa chọn và cân nhắc mặt trái, mặt phải của từng lựa chọn.

+ Khuyến khích thân chủ đưa ra những lựa chọn và các thay đổi tốt nhất cho chính cuộc sống của họ (nhà tham vấn không bao giờ ra quyết định thay cho thân chủ).

+ Nhấn mạnh những đặc điểm tích cực của thân chủ và giúp họ sử dụng những thế mạnh này để vượt qua những trở ngại và thách thức.

Chỉ định

Tham vấn tâm lý được chỉ định rất rộng rãi trong trường hợp cha mẹ và trẻ có nhu cầu muốn giải quyết những vướng mắc về tâm lý. Trong quá trình điều trị các rối loạn về tâm lý nó được xem như là liệu pháp hỗ trợ rất quan trọng, được phối hợp với các liệu pháp tâm lý khác hoặc điều trị bằng hoá dược.

Các kỹ năng tham vấn

Các kỹ năng giao tiếp không lời

  • Giao tiếp bằng mắt: nhìn thẳng thể hiện sự chăm chú.
  • Ngôn ngữ cử chỉ: ngồi cạnh, thả lỏng, cùng tầm với thân chủ thể hiện sự cởi mở và thông cảm.
  • Giọng nói: bình tĩnh tốc độ đều đều.
  • Khoảng cách không gian: giữa hai người không có vật cản ngồi cách nhau (70cm – lm), ánh sáng vừa phải.
  • Thời gian: thân chủ có thời gian trình bày và trả lời câu hỏi, không thúc dục hoặc gây bắt buộc.
  • Khoảng im lặng giữa hai người để nhà tham vấn có thời gian, suy nghĩ và lên kế hoạch cho câu hỏi hoặc câu nói tiếp theo.

Các kỹ năng giao tiếp bằng lời

  • Nên đặt câu hỏi mở: “Điều gì?”; “Tại sao?”; “Thế nào?”.
  • Khuyến khích: nhắc lại một vài từ chính của thân chủ.
  • Diễn đạt lại: nhắc lại ý chính trong lời nói của thân chủ.
  • Phản ánh cảm xúc: gọi tên được những cảm xúc chính mà thân chủ đang trải qua.
  • Tóm lược: điểm lại những vấn đề và cảm xúc mà thân chủ đã bộc lộ.

Các giai đoạn của mô hình tham vấn

Gồm 5 giai đoạn

  1. Thiết lập mốì quan hệ: để xây dựng lòng tin, với trẻ em nên bắt đầu bằng nụ cười, một trò chơi hoặc kể một câu truyện.
  2. Tập hợp thông tin, xác định vấn đề và nhận ra thế mạnh của thân chủ: để xác định mục đích rõ ràng và định hướng cho cuộc phỏng vấn tránh lan man vào chủ đề khác. Với trẻ em tránh dùng từ và khái niệm trừu tượng.
  3. Xác định kết quả: nhằm xác định một giải pháp lý tưởng bằng câu hỏi “Cháu muốn điều gì sẽ xảy ra?” hoặc “Nếu cháu có ba điều ước, cháu sẽ ước gì?”.
  4. Tìm kiếm các giải pháp thay thế đối mặt với những điều phi lý của thân chủ: Nhà tham vấn cần sự sáng tạo, càng đưa ra nhiều giải pháp lựa chọn càng tốt. Với trẻ em giúp trẻ tưởng tượng về tương lai và kết quả về các mặt tinh thần khi chọn giải pháp thay thế.
  5. Khái quát: tóm lược kết quả khi các giải pháp cụ thể đã được vạch ra và hẹn lần sau.

Bệnh nhi khoa
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận