Trang chủBệnh tim mạchHội chứng Adams - Stokes - Morgani và phương pháp đặt máy...

Hội chứng Adams – Stokes – Morgani và phương pháp đặt máy tạo nhịp

Hội chứng Adams – Stokes – Morgani là hội chứng rối loạn nặng sự dẫn truyền của hệ thống thần kinh tự động ở trong tim. Đó là biến chứng của sự cắt ngang hoàn toàn dẫn truyền nhĩ – thất (ta còn gọi là blốc nhĩ – thất hoàn toàn).

Theo nhiều tác giả khác nhau, hội chứng Adams – Stokes – Morgani gặp ở các bệnh nhân có blốc nhĩ – thất hoàn toàn từ 38% đến 70% (Penton, Miller, Levine, 1956; Rowe, White, 1958; V. s. Savelev, 1961, v.v…). Cuộc sống của bệnh nhân bị blốc nhĩ – thất hoàn toàn với biến chứng hội chứng Adams – Stokes – Morgani thường không kéo dài quá hai năm (theo Katz, 1941) Hội chứng Adams – Stokes – Morgani được biểu hiện ra như sau: trên nền tim đập chậm của sự phân ly nhĩ – thất, thấy ở bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu sau đây (theo Vaquez, 1926):

– Chóng mặt, tri giác lơ mơ (trong từ 3 đến 7 giây đồng hồ).

– Mê hoàn toàn (từ 7 đến 17 giây đồng hồ), da bệnh nhân tím tái.

– Co giật, đồng tử giãn to, ngừng hô hấp (từ 20 đến 45 giây đồng hồ)

Trong quá trình xảy ra hội chứng này không sờ thấy mạch và không thấy tim đập ở bệnh nhân. Khi hết cơn, mạch đập lại và nghe thấy tim đập. Parkinson (1941) chia bệnh nhân với hội chứng Adams – Stokes – Morgani làm 3 nhóm sau đây:

– Nhóm tim ngừng đập (asystoile ventriculaire),

– Nhóm tim đập nhanh (tachycardie ventriculaire)

– Nhóm hỗn hợp (bắt đầu bằng tim đập nhanh, sau ngừng đập)

Trong hội chứng Adams – Stokes – Morgani, nhóm tim đập nhanh thường có nhiều nguy hiểm hơn nhóm tim ngừng đập. Theo Robertson và Mathews (1952), trung bình, các bệnh nhân ở nhóm tim đập nhanh thường bị chết vào tuần lễ thứ 9 sau cơn thứ nhất của hội chứng Adams – Stokes – Morgani.

Ở những bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng của blốc nhĩ – thất hoàn toàn (tim đập chậm 40 – 50 lần một phút, tĩnh mạch cổ nổi và đập, tim to, tiếng thứ hai phân đôi, v.v… kèm theo với các dấu hiệu blốc nhĩ – thất trên băng ghi điện tim), cần phải cảnh giác và theo dõi sát sao để điều trị kịp thời hội chứng Adams – Stokes – Morgani có thể xảy ra.

Khi đã có cơn của hội chứng Adams – Stokes – Morgani xảy ra, phải tiến hành điều trị kịp thời theo ba giai đoạn sau đây:

Tại nơi xảy ra cơn Adams – Stokes – Morgani:

– Xoa bóp tim ngoài lồng ngực;

– Hô hấp nhân tạo bằng phương pháp “miệng thổi vào miệng” qua một lần gạc hay vải xô mỏng;

– Chườm lạnh lên đầu bệnh nhân;

– Tiêm thuốc trợ tim – mạch;

– Nếu có điều kiện, có thể sử dụng máy tạo nhịp tim để ngoài lồng ngực, tuy nhiên, biện pháp này chỉ có hiệu quả trong hai phút kể từ khi cơn Adams – Stokes – Morgani mới xảy ra.

Tại phòng mổ:

– Gây mê;

– Mở ngực, xoa bóp tim trực tiếp;

– Phá rung tim;

– Đặt máy tạo nhịp tim (électrostimulateur hay pacemaker);

– Tiếp tục chườm lạnh lên đầu bệnh nhân;

– Tiêm thuốc trợ tim mạch;

– Truyền dung dịch natri bicacbonat, urê, v.v…

Tại phòng hậu phẫu:

– Tiếp tục duy trì máy tạo nhịp tim vĩnh viễn;

– Tiếp tục chườm lạnh lên đầu;

– Tiếp tục tiêm thuốc trợ tim-mạch;

– Tiếp tục truyền natri bicacbonat, urê.

Có chỉ định máy tạo nhịp tim trong các trường hợp sau đây:

Chỉ định tuyệt đối đặt máy tạo nhịp tim:

– Các cơn của hội chứng Adams – Stokes – Morgani xảy ra liên tục;

– Hội chứng Adams – Stokes – Morgani phát triển cấp tính.

Chỉ định mổ tương đối:

– Nhịp tim chậm với hiện tượng suy tuần hoàn tiến triển;

– Suy tuần hoàn ẩn, chỉ xuất hiện khi làm việc gắng sức.

Chống chỉ định đặt máy tạo nhịp tim trong các trường hợp sau đây:

  1. Chống chỉ định tuyệt đối: Trạng thái biến đổi thoái hóa nặng trong các cơ quan, bộ phận do bệnh kéo dài lâu ngày gây nên như xơ cơ tim, xơ thận, xơ gan.
  2. Chống chỉ định tương đối:

– Già trên 70 tuổi, không đủ sức chịu phẫu thuật mở lồng ngực;

– Mạch nhanh dai dẳng, không có hội chứng Adams – Stokes – Morgani và suy tuần hoàn.

Chỉ định được mở rộng từ khi người ta chế tạo ra được các máy tạo nhịp tim không cần phải mở lồng ngực khi đặt nó.

Máy tạo nhịp tim có thể đặt tạm thời trong một thời gian nào đó (ngắn hạn), nhưng cũng có thể đặt vĩnh viễn trong một thời gian dài từ 6 đến 12 năm, tùy theo loại máy. Có loại máy tạo nhịp tim hoạt động theo yêu cầu, nghĩa là máy chỉ hoạt động khi tim đập chậm, và máy ngừng hoạt động khi nhịp tim đập trở lại bình thường.

Có hai loại phương pháp đặt máy tạo nhịp tim sau đây: (hình 55, 56)

  1. Các phương pháp đặt máy tạo nhịp tim gián tiếp: (1)

– Máy tạo nhịp tim với điện cực đặt ở ngoài da (a)

– Máy tạo nhịp tim với điện cực đặt ở ngoài tim (b)

– Máy tạo nhịp tim với điện cực đặt ở trong thực quản (c)

Hình 56. Các phương pháp đặt máy tạo nhịp tim gián tiếp
Hình 56. Các phương pháp đặt máy tạo nhịp tim gián tiếp
  1. Các phương pháp đặt máy tạo nhịp tim trực tiếp (các điện cực gắn trực tiếp vào cơ tim hay đưa vào trong buồng tim): (2)

– Máy tạo nhịp tim đơn cực (vởi 1 cục gắn vào cơ tim) (a)

– Máy tạo nhịp tim 2 cực (với 2 cực gắn vào cơ tim) (b)

– Máy tạo nhịp tim không dây (c)

– Máy tạo nhịp tim với điện cực gắn vào tâm thất phải v.v… (d)

Từ năm 1975, Liên Xô đã chế tạo và sử dụng thành công các máy tạo nhịp tim có mang nhiên liệu nguyên tử RECS A-l (radioélectrocardio – stimulateur Atome – 1). Trong các máy tạo nhịp tim này, người ta đặt bộ phận cung cấp nhiên liệu nguyên tử Pu – 238 (Plutonium – 238 médical) có thời gian bán phân hủy là 87,5 và đảm bảo hoạt động được trên 20 năm, không bị nhiễm xạ trong thời gian dùng nó.

Cái chủ yếu của phương pháp tạo nhịp tim nhân tạo trong điều trị chứng blốc nhĩ – thất đã có hay chưa có biến chứng các cơn hội chứng Adams – Stokes – Morgani là nhờ dòng điện kích thước với những tiêu chuẩn nhất định, người ta ức chế sự hoạt động tự động của các tâm thất và bắt chúng phải làm việc theo một tần số nhịp
mới đã được quy định của mỗi loại máy tạo nhịp tim (thường là 72 nhịp trong một phút). Đặc biệt, máy chỉ hoạt động khi các xung kích thích của dòng điện từ máy phát ra phải vượt nhanh hơn nhịp tự phát của các tâm thất. Hiện tượng bắt buộc các tâm thất phải làm việc theo những kích thước nhân tạo trong điều kiện blốc nhĩ – thất đã được Starzl chứng minh trong thực nghiệm và được gọi là “hiện tượng qui phục nhịp tim” (1955).

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (từ năm 1976 đến 1980) chúng tôi đã đặt máy tạo nhịp tim mới (loại Medtronic TM Model 6917 Sutureless Myocardial lead) và thay pin mới cho các máy tạo nhịp tim có các pin sắp hết hạn cho 9 bệnh nhân với kết quả tốt. Hiện nay, đặt máy tạo nhịp tim là công việc thường xuyên và hằng ngày của các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch nội – ngoại khoa.

Hình 56. Các phương pháp đặt máy tạo nhịp tim trực tiếp
Hình 56. Các phương pháp đặt máy tạo nhịp tim trực tiếp
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây