Tên khoa học:
Peucedanum decuraivum maxim, angelica decursiva Fanch et Savat. Thuộc họ hoa tán Umelliferae.
Còn gọi là quy nam (Lạng Sơn), tử hoa tiền hồ (Trung Quốc), thổ dương quỳ, sạ hương thái. Tiền hồ (Radix Peucedani decursivi) là rễ phơi hay sấy khô của cây tiền hồ hay cây quy nam. Tiếng trung: 前 胡
Tiền hồ mọc ở các tỉnh Triết giang, Hồ nam, An huy (loại hoa trắng); ở Giang tây, Triết giang (loại hoa tím). Ở nước ta mới phát hiện có Tiền hồ gọi là Qui nam ở Đồng đăng (Lạng sơn).
Ở Trung quốc thường người ta đào rễ cây Tiền hồ và mùa đông hay mùa xuân, rửa sạch bỏ rễ con phơi hay sấy khô làm thuốc hoặc luyện mật sao (lửa nhỏ cho đến khi dính tay) gọi là Chích Tiền hồ.
Tiền hồ hoa trắng, người Trung quốc quen gọi là Nham phong. Tiền hồ mọc ở Tứ xuyên gọi là Tín Tiền hồ.
(Lông mềm thì tốt)
Khí vị:
Vị đắng, cay, bình, tính hơi hàn, không độc, giáng xuống là âm dược, vào 4 kinh Tỳ, Phế, Thận và Đại trường, Sợ và ghét y như Sài hồ.
Chủ dụng:
Hạ khí, tán kết, tiêu đờm định suyễn, ngực sườn tức đầy, khí kết trong bụng, bệnh phong đờm do Can thì dùng nó rất đúng, bệnh nóng rét thực nhiệt, chứng đau đầu do thương hàn, ho hen, đờm suyễn cũng dùng được, nó còn có thể an thai, tiêu thực, chữa trẻ con khóc đêm.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
Liều: 6 – 10g, chích mật Tiền hồ giảm bớt tính hàn mà tác dụng nhuận phế tốt. Dùng trong trường hợp ho lâu ngày, ho khan đàm ít.
Kỵ dụng:
Nếu dòm không do ngoại cảm, âm hư hỏa động và khí không trở về nguyên chỗ, ngực sườn đầy tức thì kiêng dùng.
Cách chế:
cắt bỏ vỏ đen và cuống, dùng trúc lịch tẩm ướt, phơi khô dùng.
Nhận xét:
Tiền hồ cay để thông sướng Phế khí, giải phong hàn, ngọt để thích hợp với Tỳ, điều lý ngực bụng, đắng để tiết nhiệt ở kinh Quyết âm, hàn để tán nhiệt ở kinh Thái dương, tính thuộc âm, chủ giáng xuống, khác với Sài hồ tính đưa lên, sở trường là hạ được khí, khí hạ thì hỏa giáng xuống mà đờm cũng hạ, phàm chứng uống ngoài đều nóng, chứng bán biểu, bán lý, đầu nhức, mắt tối sầm, khớp xương nhức nhói, ho hen, nôn mửa, nóng lạnh, hết thảy đều có tác dụng tiêu đờm hạ khí, thay cũ đổi mới.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Thánh huệ phương”
Bài Tiền hồ tán
Tiền hồ, Mạch đông, Bối mẫu, Tang bạch bì, Hạnh nhân, Cam thảo,Gừng tươi, đều 8-12g. sắc, uống 3 lần trong ngày.
Trị ho, nước dãi chảy ra đặc và dính, Tâm, ngực không lợi, có lúc nóng phiền. Nếu đờm nhiều, vàng đặc có thể gia thêm
Hạnh nhân, Ngưu bàng tử, Bạc hà, Ngư tinh thảo…
“Hòa tễ cục phương”
Bài Sâm tô ẩm
Đảng sâm, Tô diệp, Cát căn, Tiền hồ, Bán hạ, Bạch linh, đều 10g, Trần bì, Chỉ xác, Cát cánh, Cam thảo, Gừng tươi, mỗi thứ 4-6g, Mộc hương 2-3g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Trị ngoại cảm phong hàn, sợ lạnh, sốt, không có mồ hôi, đầu đau, ho đờm trắng, ngực đầy tức, rêu lưỡi trắng, mạch nhươc. Người có thai bị hàn đàm, người trúng độc cua cá, người ngộ độc Rươu cũng có thể dùng được bài này.
“Ôn bệnh điều biện”
bài Hạnh tô tán
Hạnh nhân, Cát cánh đều 10g, Tô diệp, Trần bì, Bạch linh, Tiền hồ, Bán hạ đều 8g, Chỉ xác, Cam thảo, Sinh Khương đều 6g, Đại táo 3 quả. sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Chữa ngoại cảm lương táo, nhức đầu nhẹ, ho đờm loãng, tắc mũi, rêu lưỡi trắng, mạch huyền.
“Thiên gia diệu phương”
Bài Gia vị tam ảo thang
Bách hợp 15g, Mạch môn 9g, Chích Ma hoàng 6g, Cam thảo 6g, Hạnh nhận 6g, Tiền hồ 6g, Chích Đâu linh 12g, Cát cánh 6g, Xuyên Bối mẫu 6g, Tử uyển 9g, Ngũ vị tử 6g, Bách bộ 6g. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng tuyên Phế, chỉ khái, khử đàm.
Chữa viêm Phế quản mạn tinh.
Gia giảm: Người hàn đàm thêm chế Nam tinh 5g; thấp đàm thêm Bán hạ 9g, Quất hồng 9g; tức ngực thêm Tô tử ngạnh 9g, Đông hoa 9g; thấp nhiệt, táo bón thêm La bặc tử 6g, Tang bì 9g, Hoàng cầm 6g; khí huyết hư thêm Đảng sâm, Đương quy…