Thần khúc còn gọi là Lục thần khúc, Tiêu thần khúc, Lục đình khúc, Kiến thần khúc dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách ” Dược tính bản thảo” là một hỗn hợp của bột mì (hoặc bột gạo) với nhiều vị thuốc cho lên men chế thành.
Nguồn gốc Thần khúc ở tỉnh Phúc kiến ( Trung quốc) nên có tên là Kiến Thần khúc. Lúc đầu chỉ có 4 – 6 vị nhưng đến nay có công thức có đến 30 – 50 vị. Có thể biết được các công thức sau:
- Công thức đầu tiên (Tế dân yếu thuật): lúa mạch 100 lít ( 60 lít sao, 30 lít nấu chín, 10 lít để sống). Sau đem tán thành bột. Thuốc có: Lá dâu 5 phần, cây Ké đầu ngựa 1 phần, cây Ngải cứu 1 phần, Ngô thù du hoặc cây Nghễ 1 phần. Các vị nấu đặc vắt lấy nước, trộn với bột lúa mạch cho đều nắm thành bánh hoặc ép thành khuôn.
- Thần khúc (Bản thảo cương mục): Bột mì 60kg, Thanh cao ép lấy nước 3 lít, bột Xích tiểu đậu, Hạnh nhân giã nát, đều 3 lít, Thương nhĩ tử, cây Nghễ đều 3 lít ép lấy nước. Các nước thuốc trộn đều, trộn với bột mì, ủ kín cho lên meo, khi có mốc vàng đem phơi mà dùng.
- Thần khúc (Quốc doanh dược liệu Việt nam đang sản xuất và lưu hành): Thanh hao, Hương phụ, Hương nhu, Thương nhĩ thảo, Sơn tra, Ô dược đều 1000g, Thiên niên kiện, Quế, Hậu phác, Trần bì đều 800g, Bán hạ chế 700g, Bạc hà, Sa nhân, Bạch đàn hương, Tô diệp, Kinh giới, Thảo đậu khấu đều 600g, Mạch nha, Địa liền mỗi vị 200g.
- Thần khúc (theo sách thuốc của Lương y Nguyễn trung Hòa): Bột mì 50kg, Cám 50kg, Thanh hao tươi, Ké đầu ngựa, Rau răm đều 5 kg, rửa sạch vắt lấy nước cốt trộn với bột quậy thành hồ, thêm vào bột Xích tiểu đậu, Hạnh nhân giã nát như bùn đều 3 kg, quậy thật đều đem đóng thành bánh, đặt vào giỏ tre lá cây đậy kín, 3 ngày sau lên meo lấy ra đặt vào giỏ thưa phơi khô gói kỹ, khi dùng sao qua.
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều: 6 – 15g sắc uống. Trường hợp tán mịn cho vào thuốc hoàn tán nên sao đen dùng.
- Chú ý: ” Tỳ âm hư vị hỏa thịnh không nên dùng thuốc vì có thể gây sẩy thai, phụ nữ có thai nên ít dùng ( theo sách Bản thảo kinh sơ) “.
- Thuốc thường hay dùng cùng với Mạch nha, Sơn tra gọi là ” Tiêu tam tiên”.
Khí vị:
Vị ngọt cay, tính ôn, không độc, vào kinh Túc dương minh.
Chủ dụng:
Hạ khí xuống, điều hòa trung tiêu, chỉ tả, mở Dạ dày, tiêu thức ăn, tiêu đờm, chữa ngực bụng trướng đầy, xích, bạch lỵ, phụ nữ động thai, sữa hồi lại sau khi đẻ, ngăn hoắc loạn tiết tả, chữa thương hàn, thương thực, trẻ em kinh giật, có thai ra huyết.
Cách chế:
Lấy thứ để lâu sao thơm, chín dùng.
Ngày 6 tháng 6 lấy 100 thăng bột Mỳ để tượng trưng thần Bạch hổ, nước Thương nhĩ 3 thăng để tượng trưng thần Câu trận, nước Nghễ răm 4 thăng để tượng trưng thần Đằng xá, nước Thanh cao 4 thăng để tượng trưng thần Thanh long, Hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, giã nát 4 thăng, nước sông phía Bắc để tương trưng thần Huyền vũ, Xích tiểu đậu nấu nhừ 3 cân để tương trưng cho thần Chu tước. Sáu vị trộn đều, nén chặt, lại thêm nước Hy thiêm thảo càng tốt, hết thảy đều như cách chế các thứ khúc, ủ vàng, treo chỗ có gió, để cách năm mới dùng.
Nhận xét:
“Khúc” của người xưa dùng là men nấu Rượu, người sau chọn ngày mà các thần tụ hội, lại lấy màu sắc các vị để tượng trưng cho tác dụng của 6 thần, cho nên có tên gọi Thần khúc, công dụng của nó càng hơn men Rượu, vì nó có sức tiêu được thức ăn, giáng khí, làm ấm Dạ dày.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Đan khê tâm pháp”
Bài Bảo hòa hoàn
Sơn tra 240g, Thần khúc 80g, Bán hạ 120g, Bạch linh 120g,
Trân bì 40g, Liên kiêu 40g, La bặc tử 40g.
Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống mỗi lần 8-16g, ngày 2 lần.
Trị thực tích đình trệ, ngực bụng bĩ đầy, có lúc đau, ợ chua, biếng ăn, đại tiện không đều, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoat.
“Lan thất bí tàng”
Bài Cát hoa giải tĩnh phương
Cát hoa, Mộc hương, Bạch linh, Trần bì, Nhân sâm, Trư linh, Thần khúc, Thanh bì, Bạch khấu nhân, Bạch truật, can Khương, Trạch tả, Sa nhân, mỗi vị đều 2g.
Cùng tán nhỏ, liều uống 8- 12g với nước chín, ngày 2 lần.
Chữa uống rượu thái quá mửa ra đờm dãi, đau đầu, Tâm phiền, hung cách bĩ tắc, tiểu tiện không lợi, đại tiện lỏng.
“Nội khoa thương biện hoắc luận”
Bài Chỉ thực đạo trệ hoàn
Đại hoàng 40g, Chỉ thực 20g, Thần khúc 20g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Hoàng cầm 12g, Hoàng liên 12g, Trạch tả 8g.
Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, mỗi lần uống 8-16g, ngày vài lần.
Chữa tích trệ nghẽn trong ruột, sinh thấp ủ nhiệt, gây nên bụng trướng đầy, ăn ít, đại tiện bỉ kết, hoặc tả lỵ mót rặn, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch trầm thưc.
“Diệp thị nữ khoa chính trị”
Bài Địch đàm hoàn
Bạch truật 80g, Bán hạ 40g, Xuyên khung 40g, Quất hồng 16g, Hương phụ 40g, Thần khúc 20g, Bạch linh 20g, Cam thảo 8g. Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, mỗi lần uống 12-16g, ngày vài lần.
Trị phụ nữ không thụ thai do đờm thấp ứ trệ (những người này thường béo, mạch hoạt).
“Trung y phụ khoa học”
Bài Khải cung hoàn
Bán hạ, Xương truật, Hương phụ, Xuyên khung, đều 40g, Thần khúc, Bạch linh đều 20g, Trần bì 10g. Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, mỗi lần uống 12-16g, ngày vài lần.
Có tác dụng kiện Vị, trừ thấp.
Chữa phụ nữ đàm trệ, khó thụ thai.
“Y phương tập giải”
Bài Kiện Tỳ hoàn
Đảng sâm 80g, Bạch truật 80g, Trần bì 80g, Mạch nha 80g, Chỉ thực 120g, Sơn tra 60g, Thần khúc vừa đủ. Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, mỗi lân uôngl2-16g, ngày vài lân. Chữa chứng Tỳ hư, khí yếu, ăn không tiêu.
Bài Nhân sâm khải tỳ hoàn (Y tông kim giám)
Nhân sâm 40g, Bạch truật 40g, Bạch linh 40g, Hoài sơn 40g, Trần bì 40g, Bạch biển đậu 30g, Cốc nha 30g, Mộc hương 10g, Thần khúc 20g, Cam thảo 12g.
Cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày vài lần. Có tác dụng bổ Tỳ, hòa Vị.
Chữa Tỳ Vị bất hòa gây nên khí trệ, trung quản bĩ đầy, đại tiện lỏng, biếng ăn, mỏi mệt.
Bài Từ chu hoàn (Thiên kim phương)
(Còn gọi là Thần khúc hoàn)
Thần khúc 160g, Từ thạch 80g, Chu sa 40g.
Cùng tán nhỏ, luyện Mật làm hoàn bằng hạt Ngô đồng, mỗi lần uống 3 hoàn, ngày 3 lần. Có tác dụng thu liễm phù dương, an thần, sáng mắt. Trị Tim hồi hộp, không ngủ, tai ù, tai điếc, mắt hoa, kinh giản, uống lâu dài sẽ làm cho mắt sáng.