Tắc kè
Tên khác: Cắc kè, đại bích hổ, Tiên thiềm, giới sà, đại bích hổ, cáp giải.
Tên khoa học: Gekko gekko L.
Họ Tắc kè (Gekkonidae).
MÔ TẢ
Loài bò sát, có thân dài 15 – 20cm hoặc hơn kể cả đuôi, chiều ngang khoảng 5 cm. Đầu gần hình ba cạnh, hơi dẹt, miệng rộng, mắt có con ngươi là một vạch dọc. Chân ngắn có 5 ngón nối với nhau bằng một màng da mỏng, mặt dưới có các màng phiến mỏng màu trắng rất nhám dùng để bám.
Đuôi tròn thuôn dần về phía cuối, có nhiều vòng đen, xám, vàng xen kẽ. Bộ da dày, sần sùi nhiều màu.
PHÂN BỐ, NƠI SỐNG
Trên thế giới, tắc kè phân bố chủ yếu ở châu Á. ở Việt Nam, tắc kè sống hoang khắp nơi từ Bắc vào Nam, kể cả ngoài hải đảo, trong các khe hốc ở núi đá, hốc cây to, có khi gặp cả ở những hốc tường nhà trong thành phố. Săn mồi về đêm, ăn muỗi, ruồi, nhện, gián, các loại côn trùng cánh cứng… Ngủ đông và chỉ kêu gọi nhau vào thời kỳ động dục. Đẻ mỗi lứa 2 trứng và trứng nở sau 3 tháng. Khi bị đứt hay gãy, đuôi tắc kè có khả năng mọc lại. Tắc kè không có nọc độc.
Từ hàng chục năm nay, tắc kè đã được nuôi nửa tự nhiên với kết quả rất tốt.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN
Cả con tắc kè gồm cả đuôi (Nếu mất đuôi, sẽ không còn giá trị thương phẩm).
Người ta tổ chức bắt tắc kè quanh năm, trừ mùa sinh sản. Tìm đến nơi ở của tắc kè, dùng một que tre dài và mềm có buộc một búi tóc rối hay mớ sợi móc ở đầu, luồn vào hốc. Khi thấy động và chặt ở đầu que thì kéo ra là bắt được tắc kè. Chú ý không bắt những con đang có chửa và những con nhỏ.
Tắc kè bắt về, đem chế biến ngay theo những cách sau:
- Dùng tươi: Cắt bỏ đầu (từ hai mắt trở lên) và bốn bàn chân. Lột da, mổ bụng, bỏ ruột, rửa sạch, chặt miếng, ướp nước gừng rồi nấu ăn. Hoặc sau khi tẩm nước gừng, rang hoặc sấy khô, tán bột.
- Dùng khô: Ghim tắc kè nằm ngửa trên một mảnh gỗ, mổ bụng, bỏ ruột, lau sạch máu và nhớt (không rửa nước). Dùng một que to xuyên ngang căng hai chân trước và một que to khác xuyên hai chân sau, rồi lấy hai que mềm đặt chéo căng cho phẳng lồng bụng, cuối cùng xuyên từ đầu đến chót đuôi bằng một que dài và cứng. Dùng giấy bản quấn chặt đuôi vào que, rồi phơi hoặc sấy cho khô.
Chú ý không làm gãy hoặc đứt đuôi tắc kè vì đó là bộ phận quý nhất.
Bảo quản dược liệu trong thùng kín có chất hút ẩm.
Khi dùng, cạo sạch vảy ở thân tắc kè, cắt bỏ đầu và bốn bàn chân. Chặt thành miếng nhỏ, tẩm nước gừng, sao vàng, rồi ngâm rượu..
PHÂN BIỆT TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM:
Tắc kè đầu to, bề mặt bẹt, bằng phẳng, mắt lõm, hai bên miệng có các răng nhỏ mọc dày đặc, không có răng to, phía lưng có lớp vẩy lớn màu trắng xám hoặc nâu gụ, cạo dề bong; Phía bụng vảy khá lớn xếp xít nhau như thể nạm dát vào. Tứ chi đều có 5 ngón chân, đầu ngón chân to ra, giữa các ngón có màng, dưới các ngón có ống hút có hình cánh hoa đơn hành (giúp con vật bám được vào vật khác, như thể vòi mực, vòi đỉa…). Ngón thứ nhất rất ngắn và không có móng. Đuôi nhỏ dần về phía sau, lộ rõ các đốt xương, có thể thấy rõ 7 vòng màu xám bạc nông sâu giống nhau. Mùi tanh, vị hơi mặn. Loại nào mình to, đuôi nguyên vẹn, không sứt sẹo gì là loại tốt.
BẢO QUẢN:
Đựng trong hòm gỗ, đề phòng bị đè nát. Khi bảo quản, có thể dùng hoa tiêu hoặc long não đựng chung trong hũ có vôi, phòng mọt.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Tắc kè chứa protid gồm nhiều acid amin như alanin, arginin, histidin, cystein, phenylalanin, prolin, valin, acid glutamic… Đuôi tắc kè chứa chất béo có thể đến 25%.Theo các nghiên cứu hiện đại, tắc kè hàm chứa các chất albumin, chất béo V. V… có tác dụng kích thích sinh dục giống đực, chất ất thuần lại có thể kéo dài thời kỳ động tình của con chuột cái. Đối với con chuột đã bỏ buồng trứng có thể xuất hiện thời kỳ động đực, và có thể làm cho dạ con và buồng trứng tăng thêm trọng lượng.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Tắc kè được dùng trong y học cổ truyền, tên thuốc là cáp giới, với tác dụng bổ ngang nhân sâm, nên được gọi là “nhân sâm động vật”.
Tắc kè tính hơi ôn, vị mặn, lợi về kinh phế thận, có công hiệu bổ thận, nạp khí định suyễn, tự dương ích tinh. Thích hợp với các bệnh hư suyễn khí túc, ho lao khạc ra máu, liệt dương, di tinh v.v…
Tắc kè dùng tươi chữa gầy còm, kém ăn, mệt mỏi, ho, hen suyễn, dưới dạng cháo ăn hàng ngày với liều 50 – 100g; dạng bột tắc kè, ngày uống 4 – 8g chia làm 2 – 3 lần; dạng tắc kè – mật ong (viên), ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 – 2 viên.
Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Tắc kè phơi khô chữa tê thấp, yếu sinh lý, đau mình, đái nhắt, dưới dạng rượu ngâm (3 – 4 con tắc kè đã chế biến trong một lít rượu 40°. Thêm trần bì cho thơm). Ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần một cốc nhỏ.
Có người còn ngâm tắc kè chung với chim bìm bịp và một số dược liệu khác.
NHỮNG CẤM KỴ KHI DÙNG THUỐC:
Người nào bị ho hoặc hen suyễn do ngoại cảm phong hàn kiêng dùng.
BÀI THUỐC
Chữa suy nhược cơ thể, ho lâu ngày, chân tay nhức mỏi, đau lưng, mỏi mệt:
Tắc kè (24g), đảng sâm (40g), huyết giác (30g), trần bì (3g), tiểu hồi (1g), đường kính (60g). Tắc kè đã chế biến và phơi khô ngâm với tiểu hồi trong rượu 40° để được 300ml. Đảng sâm, huyết giác, trần bì cũng ngâm với rượu 40°, được 700ml. Tất cả ngâm trong 10 – 15 ngày. Hòa lẫn hai rượu với nhau, thêm đường đã nấu thành sirô để được một lít thành phẩm. Lọc kỹ.
Ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 15 – 20 ml sau bữa ăn hay trước khi đi ngủ.
CÁC BÀI THUỐC BỔ DƯỠNG THƯỜNG DÙNG:
Cáp giới tửu (Rượu tắc kè)
Tắc kè 1 đôi (bỏ đầu, chân, vẩy)
Hoàng tửu 500ml.
Ngâm trong 7 ngày sau đem ra uống, ngày 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa canh.
Dùng cho người thận hư lưng đau, đái nhiều.
Cáp giới trùng thảo tán (Thuốc bột tắc kè đông trùng hạ thảo)
Tắc kè 1 đôi
Đông trùng hạ thảo 50g
Đông trùng hạ thảo là tên 1 loài nấm, ký sinh trong ấu trùng của loài côn trùng cánh có vẩy, ấu trùng bị hại chui vào trong đất vào mùa đông, dần dần hình thành hạt nấm, sang mùa hè, từ hạt nấm hoặc xác ấu trùng mọc lên cơ quan sinh sản của loài nấm đó, trông y hệt cỏ, cho nên gọi là ” đông trùng hạ thảo, đông y dùng làm thuốc bổ, có tác dụng bồi bổ rất tốt đối với cơ thể. Đông trùng hạ thảo còn gọi tắt là “trùng thảo”.
Sấy nhỏ lửa cho khô, nghiền chung thành bột. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 – 2 thìa canh, uống bằng nước sôi ấm.
Dùng để chữa các trường hợp hư tổn trong cơ thể.
Cáp giới đồn băng đường (Tắc kè hầm đường phèn)
Tắc kè vài con – Đường phèn 15g
Tắc kè sấy khô nghiền bột. Mỗi lần lấy 5g bột hầm với đường phèn, uống ngày 1 lần. Uống liên tục từ 20 đến 30 ngày.
Dùng cho người hen phế quản, thấy rõ phế hư, thận hư.
Cáp giới đồn trư nhục (Tắc kè hầm thịt lợn)
Tắc kè tươi một con (bỏ lòng ruột, rửa sạch)
Thịt lợn 30g (thái vụn)
Cho mờ, muối vào hấp chung cho chín mà ăn.
Dùng cho trẻ con bị cam tích, hoặc cơ thể gầy yếu, có thể uống thường xuyên.
Cáp giới nhân sâm chúc (Cháo nhân sâm tắc kè)
Bột tắc kè 2g – Gạo nếp 50 – 100g
Bột nhân sâm 3g
Gạo nếp nấu cháo loãng. Cháo chín cho bột nhân sâm tắc kè vào trộn đều, uống nóng.
Dùng cho người phế hư, thận hư, ho suyễn, mặt nặng, chân tay phù nề.
Cáp giới dương phế thang (Thang tắc kè, phổi dê)
Bột tắc kè 6g – Phổi dê 100g
Phổi dê hầm làm thang, sau khi chín cho bột tắc kè vào đánh đều, cho muối vào cho vừa, ăn thịt uống thang.
Dùng cho người thân thể hư nhược, ho lao phổi.
Cáp giới hải phiến tiêu tán (Thuốc bột tắc kè, mai mực)
Tắc kè một đôi – Mai mực 250g
Cả hai tán thành bột mịn, cho thêm đường trắng 500g trộn đều, chia làm 24 phần. Uống ngày 2 lần vào 2 buổi sớm, tối, mỗi lần 1 phần.
Dùng cho người viêm phế quản cấp tính và mạn tính.
Cáp giới tráng dương tán
Tắc kè 2 đôi – Hồng sâm 50g
Đông trùng hạ thảo 100g – Thỏ ti tử 90g
Nhâm dương hoắc 250g
Tắc kè và hồng sâm dùng rượu gạo ngâm cho nhuận, phơi cho khô, nghiền chung với 3 vị thuốc kia thành bột. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 5g.
Dùng cho người bị liệt dương, xuất tinh sớm.
Cáp giới bổ cốt chi tán (Thuốc bột tắc kè bổ cốt chi)
Tắc kè 1 đôi – Bổ cốt chi 25g
Tắc kè rang kỹ sấy khô, nghiền chung với bổ cốt chi thành bột. Uống ngày 3 lần, mỗi lận 2g, uống bằng rượu nóng.
Dùng cho các bệnh Ịiệt dương, đau lưng, di tinh, đái nhiều, phế hư hen suyễn.
Cáp giới bình suyễn tán (Thuốc bột tắc kè chữa hen)
Tắc kè 1 đôi – Đảng sâm 60g
Tang bạch bì 60g – Hạnh nhân 150g
Phục linh 60g – Tri mẩu 60g
Cam thảo sao 150g – Bối mẫu 60g
Nghiền chung thành bột. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần l-2g.
Dùng cho người già phế hư thể nhược, phế hư, ho suyễn v.v…
Cáp giới định suyễn thang (Thang tắc kè chữa hen phế quản)
Tắc kè 3-6g – Phụ tử 10g
Bổ cốt chi 15g
Sắc uống ngày 1 thang chia ba lần.
Dùng cho người hen phế quản.
Cáp giới bạch cập tán (Thuốc bột tắc kè bạch cập)
Tắc kè 1 đôi – Bạch cập 60g
Đun nhỏ lửa sấy khô, nghiền chung thành, bột. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 9g, uống bằng nước sôi ấm.
Dùng cho người lao phổi, ho ra máu.
Cáp giới xuyên bối tán (Thuốc bột tắc kè xuyên bôi)
Tắc kè 1 đôi – Bách hợp 20g
Đông trùng hạ thảo 20g – Bạch cập 20g
Xuyên bối 20g
Đun nhỏ lửa sấy khô, nghiền chung thành bột. uống ngày 2 lần, mỗi lần 3g, uống với nước sôi nóng.
Dùng cho người bị lao phổi.