Sinh địa

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học:

Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.

Tên khác:             Địa hoàng

Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

Tên tiếng trung: 生地黄

MÔ TẢ

Cây Địa hoàng
Cây Địa hoàng

Cây thảo, có rễ củ mập, màu nâu đỏ nhạt. Thân rất ngắn. Lá mọc ở gốc xếp thành hình hoa thị, mép có răng cưa tròn không đều, gân lá chằng chịt hình mạng làm cho lá như bị rộp phồng ở mặt trên và hơi lõm ở mặt dưới, hai mặt có lông nhỏ mịn, mặt dưới đôi khi có màu đỏ.

Hoa mọc thành chùm dài thẳng đứng, rất cách nhau ở phần dưới, màu đỏ tím, đài hình chuông, 5 răng nhọn; tràng có 5 cánh tròn, hợp lại thành ống hơi cong; nhị 2.

Quả bế, hình cầu chứa nhiều hạt nhỏ, màu nâu nhạt. Toàn cây có lông nhỏ mềm.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Sinh địa có nguồn gốc từ vùng ôn đới ẩm của Trung Quốc.

Ở Việt Nam, cây được nhập trồng vào năm 1958 và sớm thích nghi với thời tiết nóng, ẩm ở các tỉnh miền Bắc. Từ năm 1980, sinh địa được đưa vào trồng ở các tỉnh phía Nam, nhưng ít kết quả. Thời kỳ phát triển của sinh địa mạnh nhất vào những năm 70 – 90, sau đó bị đình đốn.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Vị thuốc Sinh địa
Vị thuốc Sinh địa

Rễ củ sinh địa, thu hái ở cây trồng được 5 – 6 tháng, đem về, rửa nhanh, để ráo nước, rồi sấy cho rễ mềm (lúc nào thấy mặt cắt của rễ có màu đen và dính là được). Phơi hay sấy nhẹ cho khô.

Sinh địa thường được chế thành thục địa để dùng theo cách làm cụ thể sau: Lấy những củ sinh địa nhỏ hoặc rễ nấu thành nước đặc rồi tẩm vào những củ sinh địa to, đem đồ, phơi, xong lại tẩm, phơi cho đến khi hêt nước tẩm. Làm được 9 lần (cửu chưng, cửu sái) thì tốt. Hoặc nấu sinh địa với nước và rượu 40°, đun nhỏ lửa cho cạn, luôn đảo đều cho củ ngấm. Nấu lại lần thứ hai, thêm gừng. Làm đến khi dược liệu có màu đen nhánh là được.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ củ sinh địa chứa catalpol, các rehmaniosid A, B, c, D; các đường glucose, íructose, sucrose, raíinose; aucubin, p-sitosterol, daucosterol, các acid sucinic, acid palmitic, campesterol, caroten…

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Sinh địa dưới dạng nước sắc có tác dụng điều hòa hoặc kích thích miễn dịch theo như kinh nghiệm y học cô

truyền, có hoạt tính hạ đường huyết trên động vật thí nghiệm và tác dụng an thần, lợi tiểu.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Sinh địa có vị ngọt đắng, tính lạnh, có tác dụng sinh huyết, thanh nhiệt, mát máu, chữa thiếu máu, nóng trong, háo khát, băng huyết, kinh nguyệt không đều, viêm họng, đái tháo đường.

Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc.

Thục địa có vị ngọt, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng dưỡng huyết, bổ thận, chữa liệt dương, di tinh, suy nhược cơ thể, ho suyễn, khát nước, làm sáng mắt, đen tóc. Liều dùng hàng ngày: 8 – 16g, dưới dạng thuốc sắc hoặc rượu ngâm.

Dùng ngoài, sinh địa giã nát, đắp chữa sưng vú, bắp chuối.

BÀI THUỐC

  • Chữa sốt cao, co giật: Sinh địa (20g), lá hẹ (10g). Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống làm một lần trong ngày.
  • Chữa viêm họng, miệng khô khát, sốt nóng: Sinh địa (12g), mạch môn (10g), huyền sâm (10g), cam thảo (8g). Các vị thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.
  • Thuốc bổ cho phụ nữ sau đẻ: Thục địa (16g), ích mẫu (16g), hà thủ ô đỏ (20g), sâm nam (12g). sắc uống ngày một thang.
  • Thuốc bổ huyết, điều kinh: Thục địa (16g), đương quy (10g), bạch thược (10g), xuyên khung (5g). sắc uống ngày một thang.
  • Thuốc bổ toàn thân: Thục địa (20g), thiên môn (20g), đảng sâm (10g). Thục địa và đảng sâm thái nhỏ, ngâm với 100ml rượu 35° trong 10 – 15 ngày. Thiên môn thái mỏng, phơi khô, sắc với nước, cô thành cao lỏng, thêm 150g đường kính, cô lấy 400ml cao. Để nguội, hòa cao thiên môn với rượu sâm thục.

Ngày dùng 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn nửa giờ. (Thuốc dùng rất tốt cho người cao tuổi).

Theo “Dược phẩm vựng yếu”

Sinh địa hoàng

Khí vị:

Vị ngọt, đắng, rất hàn, không độc, vào kinh Thủ thiếu âm và Túc thái âm, tính chìm mà giáng xuống, là âm dược. Ghét Bối mẫu, sợ Vu di, kỵ những đồ dùng bằng sắt hoặc đồng, nếu phạm vào thì tiêu hao tạng Thận, bạc tóc, đàn ông tổn vinh, đàn bà tổn vệ.

Chủ dụng:

Chủ trị lao thương, thông đại tiểu tiện, nuôi phần âm, lui phần dương, mát Tâm hỏa huyết nhiệt, chữa chứng lao nhiệt nóng trong xương, chứng ngũ tâm phiền nhiệt, nôn ra máu, chảy máu mũi, mắt lên mụn nhọt, phụ nữ kinh nguyệt khô bế, có thai ra huyết hoặc rong huyết, băng huyết, phàm nhiệt của Phế kinh hiện ra mạch hồng, nhiệt nhiều thì đều dùng được. Có người nói bổ cho 5 tạng mà thêm sức lực.

Hợp dụng:

Cùng dùng với Mạch môn thì đi vào Tâm và Thận, lại nói giải Rượu rất tốt, cùng sao với nước Gừng thì không nê trệ trong ngực, không trệ đờm đặc.

Cấm kỵ: Phàm chứng Tỳ và Vị có hàn thì nên dùng ít, Trung tiêu hư hàn thì cấm dùng (sợ hại cho Tỳ và Vị).

Cách chế:

Cho vào nước thử, hễ thấy nổi lên là Thiên hoàng, nếu chìm một nửa là Nhân hoàng, đều không dùng được, củ nào chìm mới là Địa hoàng, để sống thì rất hàn, phơi khô thì hơi hàn, nướng khô thì hơi ôn, sao với nước Gừng thì khỏi nê trệ đờm ở cách mạc, thái lát tẩm Rượu phơi khô mới có thể cho vào

thuốc bổ Tỳ. Cũng như Bạch truật, theo từng loại của nó, chung vào thang thuốc thì thành công được.

Nhận xét:

Sinh địa bẩm thụ khí nhất dương giữa mùa Đông để sinh, lại bẩm thụ cả hỏa khí của đât để lớn lên, màu vàng là màu của hành Thổ, vị ngọt thì vào được Tỳ, đắng thì vào được Tâm, cho nên chuyên chủ dùng cho Tâm và Tỳ. Đan Khê nói: Sinh địa so với Thục địa lại tuyên thông mà không trệ, phàm chứng nhọc mệt tổn thương đến Tỳ thì trong thuốc làm cho Tỳ đầy đủ nên dùng nó một vài phần để giữ vững khí của Tỳ.

Phụ

THỤC ĐỊA HOÀNG

Khí vị:

Vị ngọt, hơi ôn, không độc, thuốc chủ yếu của kinh Thiếu âm, chìm mà giáng xuống, là âm dược. Có thuyết nói: vào kinh Thủ thiếu âm, Túc thiếu âm, Thủ quyết âm, Túc quyết âm. ủy kỵ cũng như Sinh địa hoàng.

Chủ dụng:

Rất bổ cho huyết suy, tư bổ cho Thận thủy, đầy xương tủy, thêm chân âm, chuyên chủ bổ nguyên khí của Thận, kiêm chữa cả kinh Can, ngã gãy đứt gân, bị thương tổn ở trong, chứng ngũ lao, thất thương, chứng huyết tý, 5 tạng tổn thương, bố chỗ tuyệt, nối chỗ đứt, thông mạch máu, thêm khí lực, sáng tai mắt, xanh tóc, râu, lui hư nhiệt mà nhuận táo, bổ tinh huyết mà điều kinh nguyệt, chữa chứng đùi vế và ống chân đau sau khi bị thương hàn có công hiệu khác thường, phụ nữ sau sinh bụng và rốn đau gấp dùng nó có hiệu quả ngay. Là vị thuốc trọng trọc ở trong thuốc trọng trọc, có tác dụng mạnh gân xương, bệnh nội thương, bệnh Can, Thận đều phải dùng nó.

Hợp dụng:

Mạch ở 2 bộ Xích kém (nhất là bộ Xích bên hữu kém) thì dùng Quế, Phụ làm tá, mạch ấy quá thịnh thì dùng Tri, Bá làm tá.

Cấm kỵ: Dùng nó độc vị thì nê trệ, làm cho đầy bụng, chứng đờm thịnh thì dùng phải cẩn thận, chứng bên trong có hàn sinh bĩ đầy, đi ngoài thì hoàn toàn cấm dùng.

Cách chế:

Dùng nửa nước, nửa Rượu nấu chín, phơi khô cả nước, lại nấu, lại phơi 9 lần là được.Nếu cho vào trong thuốc chữa Tỳ hư nên sao thơm hãy dùng, chứng có đờm thì sao với nước Gừng.

Nhận xét:

Thục địa hoàng là thuốc chủ yếu để bổ Thận, thuốc tốt nhất để dưỡng âm, Lục vị hoàn dùng nó làm quân là căn bản ở hành Thủy do trời số một (thiên nhất) sinh ra, Thang Tứ vật dùng nó làm quân là ý nghĩa “Ất Mộc” với “Quý Thủy” cùng chung một nguồn (Ất Quý đồng nguyên). Người bây giờ nấu Thục địa một lần là sai lầm vì nó bẩm tính thuần âm của phương Bắc mà sinh ra, không có ánh lửa và mặt trời cùng luyện chung thì không chín được, tính hàn lương của nó chưa hết. Cho nên Thục địa bào chế không cẩn thận chẳng những dùng không ích lợi gì mà còn hại đến khí của Tỳ Vị, chứng nhiệt thuộc hư còn tạm chịu được, chứ chứng hàn thuộc hư thì bệnh chuyên nặng ngay, ngấm ngầm tổn hại mà không biết, thực là đáng tiếc. Do đó Địa hoàng hoàn phải bào chế hết sức cẩn thận.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Tiểu nhi dược chứng trực quyết”

Bài Lục vị địa hoàng thang

Thục địa 16g, Hoài sơn 8g, Sơn thù 8g, Bạch linh 6g, Đan bì 6g, Trạch tả 6g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng bổ âm của Can Thận.

Trị Can Thận bất túc, Thận âm khuy tổn, lưng đau, gối mỏi, mắt hoa, mắt đau, tai ù, di tinh, tiêu khát, họng đau, sa Dạ con, yếu

sinh lý, hiếm muộn và trẻ em phát dục không tốt thuộc thể Can Thận âm hư, họng khô, lưỡi đỏ, rêu ít, mạch xích bên tả vi tế.

“Y tông kim giám”

Bài Tri bá địa hoàng thang

Là bài Lục vị địa hoàng thang thêm Tri mẫu, Hoàng bá.

Có tác dụng Tư âm, tả hỏa.

Trị âm hư, hỏa vượng, sốt âm ỉ trong xương, sốt kéo dài, ra mồ hôi trộm. Bài này tả hỏa rất mạnh, dùng cho trường hợp thực nhiệt, có hỏa độc.

“Y cấp”

Bài Kỷ cúc địa hoàng thang

Là bài Lục vị địa hoàng thang thêm Cúc hoa, Kỷ tử.

Có tác dụng tư Thận, dưỡng Can.

Trị Thận âm hư, Can hỏa vượng, sinh ra hoa mắt, mờ mắt, đau đầu, chóng mặt, suy nhược thần kinh, cao huyết áp.

“Thọ thế bảo nguyên”

Bài Mạch vị địa hoàng thang

Là bài Lục vị địa hoàng thang thêm Mạch môn, Ngũ vị tử.

Có tác dụng bổ Thận, tư Phế. Trị Phế Thận âm hư sinh khô khát, viêm đường hô hấp trên, ho, ho ra máu, sốt về chiều, đêm ra mồ hôi trộm, viêm mũi dị ứng, táo bón, kinh nguyệt sắc sẫm đen, kinh nguyệt không đều, động thai, sẩy thai do Can Thận âm hư quả, nam giới sinh lý yếu, hiếm muộn, tai ù, mắt mờ.

“Thẩm thị giao hàm”

Bài Minh mục địa hoang thang

Là bài Lục vị địa hoàng thang thêm Sài hồ, Đương quy, Kỷ tử, Cúc hoa, Bạch tật lê, Quyết minh tử, Ngũ vị tử, Thạch quyết minh. Thận dương hơi kém thêm Nhục quế. Có tác dung tư bổ Can Thận, tiêu phong nhiệt, làm sáng mắt.

Trị các chứng mắt khô, mắt mờ, quáng gà, huyết áp cao thể âm hư hỏa vượng, hoặc hỏa bốc.

“Cảnh Nhạc toàn thư”

Bài Tả quy hoàn

Thục địa 320g, Sơn thù 160g, Sơn dược 160g, Câu kỷ tử 160g, Quy bản giao 160g, Lộc giác giao 160g, Thỏ ty tử 160g, Ngưu tất 120g.

Cách chế:

Nấu Thục địa cho nhừ nát, giã thành cao, trộn bột các vị thuốc khác vào, thêm Mật làm hoàn to bằng hạt Ngô đồng, mỗi lần uống 50-100 hoàn, trước bữa ăn, ngày 2 lần.

Có tác dụng bổ Can Thận, ích tinh huyết.

Chữa người suy nhược lâu ngày, người lớn tuổi Can Thận, tinh huyết hư tổn, thân thể gầy mòn, lưng gối đau mỏi, hoa mắt, di tinh. Bài này và bài Lục vị địa hoàng hoàn công dụng hơi giống nhau. Nhưng Lục vị địa hoàng hoàn có bổ, có tả, còn bài này bổ mà không tả, dùng trị tinh tủy đều suy.

“Kim quỹ yếu lược”

Bài Đại hoàng giá trùng hoàn

Đại hoàng 10g, Đào nhân 40g, Giá trùng 80g (sấy giòn), Hạnh nhân 40g, Hoàng cầm 80g, Bạch thược 160g, Can địa hoàng 400g, Manh trùng 40g (sấy giòn), Can tất 40g, Thủy diệt 100 con (sấy giòn), Tề tào 40g, Cam thảo 120g.

Tất cả cùng tán nhỏ, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.

Có tác dụng trừ huyết khô (huyết chết), sinh huyết mới.

Chữa hư lao gầy còm, bụng đầy không ăn được; huyết khô ứ đọng ở trong, da dẻ tróc vảy, hai mắt có quầng đen xạm.

Trên lâm sàng dùng chữa tắc mạch máu chi (tắc mạch máu ở đầu ngón chân, ngón tay; gây hoại tử đau đớn).

“Kim quỹ yếu lược”

Bài Bát vị địa hoàng hoàn

Thục địa hoàng 240g, Son thù du 120g, Hoài sơn dược 120g, Trạch tả 90g, Bạch linh 90g,

Mầu đơn bì 90g, Hắc phụ tử 30g, Nhục quế 30g.

Chú ý: Có lúc dùng Quế chi thay Nhục quế. Hải Thượng Lãn Ông thường gia thêm Mạch môn, Ngưu tất, Ngũ vị tử.

Thục địa nấu nhừ, giã nát thành cao, các vị khác tán nhỏ, tất cả trộn đều, thêm Mật làm hoàn. Liều uống 12-16g, ngày 2 lần.

Có tác dụng bổ Mệnh môn hỏa, ích Can, Thận.

Trị Thận dương bất túc, lưng gối lạnh đau, bụng đau, tiểu tiện không lợi hoặc tiểu không tự chủ, ban đêm tiểu tiện nhiều và các hiện tượng Thận dương hư suy như ho đờm, tiêu khát, thủy thũng, tiêu chảy lâu ngày, quan cách, phiên vị, chất lưỡi nhạt dày, mạch 2 bộ Xích vi tế.

Trên lâm sàng thường gia giảm bài này, dùng chữa viêm tiết niệu cấp và mạn tính, viêm teo Thận mạn tính, huyết áp cao hoặc huyết áp thấp, u xơ Tiền liệt tuyến, thần kinh suy nhược, viêm Phế quản mạn, viêm họng mạn, tràn dịch Phổi, loét Tá tràng, mắt có màng, đục thủy tinh thể, rối loạn kinh nguyệt, suy sinh dục, hiếm muộn, viêm sa Dạ con, Dạ con xuất huyết cơ năng, hội chứng addison, thoái hóa khớp, mề đay, miệng lở loét…

Hải Thượng Lãn Ông gọi bài này là Thủy hỏa thần đan, thường gia thêm Ngưu tât, Mạch môn, Ngũ vị tử, lại gọi là thuốc thần cho tính mạng, có thể chữa được bách bệnh.

Nếu hỏa chưa hư nhiều có thể không dùng Phụ tử,là bài Thất vị địa hàng hoàn.

Bài Ngưu xa thận khí hoàn

Là bài Bát vị thận khí hoàn thêm Ngưu tất, Xa tiền tử. So với bài Bát vị thận khỉ hoàn thì bài này lợi thủy, tiêu thũng mạnh hơn. Những người già yếu, đau lưng, tiểu ít, có thể phù thũng,

liệt dương, người mệt mỏi, chân tay lạnh nên dùng bài này. Người phì đại Tiền liệt tuyến cũng có thể dùng bài này.

Vì tính của Ngưu tất giáng xuống nên người di tinh, mộng tinh, băng huyết đừng uống, người ăn uống kém ngon, ỉa chảy cũng không nên dùng.

“Tuyên minh luận”

Bài Địa hoàng ẩm tử

Thục địa 18g, Sơn thù du 6g, Ba kích thiên 6g, Nhục thung dung 6g, Hắc phụ tử 2-3g, Nhục quế lg, Thạch hộc 6g, Mạch môn 6g, Ngũ vị tử 3g, Thạch xương bồ 6g, Viễn chí 6g, Bạch linh 6g, Sinh Khương 1 nhát, đại táo 1 quả.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng bổ Thận, ích tinh, hóa đờm, khai khiếu.

Trị bại liệt, lưỡi cứng không nói được, miệng khô, không muốn uống, rêu lưỡi nhờn, mạch trầm, tế nhươc.

Trên lâm sàng dùng bài này gia giảm chữa xuất huyết não, trị mi mắt co giật, trị huyết áp cao do xơ cứng động mạch Thận, chức năng Thận bị suy mạn tính (thêm Bán hạ), trị xơ cứng động mạch não, trị rối loạn tiểu não, trị bênh Pakinson (thêm Nam tinh), trị bệnh ở cột sống (viêm tủy, hở đốt sống bẩm sinh), trị di chứng viêm não Nhật bản

Trên lâm sàng, nếu chỉ có chân yếu liệt có thể bỏ Xương bồ, Viễn chí. nếu hiện chứng âm hư, đờm hỏa thịnh thì bỏ các loại thuốc ôn táo như Nhục quế, Phụ tử, thêm Bối mẫu, Trúc lịch, Đởm tinh, Thiên trúc hoàng để thanh hóa nhiệt đờm.

“Cảnh Nhạc toàn thư” Bài Hữu quy ẩm

Bài Hữu quy ẩm

Thục địa 8-12g, Sơn dược (sao), Câu kỷ tử, Đỗ trọng (chế Gừng), Sơn thù, Chích Cam thảo đều 8g, Nhục quế 4g, Hắc Phụ tử 2g. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng ôn Thận, chân tinh.

Trị Thận dương bất túc, chân tay lạnh, giả nhiệt.

Gia giảm: Khí hư huyết thoát, ra mồ hôi nhiều, chóng mặt, hơi thở ngắn, thêm Nhân sâm, Bạch truật.

Hỏa suy không sinh được thổ gây nên nôn mửa, nuốt chua thêm Can khương.

Dương khí suy, đại tiện lỏng, đau bụng thêm Nhân sâm, Nhục đậu khấu.

Bụng dưới đau thêm Ngô thù. Tiểu không tự chủ, đới hạ thêm Phá cố chỉ.

Huyết kém, huyết trệ, thắt lưng đau gối mỏi thêm Đương quy.

Trên lâm sàng thường dùng trị huyết áp cao, suy giảm miễn dịch, rối loạn vận mạch, tinh dịch dị thường, lupus ban đỏ.

“Tâm đắc thần phương” Hải Thượng Lãn Ông

Bài Toàn chân nhất khí thang

(Còn gọi là cứu âm thang)

Thục địa 8đ (đại tiện lỏng thì sao khô rồi hãy dùng)

Bạch truật 3đ, Tỳ hư 5đ (sao vàng hạ thổ, âm hư tẩm sữa sao). Nhân sâm 2đ (nếu nguyên khí hư quá có thể dùng tới 1 -2 lạng, nếu mạch hồng thì không dùng).

Mạch môn 3đ (Vị hàn thì sao với gạo nếp, Tỳ yếu, Phế hư thì giảm đi), Ngũ vị tử 0,5đ, Ngưu tất 2đ, Hắc phụ tử l,2đ.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

CHỦ TRỊ: Trúng phong bệnh nặng, âm hư phát nhiệt, thổ huyết, ho, tất cả các chứng hư lao rất nặng, cùng chứng ban chẩn trầm trọng, trên suyễn dưới tả, trên thực dưới hư, trên nhiệt dưới hàn, uống vào liền khỏi. Đây là một phương tư âm giáng hỏa rất hay, sau khi tính giả nhiệt đã lui, tính chân hàn xuất hiện thì chớ uống nhiều, lại gây ra chứng hư hàn ỉa chảy. Gia giảm:Người háo bội Thục địa, Phế nhiệt tăng Mạch môn, Tỳ

hư tăng Bạch truật, dương hư bội Phụ tử, nguyên khí hư nhiều bội Nhân sâm, trên có chứng giả dương bỏ Nhân sâm, gân cốt yếu thì thêm Đỗ trọng 3đ. Cách gia giảm ở trong đó cũng là theo ý: bổ Hỏa ở trong Thủy, tàng Dương ở trong Thổ, lập phương theo lý luận: Thổ, Kim, Thủy cùng một khí hóa sinh ra.

Gia vị duy nhất chỉ một vị Đỗ trọng mà thôi.

“Tâm đắc thần phương”-Hải Thượng Lãn Ông

Bài Dưỡng vinh quy tỳ thang

Thục địa 8đ, Táo nhân 1đ, Bạch linh 1,5đ, Ngưu tất 2đ, Mạch môn 2đ (sao với gạo), Bạch truật 3đ, Bach thược l,2đ, Ngũ vị lđ, Nhục quế 8 phân.

Gia Đăng tâm, Liên từ, sắc, chia uống vài lần trong ngày.

CHỦ TRỊ: Tất cả các chứng ngũ lao, thất thương, phát sốt, ho, thổ huyết, hâm hấp sốt, biếng ăn, mỏi mệt, mạch Thốn hồng, Xích nhược.

Bài này phối hợp cả 2 phương Dưỡng vinh và Quy tỳ, gia thêm Mạch môn, Ngũ vị để liễm nạp Phế khí, thêm Ngưu tất để trọc âm đi xuống và để chữa chứng phát nhiệt mà thổ huyết. Bài này không dùng Nhân sâm là vì không muốn hỏa mạnh lên, sẽ làm cho âm càng hư, khó khỏi ho và thổ huyết.

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Tư huyết nhuận tràng thang

Đương quy 8g, Sinh địa 8g, Đào nhân 8g, Bạch thược 6g, Chỉ thực 4-6g, lá Hẹ 5g, Đại hoàng 2-6g, Hồng hoa 2g.

Chủ trị: Dùng cho người ruột khô, máu chết ở trong bụng, sinh táo bón, không dùng được thuốc tả hạ như Tiểu thừa khí thang, Đại thừa khí thang. Ấy là bệnh của người ung thư Thực quản, Dạ dày, thức ăn không tiêu. Người già xơ cứng động mạch, bí đại tiện cũng có thể dùng bài này (bỏ Hẹ, Hồng hoa, Bạch thược; thêm Hạnh nhân, Hậu phác, Hoàng cầm, Vừng).

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận