Sắn dây – Cách dùng, Tác dụng chữa bệnh của sắn dây

Vị thuốc Đông y

SẮN DÂY

Tên khác:            Bạch cát, khau cát (Tày), bẳn mắm kéo (Thái)

Tên khoa học: Pueraria lobata (Willd.) Ohwi Họ Đậu (Fabaceae).

MÔ TẢ

Cây sắn dây
Cây sắn dây

Dây leo, có rễ củ mập, dài. Thân hơi có lông. Lá kép, 3 lá chét, mọc so le, lá chét đôi khi chia thùy, lá chét giữa lớn hơn, hai mặt có lông, gân gốc 3, cuống lá kép dài; lá kèm hình mác.

Cụm hoa mọc thành chùm dài ở kẽ lá; hoa màu xanh lơ hoặc xanh tím, có mùi thơm; đài 4 răng hình chuông; tràng có cánh ngắn, cánh cờ rộng, có tai; nhị 1 bó; bầu có lông mịn.

Quả đậu dẹt, thắt lại giữa các hạt, phủ lông màu vàng nâu.

Mùa hoa quả: tháng 9 – 12.

Vị thuốc Cát căn (sắn dây)
Vị thuốc Cát căn (sắn dây)

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, sắn dây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á bao gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, sắn dây được trồng từ lâu đời ở đồng bằng và miền núi. Cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển được trên nhiều lọại đất. ở miền núi, đôi khi người ta cũng khai thác và sử dụng cây sắn dây mọc hoang, nhưng rễ này thường nhỏ, gầy, ít bột, nhiều xơ và có vị hơi đắng.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Củ sắn dây
Củ sắn dây

Rễ củ, thu hái từ tháng 12 đến tháng 3 – 4 năm sau, lúc quả chín già. Đem về, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con và cạo lớp vỏ ngoài, rồi chế biến ngay, vì để quá 3 ngày rễ có màu bã trầu làm phẩm chất giảm và để lâu hơn, rễ sẽ thối hỏng.

Có hai cách chế biến:

  1. Cát căn phiến: cắt rễ sắn dây thành khúc dài 10 – 20cm. Nếu rễ to thì bổ đôi theo chiều dọc. Hoặc thái rễ thành từng miếng dày 0,5 – 1cm. Xông diêm sinh trong 1 ngày 1 đêm. Phơi hoặc sấy khô. Bảo quản trong thùng sạch, kín.
  2. Bột sắn dây: Rễ cắt thành khúc, giã thật nhỏ nhuyễn rồi cho vào chậu nước sạch. Vò nát và vắt kiệt lớp xơ, làm nhiều lần như vậy để lấy hết tinh bột. Dồn nước có bột thô sắn dây lại, để lắng. Chắt bỏ nước, gạn lấy tinh bột. Tiếp tục khuấy bột với nước sạch nhiều lần đến khi được bột trắng thì thôi. Đem bột tãi mỏng, phơi nắng hoặc sấy khô. Khi dùng, ướp hoa nhài hoặc hoa bưởi cho thơm.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ sắn dây chứa puerarin, daidzehi, daidzin, genistin, các hợp chất glucosid nhân thơm như puerosid A và puerosid B, kudzusaponin, sophoradiol…

Hoa sắn dây chứa saponin triterpenic.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Cao sắn dây dùng bằng đường uống trên súc vật thực nghiệm có tác dụng hạ nhiệt, giảm sốt rõ rệt và giảm đau.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong y học cổ truyền, sắn dây được dùng với tên thuốc là cát căn, có vị ngọt, cay, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, làm ra mồ hôi, kích thích tiêu hóa, tiêu độc chữa sốt nóng, khát nước, mẩn ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, kiết lỵ.

Liều dùng hàng ngày: 10 – 15 g cát căn hay 5 – 10g bột sắn dây. Dùng cát căn dưới dạng nước sắc, còn bột sắn dây thì pha nước uống.

Hoa sắn dây (4 – 10g) sắc uống chữa say rượu, tiêu chảy, trĩ.

BÀI THUỐC

  • Chữa sốt rét, khát nước, không có mồ hôi: Cát căn (8g), đại táo (5g), ma hoàng (5g), gừng sống (5g), cam thảo (4g), quế chi (4g), bạch thược (4g). Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa đau đầu, sốt nóng, đau mình mẩy: Cát căn (10g), địa liền (5g), bạch chỉ (5g). Phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 10g chia làm hai lần.
  • Thuốc giải nhiệt, tiêu khát, tiêu độc: Rau má để tươi rửa sạch (20g), giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước rồi hòa 10g bột sắn dây. Thêm đường. Uống làm một lần. Ngày vài lần.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận