Nhung hươu

LỘC NHUNG

Tên khác:

Ban long châu (Đạm Liêu Phương), Hoàng mao nhung, Huyết nhung, Quan lộc nhung, Huyết nhung, huyết phiến, đại đỉnh phấn..

Tên khoa học: Cornus cervi Parvum. Họ khoa học:

Họ Hươu (Cervidae).

Nguồn gốc:

Đây là sừng non, chưa bị xương hoá và mọc lông nhung dầy đặc của con đực loài hươu sao hoặc hươu ngựa thuộc loài động vật họ hươu. Nhung hươu sao gọi là “hoa lộc nhung, nhung hươu ngựa gọi là “mã lộc nhung”. Hoa lộc nhung sản xuất chủ yếu ở Cát Lâm, Liêu Ninh v.v… hươu sao ngày nay chủ yếu là hươu nuôi; mã lộc nhung sản xuất chủ yếu ở Cát Lâm, Hắc Long Giang, Nội Mông, Tân Cương, Thanh Hải và Tứ Xuyên v.v… Sừng hươu là sừng con đực đã phát triển thành sừng xương hoá. Sừng hươu cho nước vào ninh thành keo, cô đặc lại, làm lạnh cho cứng, thái ra từng miếng để khô, gọi là lộc giác giao (keo sừng hươu). Bã sừng còn lại sau khi rút keo sừng hươu (lộc giác giao) ra, gọi là “lộc giác sương*’. Dương vật và tinh hoàn hươu gọi là lộc thận (cũng gọi là lộc tiên). Máu hươu khô gọi là lộc huyết.

Lộc nhung
Lộc nhung

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

  • Hoa lộc nhung (nhung hươu sao): Là sừng non của con hươu sao, chia ra làm 2 loại, gọi là “cứ nhung’ và “khảm nhung’.

Cứ nhung (nhung cưa). Có hình trụ tròn, phần lớn có từ 1 đến 2 nhánh, vỏ ngoài màu nâu đỏ hoặc màu gụ, có lớp lông nhung màu vàng đỏ hoặc màu vàng gụ dày đặc, thể nhẹ, mặt cưa trắng toát, mặt cắt có hình tổ ong nhỏ xíu, chung quanh bên ngoài không có chất xương. Mùi hôi tanh, vị hơi mặn.

Khảm nhung (Nhung chặt). Tức là nhung có dính cả xương sọ, phía trước xương sọ bằng phẳng, phía sau có một đôi xương hình vòng cung, xương sọ trắng toát, không có thịt sót lại, bên ngoài có da đầu, trên da có lớp lông nhung dầy đặc.

Hoa lộc nhung loại nào to, nhánh chính tròn, đầu mút mập, chất non, lông nhỏ, da màu nâu đỏ, trơn bóng có ánh quang là loại tốt.

  • Mã lộc nhung (nhung hươu ngựa): Là sừng non của loài hươu ngựa hình dáng thô, to hơn so với nhung hươu sao, phân nhánh khá nhiều, da màu đen xám, lông màu xám xanh hoặc màu vàng xám, thô mà thưa, phía ngoài chỗ miệng cưa có chất xương, mùi tanh, hôi, vị mặn. Loại nào nhung mập, thể nhẹ, phía dưới không có sợi suốt, mặt cắt lỗ chỗ tổ ong, lông màu be xám là loại tốt.

Bảo quản:

Vì hàm chứa chất albumin khá nhiều nên nhung hươu rất dễ bị mọt. Phương pháp bảo quản thông thường là nghiền cây tế tân thành bột, pha chế thành hồ, bôi vào các vết nứt, chỗ cưa nhung và chung quanh, sau đó sấy khô, đựng trong hộp gỗ, cùng cất giữ với tế tân, hoa tiêu.

Bào chế:

Sừng hươu, nai (chỉ có hươu đực, nai đực mới cho sừng) chia làm hai giai đoạn: sừng non và sừng già.

Sừng non của hươu gọi là nhung hươu hoặc lộc nhung (hoa lộc nhung là sừng non của hươu sao). Sừng non của nai là nhung nai hay mê nhung. Sừng non khi mới mọc là đoạn ngắn chưa phân nhánh, chất mềm, phủ đầy lông nhung mịn, màu vàng hồng hoặc vàng nâu, có rất nhiều mạch máu, gọi là huyết nhung (loại nhung quý nhất). Sau 2 – 3 tháng, sừng non nhú ra một nhánh (hay chạc) gọi là nhung yên ngựa. Một con hươu sao đực, khoảng 3 tuổi trở lên, mỗi năm cung cấp một cặp nhung nặng khoảng 700g tươi. Nhung của hươu nai săn bắn và nhung của hươu nai nuôi đều được sử dụng. Có người còn cho rằng mê nhung tốt hơn lộc nhung.

Sừng già hay gạc của hươu, nai gọi là lộc giác, sừng của hươu sao là hoa lộc giác. Bộ sừng lúc này phân nhánh đối xứng, mỗi bên có 2 – 4 chạc dài ngắn không đều, cong hướng về phía trước, độ to và dày giảm dần từ gổc đến ngọn, chất cứng chắc, nhẵn bóng, có những đường khía dọc màu nâu vàng. Hàng năm, sừng rụng vào mùa hạ do hươu, nai tự cọ vào cây. Người ta thu nhặt sừng này và sử dụng như sừng săn bắn được. Sừng rụng còn đế tốt hơn sừng không còn đế. Hươu, nai còn sống hoặc vừa săn bắn được cho sừng có chất lượng tốt hơn vì còn dính liền với xương đầu, gọi là nhung liên tảng.

Nhiều bộ phận khác của hươu, nai đôi khi cũng được dùng như thịt, huyết, chân và gân, đuôi, quả cật.

– Cách chế biến nhung hươu, nai:

Nhung hươu, nai thu hoạch được (nếu là nhung hươu, nai nuôi thì cưa chứ không chặt) đem đặt ngược trong vật đựng để máu bên trong sừng không chảy ra. Lấy cát rang nóng vừa phải (nóng quá làm nhung bị nứt, kém phẩm chất) rồi đổ vào nhung cho ngập đến sát mặt cắt. Khi cát nguội, đổ ra, rang tiếp rồi lại đổ vào nhung. Làm nhiều lần đến khi nhung khô thì thôi. Thời gian mất khoảng 2 – 3 ngày. Có thể dùng phương pháp sấy nhung ở nhiệt dộ 70 – 80°c trong nhiều giờ cho khô. Có nơi, người lại ngâm nhung vào nước sôi (chừa mặt cắt) trong 2 – 3 phút (lần đầu), vớt ra để nguội, ngâm tiếp nước sôi khoảng 5 – 6 phút (những lần sau) đến khi nhung rắn chắc lại, rồi phơi hoặc sấy khô.

Nhung hươu, nai phải được chế biến ngay, để tránh bị thối hỏng nếu để lâu. Khi dùng, tẩm nhung vào rượu cho mềm, thái mỏng, sấy khô, tán bột. Đựng bột trong hộp kín, có chất hút ẩm, chống sâu mọt.

– Cách chế biến cao ban long và lộc giác sương:

Luộc sừng (gạc) bằng nước phèn 1% trong 10-15 phút, cạo hoặc đánh rửa bằng bàn chải sắt cho sạch hết lớp đen vàng bám bên ngoài, đến khi sừng trắng ra. Cưa sừng ra từng khúc dài 5 – 6 cm, rồi chẻ thành những bản mỏng, rửa sạch, nếu còn tủy thì cạo sạch, rồi phơi thật khô. Sau đó, xếp sừng đã chẻ nhỏ vào thùng nhôm, ở giữa đặt một rọ tre để múc dịch chiết ra. Đổ nước cho ngập dược liệu chừng 10 cm. Đun sôi liên tục trong 24 giờ, nếu cạn nước cho thêm nước sôi vào, luôn giữ mức nước cho ngập sừng. Múc nước chiết lần thứ nhất, đem cô riêng, tiếp tục thêm nước sôi và đun sôi 24 giờ nữa.

Múc nước chiết lần thứ hai, cô riêng. Tiếp tục làm lần thứ ba. Khi nước chiết lần cuối cô gần được thì dồn số cao của hai lần trước vào đánh đều, cô tiếp đến khi được cao đặc. ĐỔ cao vào khay đã bôi dầu lạc hay mỡ lợn cho khỏi dính. Để nguội, cắt thành bánh. Ta được cao ban long hoặc lộc giác cao.

Lộc giác sương lại được chế bằng cách đốt sừng hươu, nai cho đen lại, tán nhỏ hoặc dùng bã sừng đã nấu cao ban long, tẩm với mật rồi sao vàng, tán bột.

Thành phần hóa học:

Trong Lộc nhung có đến 25 loại Acid Amin, Calci Phosphat, Calci Carborat, chất keo, Oestrogen, Testosteron và 26 loại nguyên tố vi lượng như Cu, Fe, Zn, Mg, Cr, Br, Coban, Kiềm… (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Pavelenco (Liên xô) lấy từ nhung các loại hươu nai ở Xiberi 1 số chất nội tiết gọi là ‘Lộc Nhung Tinh’ (Pantocrin), rồi chế thành thuốc uống hoặc tiêm mang tên Pantocrin (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Glycine, Lysine, Arginine, Aspartic acid, Glutamic acid, Proline, Alanine, Leucine (Phạm Ngọc Lâm, Trung Thảo Dược Thông Báo 1979, (8): 4).

+ Cholesteryl myristate, Cholesteryl oleate, Cholesteryl palmitate, Cholesteryl stearate, p-Hydroxybenzaldehyde, Cholesterol, Cholest-5-en-3b-ol-7-one (Hattori M và cộng sự, Sinh Dược Học Tạp Chí [Nhật Ban] 1989, 43 (2): 173).

+ Sphingomyelin, Ganglioside (Phan Lân Sĩ, Phúc Kiến Y Dược Tạp Chí, 1980, 2: 64).

+ Estradiol (Kim Thuận Đơn, Thụ Sản Khoa Học Thực Nghiệm 1979, (4): 24).

Tác dụng dược lý:

+ Báo Y Học Liên Xô tháng 2-1954, Rexetnikova A.D giới thiệu tác dụng của Lộc nhung như sau:

Lộc nhung có tác dụng tốt đối với toàn thân, nâng cao năng lượng công tác, giúp ăn ngủ ngon, bớt mệt mỏi, làm nhanh lành các vết thương, tăng sức lợi niệu, tăng nhu động ruột và bao tử, ảnh hưởng tốt đến việc chuyển hóa các chất Protid và Glucid.

Liều lượng khác nhau của Lộc nhung có tác dụng khác nhau đối với mạch máu tim: liều cao gây hạ huyết áp, biên độ co bóp của tim tăng, tim đập nhanh, lượng huyết do tim phát ra cũng tăng lên.

Tính vị:

+ Vị ngọt, tính ôn (Trung Dược Học).

+ Vị ngọt, mặn, tính ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Vị ngọt, tính ôn (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Quy kinh:

+ Vào kinh Thận, Can, Tâm và Tâm Bào (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Vào kinh Can, Thận (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Vào kinh Can, Thân, Tâm, Tâm bào (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Công dụng:

Có công hiệu tráng thận dương, ích tích huyết, cường gân cốt, điều chỉnh, giải độc cho cơ thể. Thích hợp với các bệnh liệt dương, hoạt tính, cùng lãnh không có mang, huyết hư hoa mắt, đau thắt lưng, xương sống, gân cốt mềm yếu, thần kinh mệt mỏi, sợ rét, băng lậu, đới hạ, âm thư bất liễm và trẻ con phát dục không bình thường v.v…

Liều dùng:

Lộc nhung không cho vào thuốc sắc, chỉ tán nhỏ, hòa uống riêng từ 1,2 – 4g.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào âm hư dương cang, huyết phân hửu nhiệt, hoặc phổi có đờm nóng và có hoả trong dạ dày kiêng dùng; người nào ngoại cảm phát nhiệt, lưỡi đỏ, tưa lưỡi vàng kiêng không dùng.

Đơn thuốc nhung hươu chữa bệnh:

  • Chữa thổ huyết, nôn ra máu, dạ dày và ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, kinh nguyệt nhiều: Cao ban long (4g), bồ hoàng (phấn hoa cỏ nến, 5g), cam thảo (2g). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa thiếu máu, suy nhược thần kinh, di mộng tinh: Lộc giác sương (260g), thỏ ty tử (260g), hà thủ ô đỏ (260g), cám nếp (260g), hạt sen (130g), ngải cứu (80g), đậu đen (80g), màng mề gà (50g), mộc nhĩ (50g), muối rang (50g), trứng gà (10 quả), mật mía hoặc kẹo mạch nha (520g).

Hà thủ ô, cám nếp, lộc giác sương, màng mề gà sao vàng. Đậu đen sao cháy. Thỏ ty tử và hạt sen sao qua. Mộc nhĩ tẩm giấm, phơi khô. Trứng gà luộc chín, bóc lấy lòng đỏ, sấy khô giòn. Tất cả tán bột, rây mịn, luyện với mật hoặc kẹo mạch nha làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần, mỗi lần 20 viên.

Hoặc lộc giác sương (50g), vỏ hàu sống (mẫu lệ, 50g), trộn đều, tán nhỏ, rây bột, uống mỗi ngày 8 – 16g với nước sắc dây tơ hồng (20g).

  • Chữa suy nhược cơ thể, gầy yếu, kém tiêu, bạch đới: Lộc giác sương (50g, sao với gừng), đậu nành (100g, sao thơm), hạt sen (50g), hạt bí đỏ (50g), vỏ quýt (25g). Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 – 4 lần, mỗi lần 10g. Có thể làm viên với mật ong mà uống.
  • Chữa ho lâu ngày, nóng ở phổi, khạc ra máu: Lộc giác sương (10g), a giao (10g), linh dương giác (10g), tắc kè (10g). Tất cả tán nhỏ, đổ vào nồi đất cùng với 3 bát nước. Đun nhỏ lửa cho cạn còn nửa bát. Bỏ bã. Thỉnh thoảng nhấp 3 – 4 giọt (Nam dược thần hiệu).
  • Thuốc kích thích sinh dục ở nam giới: Lộc giác sương, thỏ ty tử, sung úy tử, bá tử nhân, ngũ vị tử, nhục thung dung (lượng mỗi thứ bằng nhau), tán bột, uống với rượu, mỗi lần một thìa cà phê sau bữa ăn. Ngày hai lần.

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:

Lộc nhung tửu (rượu nhung hươu)

Nhung hươu 6g – Rượu trắng 500ml

Sơn dược 30g

Ngâm 7 ngày sau có thể đem ra dùng được. Uống ngày 2 lần, mỗi lần một cốc nhỏ.

Dùng cho nam giới hư lao tinh suy, liệt dương hoạt tinh, lưng đau gối mỏi, phụ nữ tử cung hàn không có mang, băng lậu, đới hạ v.v…

Lộc nhung phấn (bột nhung hươu)

Nhung hươu 200g, nghiền thành bột mịn. Uống ngày 1 lần, mỗi ngày từ 1 – 3g.

Dùng cho các bệnh tinh suy, huyết thiểu, đầu váng mắt hoa, tai ù, sợ rét, không có sức lực v.v…

Lộc nhung huyết tửu (rượu huyết nhung hươu)

Khi cưa lấy nhung hươu, huyết ở nhung chảy ra hứng ngay lấy, hoà vào rượu trắng, làm thành rượu huyết nhung 20%. Uống, ngày 3 lần, mỗi lần 10ml.

Dùng cho người bị thiếu máu, thể hư.

Lộc nhung đản (nhung hươu trứng gà)

Bột nhung hươu 0,3g – Trứng gà 1 quả

Trứng gà cho nước vừa phải, hoà bột nhung vào trộn đều, hấp chín, cho thêm chút muối cho vừa, uống lúc đói vào buổi sớm. Uống liền trong 15 ngày.

Dùng cho người huyết áp thấp và thể chất hư nhược, tiêu gầy, sợ rét, chân tay lạnh giá, liệt dương, đái đêm nhiều V.V.. Người già không nên uống lâu, đề phòng béo ra và dần tới huyết áp lên cao.

Lộc nhung trùng thảo tửu (rượu nhung hươu – đông trùng hạ thảo)

Nhung hươu 20g – Trùng thảo 90g

Rượu cao lương 1500 ml

Ngâm sau 10 ngày có thể đem ra uống, mỗi lần 10ml, ngày 2 – 3 lần.

Dùng cho người thận dương hư suy, tinh huyết khuy hư dẫn tới đau lưng mỏi gối, không có sức lực, sợ rét, chân tay giá lạnh, nam giới liệt dương không hoạt động tình dục được v.v…

Lộc nhung đồn dương thận (nhung hươu hầm cật dê)

Nhung hươu 5g – Tiểu hồi hương 9g

Thỏ ti tử 15g – Cật dê 1 đôi

Cật dê bổ đôi rửa sạch hầm chung với các vị thuốc cho chín, uống thang, ăn thịt.

Dùng cho người thận hư lưng đau, tăng thêm mệt nhọc khi lao động, liệt dương, xuất tinh sớm, tinh ít, mắt hoa v.v…

Lộc nhung trư bào thang (thang nhung hươu, bong bóng lợn)

Nhung hươu 6g – Sơn dược 30g

Bạch quả nhân 20g – Bong bóng lợn 1 cái

Bong bóng lợn bổ ra rửa sạch. Các vị thuốc giã nát nhét vào trong bóng lợn, khâu miệng, cho vào nồi hầm, cho muối vừa miệng, ăn thuốc, uống thang cùng một lúc.

Dùng cho người thận hư, khí hư loãng và lạnh, lượng nhiều. Sắc mặt u ám, đái loãng và kéo dài, đau ở vùng lưng, bụng dưới đau và lạnh v.v…

Lộc nhung hương cô thái tâm (Nhung hươu, nấm hương, thái tâm) Bột gừng 10g

Thái tâm 300g

Rượu gia vị vừa phải

Muối 5g

Nhung hươu miếng 2g

Nấm hương 200g

Rượu trắng 20ml

Mỡ lợn 75g

Ngọc lan phiến 50g

Mì chính vừa phải

Nước dùng 200ml

Nhung hươu ngâm rượu trắng 2 lần riêng biệt, lấy rượu đó dùng sau. Các miếng nhung còn lại đó để dành trang trí trên bề mặt món ăn sau này. Mỡ lợn cho nóng già, đổ gừng bột vào, đảo lên, rồi cho ngay nấm hương, thái tâm, ngọc lan thái miếng vào đảo qua lên, sau đó cho muối tinh, rượu gia vị, nước dùng và rượu ngâm nhung trên đây, pha chút bột dính vào, đổ lên đĩa, rải các miếng nhung đã ngâm rượu lên trên để trang trí.

Dùng để chữa cho người già cơ thể suy nhược, ốm lâu ngày sinh ra gầy yếu, khí đoản lực khiếm. Không thiết ăn uống, liệt dương, hoạt tinh, lưng đau gối mỏi, tai ù mắt hoa v.v…

Lộc nhung sao giáp ngư (Nhung hươu sào ba ba)

Ba ba 750g – Gia vị vừa phải

Nhung hươu thái miếng 1g

Ba ba giết thịt xong rửa sạch, bóp ma-di cho dậy mùi, cho vào rán trong chảo, mỡ nóng. Khi nào chín vàng thì xúc ra bỏ vào bát, trong chảo còn mỡ, cho gừng, hành, tỏi, hạt tiêu nấu thành món nước chấm, đổ lên trên bát thịt ba ba, cho thêm rượu gia vị, ma di, mì chính, nước luộc gà, đường trắng, nhung hươu, bỏ vào ngăn nồi hấp, hấp chín, lấy ra; chắt hết nước vào nồi đun sôi lên, cho bột dính vào đánh lên cho dính, cho rau thơm vào, đổ lên bát thịt ba ba, ăn thịt, uống thang.

Dùng cho người thận dương hư sinh ra liệt dương, hoạt tinh, tử cung lạnh không có mang, hoặc đau lưng do can thận dương hư, băng huyết, ra khí hư V. V…

Lộc nhung hoàn (viên nhung hươu)

Nhung hươu 30g – Con hà sao 90g

Nhục thung dung 90g – Hạt sen bỏ tâm 150g

Bỏ nhung vào rượu ngâm, rồi đem phơi, sau đó nghiền chung với ba vị thuốc còn lại thành bột luyện với mật làm thành viên. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g, uống bằng nước sôi ấm.

Dùng cho phụ nữ ra khí hư lâu ngày không khỏi.

Lộc nhung hội dương bình (Thuốc nhung hươu chống lở loét)

Nhung hươu 25g – Hoàng kỳ 150g

Đương qui 60g

Trước hết ngâm nhung vào rượu, sau đó sấy khô, rồi nghiền chung với hoàng kỳ, đương qui thành bột. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 5g, uống bằng nước sôi ấm.

Dùng cho người bị lở loét kinh niên, chữa mãi không khỏi.

Lộc nhung bổ huyết hoàn (Viên nhung bổ máu)

Nhung hươu 30g – Long nhãn 500g

Hoàng Kỳ 150g

Nhung hươu đem ngâm rượu gạo, sấy khô, nghiền chung với long nhãn, hoàng kỳ thành bột, cho mật vào luyện thành viên. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g, bằng nước sôi ấm.

Dùng cho người thiếu máu đau đầu, thể hư sợ lạnh.

Lộc nhưng tráng cốt cao (Cao nhung bổ xương)

Nhung hươu 30g – Hoàng Kỳ 90g

Đương qui 45g – Địa hoàng 100g

Nhân sâm 10g

Keo sừng hươu (đã cho chảy) 60g

Nhung hươu và nhân sâm nghiền thành bột. Địa hoàng, hoàng kỳ, đương qui sắc 3 nước, bỏ bã lấy nước, hoà keo sừng hươu và bột nhung, nhân sâm vào, trộn thêm 1000ml mật ong, luyện nhuyễn thành cao. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa.

Dùng cho trẻ con phát dục kém, còi xương.

Nam bảo tán (Thuốc bột đàn ông)

Nhung hươu 50g – Hoàng Kỳ 250g

Đương qui 100g – Dâm dương hoắc 250g

Hồng sâm 100g – Bạch thược 250g

Nhung ngâm rượu gạo cho nhuận, sau đem sấy khô, rồi nghiền chung với 5 vị thuốc trên thành bột mịn. uống ngày 2 lần, mỗi lần 5g, với rượu gạo.

Dùng chữa bệnh liệt dương.

Lộc giác giao chúc (Cháo keo sừng hươu)

Keo sừng hươu 6g – Gạo lức 50g

Gạo lức nấu thành cháo, đánh lẩn keo sừng hươu đã cho chảy vào, cho thêm đường trắng vừa phải là dùng được. Uống ngày 2 lần, mỗi lần một bát.

Dùng cho các bệnh can thận dương hư, sợ rét, chân tay lạnh giá, liệt dương v.v…

Lộc giác keo ngưu nãi (Keo sừng hươu sữa bò)

Sữa bò tươi 250ml – Keo sừng hươu 6g

Mật ong vừa phải

Sữa bò đun sôi pha keo sừng hươu đã chảy vào, cho mật ong trộn đều uống. Ngày 1-2 lần.

Dùng cho các bệnh tinh huyết bất túc, thận hư lưng đau, chân tay mỏi mệt, đầu váng mắt hoa, sắc mặt xanh xao v.v…

Lộc thận a giao thang (thang keo da lừa, cật hươu)

Cật hươu 1 bộ – Keo da lừa 50g

Cật hươu cho nước vào nấu keo, trộn đều với keo da lừa uống ngày 2 lần.

Dùng cho phụ nữ huyết hư, lâm đới, lưng đau gối mỏi, không có chửa v.v…

Lộc tiên tửu (Rượu lộc tiên)

Dương vật tinh hoàn hươu 1 bộ

Rượu trắng 500ml

Ngâm 7 ngày sau mang ra uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 cốc nhỏ.

Dùng cho người thận dương hư, liệt dương.

Lộc tiên chúc (cháo lộc tiên)

Dương vật tinh hoàn hươu 1 bộ (tức lộc tiên)

Nhục thung dung 60g

Gạo lức 150g

Gạo lức nấu thành cháo, khi nào chín thì cho ‘-‘lộc tiên”, nhục thung dung cùng hành, muối, mì chính cho vừa mà ăn.

Dùng cho người ngũ lao thất thương (xem chú thích trang 64), lưng đau gối nhức, chân tay bải hoải, dương khi hư nhược v.v…

Lộc giác sương tán (Thuốc bột lộc giác sương)

Lộc giác sương (bả sừng hươu nấu keo còn lại) 250g Nghiền thành bột mịn, uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g, uống với nước sôi ấm. Chữa bệnh viêm tuyến sữa.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây