Long cốt ( 龙骨 )
Tên và nguồn gốc
+ Tên thuốc: Long cốt (Xuất xứ: Bản kinh).
+ Tên Trung văn: 龙骨 LONGGU
+ Tên Anh văn: Drgon’s bones,Fossilizid
+ Tên La tinh:
Dược liệu Os Draconis(Fossilia OssiaMastodi), nguồn gốc khóang vật Fossilia Ossis Mastrodi
+ Nguồn gốc: Là hóa thạch xương cốt của lòai động vật có vú cổ đại như lòai voi, lòai tê giác, ngựa 3 ngón v.v…
Long cốt
Thu hoạch
Sau khi đào móc lên, bỏ sạch đất và tạp chất. Ngũ hoa long cốt chất xốp giòn, sau khi ra khỏi đất, để lộ trong không khí rất dễ vỡ nát, thường dùng giấy viền lông dán.
Bào chế
Long cốt nung: Lấy Long cốt chải sạch, nung đỏ trên bếp lửa không khói hoặc trong nồi nấu quặng, lấy ra, để nguội, nghiền vụn.
– Cương mục: Phương pháp cận đại, chỉ nướng đỏ làm bột, cũng có dùng sống.
Tính vị
– Trung dược học: Ngọt sáp, bình.
– Bản kinh: Vị ngọt, bình.
– Biệt lục: Hơi lạnh, không độc.
– Dược tính luận: Có độc nhỏ.
– Bản thảo chính: Ngọt, bình, tính sáp.
– Y học trung trung tham tây lục: Vị nhạt hơi cay, tính bình.
Qui kinh
– Trung dược học: Vào kinh Tâm, Can, Thận.
– Cương mục: Vào kinh Thủ túc thiếu âm, Quyết âm.
– Bản thảo kinh sơ: Vào kinh Quyết âm, Thiếu dương, Thiếu âm, kiêm vào Thủ thiếu âm, Dương minh.
Công dụng và chủ trị
Trấn kinh an thần, liễm hãn cố tinh, chỉ huyết sáp trường, sinh cơ liễm sang.
Trị động kinh điên cuồng, tim đập mạnh, hay quên, tự hãn đạo hãn, di tinh lâm trọc, ói máu, chảy máu cam, tiêu ra máu, băng lậu đái hạ, tiêu chảy, kiết lỵ, thóat giang, lở lóet lâu ngày không liền miệng.
– Bản kinh: Chủ ho nghịch, tiết lỵ mủ máu, giới nữ đái hạ, trưng hà rắn kết, trẻ con nhiệt khí động kinh.
– Biệt lục: Trị tâm phúc phiền đầy, tứ chi gân thịt mềm nhũn khô, ra mồ hôi, đêm ngủ tự kinh sợ, phục khí ở tâm xuống không được suyễn thở, trường ung nội thư, âm hao mòn, cầm mồ hôi, súc tiểu tiện, tiểu ra máu, dưỡng tinh thần, định hồn phách. An ngũ tạng. Bạch ong cốt trị mộng mị họat tinh, tiểu tiện tiết tinh.
– Dược tính luận: Trục tà khí, an tâm thần, cầm lãnh lỵ và ra máu mủ, giới nữ băng trung đái hạ, cầm mộng tiết tinh, mộng giao, trị tiểu ra máu, hư mà nhiều mộng rối rắm gia mà dùng vậy.
– Nhật Hoa tử bản thảo: Kiện Tỳ, sáp trường vị, cầm tả lỵ, bệnh khát, mang thai lậu thai, trường phong hạ huyết, băng trung đái hạ, mũi lớn, ói huyết, cầm mồ hôi.
– Trân châu nang: Cố đại trường thóat.
– Cương mục: Ích thận trấn kinh, chỉ âm ngược, thu thấp khí, thóat giang, sinh cơ liễm sang.
Cách dùng và liều dùng
– Trung dược học: Sắc uống, 15 ~ 30g; nên sắc trước. Dùng ngòai lượng thích hợp. Trấn tĩnh an thần, bình Can tiềm dương phần nhiều dùng sống. Thu liễm cố sáp nên dùng nung.
Kiêng kỵ
– Trung dược học: Người thấp nhiệt tích trệ không nên sử dụng.
– Bản thảo kinh tập chú: Đựơc Nhân sâm, Ngưu hòang tốt; Sợ Thạch cao.
– Dược tính luận: Kỵ cá.
Thành phần hoá học
Chủ yếu là Calcium carbonate, Calcium phosphate, còn chứa Sắt, Kali, Natri, khí Clo, Sulfate radical v.v… (Trung dược đại từ điển).
Theo “Dược phẩm vựng yếu”
Khí vị:
Vị ngọt, bình, khí hơi hàn, không độc, ứng với quẻ Càn, vào kinh Túc thiếu âm, Túc quyết âm và Túc thiếu dương, vào cả kinh Thủ thiếu âm và Thủ dương minh, sợ Thach cao, Hoạt thạch, Can tất, Thục tiêu, gặp được Nhân sâm, Ngưu hoàng thì tốt.
Chủ dụng:
Chữa ho, khí xốc lên, kiết lỵ, làm chắc ruột, cầm ỉa, thu liễm chính khí phù việt lên, ngăn chứng trường phong hạ huyết, lên da non, thu miệng nhọt, chữa đàn bà đới hạ, băng huyết, trưng hà, kết cục, nhiệt khí kinh giản của trẻ con, bụng và vùng ngực phiền đầy, tay chân khô liệt, đêm nằm kinh hãi, giận dữ khí uất không thở được, lên ung nhọt trong ruột, âm hộ lở đau, tiểu tiện ra huyết, tiết tinh, dưỡng tinh thần, định hồn phách, yên 5 tạng, rút bớt tiểu tiện, ngăn mồ hôi ra thuộc hư, trừ mộng tinh, di, hoạt tinh.
Cấm kỵ: Là thuốc để chữa chứng thoát, vững khí, chặt ruột, nhưng uống lâu lại gây ra chứng cạn tinh, táo nhiệt.
Cách chế:
Ngâm Rượu một đêm, sấy khô, nghiền thành bột, thủy phi 3 lần đem dùng. Nếu dùng vội thì nấu với Rượu, sấy khô dùng. Hoặc có người nói: cho vào thuốc nên thủy phi, phơi khô, mỗi cân dùng 1 đấu Đồ Đen, nấu 1 giờ, lấy ra phơi khô dùng, nếu không nó dính Ruột và Dạ dày, khi cao tuổi sinh ra nhiệt. Lại nói lấy được cái nào có vân gấm trắng, để vào lưỡi thấy bén dính là tốt, thứ vừa là màu xanh trắng, thứ màu đen thì kém, nung lửa, nghiền nát mà dùng.
Nhận xét:
Long cốt bẩm thọ dương khí để sinh, mà ẩn nấp ở âm, là thần phương Đông, là dương ở trong âm, đứng đầu các giống có vảy, là một vật thần linh.
Phụ
LONG XỈ: Chuyên chú để yên hồn, điều trị cuồng nhiệt và giết cổ độc, trị mọi chứng khí kết ở dưới Tâm, không thở được, lên cơn nóng lạnh ở những khoảng xương bị cứng đờ, vì Long cốt vào Tâm và Can cho nên có cả công dụng chỉ tả, sáp tinh. Long xỉ chỉ để trấn kinh, yên hồn phách mà thôi.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Y học tâm ngộ”
Bài An thần định chỉ hoàn
Phục thần 40g, Nhân sâm 40g, Long xỉ 20g, Bạch linh 40g, Viễn chí 40g, Thạch xương bồ 20g, Chu sa đủ làm áo. Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 6-12g, ngày 2 lần.
Có tác dụng an thần, định chí.
Chữa sợ hãi, nằm ngồi không yên, hay quên.
“Y phương tập giải”
Bài Kim tỏa cố tinh hoàn
Khiếm thực 40g, Long cốt 40g, Sa uyển tật lê 40g, Liên tu 40g, Mẫu lệ 40g, Liên tử 40g. Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.
Có tác dụng bố Thận khí, cố tinh, chữa thận khí không bền, di tỉnh, tảo tiết.
“Bản thảo diễn nghĩa”
Bài Tang phiêu tiêu tán
Tang phiêu | 40g | Long cốt | 40g |
Quy bản | 40g | Nhân sâm | 40g |
Phục thần | 40g | Xương bồ | 40g |
Viễn chí | 40g | Đương quy | 40g |
Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 8-12g, ngày 2 lần. Có tác dụng điều bổ Tâm, Thận, cố tinh, chỉ di.
Chữa nam, nữ hư tổn, Thận khí không bền, âm nuy, di tinh, tiểu tiện vặt, tâm thần hoảng hốt, lưỡi nhat. rêu lưỡi trắng, mạch tế nhươc.
Chú ý:
Nếu do Hạ tiêu hỏa thịnh gây nên tiểu nhiều lần, nước tiểu đỏ, tiểu rít đau, người Tỳ Thận dương hư không dùng được bài này.
“Thương hàn luận”
Bài Sài hồ gia long cốt, mẫu lệ thang
Sài hồ 12g, Hoàng cầm 6g, Nhân sâm 6g, Bạch linh 6g, Quế chi 6g, Long cốt 6g, Mẫu lệ 6g, Đại hoàng 4g, Bán hạ 10g, Cam thảo 4g, Đại táo 6 quả.
Sắc, chia uống 2 lần trong ngày. (Đại hoàng cho vào sắc sau).
Dùng cho chứng bồn chồn mất ngủ của Phụ nữ mãn kinh, trẻ em khóc đêm, và những người thần kinh dễ kích động, tim đập nhanh, tức thở, mất ngủ, hoặc nặng hơn là rối loạn tâm thần, tăng huyết áp, động kinh do hư nhiệt.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Quế chi gia mẫu lệ long cốt thang
Quế chi 6g, Bạch thược 8g, Đại táo 6g, Sinh Khương 6g, Mẫu lệ 6g, Long cốt 4g, Cam thảo 4g.
Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.
Âm dương không giao hòa, thần kinh con người ta dễ bị kích thích, trẻ em khóc đêm, đái dầm, người lớn mất ngủ, gầy yếu, nam thì thất tinh, hoạt tinh, nữ thì mộng mị vì âm không liễm dương, đàn ông sinh lực yếu, tinh ra sớm, không có tinh hoặc liệt dương, đàn bà sinh bạch trọc, bạch đái, sức khỏe giảm sút, có thể vô sinh.
Bài thuốc này vào âm, bổ Tỳ Thận làm cân bằng khí huyết âm dương, giải quyết được các chứng bệnh trên.
Bài thuốc cổ kim tham khảo
+ Phương thuốc 1: Trị tâm hư đổ mồ hôi trộm: Long cốt 5 chỉ (nung lửa), Phục linh 1 lượng, Nhân sâm 6 chỉ, Liên nhục 3 lượng (đều sao qua), tất cả nghiền nhỏ, Mạch môn đông (bỏ tim) 4 lượng, rượu nấu, giã nát thành cao làm hòan lớn như hạt ngô. Mỗi sáng tối uống 3 chỉ, nước sôi trắng uống.
(Phương mạch chính tông)
+ Phương thuốc 2:
Sản hậu ra mồ hôi không ngừng: Long cốt 1 lượng, Ma hòang căn 1 lượng. Thuốc trên, giã nhỏ rây thành bột, bất kễ lúc nào, dùng nước cháo điều uống 2 chỉ.
(Thánh huệ phương)
+ Phương thuốc 3:
Trị tiểu són, nhỏ giọt dầm dề: Bạch long cốt, Tang phiêu tiêu lượng bằng nhau nghiền nhỏ. Mỗi lần uống với nước muối 2 chỉ.
(Mai sư tập nghiệm phương)
+ Phương thuốc 4:
Trị lao tâm mộng tiết: Long cốt, Viễn chí lượng bằng nhau nghiền nhỏ, luyện mật hòan lớn như hạt ngô. Mỗi lần uống 30 hòan, Liên tử làm thang uống.
(Họat nhân tâm thống)
+ Phương thuốc 5:
Trị trẻ con do lỵ thóat giang: Bột Bạch long cốt xoa vào.
(Diêu hòa chúng)
+ Phương thuốc 6:
Trị 2 tai ướt lóet, lâu ngày không lành: Long cốt, cùng Thạch chi (đều nung lửa), Hải phiêu tiêu (nước nấu qua) mỗi vị 3chỉ. Tất cả nghiền nhỏ. Trước dùng miếng giấy bông thấm khô nước mủ, sau thổi thuốc bột.
(Bản thảo hối ngôn)
+ Phương thuốc 7:
Trị âm nang mồ hôi ngứa: Bột Long cốt, Mẫu lệ xoa vào.
(Y tông tam pháp)
+ Phương thuốc 8:
Trị trẻ con rốn lở lóet lâu ngày không bớt: Long cốt nung, nghiền nhỏ, rịt vào.
(Thánh huệ phương)
(Phương này tôi đã ứng dụng trị trẻ con sơ sinh rốn lở chảy nước, bôi nhiều lọai thuốc không khỏi, sau dùng phương này mà bệnh khỏi.)