Tác dụng chữa bệnh của sừng Hươu Nai

Vị thuốc Đông y

HƯƠU NAI

Tên khoa học: Cervus spp. Họ Hươu nai (Cervidae)

Hươu, nai có nhiều loài như hươu sao, hươu xạ, hươu vàng, nai, nai cà tông, trong đó, hươu sao, hươu xạ và nai được dùng phổ biến hơn cả.

MÔ TẢ

Hươu sao (Cervus nippon Temminck) có thân dài khoảng lm hay hơn, nặng 60 – 80kg.

Đầu có cặp sừng to phân làm 2 – 4 nhánh, cổ tương đối dài, tai vểnh. Bốn chân cao mảnh, thon nhỏ, đuôi ngắn.

Lông ngắn, mịn, màu vàng hung, dọc hai bên sườn có 6 – 8 hàng vết tròn màu trắng. Bụng và mặt dưới đuôi có lông trắng.

Nai (Cervus unicolor Kerr.) là loài thú lớn to hơn hươu. Thân dài 1,8 – 2m, nặng gần 200 kg. Cặp sừng chia 3 chạc ở mỗi bên, nai càng già, gạc càng có nhiều chạc. Đuôi ngắn.

Bộ lông màu xám nâu hoặc đen tuyền sẫm dần về phía hông. Lông ở bụng gần phần ngực màu nâu đen, sát phần hông màu trắng bẩn.

Lộc nhung
Lộc nhung

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Hươu sao phân bố ở các nước thuộc châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, vùng Đông Sibêri (Liên Xô trước đây), một số nước Đông Nam Á. Diện phân bố hẹp và số lượng cá thể không nhiều.

Ở Việt Nam, hươu sao sống hoang dã ở các tỉnh vùng núi cao như Cao Bằng, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An… và hiện nay đã trở nên hiếm. Hươu được thuần dưỡng và nuôi hàng chục năm nay ở phạm vi gia đình tại Nghệ An, Hà Tĩnh, ở vườn thú Hà Nội, vườn quốc gia Cúc Phương, Thảo cầm viên thành phố Hồ Chí Minh.

Hươu sao đã được ghi vào Sách Đỏ quốc gia vì tính quý, hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng của nó.

Trong tự nhiên, hươu, nai sống thành bầy đàn, nhanh nhẹn và nhút nhát.

Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ non, lá cây, chồi mầm và quả dại.

Mùa sinh đẻ: tháng 3-5, mỗi lứa đẻ 1 con.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN

Sừng hươu, nai (chỉ có hươu đực, nai đực mới cho sừng) chia làm hai giai đoạn: sừng non và sừng già.

Sừng non của hươu gọi là nhung hươu hoặc lộc nhung (hoa lộc nhung là sừng non của hươu sao). Sừng non của nai là nhung nai hay mê nhung. Sừng non khi mới mọc là đoạn ngắn chưa phân nhánh, chất mềm, phủ đầy lông nhung mịn, màu vàng hồng hoặc vàng nâu, có rất nhiều mạch máu, gọi là huyết nhung (loại nhung quý nhất). Sau 2 – 3 tháng, sừng non nhú ra một nhánh (hay chạc) gọi là nhung yên ngựa. Một con hươu sao đực, khoảng 3 tuổi trở lên, mỗi năm cung cấp một cặp nhung nặng khoảng 700g tươi. Nhung của hươu nai săn bắn và nhung của hươu nai nuôi đều được sử dụng. Có người còn cho rằng mê nhung tốt hơn lộc nhung.

Sừng già hay gạc của hươu, nai gọi là lộc giác, sừng của hươu sao là hoa lộc giác. Bộ sừng lúc này phân nhánh đối xứng, mỗi bên có 2 – 4 chạc dài ngắn không đều, cong hướng về phía trước, độ to và dày giảm dần từ gổc đến ngọn, chất cứng chắc, nhẵn bóng, có những đường khía dọc màu nâu vàng. Hàng năm, sừng rụng vào mùa hạ do hươu, nai tự cọ vào cây. Người ta thu nhặt sừng này và sử dụng như sừng săn bắn được. Sừng rụng còn đế tốt hơn sừng không còn đế. Hươu, nai còn sống hoặc vừa săn bắn được cho sừng có chất lượng tốt hơn vì còn dính liền với xương đầu, gọi là nhung liên tảng.

Nhiều bộ phận khác của hươu, nai đôi khi cũng được dùng như thịt, huyết, chân và gân, đuôi, quả cật.

– Cách chế biến nhung hươu, nai:

Nhung hươu, nai thu hoạch được (nếu là nhung hươu, nai nuôi thì cưa chứ không chặt) đem đặt ngược trong vật đựng để máu bên trong sừng không chảy ra. Lấy cát rang nóng vừa phải (nóng quá làm nhung bị nứt, kém phẩm chất) rồi đổ vào nhung cho ngập đến sát mặt cắt. Khi cát nguội, đổ ra, rang tiếp rồi lại đổ vào nhung. Làm nhiều lần đến khi nhung khô thì thôi. Thời gian mất khoảng 2 – 3 ngày. Có thể dùng phương pháp sấy nhung ở nhiệt dộ 70 – 80°c trong nhiều giờ cho khô. Có nơi, người lại ngâm nhung vào nước sôi (chừa mặt cắt) trong 2 – 3 phút (lần đầu), vớt ra để nguội, ngâm tiếp nước sôi khoảng 5 – 6 phút (những lần sau) đến khi nhung rắn chắc lại, rồi phơi hoặc sấy khô.

Nhung hươu, nai phải được chế biến ngay, để tránh bị thối hỏng nếu để lâu. Khi dùng, tẩm nhung vào rượu cho mềm, thái mỏng, sấy khô, tán bột. Đựng bột trong hộp kín, có chất hút ẩm, chống sâu mọt.

– Cách chế biến cao ban long và lộc giác sương:

Luộc sừng (gạc) bằng nước phèn 1% trong 10-15 phút, cạo hoặc đánh rửa bằng bàn chải sắt cho sạch hết lớp đen vàng bám bên ngoài, đến khi sừng trắng ra. Cưa sừng ra từng khúc dài 5 – 6 cm, rồi chẻ thành những bản mỏng, rửa sạch, nếu còn tủy thì cạo sạch, rồi phơi thật khô. Sau đó, xếp sừng đã chẻ nhỏ vào thùng nhôm, ở giữa đặt một rọ tre để múc dịch chiết ra. Đổ nước cho ngập dược liệu chừng 10 cm. Đun sôi liên tục trong 24 giờ, nếu cạn nước cho thêm nước sôi vào, luôn giữ mức nước cho ngập sừng. Múc nước chiết lần thứ nhất, đem cô riêng, tiếp tục thêm nước sôi và đun sôi 24 giờ nữa.

Múc nước chiết lần thứ hai, cô riêng. Tiếp tục làm lần thứ ba. Khi nước chiết lần cuối cô gần được thì dồn số cao của hai lần trước vào đánh đều, cô tiếp đến khi được cao đặc. ĐỔ cao vào khay đã bôi dầu lạc hay mỡ lợn cho khỏi dính. Để nguội, cắt thành bánh. Ta được cao ban long hoặc lộc giác cao.

Lộc giác sương lại được chế bằng cách đốt sừng hươu, nai cho đen lại, tán nhỏ hoặc dùng bã sừng đã nấu cao ban long, tẩm với mật rồi sao vàng, tán bột.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Nhung và gạc hươu, nai chứa protid, lipid, chất keo (keratin), các muối khoáng gồm Ca và amoni dưới dạng carbonat, phosphat, Fe, Mg, chất đạm và một hormon gọi là lộc nhung tinh.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Nhung hươu, nai là một vị thuốc quý sau nhân sâm, được dùng từ lâu đời không những ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước như Liên Xô trước đây, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hungary.

Nhung hươu, nai có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, sinh tinh, ích huyết, giảm mệt mỏi, mạnh gân xương, chữa suy nhược thần kinh, di tinh, ù tai, hen suyễn, đau lưng, rong kinh, bạch đới, ra mồ hôi trộm, huyết áp hạ.

Liều dùng hàng ngày: 1 – 3g đối với người lớn; trẻ em tùy tuổi, dùng ít hơn. Dạng dùng thông thường là bột, viên hoặc rượu ngâm.

Chất lộc nhung tinh trong nhung hươu, nai được pha chế thành rượu uống, viên nén và thuốc tiêm lấy tên là Pantocrin ở Liên Xô trước đây và dạng thuốc tiêm Rulodin của Nhật Bản để dùng làm thuốc bổ và hỗ trợ các rối loạn về sinh lý của nam giới.

Người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người mới ốm dậy, người có bệnh đau dạ dày đều dùng được nhung hươu, nai. Những trường hợp bệnh cao huyết áp, xơ cứng mạch máu, viên thận mạn, đái đường, tiêu chảy, máu nóng sinh mụn nhọt, lở ngứa không được dùng nhung hươu nai.

Cao han long được dùng riêng với liều hàng ngày là 5 – 10g, cao cắt thành miếng mỏng ăn với cháo nóng hoặc cho vào ít rượu, hâm nóng mà uống. Có thể phối hợp cao ban long với các vị thuốc khác dưới dạng cao “Nhị long ẩm” (thuốc bổ cổ điển của Hải Thượng Lãn Ông) gồm cao ban long (50%), long nhãn (50%). sắc long nhãn với nước rồi cho cao ban long đã thái mỏng vào. Đun nóng cho tan cao. Để nguội. Khi dùng, thái cao thành miếng mỏng, uống mỗi lần 10g vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Hoặc dưới dạng viên “Tăng lực”, dùng cho người lao lực, mới ốm khỏi, gồm cao ban long (0,02g), cao ngũ gia bì chân chim (0,05g), mật ong (0,02g), calci triphosphat (0,07g) cho một viên. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 3 – 4 viên (người lớn), 2 – 3 viên (trẻ em tùy tuổi).

Lộc giác sương chữa cơ thể suy nhược, huyết hư, gầy yếu, bạch đới. Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc bột, thuốc viên.

Huyết hứng được khi cưa nhung hươu, nai pha vào rượu uông chữa liệt dương, đau bụng, đau lưng, mẩn ngứa.

Chân hươu, nai làm sạch, chặt nhỏ, nấu với nhiều lần nước rồi cô thành cao giống như nấu cao ban long. Dùng cao này làm thuốc bổ, mạnh gân xương.

Đuôi con nai cái là dược liệu được dùng theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào Tây Nguyên để bồi dưỡng cho thương, bệnh binh và bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Quả cật của hươu, nai cũng là thuốc có lợi cho người bị suy dinh dưỡng, kém ăn.

BÀI THUỐC

  • Chữa thổ huyết, nôn ra máu, dạ dày và ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, kinh nguyệt nhiều: Cao ban long (4g), bồ hoàng (phấn hoa cỏ nến, 5g), cam thảo (2g). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa thiếu máu, suy nhược thần kinh, di mộng tinh: Lộc giác sương (260g), thỏ ty tử (260g), hà thủ ô đỏ (260g), cám nếp (260g), hạt sen (130g), ngải cứu (80g), đậu đen (80g), màng mề gà (50g), mộc nhĩ (50g), muối rang (50g), trứng gà (10 quả), mật mía hoặc kẹo mạch nha (520g).

Hà thủ ô, cám nếp, lộc giác sương, màng mề gà sao vàng. Đậu đen sao cháy. Thỏ ty tử và hạt sen sao qua. Mộc nhĩ tẩm giấm, phơi khô. Trứng gà luộc chín, bóc lấy lòng đỏ, sấy khô giòn. Tất cả tán bột, rây mịn, luyện với mật hoặc kẹo mạch nha làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần, mỗi lần 20 viên.

Hoặc lộc giác sương (50g), vỏ hàu sống (mẫu lệ, 50g), trộn đều, tán nhỏ, rây bột, uống mỗi ngày 8 – 16g với nước sắc dây tơ hồng (20g).

  • Chữa suy nhược cơ thể, gầy yếu, kém tiêu, bạch đới: Lộc giác sương (50g, sao với gừng), đậu nành (100g, sao thơm), hạt sen (50g), hạt bí đỏ (50g), vỏ quýt (25g). Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 – 4 lần, mỗi lần 10g. Có thể làm viên với mật ong mà uống.
  • Chữa ho lâu ngày, nóng ở phổi, khạc ra máu: Lộc giác sương (10g), a giao (10g), linh dương giác (10g), tắc kè (10g). Tất cả tán nhỏ, đổ vào nồi đất cùng với 3 bát nước. Đun nhỏ lửa cho cạn còn nửa bát. Bỏ bã. Thỉnh thoảng nhấp 3 – 4 giọt (Nam dược thần hiệu).
  • Thuốc kích thích sinh dục ở nam giới: Lộc giác sương, thỏ ty tử, sung úy tử, bá tử nhân, ngũ vị tử, nhục thung dung (lượng mỗi thứ bằng nhau), tán bột, uống với rượu, mỗi lần một thìa cà phê sau bữa ăn. Ngày hai lần.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận