Vị thuốc A giao

Tên khác:

Lư bì giao, đông a giao, bồn phúc giao, a giao châu. (Keo da lừa đầu tiên được làm ra từ huyện Đông A tỉnh Sơn Đông, nên mới gọi là “A giao” hoặc ‘Đông A giao” v.v… )

Nguồn gốc:

Đây là loại keo, chế từ da lừa, một loài động vật họ ngựa, sau khi rửa sạch, bỏ hết lông, ninh kỹ mà thành. Sản xuất chủ yếu ở Sơn Đông, Triết Giang, Giang Tô v.v…

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Đây là những miếng hình vuông hoặc chữ nhật, bề mặt nâu đen hoặc nâu đỏ, phẳng nhẵn, có ánh quang, nhìn xuyên ánh sáng thấm màu hổ phách, chất cứng mà giòn, mặt cắt màu nâu đen hoặc nâu đỏ sẫm. Mùi rất thoảng, vị hơi ngọt. Loại nào khô, màu nâu đen, có ánh quang, trong suốt, không có mùi tanh hoặc hôi, mùa hè không bị mềm ra là tốt.

Mấy năm gần đây đã phát hiện có hiện tượng pha tạp các loại da khác trộn với da lừa giả làm “A giao” đem bán. Loại keo nay bề mặt màu da lươn đen, soi lên thấy nửa thấu sáng, chất cứng mà không giòn, dễ bị mềm ra và dính với nhau hòa tan trong nước thấy có mùi tanh và vị dầu đậu.

Cần chú ý để phân biệt chúng với loại keo chính phẩm.

A giao
A giao

Tính Vị:

+ Vị ngọt, tính bình (Bản Kinh).

+Vị hơi ấm, không độc (Biệt Lục).

+Vị nhạt tính bình (Y Học Khải Nguyên) .

+ Vị ngọt, cay, tính bình (Thang Dịch Bản Thảo).

Quy Kinh:

+Vào kinh Thủ Thái dương Tam tiêu, Túc Thiếu âm Thận và Túc Quyết âm Can (Thang Dịch Bản Thảo).

+Vào kinh Thủ Thiếu âm Tâm, Túc Thiếu âm Thận và Túc Quyết âm Can (Bản Thảo Hối Ngôn).

+ Vào kinh Can, Phế, Thận, Tâm (Bản Thảo Cầu Chân).

+Vào 3 kinh Can, Phế, Thận (Trung Dược Đại Từ Điển).

Nghiên cứu dược lý:

Theo các nghiên cứu hiện nay, a giao hàm chứa chất keo, nhiều loại acid amin và các nguyên tố calci, lưu huỳnh v.v… Có thể thúc đẩy quá trình hình thành hồng cầu và chất albumin huyết hồng, cải thiện sự điều hoà calci trong cơ thể, thúc đẩy sự hấp thụ calci; có tác dụng hỗ trợ cho sự bảo tồn calci trong huyết thanh, và phòng trị mọi trở ngại cho việc tiến hành dinh dưỡng, có thể đối kháng với bệnh shock (trung khu thần kinh do chịu sự kích thích quá mạnh bị ức chế, dẫn tới sự rối loạn hệ thống cơ năng khác của cơ thể) do da thịt bị tổn thương sinh ra.

Bảo quản:

A giao bị gió thổi nhiều dễ khô nứt, bị nắng nhiều dễ mềm, bị ẩm, bị nóng cũng dễ bị mềm, ngậm nước, nên phải đựng trong lọ hoặc bình có chứa vôi, đậy kín, để nơi dâm mát, khô ráo.

Khí vị:

Vị nhạt, khí bình, khí và vị đều thuộc âm, vào các kinh Thủ thái âm, Túc thiếu âm và Túc quyết âm, Sơn dược làm sứ, sợ Đại hoàng, gặp lửa thì tốt

Chủ dụng:

Chủ trị xuất huyết ở Tâm phúc, bị lao quá nặng, người gai gai giống chứng sốt rét, eo lưng và bụng đau, tay chân nhức buốt, khí âm không đầy đủ, ho lâu ngày, khạc ra máu mủ, băng huyết, đới hạ, gầy còm, lao thương, suyễn gấp, nôn ra máu, chảy máu mũi, các chứng lâm lậu ra huyết, tiểu tiện ra huyết, trường phong hạ huyết, kiết lỵ ra huyết, Phế ung, Phế nuy, nhuận táo, dưỡng can, hóa đờm thanh Phế. Lại giỏi chữa chứng hạ huyết khô của phụ nữ, là thuốc hay để bổ huyết, hòa huyết, dưỡng huyết, an thai.

Hợp dụng:

Được Hoàng liên, Sáp ong làm tá để chữa chứng kiết lỵ ra máu mủ lâu ngày, rất hay.

Cấm kỵ:

Đan Khê nói: ho lâu, đi lỵ lâu ngày, hư lao thất huyết thì nên dùng, nếu tà mới phát, đang thịnh mà dùng nó thì tà bị bế lại, dễ sinh ra các biến chứng khác.

Cách chế:

Vị thuốc A giao
Vị thuốc A giao

Khi dùng nên chọn thứ sáng bóng như sơn, nhấp nhánh màu biếc là tốt, bẻ gãy ngay, thể chất chắc và dòn, vị nhạt, không hôi, tháng hè không ướt, mềm mà không đính giây là tốt, nên thái thành cục nhỏ, sao với Cáp phấn, rốp thành hạt như hạt châu, hoặc ngâm Rượu thành cao. Lại nói: phàm sử dụng nó, trước tiên ngâm vào mỡ Lợn 1 đêm, rồi cắt nhỏ, sao với Bạng phấn thành châu dùng.

Nhận xét:

A giao công dụng đi vào Thận cũng nhiều, Thận thủy đầy đủ thì tự nhiên chế được hỏa, hỏa tắt thì không sinh ra phong, cho nên chứng Mộc vượng, động phong, Tâm hỏa thịnh, Phế kim suy dùng nó không khi nào là không thấy kiến hiệu liền tay. Lại nói A giao thứ thật khó có được, thà dùng Hoàng minh Ngưu giao, nhưng da Trâu thường chế không đúng phép, mình tự chế lấy thì tốt, khi nấu thì phải cho vào 1 miếng gạc Hươu, nếu không sẽ không thành cao.

Phụ

NGƯU BÌ GIAO

Là cao da Trâu, lại có tên là Thủy giao.

Nhuận táo tới Đại, Tiểu trường, là thuốc chủ yếu để chữa đau, hoạt huyết của ngoại khoa, trị hết thảy mọi chứng huyết của đàn ông, đàn bà.

Mọi loại cao đều bổ huyết, dưỡng hư, mà A giao là do da Lừa đen và nước giếng A tĩnh nấu thành, tức là nước sông Te thủy ngâm vào, màu sắc chính biếc, tính thì chạy xuống gấp, trong mà lại nặng, hoàn toàn âm tính, rất khác với nước ở các sông khác, do đó càng có khả năng nhuận Phế, dưỡng Can và Tư bổ Thận.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Kim quỹ yếu lược”

Đài Giao ngải thang

Sinh địa 24g, Đương quy 12g, Bạch thược 16g, A giao 8g, Xuyên khung 16g, Ngãi cứu 12g, Cam thảo 8g.

A giao sao châu để riêng, các vị khác sắc với 5 chén nước và 3 chén rượu, khi còn 3 chén, lọc bỏ bã, cho A giao vào khuấy cho tan, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng bổ huyết, điều kinh, an thai, cầm máu.

Trị phụ nữ 2 mạch Xung, Nhâm thương ton, băng huyết, rong huyết, kinh nguyệt ra quá nhiều, đái dắt không ngừng, hoặc sau khỉ đẻ non huyết ra không ngừng, hoặc có thai ra huyết, bụng đau.

“Tiểu nhi dược chứng trực quyết” Bài Bổ phế a giao thang

Bài Bổ phế a giao thang

A giao 20g, Mã đâu linh 12g, Ngưu bàng tử 12g, Chích Cam thảo 4g, Hạnh nhân 12g, Gạo Nêp 20g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Chữa Phê hư, hỏa thịnh, họng khô, khái thấu, ít đờm hoặc trong đờm có lẫn máu, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.

Trên lâm sàng dùng chữa lao hạch, viêm chi khí quản mạn tính thuộc thể Phê táo, âm bị thương.

“Y môn pháp luật”

Bài Thanh táo cứu phế thang

Tang diệp 8-12g, Thạch cao 16-20g, Mạch môn 8-12g, Nhân sâm (hoặc Đảng sâm) 8-12g, Hồ ma nhân 8-12g, Tỳ bà diệp 8-12g, A giao 8-12g, Hạnh nhân 8-16g, Cam thảo 4g.

Sắc, chia uống vài lần trong ngày.

Có tác dụng thanh Phê, nhuận táo.

Trị Phế khí âm hư do ôn táo làm tổn thương Phế, triệu chứng thường thay là sốt, đau đầu, ho khan, suyễn tức, khó thở, mũi miệng, họng khô, ngực đầy, sườn đau, lưỡi khô, không rêu. Trên lâm sàng thường dùng chữa viêm Phế quản mạn tính, giãn Phế quản, ho kéo dài, khản tiếng, đau họng.

Tùy chứng gia, giảm: Nếu âm hư huyết nhược thêm Sinh địa để dưỡng âm, thanh nhiệt. Nếu đờm nhiều thêm Qua lâu, Bối mẫu để thanh nhiệt, hóa đờm. Nếu ho ra máu thêm Trắc bá diệp, Hạn liên thảo, Hòe hoa (sao) để cầm máu.

“Y phương hải hội”-Hải Thượng Lãn Ông

Bài Giải độc tứ vật thang

Đương quy 4g, Bạch thược 8g, Hoàng liên 4-8g, A giao 4g, Xuyên khung 4g, Sinh địa 8g, Địa du 4g, sao Trắc bá diệp 4g. Săc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, cầm máu.

Trị trĩ chảy máu, rong kinh do âm hư.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Keo da lừa tính tư nhị, phàm những người tỳ vị hư nhược, không muốn ăn uống hoặc ăn vào không tiêu và nôn mửa, đi ngoài, đều kiêng không dùng.

Những phương thuốc bổ dưỡng thường dùng:

A giao thông bạch chử mật đường (Keo da lừa, hành tươi nâu mật ong)

A giao 6g – Mật ong 2 thìa canh

Hành tươi 3 cây

Hành tươi nấu với 1 bát nước, đun sôi vớt ra. Đổ keo da lừa và mật ong vào đun cho tan hết. Chia 2 lần, uống vào buổi sớm, buổi tối, trước khi ăn. Dùng cho người già, âm huyết khuy hư, táo bón.

A giao kê đản thang (thang keo da lừa, trứng gà)

A giao 10g – Trứng gà 1 quả

Keo da lừa đem hoà tan trong 1 bát nước. Trứng gà đánh tan đổ vào nước keo da lừa, nấu thành canh trứng, mắm muối cho vừa mà ăn.

Dùng cho người âm huyết bất túc, động thai, phiền táo không ổn định.

A giao đồn nhục (Keo da lừa hầm thịt)

A giao 6g – Nước vừa phải

Thịt nạc 100g

Hầm thịt nạc trước cho nhừ, sau đó cho keo da lừa vào hầm cho tan keo, cho mắm muối gia vị. Uống thang, ăn thịt.

Dùng cho người thiếu máu do xuất huyết, sắc mặt xanh xao, đầu váng tim đập gấp, kiệt lực v.v…

A giao tửu (Rượu keo da lừa)

A giao 400g

Hoàng tửu 1500 ml (xem chú thích trang 41)

Bỏ keo da lừa vào rượu đun nhỏ lửa cho tan hết, sau đó cô lại còn 1000 ml. Chờ nguội chia ra làm tư, mỗi lần uống 1 phần, uống từ từ vào lúc đói, bất kể thời gian.

Dùng cho người âm hư bị ho, hoa mắt, tim đập hồi hộp, khạc ra máu, thổ huyết, băng lậu.

A giao cao (cao keo da lừa)

A giao 500g, nấu chảy ra, cho 1000g đường phèn, trộn đều.

Uống ngày 2 lần, mỗi lần hai thìa canh, uống bằng nước sôi ấm. Dùng cho người huyết hư, sắc mặt vàng vọt, kinh nguyệt quá nhiều, hoa mắt.

A giao chúc (cháo keo da lừa)

A giao 30g (giã nát sao vàng nghiền mịn)

Gạo nếp 30 – 50g

Gạo nếp nấu cháo, gần chín cho bột a giao vào, quấy đều, nấu thêm một lát là được. Buổi sớm ngủ dậy hoặc trước khi đi ngủ ăn.

Dùng cho người huyết hư, hư lao bị ho, ho lâu ngày, khạc ra máu, thổ huyết, đổ máu cam, ỉa ra máu, phụ nữ kinh nguyệt quá ít, thai động không yên v.v…

A giao lộc thận thang (thang keo da lừa, cật hươu)

A giao 9g – Cật hươu 1 quả

Keo da lừa nấu chảy ra, cật hươu thái miếng cho vào, nấu chín. Uống ngày 1 thang chia hai lần.

Dùng cho phụ nữ khó đậu thai do huyết hư đau lưng mỏi gối.

A giao táo nhân thang (thang keo da lừa, nhân toan táo)

A giao 15g – Toan táo nhân 5g

Keo da lừa nấu chảy ra. Toan táo nhân sắc nước 1 bát, đổ vào keo trộn đều. Uống trước khi ngủ.

Dùng cho người nhiệt bệnh thương âm, hư phiền mất ngủ.

A giao nãi (sữa keo da lừa)

A giao 10g

Sữa bò tươi 150 – 200 ml

Đun sôi sữa, bỏ keo da lừa vào hoà tan khi sữa đang sôi. Uống lúc nóng, vào buổi sớm và buổi tối.

Dùng cho người chửa cứ đau lâm râm bụng dưới không dứt, ấn vào thì giảm đau, sắc mặt vàng vọt, tim đập nhanh, mắt hoa đầu váng v.v…

A giao tán (bột keo da lừa)

A giao 60g

Hoàng tửu 50ml

Keo da lừa sau khi sao bằng cáp phấn, nghiền thành bột mịn. Uống bằng hoàng tửu hoà nước sôi.

Dùng cho người huyết hư sau khi hành kinh, lượng ít sắc nhạt, bụng dưới đau suông, thân thể gầy yếu, sắc mặt vàng vọt, đầu váng tim loạn nhịp V. V…

A giao canh (keo da lừa đông đặc)

A giao 250g – Táo tầu 500g

Cùi hạch đào 150g – Đường phèn 250g

Long nhãn 150g – Hoàng tửu 750 ml

Vừng đen 150g

Táo tầu bỏ hạt, bỏ lẫn với long nhãn, vừng đen, cùi hạch đào, nghiền chung thành bột. Keo da lừa ngâm trong hoàng tửu 10 ngày; bỏ vào lặp-là sắt tráng men, hấp cách thuỷ cho keo tan hết, bỏ các dược liệu bột táo tầu, long nhãn, vừng đen, hồ đào trên đây vào, trộn đều với đường phèn, hấp cho đường phèn chảy ra, để nguội thành loại keo đông đặc.

Uống mỗi buổi sớm 2 thìa, uống bằng nước sôi hoà tan.

Dùng cho người cần có làn da mịn màng, tươi tắn, bồi bổ sức khoẻ, ngăn ngừa các nếp nhăn sinh ra. Rất phù hợp với nữ thanh niên.

A giao long cốt chúc (cháo keo da lừa, long cốt)

A giao 15g – Lá ngải 6g

Long cốt 15g – Gạo nếp 50 – 100g

Long cốt và lá ngải sắc bỏ bã lấy nước, cho gạo nếp vào

nấu cháo; khi nào chín thì cho keo da lừa giã nát vào, trộn đều. Uống lúc đói.

Dùng cho người huyết hư suy dinh dưỡng, do sung nhiệm
hư hàn mà dẫn tới việc động thai khi đang có chửa, ra huyết.

A giao bạch bì chúc (Cháo keo da lửa, vỏ tang bạch bì)

A giao 15g

Tang bạch bì 15g

Gạo nếp 100g

Đường đỏ 8g

Tang bạch bì sắc 2 nước, cho gạo nếp vào nấu cháo, cháo chín cho keo da lừa vào cho tan hết nhân lúc cháo nóng, cho đường vào khuấy đều. Để nguội mang ra ăn.

Dùng cho người huyết hư do âm hư, ho lâu ngày, khạc ra máu, kinh nguyệt quá ít, băng lậu, động thai, ỉa ra máu v.v…

A giao bạch thược thang (thang keo da lừa bạch thược)

A giao 20g – Than lá ngải 10g

Đương qui 3g – Bạch thược 10g

Sinh địa 10g – Xuyên khung 3g

Cam thảo 3g

Sắc uống ngày 1 thang chia ba lần.

Dùng cho người có triệu chứng sẩy thai (ra máu, đau bụng)

A giao địa du thang (thang keo da lừa, địa du)

A giao 15g – Rễ cỏ tranh 10g

Địa du 9g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Dùng cho người đái ra máu lâu ngày không khỏi.

A giao bạch cập thang (thang keo da lừa, bạch cập)

A giao 15g – Tam thất 10g

Bạch cập 10g

Sắc uống ngày 1 thang chia ba lần.

Dùng để chữa bệnh nôn ra máu.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây