Đào nhân

Đào nhân
Đào nhân

Tên khoa học:

Prunus persica Stokes (Persica vulgaris Mill.). Họ khoa học: Thuộc họ Hoa Hồng (Rosaceae).

Tên khác:

Đại đào nhân, mao đào nhân

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Vị thuốc này thường sao lên dùng. Sau khi sao tẩm có màu vàng. Hạt có hình, trứng, dài, bẹt và phẳng, vỏ hạt mỏng, dễ bóc (khác với hạt quả đào ăn quả ở ta), trong có 2 lá mầm có chất dầu. Lô nào hạt mẩy, đều hạt, hoàn chỉnh không sứt sẹo gì là loại tốt.

Bào chế:

Đào nhân chia làm 2 loại.

Một loại còn nguyên vỏ và đầu nhọn, khi dùng giã dập. Một loại đã bóc vỏ và bỏ đầu nhọn đi, khi dùng giã dập.

Bảo quản:

Để trong lọ có từ tính, đề phòng chất dầu dò rỉ ra ngoài.

Dược học hiện đại:

Theo các nghiên cứu hiện đại, đào nhân có chứa chất phối đường khổ hạnh nhân, chất béo, tinh nhi trà v.v… có tác dụng làm giảm tính thông thấu trong mạch máu, thúc đẩy sức hút các chất thấm ra do bị viêm, cải thiện sự lưu thông máu, giải toả trạng thái ngưng tụ của các chất kết dính trong máu. Nhi trà: là 1 loài cây thân gỗ, lá xanh 4 mùa, cành có gai, lá kép hình lông vũ, hoa vàng, quả kẹp, gỗ rắn chắc, màu be đen. Chất rắn màu be đen lấy từ cây nhi trà ra có thể làm dược liệu, có tác dụng cầm máu rất tốt.

Tính vị:

Vị đắng, ngọt; tính bình.

Quy kinh:

Vào kinh tâm, can, đại tràng.

Công năng:

Hoạt huyết, trừ đàm, nhuận tràng, thông đại tiện.

Chủ trị:

Hoạt huyết khứ ứ: chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, ứ huyết sau sinh gây đau bụng.

Nhuận tràng thông đại tiện: chữa táo bón do tân dịch khô ráo.

Chữa ho đàm nhiều,

Giảm đau, chống viêm do sang chấn.

Liều dùng:

6 – 12g/ ngày.

Kiêng kỵ:

Phụ nữ có thai không nên dùng. Những người đại tiện lỏng không nên dùng.

  • Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Vị thuốc này có nhược điểm là thương khi hao huyết, không được dùng quá liều. Người có mang kiêng dùng. Người nào tỳ hư ỉa lỏng, khi dùng phải hết sức thận trọng. Người bị xuất huyết não không nên dùng.

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:

Đào nhân chúc (cháo đào nhân)

Đào nhân 10g – Gạo lức 50g

Giã đào nhân nát ra như cháo, cho nước vào xay lấy nước bỏ bã, nấu với gạo lức thành cháo loãng ăn, chia 2 lần sớm, tối.

Dùng cho người bị tụ huyết, tắc kinh, thống kinh do sự ngưng tụ máu gây ra, người đẻ xong bị ứ máu, đau bụng, ngã chấn thương tụ huyết sưng tấy, ngực và sườn đau nhói, và người huyết áp cao, mắc bệnh cơ tim.

Đào nhân báo mặc ngư (Đào nhân ninh cá mực)

Đào nhân 10g – Cá mực 200g

Cá mực rửa sạch thái miếng, cho nước vừa phải, ninh chung với đào nhân, thêm mỡ, muối cho vừa, ăn cá mực, uống thang.

Dùng cho người tụ máu tắc kinh.

Đào nhân ngưu nhục thang (thang đào nhân thịt bò)

Đào nhân 12g – Thịt bò tươi ≈ 200g.

Thịt bò thái miếng, cho nước vừa phải, hầm chung với đào nhân làm thang, cho muối và gia vị. uống thang ăn thịt. Dùng cho người bị tắc kinh.

Đào nhân liên ngẫu thang (thang đào nhân, ngó sen)

Đào nhân 10g – Ngó sen 250g

Ngó sen rửa sạch thái miếng, cho nước vừa phải, ninh chung với đào nhân làm thang. Uống thang ăn ngó.

Dùng cho người sau khi đẻ, ác lộ bai tiết không hết hoặc bị tắc kinh.

Đào nhân tẩy diện dịch (nước rửa mặt đào nhân)

Đào nhân 300g, bỏ vỏ, nghiền cung nước cơm gạo lức vắt lấy nước. Khi nào đào nhân đặc lại như hồ, để lắng, chắt nước đổ vào bình. Mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và buổi tối, lấy nước hồ đó hâm nóng rửa mặt, làm hoạt huyết, tiêu máu ứ, da dẻ hồng hoà mặt mủi mịn màng trắng trẻo.

Gia vị đào nhân chúc (cháo đào nhân gia vị)

Đào nhân 15g – Kim tiền thảo 20g

Gạo lức 100g

Sắc Kim tiền thảo bỏ bã lấy nước, đào nhân giã nát như cháo, cho nước vào nghiền lấy nước bỏ bã. Trộn lẫn 2 thứ với nhau, cho gạo lức vào nấu cháo. Mỗi thang chia 2 lần uống.

Dùng cho người thân thể và mắt bị vàng, xạm màu, thậm chí sắc mặt thâm tím, lườn bên phải đau nhói, ăn ít mả bụng cứ trướng lên v.v…

Song hổ thông quan tán (thuốc bột thông quan lưỡng hổ)

Bột hổ phách 10g

Hổ trượng 10g

Đương qui 10g

Đào nhân 10g

Thạch vi 10g

Đại hoàng 15g

Hải kim sa 15g

Địa miết trùng 20g

Địa miết (hay thổ miết): 1 loài côn trùng thân bẹt, màu đen nâu, con đực có cánh con cái không cánh, sống trong đất chân tường. Đông y lấy làm thuốc hoạt huyết tiêu ứ thông kinh giảm đau.

Nghiền chung thành bột mịn. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 5g.

Bài thuốc này hoạt huyết, tiêu ứ, lợi thuỷ thông lâm. Dùng cho người già tiền liệt tuyến phình to ra, đối với người bị xơ cứng động mạch, mắc bệnh cơ.tim, cao huyết áp, thì thêm hải tảo 30g sắc thang uống.

Ngũ nhân tán (thuốc bột ngũ nhân)

Đào nhân 10g

Ma nhân 5g

Bá tử nhân 5g

Uất lí nhân

Hạnh nhân 5g

Nghiền chung thành bột mịn, trộn mật ong uống, ngày 2 lần, mỗi lần 3g. Dùng cho người bí ỉa, bụng trướng lên đau.

Nhuận tràng phương (thuốc nhuận tràng)

Đào nhân 10g – Sinh địa 15g

Ma nhân 10g – Đương qui 9g

Sắc hai nước, trộn lẫn, uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Dùng cho người già cơ thể suy yếu, huyết hư, nước bọt thiếu, “nước khô thuyền mắc cạn” sinh ra đại tiện khô táo, bụng táo kết không thông.

Đào nhân sơn tra chúc (cháo đào nhân, sơn tra)

Đào nhân 9g – Lá sen nửa tàu

Sơn tra 9g – Gạo lức 60g

Bối mẫu 9g

Đào nhân, sơn tra, bối mẫu, lá sen nấu chung làm thang, bỏ bá, lấy nước, cho gạo lức vào nấu cháo. Mỗi ngày 1 thang. Uống cả thảy 30 thang.

Dùng cho mụn trứng cá thông thường do đờm ứ ngưng kết sinh ra.

Đào nhân quyết minh mật trà (trà đào nhân, mật ong, đậu ma)

Đào nhân 10g

Hạt thảo quyết minh 12g (hạt đậu ma)

Mật ong trắng vừa phải

Đào nhân bỏ vỏ, nghiền bột, hạt thảo quyết minh giã nát. Sắc chung lấy nước. Pha mật trắng vào, uống thay trà..

Dùng cho người trong não đang hình thành huyết thuyên. Huyết thuyên: Hiện tượng máu trong tim hay thành mạch máu do nhiều nguyên nhân bị vón cục bám vào tim hay thành mạch máu. Huyết thuyên có thể tiêu đi hoặc bong ra gây tắc mạch máu.

Đào hoa bạch chỉ tửu (rượu hoa đào, bạch chỉ)

Hoa đào 250g – Bạch chỉ 30g

Rượu trắng 1000ml

Trước và sau tiết thanh minh, hái những nụ và hoa đào mới nở chưa lâu trên các cành đào ở hướng Đông Nam, ngâm vào rượu cùng với bạch chỉ, bịt kín miệng lọ lại để đúng 1 tháng.

Rượu thuốc này dùng cho người mặt bị xạm đen, tàn hương, hoặc do có chửa, sau khi sinh nở, sắc mặt trở nên đen sạm. Hàng ngày 2 buổi sớm, tối, hoặc chỉ riêng buổi tối, uống 1-2 chén rượu, đồng thời rót một ít rượu ra lòng bàn tay, sát hai tay vào nhau, khi nào thấy nóng lên thì sát đi sát lại lên những chỗ đen sạm hoặc tàn hương trên mặt. Làm thế từ 30 đến 60 ngày, các vết tàn hương trên mặt tự tiêu đi, khuôn mặt trở lại mịn màng, hồng hào như thường.

Tham khảo “Dược phẩm vựng yếu”

Khí vị: Khí hòa bình, vị đắng nhiều, ngọt ít, tính hàn, không có độc, chìm mà giáng xuống, thuộc âm dược, vào kinh Thủ quyết âm, Hương phụ làm sứ.

Chủ dụng: Chữa các chứng huyết ứ, huyết bế, huyết táo, huyết kết, hành huyết, chỉ thống, nhuận Đại trường, bụng dạ cứng đau, đau sán khí, ho suyễn, khí nghịch lên, bán thân bất toại, trưng hà, ngứa âm hộ, trẻ con sưng tinh hoàn, sát trùng, đuổi tà.(Đào nhân là tinh ba của 5 loài mộc, trấn áp được tà tý).

Hợp dụng: Có thể chạy vào huyết phận, tính của nó nhuận hoạt, đươc dùng với Ma nhân, Đương quy chữa táo bón rất hay.

Kỵ dụng: Tuy nói cay phá huyết trệ, ngọt sinh huyết mới; nhưng đắng nhiều, ngọt ít, khí bạc vị hậu, trầm mà giáng xuống, tả nhiều, bổ ít, dùng nhầm hoặc dùng nhiều thì ỉa ra máu không cầm được, làm tổn thương chân âm, phải nên cẩn thận.

Cách chế: Loại hạt có 2 nhân không nên dùng vì độc có thế gây chết người, ngâm nước nóng, bỏ vỏ và đầu nhọn, sao đỏ, nghiền nát như bùn để dùng.

Nhận xét: Đào nhân chủ trị các bệnh về huyết, bệnh ứ huyết tất phải dùng nó, bởi vì Can là nguồn của huyết, huyết tụ thì Can khí táo, Can sợ căng thẳng, căng thẳng thì kịp uống thuốc ngọt để hòa hoãn đi, tính ngọt và hòa hoãn của Đào nhân còn có đắng có thể tán huyết, cho nên Để đương thang có dùng Đào nhân trị bệnh thương hàn 8-9 ngày có ứ huyết, phát nóng, bụng dưới đau và đầy, tiểu tiện tự lợi, mạch trầm kết. Lại có bệnh nên phát hãn mà không phát hãn, làm cho thế độc lấn vào sâu, sinh thổ huyết, huyết kết lại, buồn phiền vật vã, nói sảng, đều sử dụng bài này. Tuy rằng đắng để tả huyết trệ, ngọt để sinh huyết mới, nhưng xét kỹ thì công năng phá huyết nhiều mà sức bổ huyết ít, chỉ chạy vào huyết phận mà tính nhuận hoạt, dùng làm tá cho Đương quy, Ma nhân để chữa bệnh táo kết hay như thần vậy.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Thương hàn luận”

Bài Đào nhân thừa khí thang

Đào nhân 12-16g, (bỏ vỏ và đầu nhọn), Quế chi 4-8g, Mang tiêu 4-8g, Đại hoàng 4-8g, chích Thảo 4-8g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng hoạt huyết trục ứ.

Trị chứng huyết ứ súc kết ở hạ tiêu, triệu chứng thường thấy là bụng dưới đầy đau, phân đen, tiểu tiện bình thường, mạch trầm thực hoặc sáp.

“Thánh tế tổng lục”

Chữa khí suyễn cấp dùng Đào nhân, Hạnh nhân, mỗi thứ nửa lạng (20g) bỏ vỏ, đầu nhọn, sao, nghiền, dùng nước làm hoàn bằng hạt ngô, mỗi lần dùng 10 hoàn, thang bằng nước Gừng và Mật, thấy hơi đỡ làm mức độ.

“Bản thảo cương mục”

Chữa truyền thi ho tấu, mụn nhọt, huyết khí không thông, ngày càng gầy yếu, dùng Đào nhân 40g, bỏ vỏ, đầu nhọn, tán nhỏ, sắc lấy nước, cho Gạo nấu cháo, ăn lúc đói.

“Ngoại thai bí yếu”

Chữa tiểu nhi sưng tinh hoàn, dùng Đào nhân sao thơm giã nát, cho thìa Rượu, đảo kỹ, đắp vào, ngày 2 lần.

“Thế y đắc hiệu phương” Bài Ngũ nhân hoàn

Bài Ngũ nhân hoàn Đào nhân 20g, úc lý nhân 4g, Hạnh nhân 12g, Tùng tử nhân 4g, Bá tử nhân 12g, Trần bì 8-12g.

Cùng tán nhỏ, thêm Mật hoàn, liều uống 8-12g, ngày vài lần.

Có tác dụng nhuận tràng, thông tiện.

Chữa táo bón ở người lớn tuổi, sản phụ sau khi sinh.

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Nhuận tràng thang

Ma tử 6g, Đào nhân 6g, Chỉ thực 3-6g, Thục địa 9g, Sinh địa 9g, Hoàng cầm 6g, Hậu phác 6g, Đại hoàng 3-9g, Cam thảo 4g, Đương quy 9g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận tràng.

Chữa người già táo bón.

Gia giảm:

Táo do nhiệt thêm Sài hồ. Táo do đờm thêm Qua lâu. Táo do huyết hư trễ thêm Hồng hoa. Táo do khí hư kết thêm Binh lang, Mộc hương. Người nhiều mồ hôi, họng khô thêm Nhân sâm, Mạch môn. Sau sinh bị táo thêm Hồng hoa. Người huyết áp cao, xơ cứng động mạch nên thêm Chi tử. Người viêm Thận mạn tính thì thêm Trạch tả.

‘Thiên gia diệu phương”

Bài Gia giảm thông lạc hoạt ứ thang

Đảm tinh 10g Ngư phiêu 15g
Thiên ma 15g Đan sâm 50g
Hoàng kỳ 50g Hồng hoa 15g
Đào nhân 15g Bạch thược 15g
Địa long 30g Thủy diệt 10g
Sinh Hòe mễ 50g Xích thược 15g

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày, khi bệnh đã bớt nên giảm liều. Có tác dụng thanh nhiệt, trừ đàm, sơ lạc, tức phong.

Chữa nghẽn mạch não.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây