Cây na thuộc loại thân gỗ nhỏ, cao 2-5m. Lá có hình mũi mác tù hay nhọn, dài 8-12cm, rộng 4-5cm. Hoa nhỏ mọc đối với lá, màu xanh lục, có cuống dài, nhiều nhị, thơm. Quả mọng, kép, khi non có màu xanh, quả chín có màu hơi trắng hay hanh vàng, thịt quả trắng, hạt nhỏ dài và đen, vỏ cứng. Quả na chín ăn thơm ngon và rất bổ. Quả và hạt na được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Theo Đông y, quả na vị ngọt, chua, tính ấm, hạ khí tiêu đờm. Quả na xanh làm săn da, tiêu sưng, chữa lỵ, tiết tỉnh, đái tháo chữa bệnh tiêu khát, tiêu chảy, chữa mụn nhọt, viêm vú. Hạt na có vị đắng, hôi, tính lạnh, ít độc, thanh can, giải nhiệt tiêu độc, sát trùng, diệt côn trùng, chấy rận.
Thuốc chữa bệnh ứng dụng từ Quả Na:
Bài 1. Thuốc chữa bệnh viêm vú
+ Quả na non bị khô trên cây 1 quả
+ Giấm ăn 50ml
Quả na giã nhỏ, cho vào giấm ăn, trộn đều ngâm 2 giờ. Người bệnh dùng bông thấm nước giấm đắp vào chỗ đau, bông khô lại thấm đắp tiếp, cần đắp liền 7-9 ngày.
Bài 2. Thuốc trừ chấy
+ Hạt na 50g
+ Rượu trắng 50ml
Hạt na giã nhỏ, ngâm vào rượu sau 6 giờ, chắt lấy rượu, dùng vải sạch thấm rượu bôi ướt tóc hên tục 2 giờ. cần làm liền 5-7 ngày.
Bài 3. Thuốc chữa bệnh kiết lỵ
+ Quả na gần chín 300g
+ Lá mơ lông 100g
+ Rau diếp cá 50g
Quả na rửa sạch, bỏ hết hạt, cùng các vị thuốc cho vào nồi thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. cần uống liền 9 ngày.
Bài 4. Thuốc chữa bệnh ho do viêm họng
+ Quả na điếc 150g (quả na không phát triển bị khô trên cành)
+ Nhân hạt gấc 20g
+ Sinh địa 50g
+ Sạ can 30g
+ Cam thảo đất 25g
+ Lá bạc hà 50g
+ Lá chanh 30g
+ Lá táo 25g
Quả na điếc đốt tồn tính, các vị thuốc sấy khô; tất cả đem tán nhỏ mịn, dùng mật mía luyện viên bằng hạt ngô phơi khô đem dùng.
Người lớn ngày dùng 8 viên chia hai lần với nước sôi để nguội, uống sau khi ăn.
Trẻ em dưới 10 tuổi dùng 4 viên, chia 2 lần với nước sôi để nguội, sau khi ăn. cần dùng liền 5 ngày.
Bài 5. Thuốc chữa bệnh tiêu chảy
+ Quả na điếc 20g
+ Vỏ quả lựu 10g
+ Can khương 5g
Quả na điếc đốt tồn tính, cùng các vị thuốc cho vào nồi thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. cần uống liền 3 ngày.
Bài 6. Thuốc chữa bệnh kiết ly
+ Quả na điếc 20g
+ Kim ngân hoa 10g
+ Hoàng liên 5g
Quả na điếc đốt tồn tính, cùng các vị thuốc cho vào nồi thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. cần uống liền 5 ngày.
Bài 7. Thuốc chữa bệnh sốt rét
+ Quả na điếc 40g
+ Tỏi khô 20g
+ Giun đất (khoang cô) 80g
+ Phèn phi 20g
Quả na điếc giã nhỏ, tẩm rượu sao vàng; giun đất làm sạch, bỏ hết đất trong ruột, rửa lại bằng rượu phơi khô, sao vàng. Tất cả tán nhỏ mịn, dùng nước tỏi luyện viên bằng hạt đậu xanh, phơi khô đem dùng. Người lớn ngày dùng 20 viên, chia hai lần uống với nước sôi để nguội. Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi uống 1/3 liều dùng người lớn. cần uống liền trong nhiều ngày.
Những điều cần tránh khi ăn quả Na
Quả na ăn nhiều dễ mọc mụn, táo bón
Na được nhiều người ưa thích và nhầm tưởng là quả “lành tính”, nhưng thực ra na lại là một trong số các loại quả gây nóng cho cơ thể. Chỉ cần một vài quả là khiến da bị nổi mụn cho một số người vốn sẵn tính nóng trong người. Thậm chí, tình huống xấu hơn là nhiều người khi ăn na xong sẽ bị táo bón, mọc mụn.
Na ngọt nhưng có tác dụng giảm cân
Nhiều người cho rằng, ngọt lịm, vị ngon nên dễ ăn nhiều vì vậy rất dễ tăng cân. Tuy nhiên, ưu điển rất lớn trong quả na là chứa rất nhiều vitamin C, không chứa chất béo bão hòa và cholesterol, hàm lượng natri thấp, nên rất có lợi cho những người ăn kiêng hoặc đang có ý định giảm cân.
Hãy thêm vào khẩu phần ăn mỗi ngày của bạn 1 quả na . Bạn sẽ thấy tác dụng giảm cân rõ rệt sau vài tuần.
Không cắn vỡ hạt na khi ăn
Hạt của qủa na thể dùng để làm thuốc chữa bệnh nhưng lại có độc tố cao. Vì vậy khi ăn nên cẩn thận, nếu sơ ý nuốt phải hạt thì không sao vì hạt na có vỏ dày và cứng bao bọc, còn nếu cắn vỡ hạt na thì độc tố trong nhân hạt na rất dễ phát huy tác dụng, gây hại cho cơ thể.
Người tiểu đường không ăn nhiều
Đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thì không nên ăn nhiều na bởi trong na có hàm lượng đường tương đối cao.
Cảnh giác với giòi trong quả na
Với những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, ở các vết đó có dấu hiệu chảy nước thì tuyệt đối không nên ăn. Đặc biệt những quả na có mắt thâm đen, cứng, khi ăn cần cảnh giác vì sẽ không ngon, vị ủng hoặc đa số là có giòi.