Quả Mơ và tác dụng chữa bệnh của quả mơ

Hoa quả chữa bệnh

Cây mơ thuộc loài thân gỗ, vỏ xù xì, cao 5-6m, lá hình trứng dài, đầu có mũi nhọn, mép có răng cưa nhỏ. Hoa mọc đơn độc có cuống ngắn, màu trắng, nhiều nhị. Quả hình cầu, phủ lông tơ, lúc non màu xanh, khi chín màu vàng, cuối quả có mũi nhọn, hạt hình thận, được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Theo Đông y, quả mơ, hạt mơ được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Quả mơ khi chế thành ô mai mặn có vị chua
Quả mơ khi chế thành ô mai mặn có vị chua

Tên khác: Mai, hạnh, má pheng (Thái)

Tên khoa học: Prunus armeniaca L.

Họ Hoa hồng (Rosaceae)

MÔ TẢ

Cây nhỏ, có cành non màu nâu hồng. Lá mọc so le, đầu có mũi nhọn ngắn, mép có răng cưa, hai mặt ở lá non phủ lông tơ mịn, sau nhẵn, hoặc có ít lông ở các gân.

Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá rụng, màu trắng thơm, đài và tràng có 5 phiến mỏng, nhị nhiều, bầu có một ô.

Quả hạch có lông rất mịn, mặt bên có một đường rãnh nông, màu vàng thơm khi chín.

Mùa hoa quả: tháng 1 – 5.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, mơ phân bố ở các nước châu Á và một phần của châu Âu.

Ở Việt Nam, mơ là cây trồng từ lâu đòi và phổ biến ở các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra nhất là các tỉnh Lạng

Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, đặc biệt là khu vực chùa Hương Tích ở Hà Tây. ở miền Nam, không thấy có mơ.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Quả và hạt mơ.

Quả được chế biến thành bạch mai hay diêm mai và ô mai. Cách làm như sau:

  • Chế bạch mai: Hái quả mơ chín vào tháng 3 – 4, rửa sạch, phơi cho héo, bỏ vào vại muối với tỷ lệ 3 mơ 1 muối (cứ một lớp mơ lại một lớp muối) trong 3 ngày đêm. Vớt ra, phơi nắng cho se, lại muối thêm lần thứ hai trong một ngày đêm, rồi phơi hoặc sấy cho thật khô.
  • Chế ô mai: Hái quả mơ xanh, phơi héo, cho vào nước đang sôi đến khi quả hơi nứt thì vớt ra, tãi mỏng, phơi nắng hoặc sấy nhẹ cho nhăn vỏ ngoài, đem đồ rồi lại phơi (Có người còn tẩm nước bồ hóng); Làm như vậy 6 – 7 lần đến khi thịt quả có màu tím đen là được. Tiếp tục phơi hoặc sấy cho khô hẳn.

Khi dùng, ô mai có thể được sao qua hoặc sao tồn tính.

Hạt mơ đã sạch cùi quả, đem phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, đập vỡ hạt lấy nhân, chần qua nước sôi rồi sao vàng. Có thể ép nhân hạt để lấy dầu, bã còn lại thêm nước, rồi chưng cất sẽ được nước cất hạt mơ.

Hoa mơ cũng được dùng theo các tài liệu nước ngoài.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Cùi quả mơ chứa đường (glucose, fructose, sucrose), tanin, pectin, các acid hữu cơ (acid citric, acid malic), các acid amin (acid glutamic, threonin, alanin, glycin, leucin, valin…), tinh dầu (có p.cymen, limonen, myrcen, geraniol…).

Hạt mơ có dầu béo, amygdalin, emulsin. Dầu béo chứa các acid myristic, palmitic, stearic, oleic…

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Nước quả mơ pha đường và nước muối mơ đã được áp dụng cho công nhân làm việc ở những nơi nóng như hầm lò, lò gang thép, nhà máy xi măng… thấy có tác dụng làm đỡ khát nước, ra ít mồ hôi.

Nhân hạt mơ có khả năng chống ho khá mạnh.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Quả mơ tươi được dùng với tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, trừ đờm, chống viêm. Dạng dùng thông thường là quả mơ ướp đường với tỷ lệ 1 quả với 1 đường thành dạng sirô, sau pha loãng với nước mà uống. Hoặc quả mơ chín ngâm với rượu 50° cũng với tỷ lệ 1/1 để thành rượu mơ. Rượu này thơm, ngon, được dùng làm thuốc bổ, giúp ăn ngon, nhuận tràng, chống khát nước. Ngày uống 30 – 60ml chia làm 2 – 3 lần.

Ô mai là thuốc giảm ho, trừ đờm, làm se, tiêu thũng, chữa viêm họng, viêm amidan, ho, hen, khó thồ, phù nề, tiêu chảy và kiết lỵ ra máu, nôn mửa.

Liều dùng hàng ngày: 4 – 8g dưới dạng ngậm hoặc sắc uống, (ở dạng thuốc ngậm, người ta thường dùng ô mai trộn với bột cam thảo).

Nước muối quả mơ cũng được tận dụng để làm nước

uông giải khát vừa rẻ tiền, đỡ lãng phí, vừa chống nóng không kém sirô mơ.

Dầu hạt mơ được dùng làm thuốc hổ, nhuận tràng với liều 5 – 15ml phối hợp với sữa làm thành dạng nhũ tương. Dùng ngoài, dầu hạt mơ là thuốc bôi trừ nẻ, làm tóc trơn và bóng mượt.

Nước cất nhân hạt mơ chữa ho, khó thở, đau dạ dày, nôn mửa với liều mỗi lần 0,5 – 2ml (chú ý không dùng liều cao có thể bị ngộ độc).

Hoa mơ, tên thuốc là bạch mai hoa, có vị hơi chua, ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho, tiêu độc chữa cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, ho có đờm. Liều dùng hàng ngày: 2,5 – 5g, hoa sắp nở phơi hoặc sấy khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, hoa mơ giã đắp chữa nhọt độc.

BÀI THUỐC

  • Chữa ho lâu ngày, viêm họng: Mơ chín (100 quả), dịch ép quả chanh (1 chén), mật ong (80g), cam thảo (10g). Tất cả trộn đều, nấu nhừ, ép bỏ bã rồi cô lại thành cao ngậm làm nhiều lần trong ngày. (Hải Thượng Lãn ông).
  • Chữa viêm họng, ho, khản tiếng: Ô mai (4g), lá tre (8g), tô mộc (8g), cam thảo dây (5g), chua me đất (5g), lá chanh (4g), gừng sống (2g). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
  • Chữa ho đờm có máu: ô mai (8g), hoa hòe (12g, sao), chi tử (12g, sao), vỏ rễ dâu (12g tẩm mật, sao), sắc uống. (Nam dược thần hiệu).
  • Chữa ho gà:Ô mai, quất hồng bì, vỏ rễ dâu, bách bộ, củ sả, cát cánh, hạnh nhân, kinh giới, cam thảo, bạc hà (mỗi thứ 50g). sắc lấy nước đặc, thêm đường, nấu thành sirô. Mỗi lần uống 1 – 5 thìa con tùy theo tuổi và thể trạng bệnh. (Kinh nghiệm của Bệnh viện Đồng Muối, Hải Hậu, Nam Hà cũ).
  • Chữa sốt rét: Ô mai và thường sơn (đồ với giấm), giã nhuyễn làm viên, uống với rượu vào sáng sớm trước lúc lên cơn. (Hải Thượng Lãn Ông).

 

Thuốc ứng dụng từ quả mơ:

Bài 1. Thuốc chữa bệnh kiết ly lâu ngày

+ Ô mai 8g

+ Hoàng liên 5g

+ Mộc hương 8g

+ Bạch chỉ 10g

+ Bạch thược 5g

+ Cát căn (nướng) 5g

+ Kha tử 5g

+ Gừng tươi (nướng) 3g

Các vị thuốc cho vào nồi cùng 500ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn. cần dùng liền 10-15 ngày.

Cây mơ thuộc loài thân gỗ, vỏ xù xì
Cây mơ thuộc loài thân gỗ, vỏ xù xì

Bài 2. Thuốc chữa bệnh ho

+ Nhân hạt mơ                     9g

+ Bách hợp                           15g

Cả hai vị thuốc cho vào nồi cùng 400ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn. cần uống liền 7 ngày.

Bài 3. Thuốc chữa bệnh đái ra máu

+ ô mai 5 quả

+ Rau má 50g

+ Diếp cá 10g

+ Rễ cỏ tranh 8g

+ Râu ngô 10g

Các vị thuốc cho vào nồi cùng 400ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước bữa ăn. cần uống liền 3-5 ngày.

Hoa quả chữa bệnh
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận