Cây đậu xanh thân thảo, sống hàng năm, thân lá có lông mịn, được trồng ở nhiều nơi để lấy hạt làm thực phẩm. Chùm hoa mọc ở nách lá. Hoa màu vàng lục. Quả đậu hình trụ mảnh, có lông, chứa nhiều hạt nhỏ hình trụ ngắn, thường có màu xanh lục. Hạt đậu xanh dùng để ăn và làm thuốc chữa bệnh.
ĐẬU XANH
Tên khác: Đỗ xanh, lục đậu, má thúa kheo (Thái)
Tên khoa học: Vigna aureus (Roxb.) N.D. Khoi.
Họ Đậu (Fabaceae)
MÔ TẢ
Cây thảo sống hàng năm, có thân cành hơi có rãnh và lông mềm. Lá kép mọc so le, 3 lá chét mép nguyên, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá; hoa nhiều, màu lục hoặc vàng nhạt, đài hình chuông, tràng có cánh cờ rộng, cánh thìa hình liềm, cánh bên có tai, nhị 2 bó, bâu có lông.
Quả đậu thẳng, hình trụ, nhẵn; hạt màu lục.
Mùa hoa quả: tháng 3 – 8.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Trên thế giới, đậu xanh phân bố rộng rãi ở các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á. Đây là đặc sản của vùng nhiệt đới châu Á.
ở Việt Nam, đậu xanh được trồng từ lâu đời ở đồng bằng, trung du và miền núi. Vùng trồng lớn hiện nay là Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Hạt lấy từ quả đậu xanh chín, vỏ ngoài đã khô xác, dùng sống, phơi khô hoặc rang vàng cho thơm rồi tán bột.
Vỏ hạt thu được khi chế biến hạt đậu xanh trong kỹ nghệ thực phẩm.
Giá đậu xanh, phải là loại giá có cọng thân mầm mập, cong tự nhiên, dài 3 – 4cm, màu trắng, hạt đậu teo lại, vỏ hạt bong ra, nhưng vẫn còn nguyên không ròi ra, lá mầm có màu vàng nhạt hoặc hơi ánh xanh, rễ màu nâu nhạt. Dược liệu thường được dùng dưới dạng tươi sống hoặc muối dưa giá.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Hạt đậu xanh chứa 22 – 23,4% protein, 2,4% lipid, 53 – 60% carbohydrat, giàu lysin, các vitamin A, Bl, B2, pp, B6, C; acid folic, acid panthotenic, các nguyên tố Na, K, Ca, p, Fe, Cu. Các acid amin chủ yếu là methionin, tryptophan, valin, leucin, arginin, histidin, tyrosin, alanin, acid glutamic, serin…
Vỏ hạt đậu xanh chứa 0,8% Havonoid toàn phần gồm vitexin và isovitexin, chất béo và tanin.
Giá đậu xanh cũng giàu protid, glucid, vitamin và nguyên tố vi lượng, cung cấp 44 calo/100g.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Dạng chiết bằng cồn và nước từ hạt đậu xanh có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol huyết thanh trên động vật thí nghiệm.
Bột đậu xanh có tác dụng phòng và chống hiện tượng tăng lipid – máu thực nghiệm.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Trong nhân dân, hạt đậu xanh là thực phẩm phổ biến để thổi xôi, nấu cháo, nấu chè, làm bánh, làm miến, ngâm giá.
Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, hạt đậu xanh tên thuốc là lục đậu, có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, điều hòa ngũ tạng. Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g dưới dạng để sống, sắc hoặc làm bột uống. Hạt đậu xanh giã nát, thêm nước, lọc, thêm đường cho đủ ngọt, uống làm thuốc giải độc. Có thể phối hợp với cam thảo với tỷ lệ hai phần đậu xanh và một phần cam thảo, nấu kỹ lấy nước uống hoặc với lá sen, lượng hai thứ bằng nhau, nấu cháo ăn trong ngày (khi chín, vót bỏ lá sen). Hạt đậu xanh nấu cháo ăn hằng ngày, kết hợp uống nước sắc bông ổi (hoa ngũ sắc) thay chè chữa khát nước, đái tháo.
Bột đậu xanh trộn với giấm cho nhão, đắp chữa sưng tấy, phát nóng, nhức nhối.
Hạt đậu xanh (20g) để cả vỏ, giã nát, sắc nước uống còn phòng chữa say nắng.
Vỏ hạt đậu xanh có tên thuốc là lục đậu bì hoặc lục đậu xác có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khát, giải độc, làm sáng mắt, tiêu viêm, lợi tiểu. Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ hạt đậu xanh phơi khô, nhồi vào túi vải để gôl đầu tạo cảm giác mát, dễ chịu, chống nhức đầu, nhất là về mùa nóng ẩm. vỏ hạt đậu xanh sắc lấy nước đặc, thêm đường cho thật ngọt, uống để chữa ngộ độc nói chung, nhất là bị nấm độc, say sắn.
Giá đậu xanh là một loại rau ăn đặc biệt dưới dạng mầm (hiện được coi là rau sạch) cũng là vị thuốc phổ biến trong dân gian và đang được các nhà khoa học chú ý nghiên cứu để chữa một số bệnh khó. Những người hiếm con (cả nam lẫn nữ) và phụ nữ dễ bị sẩy thai, hằng ngày ăn nhiều giá sống sẽ rất tốt. Tác dụng chính là do vitamin E rất cần thiết cho cơ thể trong trường hợp thiểu năng sinh dục và khó sinh đẻ. Ăn nhiều giá còn bảo vệ tế bào của cơ thể, ngăn ngừa quá trình lão hóa.
Khi ho có đờm, khô cổ, khản tiếng, lấy giá sống trộn với ít muối, ép lấy nước ngậm làm nhiều lần trong ngày. Để chữa ngộ độc thức ăn và kim loại, bí đái, say rượu, uống nước ép giá sống pha thêm đường.
Dưa giá ăn được đều hằng ngày chữa bụng đầy tức, ọc ạch, đi ngoài phân sống, vì trong dưa giá có nhiều men lactic, một tác nhân thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi bị say rượu, uống ngay một cốc nước ép dưa giá sẽ có tác dụng nhanh hơn nước ép giá sống.
Gần đây, các nhà nghiên cứu cho thấy phụ nữ Nhật Bản và Trung Quốc ít bị ung thư vú do ăn nhiều giá đậu xanh. Vitamin E trong giá còn có tác dụng hấp thu tia tử ngoại chống lão suy, tẩy sạch các chấm đen trên da mặt nên có khả năng làm da bớt khô nháp, chống được những nếp nhăn. Ngoài ra, giá đậu xanh còn giúp phụ nữ giảm nhẹ các thay đổi khó chịu ở thời kỳ mãn kinh.
Chú ý: Không dùng giá xào nấu vì nhiệt độ cao làm mất hoạt tính tác dụng của các men tiêu hóa sẵn có trong giá đậu xanh.
BÀI THUỐC
- Phòng, chữa cảm nắng, viêm nhiệt: Hạt đậu xanh, hạt đậu đỏ và hạt đậu đen (lượng ba thứ bằng nhau) giã nát, nấu với nước cho thật nhừ, rồi ăn cái, uống nước, liền trong vài ngày.
- Chữa sốt cao, mê man, co giật: vỏ hạt đậu xanh (10g), sinh địa (10g), cam thảo (10g), huyền sâm (10g), thạch cao (10g), huyền minh phấn (10g). Tất cả phơi khô, nghiền nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. (Thang thuốc Thần tiên cứu khổ của Chu Văn An – Y học yếu giải tập chú).
- Chữa ngộ độc cà độc dược: vỏ hạt đậu xanh (80g), kim ngân hoa (40g), liên kiều (20g), cam thảo (10g), sắc uống ngày một thang.
- Chữa cảm nóng, ra nhiều mồ hôi: vỏ hạt đậu xanh (10g), lá dâu non (16g), lá tía tô (12g). sắc uống. Nếu bị sốt cao, nóng nhiều, mê sảng, lấy vỏ hạt đậu xanh (12g), kim ngân hoa (12g), lá tre (12g), bạc hà (8g), kinh giới (6g), cũng sắc uống.
- Chữa thủy đậu ở thời kỳ các nốt đậu đã xẹp xuống: Vỏ hạt đậu xanh (12g), cát sâm (12g), sinh địa (12g), đậu ván trắng (12g), vỏ hạt đậu đen (12g), lá dâu (10g), hoàng tinh (10g), mạch môn (10g), cam thảo dây (10g).
Tất cả phơi khô, cắt nhỏ, sắc uống trong ngày.
Theo Đông y, hạt đậu xanh có vị ngọt, tanh, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bớt sưng đau, ích khí lực, điều hòa ngũ tạng, chữa cảm sốt, tiêu khát, đái tháo đường, đau bụng cồn cào. Dùng ngoài giã nhuyễn đậu đắp chữa giời leo.
THUỐC CHỮA BỆNH TỪ ĐẬU XANH
Bài 1. Thuốc chữa bệnh cảm sốt
+ Hạt đậu xanh cả vỏ 50g
+ Lá dâu non 15g
+ Lá tía tô 12g
+ Gạo tẻ 50g
Hạt đậu xanh và gạo xay thành bột. Lá dâu non, tía tô rửa sạch thái nhỏ. Cho bột đậu xanh, bột gạo vào nồi thêm 400ml nước quấy nhỏ lửa, khi chín cho lá dâu, tía tô vào đảo đều. Cho người bệnh ăn nóng trong ngày, lúc đói.
Bài 2. Thuốc chữa bệnh kiết lỵ
+ Hạt đậu xanh 30g
+ Lá mơ lông 20g
+ Rau sam 15g
Các thứ rửa sạch, cho vào nồi cùng 500ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước đặc. Người bệnh ngày uống 3 lần trước bữa ăn. cần uống liền 7 ngày.
Bài 3. Thuốc chữa bệnh cao huyết áp
+ Đậu xanh 100g
+ Đậu đen 100g
+ Nho khô 50g
+ Đường trắng 20g
Các vị thuốc cho vào nồi, riêng đường trắng cho vào sau, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ. Khi còn 200ml nước thuốc cho đường trắng vào quấy đều thuốc sôi lại là được. Người bệnh chia hai lần ăn hết trong ngày lúc đói. cần dùng liền 11 ngày là một liệu trình, thời gian nghỉ giữa các liệu trình là 5 ngày, dùng 9 liệu trình.
Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ. Khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày trước khi ăn. Cần uống liền 21 ngày.
Bài 4. Thuốc chữa bệnh bạch đới quá nhiều
+ Đậu xanh 300g
+ Hạt sen (bỏ tâm) 200g
+ Khiếm thực 100g
+ Mộc nhĩ đen 100g
Các vị thuốc sấy khô, tán nhỏ mịn dùng nước cháo đặc luyện viên bằng hạt ngô phơi khô đem dùng. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 viên với nước sôi để nguội trước khi ăn.