Trang chủĐông y chữa bệnhChứng phế nuy - phế ung trong đông y và điều trị

Chứng phế nuy – phế ung trong đông y và điều trị

Đại cương: “Phế nuy” là lá phổi rũ yếu, giống như cây cỏ bị khô héo không tươi. “Phế ung” là trong phổi có nhọt mủ, ủng tắc không thông.

“Phế nuy” và “phế ung”: đều là có nhiệt trong phổi, chứng trạng cũng có chỗ giống nhau. “Phế nuy” thuộc chứng hư, chủ yếu là có nhiệt ở thượng tiêu, nhưng đôi khi cũng có thuộc hư hàn; “phế ung” thuộc chứng thực, do nhiệt làm cho huyết kết lại, tích chứa nung nấu thành ra ung. Hai loại đó hư thực khác nhau nên cách chữa cũng khác nhau.

PHẾ NUY

  1. NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân chủ yếu sinh ra “phế nuy” là vì tân dịch bị mất quá nhiều, phổi bị mất sự tư dưỡng rồi dần dần khô rũ, như sách “Kim quỹ yếu lược” chép: nhiệt ở thượng tiêu rồi nhân ho mà thành ra phế nuy. Bệnh “phế nuy” vì đâu mà sinh ra?

Trả lời: “Hoặc vì ra mồ hôi, hoặc vì nôn mửa hoặc vì tiêu khát, tiểu tiểu đi quá nhiều, làm cho tân dịch hao cạn quá mà sinh ra”. Nhưng cũng có khi vì trong phổi hư lãnh khí không hóa được tân dịch mà thành “phế nuy”. Trong “Kim quỹ yếu lược” cũng nêu ra chứng “phế nuy” do nhiệt ở thượng tiêu.

  1. BIỆN CHỨNG

Đặc trưng của “phế nuy” là ho, nhổ ra bọt dãi, mạch hư mà sác, như sách “Kim quỹ yếu lược” nói: “Mạch thông khẩu sắc”, mà bệnh nhân có hiện tượng ho: miệng nhỏ ra bọt dãi là tại sao?

Trả lời “Đó là bệnh phế nuy”, đồng thời do tân dịch sút kém, phổi mất sự tư dưỡng mà thấy chứng trạng âm hư nội nhiệt, như khi hoạt động, là thở hổn hển, người gầy gò, tinh thần bải hoải, ăn uống sút kém, lông, da khô ráo, nặng hơn thì nóng cơn, tắt tiếng, là dấu hiệu sắp nguy.

“Phế nuy” thường thuộc hư nhiệt, đôi khi có hư hàn, sách “Kim quỹ yếu lược” đã nêu ra chứng hậu của bệnh phổi lạnh để phân biệt như nói “Chứng “phế nuy” nhổ bọt dãi mà không ho, người bệnh không khát, thế nào cũng có đái són, đái rắt, sở dĩ như vậy là vì trên hư không tiết chế được dưới. Đó là vì trong phổi lạnh, thì tất cả có choáng váng nhổ ra nhiều bọt dãi” câu này nêu ra đặc trưng của bệnh “phế nuy” thuộc hư hàn mà nhổ ra nhiều bọt dãi mà không khát nước, không ho, vì thế cách phân biệt hai chứng này là dựa vào các chứng nhổ ra bọt dãi nhiều hay ít, ho hay không ho, khát hay không khát.

  1. CÁCH CHỮA

“Phế nuy” thuộc nhiệt làm hại tân dịch thì dưỡng phế, thanh phế làm chủ, duy có chứng nhổ ra bọt dãi thì trong thuốc thanh phế nhuận phế cần gia thêm tý thuốic hóa đờm, dùng Mạch đông thang làm chủ phương (1) hoặc Thanh táo cứu phế thang (2) của Dụ Gia Ngôn mà chữa. Thuốc phế hư hàn thì dùng thuốc cam ôn để điều dưỡng, dùng bài Cam thảo can khương thang (3) làm chủ phương, gia các vị thuốc ôn dương mà chữa.

PHẾ UNG

  1. NGUYÊN NHÂN

Bệnh “phế ung” là do ngoại cảm phong nhiệt hoặc uống rượu nhiều quá, nhiệt kết đọng lại tụ ở phổi, huyết ứ nhiệt tắc, rồi thành nhọt cho nên lấy thực nhiệt làm nhân tố chủ yếu.

  1. BIỆN CHỨNG

Chứng trạng của “phế ung” là ho, ngực đau, mửa ra máu, mủ hôi tanh nhưng các giai đoạn của bệnh tình đó khác nhau, nay chia ra để bàn như sau:

  • Khi mới phát

Thở ra hít vào không được thông lợi, có hiện tượng rõ rệt là ho và ngực đau, hoặc có phát nóng mạch phù, mà sác, hời giống với chứng trạng của ngoại cảm, lúc này bệnh còn nhẹ, sau đó ho khí xốc lên, miệng khô, suyễn đầy, họng khô, không khát, thỉnh thoảng gai rét, đờm đục tanh hôi, mạch chuyển sang hoạt sác hay sác thực là hiện tượng khí huyết ủng kết nhọt mủ đã thành. Trương Trọng cảnh nói “Nhiệt đến đâu thì huyết bị ngừng trệ đến đó. Kết tụ lại sinh nhọt mủ, mửa ra như cháo gạo” khi đó bệnh phát triển rất nhanh.

  • “phế ung” vỡ mủ

Thấy mửa ra máu mủ hoặc như cháo gạo, ngực sườn phiền đầy mà đau, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi phần nhiều vàng rớt, mạch hoạt sác đều thuộc hiện tượng thực nhiệt, nếu kéo dài lâu ngày, mạch chuyển sang sác, chất lưỡi khô đỏ, hình thể gầy mòn, đó là triệu chứng mủ nhọt chưa hết mà chính khí đã hư.

Đặc trưng của chứng “phế ung” và “phế nuy”.

Phương thuốc thực nhiệt nung huyết kết lại mà thành ung cho nên ho, mửa ra đờm đục hôi tanh có cả máu mủ, “phế nuy” phần nhiều thuộc hư nhiệt làm thương tổn tân dịch mà thành nuy, nhổ ra nước dãi đặc và không hôi tanh. Hai loại đó rất dễ phân biệt.

  1. CÁCH CHỮA

Chữa chứng “phế ung” nên thanh nhiệt, hóa trọc dùng bài Thiên kim vĩ hành thang làm chủ yếu. Nếu nhổ ra chất đục hôi tanh, ho mửa không hết, thì nên dùng luôn cả bài Đình lịch đại táo cứu phế thang (4) hoặc bài Cát cánh thang (5) để trừ mủ giải độc, quá trưa có cơn nóng thì nên thêm những vị thanh cao, bạch vi, nếu chứng thực vị nhiệt chuyển làm chứng hư, khí âm hao sút thì nên thanh nhiệt để nuôi phần âm, dùng bài Cát cánh, Hạnh nhân tiễn (6) của cảnh Nhạc, nặng thì bổ chân khí để nuôi phần âm, dùng bài Tế sinh Cát cánh thang (7).

Căn cứ báo cáo kinh nghiệm trên lâm sàng hiện nay thì người bệnh chính khí chưa hư, đã dùng bài Cát cánh bạch tán (8) có hiệu quả, nhưng những “ca” ấy chưa có mấy, còn phải đợi nghiên cứu thêm, vả chăng vị Ba đậu tính mạnh, dùng phải cẩn thận. Ngoài ra như Ngư tinh thảo, đơn phương trần giới thái lệ để chữa “phế ung” cũng đã có báo cáo là đều có giá trị để nghiên cứu.

  1. TÓM TẮT

“Phế nuy” và “phế ung” đều là bệnh ở phổi, “phế nuy” là âm dịch hư, phổi nóng, khô héo, mất tác dụng, chủ chứng là ho mửa ra nước dãi, mạch hư sác, cách chữa nên sinh tân nhuận phế, “phế ung” là do phong nhiệt hoặc tửu nhiệt chứa kết ở phổi, nhiệt nung, huyết kết lại mà thành ung chủ chứng là ho mửa đờm đặc tanh hôi ngực đau, mạch sác thực, chứng chưa thành mủ thì nên thanh nhiệt tán kết, mủ đã thành rồi thì nên giải độc bài trừ mủ. Lại như trong phổi lạnh, mửa ra nước dãi vì phế lạnh kiêm có chứng đái són do trên hư không tiết chế được thì nên dùng thuõc cam ôn để bổ dưỡng.

  1. PHỤ PHƯƠNG

  1. Mạch môn đông thang: Mạch đông, bán hạ, nhân sâm, cam thảo, ngạnh mễ, đại táo.
  2. Thanh táo cứu phế thang: Xem số 7 phụ phương mục khái thấu.
  3. Cam thảo can khương thang: Cam thảo, can khương.
  4. Đinh lịch đại táo cứu phế thang: Xem số 7 phụ chương mục hen suyễn.
  5. Cát cánh thang: Cát cánh, cam thảo.
  6. Cát cánh hạnh nhân tiễn: Cát cánh, hạnh nhân, cam thảo, a giao, kim ngân hoa, mạch đông, bách hợp, hạ khô thảo, liên kiều, bối mấu, chỉ xác, hoàng đằng.
  7. Tế sinh Cát cánh thang: Tang bạch bì, cát cánh, bốỉ mẫu, đương quy, qua lâu nhân, sinh hoàng kỳ, chỉ xác, cam thảo, phòng kỷ, bách hợp, dĩ nhân, ngũ vị tử, địa cốt bì, tri mẫu, hạnh nhân, đình lịch.
  8. Cát cánh bạch tán: Cát cánh, bối mẫu, ba đậu.
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây