Trang chủDinh dưỡng họcDINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ NUÔI CON BÚ

DINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ NUÔI CON BÚ

ĐẶC ĐIỂM VÀ NHU CẦU DINH DƯỠNG CỦA PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ NUÔI CON BÚ

Thai nghén là một trạng thái sinh lý bình thường nhưng dễ mất ổn định do có nhiều thay đổi trong cơ thể người mẹ. Nhìn chung, khi mang thai và nuôi con bú nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ tăng cao hơn bình thường. Khi mang thai, người mẹ cần được cung cấp đầy đủ năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển bào thai và có nguồn dự trữ cần thiết để nuôi con sau này. Khi nuôi con bú, ngoài nhu cầu dinh dưỡng cho người mẹ, khẩu phần ăn cần đáp ứng được nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng để tạo sữa nuôi con.

Ở người phụ nữ có thai chuyển hoá tăng và cao nhất vào những tháng cuối, trung bình chuyển hoá cơ sở của phụ nữ có thai tăng khoảng 20% so với khi chưa có thai. Nhu cầu năng lượng cho cả quá trình mang thai (280 ngày) ước tính vào khoảng 80.000 kcal cao hơn nhu cầu bình thường, như vậy khi mang thai mỗi ngày cần bổ sung thêm khoảng 300 kcal. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 3 tháng đầu người mẹ cần bổ sung năng lượng khoảng 150 kcal/ngày, còn 6 tháng sau cần bổ sung khoảng 350 kcal/ngày.

Nhu cầu về năng lượng của bà mẹ nuôi con bú ước tính khoảng 2700 – 3000 kcal/ngày. Người ta ước tính rằng, để cung cấp được 100 ml sữa, khẩu phần ăn của người mẹ cần tăng khoảng 80 – 95 kcal, như vậy trong thời kỳ nuôi con bú năng lượng của bà mẹ cần để tiết sữa nuôi con khoảng 650 – 750 kcal/ngày. Tùy thuộc vào năng lượng được cung cấp từ mỡ dự trữ trong thời kỳ mang thai (khoảng 200 –300 kcal/ngày), năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày của các bà mẹ cần tăng thêm khoảng 500 kcal.

Nhu cầu protein của phụ nữ có thai và nuôi con bú cũng cao hơn mức bình thường. Theo bảng Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (1999), đối với phụ nữ có thai 6 tháng cuối, nhu cầu cần bổ sung là 350 kcal và 15g protein/ngày, đối với bà mẹ nuôi con bú là 550 kcal và 28g protein/ngày.

Thuốc Obimin
Thuốc Obimin

Nhu cầu một số vi chất dinh dưỡng như sắt, calci, kẽm… của các bà mẹ cũng tăng trong thời kỳ mang thai và nuôi con bú. Do trong thời kỳ mang thai và bắt đầu tiết sữa không có kinh nguyệt nên nhu cầu phụ về sắt của bà mẹ có thai và nuôi con bú xấp xỉ nhu cầu phụ của người phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Người ta ước tính rằng, trong thời kỳ mang thai người mẹ cần bổ sung khoảng 1g sắt để đáp ứng nhu cầu sắt của bào thai, nhau thai và tăng tổng hợp hồng cầu trong cơ thể người mẹ. Calci chiếm 1/3 khối lượng chất khoáng trong cơ thể và khoảng 98% lượng calci của cơ thể nằm ở xương và răng. Chính vì thế, calci rất cần thiết cho phát triển của trẻ em và đối với phụ nữ có thai cũng như cho con bú. Ở người lớn nhu cầu calci trung bình khoảng 400 – 500 mg/ngày, phụ nữ có thai trong 3 tháng cuối và cho con bú cần 1000 – 1200 mg/ngày. Đối với bà mẹ có thai và nuôi con bú, nhu cầu của hầu hết các vitamin như vitamin A, B1, B2, PP và C đều tăng cao hơn mức bình thường.

Bảng 3.1. Nhu cầu một số chất dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và nuôi con bú theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng (1999)

dinh-dưỡng-bà-bầu

ĂN UỐNG CỦA BÀ MẸ TRONG KHI CÓ THAI VÀ NUÔI CON BÚ

  • Những thức ăn nào tốt nhất cho bà mẹ có thai và cho con bú ?

Người mẹ cần cung cấp đầy đủ các chất dinh duỡng trong thời kỳ có thai và nuôi con bú để đảm bảo sự phát triển của thai, nhau thai, khối lượng máu trong cơ thể tăng, tăng dự trữ mỡ cho tạo sữa sau này và duy trì được nguồn sữa mẹ. Do vậy, mọi thực phẩm sẵn có đều tốt đối với bà mẹ mang thai và nuôi con bú. Các bà mẹ nên ăn đủ no và đa dạng các thực phẩm. Khi mang thai và nuôi con bú, các bà mẹ cần ăn nhiều hơn mức bình thường.

* Tăng thêm năng lượng (chủ yếu được cung cấp từ gạo)

Đối với phụ nữ trong thời kỳ này, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đặc biệt thời kỳ thai 3 tháng cuối và nuôi con bú hoàn toàn trong 4 tháng đầu. Theo bảng nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng về năng lượng hằng ngày cho phụ nữ cần được bổ sung như sau:

  • Phụ nữ có thai 3 tháng cuối: thêm 350 kcal, tương đương ăn thêm 1 bát cơm đầy mỗi ngày.
  • Bà mẹ nuôi con bú 6 tháng đầu: thêm 550 kcal, tương đương ăn thêm 2 bát cơm đầy mỗi ngày.

Người ta đã tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa năng lượng khẩu phần, mức tăng cân của mẹ và cân nặng sơ sinh. Vì vậy, cần chăm sóc bà mẹ khi mang thai và nuôi con bú để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho cả mẹ và con.

  • Bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể

Ngoài ăn đủ cơm (và các lương thực khác) bữa ăn cho bà mẹ mang thai cần có thức ăn bổ sung chất đạm và chất béo giúp cho việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực phẩm như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng, lạc. Đây là những thức ăn có giá rẻ hơn thịt nhưng có lượng đạm và lượng chất béo cao giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn thức ăn tan trong dầu. Chất đạm động vật đáng chú ý là từ các loại thuỷ sản như tôm, cua, cá, ốc… và nếu có điều kiện nên cố gắng ăn thêm thịt, trứng và sữa.

  • Tăng cường nhu cầu chất khoán thông qua việc cải thiện khẩu phần thực tế của phụ nữ có thai và nuôi con bú

Các chất khoáng và vi khoáng là chất dinh dưỡng tuy chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn cơ thể có nhu cầu cao về chất dinh dưỡng cho phát triển như thời kỳ có thai và nuôi con bú.

  • Calci trong khẩu phần: Calci có nhiều trong tôm, cua, cá và sữa. Thay đổi nhiều loại thức ăn, bữa ăn sẽ có đủ các chất khoáng.
  • Sắt trong khẩu phần: Sắt có nhiều trong thịt, cá, trứng, các loại nhuyễn thể, trong ngũ cốc, đậu đỗ các loại và vừng, lạc. Sắt do thức ăn cung cấp thường không đáp ứng đủ nhu cầu sắt gia tăng trong suốt thời gian mang thai, vì vậy bà mẹ có thai cần được bổ sung viên sắt.
  • Kẽm trong khẩu phần: Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá và hải sản. Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém.
  • Vitamin A trong khẩu phần:

+ Vitamin nguồn gốc động vật: Có trong sữa, gan, trứng… là nguồn dễ dàng được hấp thu và dự trữ trong cơ thể để dùng dần.

+ Vitamin A nguồn gốc thực vật: Các loại rau có màu xanh đậm, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ…, là những thực phẩm có nhiều caroten còn gọi là tiền vitamin A, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.

  • Vitamin D trong khẩu phần: Vitamin D có nhiều trong gan, trứng, bơ, dầu cá …
  • Vitamin B1 trong khẩu phần: Ngũ cốc và các loại hạt họ đậu chứa nhiều vitamim B1. Khi giã gạo trắng quá hoặc để gạo bị mục, bị mốc sẽ làm mất đi một lượng lớn vitamin B1. Ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt nhất để bổ sung đủ vitamin B1 cho cơ thể chống được bệnh tê phù.
  • Ngoài ra, một số loại vitamin khác như vitamin C làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Acid folic tham gia tạo máu. Vitamin C và acid folic có nhiều trong các quả chín và rau.

    tử cung khi mang thai
    tử cung khi mang thai
  • Các bà mẹ chú ý về chế độ ăn trong thời gian mang thai
    • Người mẹ chỉ nên tránh rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc, và hạn chế các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, dấm, tỏi…
    • Nên ăn nhạt (bớt muối) để giảm phù và tránh tai biến lúc đẻ, nhất là các bà mẹ bị phù thận.
    • Trong trường hợp bị nghén như buồn nôn, hoặc nôn hay sợ ăn một số thức ăn bà mẹ cần cố gắng thay bằng một số thức ăn khác hoặc đồ uống đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khi có thai. Bà mẹ có thai và nuôi con bú không nên kiêng khem (như kiêng ăn rau, quả, kiêng thịt, trứng hay mỡ…). Điều này không tốt cho sức khoẻ của mẹ và ảnh hưởng đến lượng sữa bài tiết hằng ngày.
    • Không nên dùng thuốc khi không có sự hướng dẫn của thầy thuốc.
  • Các bà mẹ cần tăng bao nhiêu cân trong thời kỳ mang thai ? Trong thời kỳ có thai cân nặng nên tăng trung bình 9 – 12

Bảng 3.2. Mức độ tăng cân của mẹ và phát triển của thai nhi

dinh-dưỡng-phụ-nữ-cho-con-bú

Khi có thai, nếu người mẹ tăng cân tốt, thai nhi sẽ phát triển tốt, khi đẻ con khoẻ đồng thời mẹ sẽ tích luỹ mỡ là nguồn năng lượng dự trữ để tạo sữa sau khi sinh.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây