Trang chủChăm sóc bệnh nhânChăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt

Chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt được dịch từ chữ Schizophrenia có nghĩa là chia cắt các hoạt động tâm thần, hoạt động tâm thần của bệnh nhân không hoà hợp, không thống nhất. Đây là một bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên chưa rõ, nhân cách của người bệnh bị biến đổi theo kiểu phân liệt, làm cho người bệnh tách dần ra khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong, làm cho tình cảm của người bệnh trở nên khô lạnh, học tập và làm việc sút kém.

Bệnh này đã được các nhà tâm thần học biết đến từ thời xa xưa. Từ năm 1857, tác giả R. Morel (người Pháp) gọi là bệnh mất trí sớm, trong gần một thế kỷ qua, các nhà tâm thần học trên toàn thế giới đã tập trung nghiên cứu về bệnh này vì đây là loại bệnh tâm thần nặng và phức tạp nhất trong các rối loạn tâm thần.

Bệnh có một số đặc điểm sau: người bệnh mất thống nhất trong hoạt động tâm thần, mất dần liên hệ với xung quanh, cảm xúc ngày càng khô lạnh, tư duy lệch lạc trầm trọng, hành vi kỳ dị khó hiểu.

Tuổi phát sinh chủ yếu ở lứa tuổi từ 18 – 40.

Dịch tễ: theo một số tác giả cho thấy, ở Việt Nam có tỷ lệ khoảng 0,7% dân số, thế giới khoảng từ 0,3 đến 1% dân số.

NGUYÊN NHÂN

Cho đến nay nguyên nhân chính của bệnh tâm thần phân liệt vẫn còn chưa được xác định rõ, đa số các nhà tâm thần học trên thế giới chấp nhận cho rằng đây là một loại bệnh không phải có một thể duy nhất mà có nhiều thể lâm sàng khác nhau. Hiện nay tồn tại một số quan điểm cho rằng có thể có nhiều giả thuyết như do di truyền gặp từ 30 đến 40% nếu cả bố và mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt, nguyên nhân sinh học là những yếu tố nội sinh như rối loạn chuyển hoá các chất môi giới hoá học thần kinh như dopamin, cathecolamin, serotonin, GABA, andopin…

Môi trường tâm lý xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn, bệnh nhân mất khả năng thích ứng với các Stress tâm lý xã hội, rối loạn cấu trúc và xung đột gia đình, các biến đổi văn hoá tuy không phải là nguyên nhân nhưng cũng góp phần thúc đẩy bệnh phát sinh và phát triển.

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Các rối loạn phân liệt có đặc điểm chung là sự rối loạn cơ bản và đặc trưng về tư duy, tri

giác và cảm xúc không thích hợp hay cùn mòn, ý thức của bệnh nhân còn rõ ràng và năng lực trí tuệ còn được duy trì mặc dù có một số thiếu sót về nhận thức có thể xuất hiện trong quá trình tiến triển.

Các nhóm triệu chứng có tầm quan trọng đặc biệt và thường đi với nhau là:

  • Tư duy vang thành tiếng, bị đánh cắp, bị phát thanh.
  • Hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối.
  • Có các ảo thanh thường xuyên bình phẩm về bệnh nhân, có thể xuất phát từ một bộ phận nào đó của cơ thể.
  • Có các loại hoang tưởng dai dẳng khác không thích hợp về mặt văn hoá và hoàn toàn không thể có được (ví dụ: bệnh nhân cho rằng mìmh có khả năng tiếp xúc với người ngoài hành tinh, có kha năng làm thay đổi thời tiết…).
  • Ảo giác dai dẳng bất cứ loại nào có khi kèm theo hoang tưởng thoáng qua hay chưa hoàn chỉnh.
  • Tư duy gián đoạn, hay thêm từ khi nói, ngôn ngữ không liên quan, không thích hợp và ngôn ngữ bịa đặt.
  • Tác phong căng trương lực như kích động, giữ nguyên dáng, uốn sáp, phủ định, sững sờ.
  • Có các triệu chứng âm tính: vô cảm, ngôn ngữ nghèo nàn, học tập kém, lao động giảm sút.
  • Biến đổi không thường xuyên và có ý nghĩa về chất lượng toàn diện của tập tính cá nhân như mất những sở thích cũ, lười nhác, mải mê suy nghĩ về bản thân và cách ly xã hội.
  • Trí tuệ còn được duy trì, ý thức còn rõ ràng.

Các triệu chứng trên phải tồn tại trên một tháng khi đó mới cho phép chẩn đoán tâm thần phân liệt.

ĐIỀU TRỊ

Đây là bệnh phải điều trị lâu dài, điều trị tấn công tại bệnh viện và điều trị duy trì tại gia đình, kết hợp dùng thuốc với liệu pháp lao động và tái thích ứng xã hội.

  • Liệu pháp tâm lý

Tiếp xúc với người bệnh với thái độ thông cảm, nâng đỡ, không mặc cảm, không coi thường hay tránh né, khiếp sợ bệnh nhân.

Tổ chức hệ thống cửa mở trong bệnh viện tránh giam giữ đến mức tối đa, tổ chức bệnh viện ban ngày tại cộng đồng.

Giải quyết những nhu cầu và những mâu thuẫn của người bệnh tại gia đình và cộng đồng.

  • Liệu pháp lao động và tái thích ứng xã hội

Nhằm phục hồi lại các chức năng lao động và nghề nghiệp mà bệnh nhân đã mất đi trong khi bị bệnh.

  • Liệu pháp hoá dược

Liệu pháp hoá dược là liệu pháp thông dụng nhất và có hiệu lực nhất trong điều trị các trạng thái loạn thần cấp và chống lại xu hướng mạn tính hoá và tái phát của bệnh, dựa trên nguyên tắc: chọn thuốc phù hợp với triệu chứng lâm sàng, dùng thuốc thích hợp với từng trạng thái cơ thể, chú ý phụ nữ có thai, người già, người cho con bú, hạn chế tối đa sự kết hợp nhiều thuốc an thần cùng một lúc. Theo dõi chặt chẽ, phát hiện kịp thời các tác dụng phụ, biến chứng, bệnh cơ thể và tình trạng nhiễm độc.

  • Liệu pháp sốc điện

Chỉ định: bệnh nhân trong tình trạng trầm cảm nặng có ý tưởng và hành vi tự sát, các trạng thái căng trương lực sững sờ, không chịu ăn, kích động, hoang tưởng, ảo giác điều trị lâu ngày kháng thuốc.

PHÒNG BỆNH

  • Rèn luyện nhân cách để thích ứng với môi trường và xã hội.
  • Theo dõi những người có yếu tố di truyền để phát hiện sớm điều trị kịp thời. Những người đã bị bệnh cần được điều trị liên tục có hệ thống gia đình.
  • Loại trừ các sang chấn tâm thần tại cộng đồng và gia đình tránh yếu tố gây tái phát.
  • Phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp tại cộng đồng.

CHĂM SÓC

Nhận định triệu chứng

Giai đoạn cấp tính: tuỳ thể lâm sàng mà có các triệu chứng khác nhau, người bệnh hưng phấn tâm lý, kích động, căng trương lực bất động, tự kỷ, thiếu hoà hợp, trầm cảm có hoang tưởng bị tội dẫn tới hành vi tự sát. Ở giai đoạn này thông thường bệnh nhân phủ định bệnh không chấp nhận điều trị và tìm cách trốn viện.

Giai đoạn thuyên giảm: các triệu chứng lâm sàng trên không còn điển hình nữa, bệnh nhân có thể tiếp xúc được, tác phong hài hoà hơn nhưng vẫn chưa hoàn toàn ổn định, đôi khi vẫn có những biểu hiện kỳ dị khó hiểu, nói chung ở giai đoạn này bệnh nhân ăn được, ngủ được, ý thức được bệnh của mình và tự giác uống thuốc.

Giai đoạn ổn định: các triệu chứng ở giai đoạn cấp giảm nhiều, bệnh nhân ý thức được bệnh của mình, tiếp xúc tốt, sinh hoạt trở lại gần như bình thường, một số bệnh nhân trở lại làm việc như cũ tuy vẫn phải uống thuốc duy trì.

Một số bệnh nhân mạn tính điều trị tuy ổn định nhưng không làm được việc như cũ, sống phụ thuộc vào gia đình, đôi khi có biểu hiện bất thường về tính cách nhưng nếu duy trì uống thuốc đều thì lại ổn định.

Một số bệnh nhân bị bệnh lâu năm hoặc không được điều trị chu đáo dẫn đến giai đoạn cuối là sa sút trí tuệ, sống cuộc sống bản năng.

Những vấn đề cần chăm sóc

  • Người bệnh không tự chăm sóc được bản thân.
  • Người bệnh có nguy cơ gặp nguy hiểm.
  • Người bệnh nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng.
  • Người bệnh không dùng thuốc theo chỉ dẫn.
  • Người bệnh có nguy cơ gây nguy hiểm cho người xung quanh.
  • Người bệnh có ý tưởng và hành vi tự sát.

Lập kế hoạch chăm sóc

Theo dõi đánh giá các triệu chứng để phân loại bệnh nhân, từ đó có kế hoạch chăm sóc cụ thể, những bệnh nhân kích động mạnh phải cho nằm buồng riêng với chế độ chăm sóc đặc biệt, trong phòng bệnh chỉ trang bị những dụng cụ thật cần thiết cho sinh hoạt như giường nằm, chiếu, chăn màn, những bệnh nhân đã ổn định cho nằm buồng chung, chăm sóc bệnh nhân về vệ sinh, ăn uống, trang phục, giúp đỡ bệnh nhân tái thích ứng với xã hội, thực hiện đúng, kịp thời y lệnh, chuẩn bị thuốc, máy sốc điện và các phương tiện cấp cứu.

Theo dõi diễn biến của bệnh, các biến chứng khi dùng thuốc.

Thực hiện kế hoạch chăm sóc

Những bệnh nhân kích động phải cho nằm buồng riêng, trang bị những thứ thật cần thiết như giường chiếu, chăn màn, hệ thống điện phải ở trên cao đề phòng người bệnh tự sát, tiêm thuốc kịp thời, chăm sóc ăn uống đầy đủ.

Những bệnh nhân ở mức độ trung bình cho nằm phòng chung, không cho mang các thứ nguy hiểm vào trong phòng bệnh, các dụng cụ sinh hoạt dùng bằng đồ nhựa.

Theo dõi sát tình trạng bệnh nhân sau khi dùng thuốc.

Những bệnh nhân không chịu ăn do hoang tưởng, ảo giác chi phối cần động viên cho bệnh nhân ăn, nếu không được phải đặt ống thông dạ dày để bơm thức ăn, dùng liệu pháp tâm lý để bệnh nhân yên tâm chữa bệnh và thực hiện đầy đủ nội quy buồng bệnh, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện tốt liệu pháp lao động, tái thích ứng xã hội, thường xuyên theo dõi sát người bệnh, phát hiện kịp thời những diễn biến của bệnh để báo cáo thầy thuốc xử lý kịp thời. Hướng dẫn người bệnh thực hiện tốt liệu pháp lao động.

Những bệnh nhân có ý tưởng và hành vi tự sát cần phải: loại bỏ các vật dùng có thể gây nguy hiểm, theo dõi sát, ngăn chặn kịp thời, thực hiện uống thuốc đầy đủ, nếu cần phải làm sốc điện.

Đánh giá

Việc chăm sóc được coi là có kết quả khi : Các triệu chứng giảm và hết, bệnh nhân tiếp xúc và sinh hoạt bình thường, chấp hành tốt nội quy bệnh phòng, có thể trở lại làm việc được, người bệnh ý thức rõ được bệnh của mình, tự giác dùng thuốc, thực hiện tốt các liệu pháp điều trị.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây