Trang chủCây thuốc NamCà độc dược cảnh-Cà độc dược gai tù-Cà độc dược lùn

Cà độc dược cảnh-Cà độc dược gai tù-Cà độc dược lùn

Cà độc dược cảnh

Cây của Mêhicô và Pêru được trồng làm cảnh, có nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp quanh năm và thơm, nhất là vào buổi tối. Có thể nhân giống bằng cành giâm.

Cà độc dược – Brugmansia suaveolens (Willd.) Bercht. et Presl (Datura suaveolens Humb. et Bonpl. ex Willd.), thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả: Cây nhỡ khoẻ, cao 4-5cm, hoá gỗ, có vỏ xám, cành lá thường thòng xuống. Lá mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá, to, dài 15-20cm, tới 30cm, rộng 20cm, có lông ở mặt dưới, gốc có khi không cân, đầu nhọn; cuống dài 2-3cm. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp từng đôi, màu trắng, dài 20-30cm. Tràng hình loa kèn, dài 15-25cm, đường kính 1-1,5cm; nhị đính trên ống tràng và có bao phấn dính nhau. Quả nang không gai dài 7-10cm, hạt dẹp hai đầu.

Bộ phận dùng: Lá và hoa – Folium et Flos Brugmansiae.

Nơi sống và thu hái: Cây của Mêhicô và Pêru được trồng làm cảnh, có nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp quanh năm và thơm, nhất là vào buổi tối. Có thể nhân giống bằng cành giâm.

Thành phần hóa học: Lá cũng chứa nhiều alcaloid, trong đó có hyosyamin. Tính vị, tác dụng: Cũng như Cà độc dược.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cũng được dùng trị bệnh hen; lấy lá và hoa thái nhỏ phơi khô hút như thuốc lá.

Cà độc dược gai tù

Cà độc dược gai tù – Datura innoxia Mill., thuộc họ Cà- Solanaceae.

Mô tả: Cây thảo một năm hay lưu niên, cao đến 1m, có lông mịn. Lá có màu xanh lục sẫm, phiến xoan, to đến 30 x 15cm, mép nguyên hay có thuỳ, gốc không cân xứng; cuống 5-8cm. Hoa thơm, dài đến 20cm, hồng hay tim tím; đài hình ống 5 răng; tràng có 5-10 cạnh; nhị 5, đính ở miệng ống tràng. Quả nang tròn, nở thành 4 mảnh không đều, có gai dài mềm như u nhọn, có lông.

Bộ phận dùng: Lá và hoa – Folium et Flos Daturae Innoxiae.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mêhicô, được nhập trồng ở nhiều nước châu Âu và Ấn Độ, trở thành cây mọc hoang. Ta nhập giống từ Hungari vào trồng. Gieo hạt vào mùa xuân hoặc mùa đông. Sau khoảng 7 ngày cây mọc. Khi cây mọc lá thứ ba thì bắt đầu tỉa và định vị cây. Trồng sau 30-45 ngày, cây bắt đầu ra hoa. Khi quả xanh rộ, bắt đầu thu hoạch toàn bộ thân lá hoa quả làm dược liệu. Thu hái vào sáng sớm, lúc trời nắng ráo, đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô để chế biến dạng thuốc bột, cồn thuốc hay cao.

Thành phần hóa học: Lá chứa tỷ lệ cao scopolamin (0,16-0,25% trong lá, 0,23-0,80% trong cây), dầu cố định và vitamin C. Rễ chứa tigloidin, atropin, tropin, pseudotropin và các base khác như 7- hydroxy-3a, 6b-digiloyloxytropan, (-) 3a, 6b-digiloyloxytropan, hyoscin và meteloidin.

Tính vị, tác dụng: Cũng như Cà độc dược.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cũng dùng như Cà độc dược. Hoa cũng được dùng làm thuốc hút như các loại Cà độc dược khác.

Cà độc dược lùn

Cà độc dược lùn – Dutura stramonium L. (D. tatula L.), thuộc họ Cà – Solanaceae.

Mô tả: Cây thảo sống hằng năm, cao 0,30 đến 1m. Lá mềm, nhẵn, chia thuỳ sâu với mép có răng cưa không đều. Hoa có lá đài màu lục hoặc hơi tím; tràng hoa màu trắng, đầu các cánh hoa có mũi nhọn dài. Quả hình trứng, mọc thẳng, có nhiều gai cứng, khi chín nứt thành 4 mảnh đều nhau; hạt hình thận, màu đen nâu.

Bộ phận dùng: Lá hoa và hạt – Folium. Flos et Semen Daturae Stramonii.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở các nước châu Âu, sang tới Pháp và Anh, và cũng phân bố ở Ấn Độ trên dãy Hinalaya, từ Cashmia tới Xích Kim và vùng núi ở Trung và Nam Ấn Độ. Ở nước ta, cây được nhập trồng làm thuốc. Nhân giống bằng hạt. Gieo hạt vào mùa xuân hoặc mùa đông (tháng 10 – 11). Gieo độ 40-45 ngày đã có thể đem cây con đi trồng. Người ta thu hái lá lúc cây đang ra hoa, hái vào buổi sáng sớm, lúc trời nắng ráo, rồi đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khô. Người ta có thể chế thuốc dạng bột lá, cồn thuốc hay cao; còn hoa thường dùng tươi, thái nhỏ, phơi khô, cuốn hút như thuốc lá.

Thành phần hóa học: Các bộ phận của cây đều chứa alcaloid, chủ yếu là hyoscyamin; atropin và hyoscin, acid chlorogenic và 0,45% tinh dầu màu sẫm; còn có saponin, tanin, flavonoid, cumarin. Hạt chứa 15-17% dầu béo, trong đó có các acid béo: linoleic, palmitic, stearic, lignoceric…

Tính vị, tác dụng: Vị cay, đắng, tính ấm, có độc; có tác dụng làm tê, chống đau, ngừng ho ngăn suyễn, trừ đàm, khử phong thấp như Cà độc dược, làm dịu thần kinh (tác dụng tương tự belladon và jusquamin) và chống co thắt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta dùng lá đắp nhọt, loét và cá độc cắn; dịch hoa trị đau tai; dịch quả đắp da đầu để trị gầu và rụng tóc. Ở Trung Quốc, hoa, lá, hạt dùng chữa hen phế quản, bụng dạ quặn đau, viêm xương tuỷ sinh mủ, đau răng, đau phong thấp, đòn ngã, rắn cắn, mụn nhọt. Còn dùng gây tê.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây