Trang chủCây thuốc NamBìm bìm lam-Bìm bìm lá nho-Bìm bìm núi-Bìm bìm tía-Bìm bìm trắng-Bìm...

Bìm bìm lam-Bìm bìm lá nho-Bìm bìm núi-Bìm bìm tía-Bìm bìm trắng-Bìm bìm vàng

Bìm bìm lam

Cây của Nam Mỹ, hiện nay đã thuần hoá, thường gặp mọc ở hàng rào, lùm bụi. Cũng có khi trồng, Thu hái quả chín vào mùa thu, trước khi quả nứt, đập lấy hạt rồi phơi khô.

Bìm bìm lam, Bìm bìm khía – Ipomoea nil (L.) Roth. (Pharbitis nil (L.) Choisy.), thuộc họ Khoai lang -Convolvuaceae.

Bìm bìm lam
Bìm bìm lam

Mô tả: Thân leo quấn 2-3m. Lá xoan, dạng tim dài 8-13cm, thường có 3 thuỳ hinh trái xoan nguyên; thuỳ bên có khi có răng (do cây có tên Bìm bìm khía). Cuống lá; lá đài có lông, hình dải, có mũi cong; tràng hoa có ống trắng, phiến trải ra màu lam, tía hay hồng. Quả nang to 1cm, chứa 5-7 hạt tròn cao 5mm, đen đen, không có lông. Quả tháng 7-10.

Bộ phận dùng: Hạt – Semen Ipơmoeae, thường gọi là Khiên ngưu tử.

Nơi sống và thu hái: Cây của Nam Mỹ, hiện nay đã thuần hoá, thường gặp mọc ở hàng rào, lùm bụi. Cũng có khi trồng, Thu hái quả chín vào mùa thu, trước khi quả nứt, đập lấy hạt rồi phơi khô.

Tính vị tác dụng: Vị đắng, tính hàn, hơi độc; có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu sưng, trừ giun.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Viêm thận phù thũng, xơ gan cổ trướng; 2.

Táo bón; 3. Giun đũa, sán xơ mít. Liều dùng 3-5g, dạng thuốc sắc. Không dùng cho người có thai. Ðối với người ốm yếu dùng phải cẩn thận. Không dùng chung với hạt Ba đậu.

Ðơn thuốc:

  1. Táo bón: Khiên ngưu tử, hạt Cau, lượng bằng nhau, nghiền thành bột, trộn thêm mật luyện viên Uống ngày một viên, trước khi đi ngủ.
  2. Phù thũng: Khiên ngưu tử Mã đề 8g, Gừng 2g, nước 300ml. Sắc còn 150ml chia 2 lần xuống trong ngày. Nếu tiểu tiện được nhiều thì tốt. Có thể liều ruống cao hơn nữa cũng được.
  3. Trị giun đũa, giun tóc: Dùng hạt Bìm bìm 8g, hạt Cam 8g, Chút chít 4g, tán nhỏ cho uống 3 lần vào tảng sáng lúc đói (nhịn ăn).
  4. Cổ trướng và thũng trướng mạn tính: Dùng hạt Bìm bìm 8g, Hồi hương 2g, tán nhỏ, chia uống 2-3 lần trong một ngày. Uống 3 ngày liền thì rút nước, bớt trướng.

Bìm bìm lá nho

Bìm bìm lá nho – Merremia vitifolia (Burm, .f) Hall f., thuộc họ Khoai lang – Convolvulaceae.

Mô tả: Dây leo quấn to, dài đến 25m, thân cứng, dầy lông. Lá có phiến tròn tròn, to 5-7cm, có 5- 7 thuỳ nhọn, mép có răng, có lông nằm, gân từ gốc 5. Cụm hoa ngắn ở nách lá, trên cuống dài 3-4cm. Hoa màu vàng da cam, khi khô màu đỏ, rộng 5cm; lá đài rộng đến 2cm; nhị gắn cách đáy ống tràng 5-7mm. Quả nang tròn, đường kính 4cm, có 1 van. Hạt 1-4, màu nâu, nhẵn, gần hình cầu, đường kính 5mm.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Merremiae Vitifoliae.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc dọc đường đi, nơi khô ráo, đến độ cao 900m khắp nước ta, nhưng gặp nhiều ở Khánh Hoà, Ðồng Nai… Cũng phân bố ở Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia.

Thành phần hoá học: Có glucosid. Tính vị, tác dụng: Lá làm mát, lợi tiểu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Campuchia, người ta dùng thân dây làm thuốc uống trong và rửa ngoài để trị bệnh đậu mùa và sốt rét. Ở Ấn Độ, người ta dùng cây chữa đái són đau và bệnh đường tiết niệu. Dịch lá dùng chế thuốc đắp trị đau mắt. Rễ ăn được, làm dễ tiêu hoá.

Bìm bìm núi

Bìm bìm núi, Rạng leo – Porana volubilis Burm f. thuộc họ Khoai lang – Convolvulaceae.

Mô tả: Dây leo to, cành không lông. Lá có phiến bầu dục, chót có mũi tù, gốc tròn, không lông, bóng, cuống dài 2,5cm. Chuỳ hoa to, nhiều hoa màu trắng rất thơm, tràng hình ống như chuông cao 1cm; nhị 5, đính trên ống tràng, bầu 1 ô. Quả nang tròn tròn đường kính 3-4mm, trên có đài đồng trưởng thành 5 cánh bằng nhau, cao 8mm; hạt 1-2 hình trứng.

Hoa tháng 12-2; quả tháng 1-3.

Bộ phận dùng: Lá – Folium Poranae.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ven rừng, rừng nứa rụng lá từ bờ biển tới độ cao 700m khắp nước ta. Còn phân bố Ấn Độ, Thái Lan.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Malaixia, nước sắc lá dùng cho phụ nữ sinh đẻ uống như thuốc làm sạch. Lá được dùng ăn để trị bệnh hôi mồm.

Bìm bìm tía

Bìm bìm tía – Ipomoea purpurea (L.) Roth. (Pharbitis purpurea (L.) Voight.), Thuộc họ Khoai lang -Convolvulaceae.

Mô tả: Cây mọc hàng năm có thân leo quấn, 1,5-3m, có lông.

Bìm bìm tía
Bìm bìm tía

Lá nguyên dạng tim, dài 5-12cm, ít khi chia thuỳ, có mũi nhọn, có lông mềm; cuống lá dài 4-9cm. Hoa họp 1-3 (có khi 5) cái thành xim nhỏ ở nách lá; lá dài thuôn nhọn, có lông cứng; tràng 3-6cm, màu trắng, màu tía hay màu tía hồng; nhị 5; bầu 3 ô. Quả nang chứa 5-6 hạt màu đen (hắc sửu) hay màu vàng trắng nhạt (bạch sửu) dài 4-8mm, rộng 3-5mm.

Hoa tháng 6-9, quả tháng 7-10.

Bộ phận dùng: Hạt – Semen Ipomoeae; cũng gọi là Khiên ngưu tử.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Nam Mỹ châu, được trồng nhiều làm cảnh. Trồng bằng dây hoặc bằng hạt. Cũng gặp ở Trung Quốc và Ấn Độ. Cây mọc tự nhiên ở độ cao 2000m, và cũng được trồng ở Himalaya. Thu hái vào mùa thu, đông, phơi khô đập lấy hạt.

Thành phần hoá học: trong hạt có pharbitin, acid pharbitic C.D, acid tiglic acid nilic.

Trong thân có 4-8% chất nhựa mềm. Nó chứa Ipuranol tương đương với sitosterol glucosid, acidipuralic.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng tính hàn, có độc, có tác dụng trừ thấp nhiệt, thông đại tràng, thông tiểu, sát trùng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Thủy thũng, đại tiểu tiện không thông; 2. Suyễn, khó thở, bụng đầy tức; 3. Giun đũa, sán xơ mít. Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Ðơn thuốc: – Chữa phù thũng: Bìm bìm 10g, Xa tiền tử 8g, nước 300ml. Sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Nếu đi tiểu nhiều được là tốt. Có thể tăng liều Bìm bìm tía lên tới 40g.

Ghi chú: Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhượckhông nên dùng.

Bìm bìm trắng

Bìm bìm trắng, Bìm bìm gai – Calonyction aculeatum (L.) House, thuộc họ Khoai lang – Convolvulaceae.

Mô tả: Dây leo quấn, to, nhẵn hoặc với những vết lồi hình nón, nom như gai. Lá gần như hình mắt chim, hình tím sâu, đột nhiên nhọn mũi, dài 8-16cm, rộng 7-15cm, nhẵn cả hai mặt; gân gốc 7-9. Hoa xếp 2-3 cái trên một cuống chung dài 8-12cm. Tràng hoa màu trắng, có ống dài tới 13cm. Qủa nang bao bởi những lá đài đồng trưởng, hình trứng, có mũi nhọn cứng, dài 25mm, nhẵn, ở đầu một cuống quả hình chuỳ, đồng trưởng, dài 35mm.

Bộ phận dùng: toàn cây và hạt – Herba et Semen Calonyctionis, thường có tên là Nguyệt quang hoa.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới, được nhập vào các xứ nhiệt đới trồng làm cây cảnh. Thường trồng trong một số vườn và có khi gặp phát tán hoang dại. Hoa nở về đêm.

Thành phần hoá học: Người ta tách được một chất tương tự như nhựa.

Tính vị, tác dụng: Ở Palembang, Sumatra và cả ở Malaixia, nhiều nơi ở châu Phi, người ta dùng các lá non làm rau ăn. Ðài hoa nạc cũng được sử dụng ở Ấn Độ và Xri Lanca làm rau ăn. Ở Ấn Độ người ta dùng các bộ phận khác của cây làm thuốc điều trị các vết thương rắn cắn; người ta cũng dùng hạt làm thuốc tẩy. Còn rễ và hạt dùng pha nước uống.

Bìm bìm vàng

Bìm bìm vàng – Merremia hederacea (Burm f.,) Hall. f (Evolvulus hederaceus Burm f.), thuốc họ Khoai lang – Convolvulaceae.

Mô tả: Cây thảo leo quấn, có ít lông, thân mảnh. Lá có phiến thường có thuỳ cạnh hay sâu, gân từ gốc 3-5, không lông ở mặt trên; cuống mảnh, dài. Chuỳ hoa ở nách lá, hoa vàng ít khi trắng trắng miệng hồng, lá đài cao 2cm, bằng nhau; tràng rộng 1,5cm. Quả nang to 8mm, trong đài tồn tại; hạt 4, nâu, có lông ở rốn. Hoa tháng 12.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Merremiae Hederaceae.

Nơi sống và thu hái: Loài của Trung Quốc và Việt Nam. Cây mọc ở vùng đồng bằng, dọc theo bờ bụi khắp nước ta. Thu hái cây vào mùa hạ, mùa thu, loại bỏ tạp chất, phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi hầu họng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, dùng trị cảm mạo, viêm amygdal cấp tính, viêm hầu họng, viêm kết mạc cấp tính. Liều dùng 15-30g. Dùng ngoài trị mụn nhọt, giã cây tươi đắp. Có người cho là lá ăn được, hạt và củ xổ.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây