Trang chủCây thuốc NamCẩm chướng gấm-Cậm cò-Cẩm cù-Cẩm cù khác lá-Cẩm cù lông-Cẩm cù nhiều...

Cẩm chướng gấm-Cậm cò-Cẩm cù-Cẩm cù khác lá-Cẩm cù lông-Cẩm cù nhiều hoa-Cẩm cù xoan ngược

Cẩm chướng gấm

Người ta cũng dùng như là thuốc lợi tiểu, trừ giun và gây sẩy thai. Cũng dùng chữa bệnh lậu. Nụ hoa, hoa được dùng chữa chứng khó tiêu, sinh nở khó và cũng lợi tiểu. Lá được dùng làm thuốc cho trẻ nhỏ uống chữa bệnh về ruột. Các lá giã nghiền ra dùng chữa bệnh về mắt.

Cẩm chướng gấm, Cẩm chướng tàu – Dianthus chinensis L., thuộc họ Cẩm chướng -Caryophyllaceae.

Mô tả: Cây thảo một năm hay hai năm, mọc thành bụi nhỏ, cao 30-50cm, nhẵn. Thân phân nhánh lưỡng phân. Lá hình ngọn giáo, dài 3-5cm, rộng 3-5mm, thuôn nhọn ở đầu, rộng ra ở gốc thành bẹ. Hoa đơn độc hay họp thành chuỳ hoặc xim thưa, hơi thơm, 4 lá bắc không đều, cánh hoa dính nhau, các phiến màu đỏ (có những giống trồng có hoa trắng, hồng, tím và màu lốm đốm), có râu. Hoa tháng 5-9, quả tháng 8-10.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Dianthi Chinensis, thường gọi là Cù mạch – Thạch trúc.

Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản) được nhập trồng ở nhiều nước. Ta nhập trồng từ lâu làm cây cảnh trồng chậu và cắt hoa cắm lọ. Thu hái toàn cây vào mùa hạ, thu, rồi đem phơi khô trong râm.

Thành phần hóa học: Trong cây có saponin và tinh dầu, trong tinh dầu có eugenol, phenylethyl alcohol, metyl salicylat.

Tính vị, tác dụng: Cũng như Cù mạch.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta cũng dùng như là thuốc lợi tiểu, trừ giun và gây sẩy thai. Cũng dùng chữa bệnh lậu. Nụ hoa, hoa được dùng chữa chứng khó tiêu, sinh nở khó và cũng lợi tiểu. Lá được dùng làm thuốc cho trẻ nhỏ uống chữa bệnh về ruột. Các lá giã nghiền ra dùng chữa bệnh về mắt.

Cậm cò

Cậm cò, Giáng cua – Viburnum colebrookianum Wall., thuộc họ Cơm cháy – Caprifoliaceae.

Mô tả: Cây nhỡ, cao 3-6m, cành hình trụ, hơi phồng ở chỗ lá đính vào. Lá mọc đối, khía răng, có cuống. Hoa mọc thành tán kép không đều. kèm theo lá bắc và lá bắc con. Hoa đều, màu trắng, thơm; đài có 5 răng; tràng hợp hình bánh xe, có 5 thuỳ; nhị 5, thò ra ngoài tràng, đính vào gốc của ống tràng; bầu dưới 1 ô, đựng 1 noãn ngược, vòi ngắn hình nón. Quả hạch màu đỏ rồi đen chứa 1 hạt. Cây ra hoa quả vào mùa xuân.

Bộ phận dùng: Cành lá – Ramulus Viburni Colebrookiani.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc ven rừng ở nhiều nơi của nước ta. Tính vị, tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Đồng bào Dao ở Bắc Thái dùng làm thuốc chữa vô sinh do viêm tắc buồng trứng. Họ cũng thường dùng cho phụ nữ tắm sau khi đẻ cho mau lại sức, chống được sản dịch.

Ghi chú: Ở Ấn Độ, một loài khác là Viburnum foetidum Wall. có nhiều Công dụng,

Chỉ định và phối hợp:cây chứa tinh dầu, alcaloid kết tinh, có vị se dùng điều kinh; dịch lá dùng uống trị rong kinh và xuất huyết sau khi sinh.

Cẩm cù

Cẩm cù, Lưỡi trâu – Hoya carnosa (L. f.) R. Br., thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae.

Mô tả: Cây phụ sinh leo quấn hay bụi dài 2m, cành hình trụ, có lông tơ lún phún. Lá mập, phiến bầu dục dài tới 7cm, rộng 2,5cm, tù hai đầu, gần phụ 5-7 cặp, rất mảnh, màu đỏ đậm; tán nhiều hoa trên một cuống cứng màu tím sẫm dài 3-9cm, hình bán cầu to 7-8cm; cuống hoa cũng khá cứng, màu tía sẫm dài 3cm; hoa hồng hồng, tâm đỏ, rộng 18mm, cánh hoa có lông ở mặt trên; tràng phụ có môi hướng ra ngoài. Quả đại thon, to 8 x 0,8cm; hột dẹp, dài 6mm, có lông mào dài. Hoa tháng 4-9.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Hoyae; có tên là Cầu lan.

Nơi sống và thu hái: Loài cây của vùng Ấn Độ – Malaixia, thường gặp mọc leo trên các cây to, gặp ở chỗ nắng khu vực núi đá vôi, một số nơi ở Bà Rịa

(Núi Dinh) và Lâm Đồng (Đà Lạt). Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hóa học: Các bộ phận của cây đều phủ sáp. Thân và lá chứa một sterol glucosid là hoyin (0,76-0,832%).

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính bình, có tác dụng khư phong trừ thấp, tiêu ung, giải độc, hạ sốt, long đờm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường trị: 1. Viêm phổi nhẹ, viêm phế quản; 2. Viêm não B, trẻ em sốt cao. 3. Viêm kết mạc, sưng amygdal; 4. Thấp khớp tạng khớp; 5. Viêm vú, viêm tinh hoàn. Liều dùng 60-90g cây tươi giã lấy nước chiết uống. Dùng ngoài trị đinh nhọt, viêm mủ da, đòn ngã tổn thương. Giã cây tươi và đắp vào chỗ đau.

Đơn thuốc:

  1. Viêm phổi nhẹ, viêm phế quản: Lá Cẩm cù tươi 60-90g giã ra chiết lấy dịch, hoà mật ong uống hoặc sắc nước uống.
  2. Viêm tinh hoàn: Lá Cẩm cù tươi 60-90g, nghiền ra rồi đun sôi lấy nước uống.
  3. Thấp khớp tạng khớp. Cẩm cù tươi 60-90g, đoạn khớp trên giò lợn, rượu 120g, sắc nước, chia 2 lần uống.

Cẩm cù khác lá

Cẩm cù khác lá, Hoa sao khác lá – Hoya diversifolia Blume, thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae.

Mô tả: Cây mọc phụ sinh, khoẻ, có mủ trắng; thân to đến 1,5-2cm. Lá rất nạc, hình mắt chim hay trái xoan rộng, tròn hay hơi nhọn ở gốc, tròn hay tù ở đầu với một mũi nhọn rộng hơi có lông mềm từ đoạn giữa tới gốc; phiến lá dài 4,5-10cm, rộng 4,5-6cm; cuống lá dài 4-6mm. Hoa rộng 8mm trước khi nở, xếp thành tán nhiều hoa, với cuống tán có lông, dài 4cm; cuống hoa có lông mềm, dài 1,5cm; lá đài và cánh hoa đều có lông mềm.

Bộ phận dùng: Lá – Folium, Hoyae Diversifoliae.

Nơi sống và thu hái: Cây của miền Nam Việt Nam – Campuchia, Lào, Malaixia và Inđônêxia. Ở các tỉnh phía nam nước ta cũng ít phổ biến.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Malaixia, người ta dùng lá nấu lấy nước để tắm nóng trị đau tê thấp.

Cẩm cù lông

Cẩm cù lông, Tú cù – Hoya villosa Cost., thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae.

Mô tả: Dây phụ sinh, thân to 6-8mm; cành đầy lông màu vàng, lóng dài 10-15cm. Lá có phiến bầu dục thuôn, dài 5-12cm, rộng 4-6cm; đầu dài hay hơi lõm, mặt dưới có lông dày hung hay vàng, gân phụ 6 cặp, cuống dài 2cm, có lông hay không. Tán to, trên cuống dài 6-8cm, có lông mịn vàng, cuống hoa dài 2,5cm, có lông hung; tràng rộng 1-2cm, tràng phụ hình sao. Quả đại dài 10cm; hạt dài 3mm, lông mào 1cm. Ra hoa tháng 4.

Bộ phận dùng: Lá – Folium Hoyae Villosae.

Nơi sống và thu hái: Loài của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, thường gặp trong rừng thưa, nhất là ở Hoà Bình.

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính bình, có tác dụng tán ứ tiêu thũng, tiêu viêm.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, lá tươi được chữa đòn ngã tổn thương.

Cẩm cù nhiều hoa

Cẩm cù nhiều hoa – Hoya multiflora Blume, thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae.

Mô tả: Dây leo có các nhánh dày giòn, màu lục. Lá xoan thuôn, dài cỡ 13cm, rộng 4cm, dai, có cuống dài 1mm, màu lục sẫm. Tán to, ở nách lá; hoa trên cuống dài 5-7cm; tràng hoa rộng 2,5cm, màu trắng vàng vàng có các phiến rũ xuống. Quả đại dài đến 18cm; hạt nhỏ, có cánh và lông mào dài 1cm. Ra hoa quanh năm.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Hoyae Multiflorae.

Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Đông Nam Á. Ở nước ta, cũng thường gặp trong rừng còi Hà Tây, Khánh Hoà. Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, dịch của cây dùng làm thuốc lợi tiểu. Ở Java của Inđonêxia, người ta dùng lá giã ra đắp trị tê thấp.

Cẩm cù xoan ngược

Cẩm cù xoan ngược, Hồ da xoan ngược – Hoya obovata Decne, thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae.

Mô tả: Phụ sinh to; thân có đường kính 5-7mm. Lá mập, dày; phiến không lông, xoan ngược, đầu lõm, gốc hình tim, gân phụ thường không thấy, 3-4 cặp; cuống 1cm. Tán hình cầu, ở nách lá, trên cuống đứng cao; hoa nhiều, trắng hay hồng hồng, trên cuống đài 1-2cm, mảnh; tràng rộng 14-16mm; tràng phụ hình sao to. Có một thứ khác, var. kerrii (Craib) Cost., có lá nhỏ hơn, gốc hẹp.

Bộ phận dùng: Lá, nhựa – Folium et Latex Hoyae Obovatae.

Nơi sống và thu hái: Loài của Đông Nam Á: Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam đến Inđônêxia. Ở nước ta có gặp ở rừng đồng bằng và cao nguyên.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Nhân dân thường dùng lá làm thuốc trị sốt rét. Ở vùng Tateng (độ cao 400m) của Campuchia, người ta lấy nhựa để làm liền sẹo những vết chém, vết đứt do dao và gươm giáo sắc.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây