Trang chủBệnh xương khớpTriệu chứng của bệnh thoái hóa khớp

Triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp

Lâm sàng

  • Đau: là triệu chứng thường gặp nhất.

+ Đau ở vị trí khớp bị thoái hóa

+ Đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi

+ Đau tại chỗ, ít khi đau lan (trừ trường hợp thoái hóa cột sống gây chèn ép rễ và dây thần kinh)

+ Tính chất đau: âm ỉ, trường hợp thoái hóa cột sống có thể có cơn đau cấp, thường xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm và hết, sau đó lại xuất hiện đợt đau khác khi vận động nhiều

+ Một số ít trường hợp có sưng, nóng, đỏ tại vị trí khớp bị thoái hóa.

  • Hạn chế vận động: hạn chế vận động chủ động và thụ động tại các khớp bị thoái hóa, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế ở một số động tác. Trường hợp hạn chế động tác nhiều thường do các phản ứng co cơ kèm theo. Có thể có dấu hiệu “phá gỉ khớp” vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy hoặc lúc bắt đầu hoạt động.
  • Biến dạng khớp: các khớp bị thoái hóa không biến dạng nhiều như các bệnh khớp khác (viêm khớp dạng thấp, goutte…). Hiện tượng biến dạng khớp trong thoái hóa khớp do mọc các gai xương, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.

+ Đối với các ngón tay: khi bị thoái hóa khớp, các gai xương tạo nên hình hạt lồi lên ở khớp ngón xa, còn gọi là hạt Heberden; hoặc hạt lồi ở khớp ngón gần, còn gọi là hạt Bouchard.

+ Đối với cột sống: thoái hóa khớp có thể gây biến dạng gù, vẹo cột sống.

  • Các dấu hiệu khác:

+ Teo cơ: người bệnh đau do thoái hóa nên ít hoạt động, lâu ngày dẫn tới hiện tượng teo cơ chi phối vận động khớp đó.

+ Tiếng lạo xạo khi vận động.

+ Tràn dịch khớp: có thể gặp ở khớp gối do phản ứng xung huyết và tiết dịch của màng hoạt dịch.

Cận lâm sàng

Dấu hiệu x.quang:

  • Hẹp khe khớp: hẹp không đồng đều, bờ không đều. Đối với cột sống: hình ảnh hẹp đốt sống biểu hiện bằng chiều cao đĩa đệm giảm. Thường hẹp khe khớp ở vùng chịu áp lực cao nhất.
  • Đặc xương dưới sụn: phần đầu xương, hõm khớp, mâm đốt sống kết đặc, biểu hiện bằng hình ảnh cản quang nhiều, trong phần xương đặc có một số hốc nhỏ sáng hơn.
  • Chồi xương, gai xương: có hình ảnh gai xương ở phần tiếp giáp giữa xương, sụn và màng hoạt dịch. Chồi xương, gai xương có hình thô, đậm đặc. Một số mảnh rơi ra nằm trong ổ khớp hay phần mềm quanh khớp.
  • Ngoài ra, một số phương pháp chụp đặc biệt có thể phát hiện sớm các tổn thương của sụn khớp, đĩa đệm như: chụp cắt lớp, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp X.quang có bơm thuốc cản quang vào ổ khớp, đĩa đệm.

    Quá trình thoái hóa khớp
    Quá trình thoái hóa khớp

Tuy nhiên, chụp X.quang không phải là yếu tố quyết định để chẩn đoán thoái hóa khớp, vì có thể có những trường hợp biểu hiện trên phim X-quang nhưng không có triệu chứng lâm sàng, hoặc phải một thời gian rất lâu sau đó mới biểu hiện các triệu chứng lâm sàng.

Công thức máu và sinh hoá máu: không có sự thay đổi.

Dịch khớp:

  • Dịch khớp bình thường trong suốt, màu vàng nhạt, độ nhớt cao, số lượng bạch cầu: dưới 150 bạch cầu/mm3, không có tinh thể, vô khuẩn.
  • Trường hợp thoái hóa khớp: dịch khớp trong suốt, màu vàng chanh hoặc vàng rơm, độ nhớt cao, số lượng bạch cầu: dưới 3000 bạch cầu/mm3, không có tinh thể, vô khuẩn.

+ Nội soi khớp: thấy được các tổn thương thoái hóa của sụn khớp, phát hiện được các mảnh gai xương rơi trong ổ khớp. Cần kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khớp khác.

+ Sinh thiết màng hoạt dịch: thường dùng để chẩn đoán phân biệt khi các dấu hiệu lâm sàng và x.quang không rõ ràng.

THOÁI HÓA KHỚP Ở MỘT SỐ VỊ TRÍ THƯỜNG GẶP

Thoái hóa đốt sống thắt lưng

  • Đau âm ỉ vùng thắt lưng, không lan xa, đau tăng khi vận động nhiều, khi thay đổi thời tiết hoặc nằm bất động lâu, giảm khi nghỉ ngơi.
  • Có thể hạn chế vận động ở một số động tác.
  • Có thể có biến dạng cột sống như gù, vẹo,
  • Trường hợp thoái hóa cột sống gây đau thần kinh tọa: nguyên nhân chủ yếu là do thoái hóa cột sống thắt lưng làm hẹp khe khớp, các gai xương kích thích đám rối thắt lưng – cùng; hoặc trên cơ sở đĩa đệm thoái hóa, dưới tác động của các động tác mạnh tạo nên áp lực quá cao, dẫn tới nhân nhầy bị đẩy ra phía sau hoặc thoát vào ống sống gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm, chèn ép vào các rễ thần kinh của đám rối thắt lưng – cùng, gây đau thần kinh tọa.

+ Đau từ thắt lưng lan xuống mông, vùng sau và ngoài đùi, cẳng chân.

+ Đau tăng khi ho, hắt hơi, rặn, thay đổi tư thế.

+ Hạn chế vận động cột sống thắt lưng, chân và đùi bên đau.

+ Khám:

. Gù, vẹo cột sống

. Cơ cạnh sống bên đau co cứng

. Lasègue bên đau dương tính

. Hệ thống điểm Valleix ấn đau

. Có dấu hiệu bấm chuông bên đau

. Giảm hoặc mất phản xạ gân xương gân gót bên đau.

X. quang: hẹp khe khớp, mọc gai xương ở thân đốt sống. Để biết rõ tình trạng thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống, cần sử dụng các phương pháp chụp đặc biệt như chụp bao rễ cản quang, chụp dĩa dệm cản quang, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) hoặc chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI).

Thoái hóa đốt sống cổ

Người bệnh có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Cảm giác đau mỏi cổ gáy, hoặc đau vai gáy cấp, vẹo cổ cấp. Đôi chi dau lan xuống vai và cánh tay. Có thể tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay và ngón tay.
  • Hạn chế vận động cổ ở một hoặc nhiều tư thế.
  • Đôi khi thấy có tiếng lạo xạo khi quay cổ.
  • Đau đầu âm ỉ hoặc đau từng cơn, lan từ vùng cham ra thái dương, trán hoặc sau hố mắt, thường xuất hiện vào buổi sáng, không có dấu hiệu thần kinh.
  • Hội chứng giao cảm cổ sau (Barré — Liéou): xảy ra do chấn thương hoặc thoái hóa đốt sống cổ 3 hoặc cổ 4, hoặc do thoái hóa đĩa đệm cột sống gây kích thích dây III và dãy VIII gây nên các triệu chứng lâm sàng: nhức đầu, chóng mặt, ù tai. hoa mắt, mờ mắt, loạn cảm thành sau họng, nuốt vướng.
  • Hội chứng chèn ép tủy cổ: một số trường hợp gai xương mọc phía trong thân đốt sống chèn ép vào phần trước tủy gây liệt cứng nửa người hoặc liệt tứ chi tăng dần.

X. quang: tương tự như thoái hóa cột sống thắt lưng.

Thoái hóa khớp gối

Đau ở mặt trước hoặc trong khớp gối. Đau tăng khi vận động, đặc biệt là khi lên xuống dốc, lên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống khi ngồi xổm.

  • Có tiếng lạo xạo trong khớp khi vận động.
  • Có thể hạn chế vận động, nhất là động tác gấp, có dấu hiệu “phá gỉ  khớp” khi mới ngủ dậy hoặc lúc bắt đầu vận động.
  • Có thể có dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè, sưng, nóng, đỏ khớp bị thoái hóa. Một số trường hợp có thoát vị bao hoạt dịch vùng khoeo.
  • Trường hợp thoái hóa khớp gối nặng ảnh hưởng đến vận động của chi dưới lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng teo các cơ ở đùi, dần dần có thể biểu hiện giống liệt chi dưới.

X quang khớp gối:

+ Hẹp khe khớp.

+ Đặc xương dưới sụn.

+ Mọc gai xương (thường gặp trên mâm chày hoặc xương bánh chè), hình ảnh dị vật trong khớp hoặc quanh khớp.

Thoái hóa khớp háng

  • Đau vùng bẹn hoặc phần trên mông, lan xuống đùi. Có thể chỉ đau mặt trước đùi và khớp gối.
  • Đau xuất hiện từ từ, đau tăng khi đi lại, đứng lâu, thay đổi thời tiết, giảm khi nghỉ ngơi.
  • Có thể có dấu hiệu “phá gỉ khớp” khi ngủ dậy hoặc bắt đầu vận động.
  • Hạn chế vận động khớp háng tăng dần theo tuổi tác.

X quang:

+ Hẹp khe khớp.

+ Đặc xương dưới sụn. Trong phần xương đặc thường có các hốc xương, có khi có hốc xương to mỏ thông vào ổ khớp.

+ Mọc gai xương.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây