Trang chủBệnh truyền nhiễmNhững nhóm nguy cơ đặc biệt khi tiêm chủng vaccin

Những nhóm nguy cơ đặc biệt khi tiêm chủng vaccin

  • Tiêm vaccin cho trẻ đã có phản ứng mạnh với lần tiêm trước

Đối với những trẻ này, cần hết sức thận trọng cho những lần tiêm sau. Có thể các mũi tiêm chủng sau phải được tiêm trong bệnh viện để đứa trẻ được theo dõi tốt hơn và dễ xử trí các phản ứng khi xảy ra.

  • Tiêm vaccin cho những người có nguy cơ nhiễm khuẩn đặc biệt

Những trường hợp đang bị mắc các bệnh như: bị hen phế quản, bị bệnh tim hoặc phổi mạn tính, bị cắt lách, bị hội chứng Down, bị nhiễm HIV hoặc trẻ đẻ thiếu tháng. Đôì với những trẻ em này cần xem xét chỉ định tiêm một cách cẩn thận. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên sử dụng các vaccin sống như BCG, bại liệt uống, sởi cho những trẻ bị nhiễm HIV. Những trẻ đẻ thiếu tháng cũng được tiêm chủng vào tháng thứ 2 sau đẻ.

  • Tiêm vaccin cho phụ nữ có thai:

Các vaccin sống không nên dùng cho phụ nữ có thai vì theo lý thuyết , các vaccin này có thể có hại cho thai nhi. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nguy cơ phơi nhiễm nghiêm trọng đối với sởi hoặc sốt vàng thì vẫn phải tiêm. Chưa có bằng chứng nào về vaccin chống rubella có thể gây quái thai nhưng các tác giả đều khuyên rằng chỉ nên có thai sau khi đã tiêm vaccin này được 2 tháng.

  • Tiêm vaccin cho phụ nữ đang cho con bú :

Không có bằng chứng nào về sự nguy hiểm đối với trẻ còn bú khi mẹ được tiêm vaccin.

  • Tiêm vaccin cho trẻ đẻ thiếu tháng :

Tiêm vaccin cho trẻ để thiếu tháng cũng tương tự như trẻ đẻ đủ tháng vì đáp ứng miễn dịch ở những trẻ này vẫn đầy đủ. Tuy nhiên, để tránh khả năng có thể lây bệnh cho người khác, việc sử dụng vaccin Sabin chỉ nên dùng khi trẻ đã được xuất viện. Một số trẻ đẻ thiếu tháng có đáp ứng miễn dịch với vaccin viêm gan B và Hib kém hơn trẻ đẻ đủ tháng. Do vậy đối với tiêm vaccin phòng viêm gan B cho những trẻ này có hai cách lựa chọn :

  1. Tiêm liều đầu tiên ngay lúc mới sinh, sau đó tiêm nhắc lại sau 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng.
  2. Đợi cho đến 2 tháng tuổi, tiêm 3 mũi cơ bản vào lúc 2 tháng ; 3 tháng và 8 tháng tuổi.

Nếu trẻ đẻ ra từ người mẹ bị viêm gan B thì chọn cách 1 đồng thời tiêm luôn cho trẻ globulin miễn dịch.

Còn đối với vaccin Hib, có thể tiêm cho những trẻ này vào lúc 2 tháng ;4 tháng ;6 tháng và 12 tháng tuổi.

  • Tiêm vaccin cho những người có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Một số người làm những nghề nghiệp có liên quan đến lây truyền bệnh phải được tiêm phòng bằng vaccin. Đó là :

Người chăm sóc trẻ em cần phải tiêm nhắc lại thường xuyên vaccin phòng bạch hầu, uốn ván cũng như quai bị, sởi, rubella và viêm gan A.

Các nhân viên y tế và nhân viên phòng xét nghiệm cần được tiêm vaccin phòng viêm gan B, viêm gan A, sởi, quai bị, rubella .

Những nhà thú y cần phải tiêm các vaccin phòng các bệnh truyền từ gia súc sang người.

Những nhà vi sinh vật cần được tiêm phòng viêm gan A, viêm gan B, thương hàn, viêm não Nhật Bản, nhiễm não mô cầu, dịch hạch…

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây