Mục lục bài viết
Bệnh mắt hột từ xưa cho đến nay vẫn là nguyên nhân gây mù loà chủ yếu ở các nước đang phát triển, người ta ước lượng trên thế giới có khoảng 500 triệu người đang mắc bệnh mắt hột, trong đó có khoảng 2 triệu người bị mù do các biến chứng của bệnh mắt hột.
Bệnh có thể phòng tránh được bằng những phương pháp tương đối đơn giản và ít tốn kém. Ở nước ta mắt hột được coi là bệnh xã hội và là đối tượng của y tế cộng đồng.
NGUYÊN NHÂN VÀ ĐƯỜNG LÂY BỆNH
- Do vi khuẩn Chlamydia trachomatis, vi khuẩn này có khả năng gây bệnh ở mắt, đường sinh dục của người lớn, đường hô hấp trên và phổi ở trẻ em.
- Bệnh mắt hột là bệnh viêm kết mạc đặc hiệu, tiến triển mạn tính, dễ lây lan từ mắt người bệnh sang mắt người lành thông qua những vật trung gian là: Tay, đồ dùng chung (gối, khăn, chậu,…), nước bẩn và ruồi.
- Những ổ lây chủ yếu là hộ gia đình nơi Chlamydia trachomatis được lưu trữ trong môi trường khép kín, do vậy trẻ em thường bị nhiễm sớm trước tuổi đi học, ngoài ra ổ lây truyền còn là các tập thể như: vườn trẻ, lớp học, L)
- Bệnh thường bắt đầu một cách âm thầm, lặng lẽ, kín đáo và thường ở cả 2 mắt.
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
- Bệnh mắt hột gây tổn thương chủ yếu ở kết mạc và giác mạc.
Biểu hiện ở kết mạc
- Các tổn thương cơ bản là hột, thẩm lậu (thâm nhiễm) và sẹo.
Khi khám, lật mí trên lên để tìm 3 tổn thương trên.
+ Hột là tổn thương cơ bản nhất của bệnh, khi mới xuất hiện hột là những chấm trắng, tròn, rãi rác trên diện kết mạc sụn mi, thường nằm cạnh các nhánh mạch máu, khi phát triển hột to ra và nổi lên trên bề mặt, tạo thành hình bán cầu màu xám nhạt.
+ Thẩm lậu (thâm nhiễm): Là hiện tượng xâm nhập của các tế bào viêm, biểu hiện kết mạc phù nề, đục, đỏ làm cho hệ thống mạch máu nằm sai bị mờ đi (bình thường nhìn thấy rõ mạch máu trên diện sụn mi).
+ Sẹo: Là những gạch trắng, mảnh, ngắn hoặc dài, rải rác, về sau phát triển thành những nét đậm đặc nhiều nhánh, hình hoa khế, hình sao, cắt đứt các mạch máu, có thể làm thành một dải sẹo dài.
Biểu hiện ở giác mạc
- Triệu chứng chủ yếu là hột và màng máu tập trung ở vùng rìa giác mạc, thường ở phía trên.
+ Hột: Ở vùng rìa hoặc vết tích của hột (lõm hột) là triệu chứng đặc hiệu của bệnh. Hột rìa hình tròn, dẹt hơn ở kết mạc, màu xám, hơi nâu, thường xếp thành dãy như chuỗi hạt dọc theo rìa giác mạc trên, nhưng đôi khi chỉ có 2 — 3 hột hoặc vết tích của hột hình tròn, hơi lõm xuống (lõm hột).
+ Màng máu: Biểu hiện ở phần trên cùng của giác mạc là một vùng đục, xám nhạt có mạch máu xâm nhập vào như hàng rào.
Tóm lại OMS đưa ra 4 tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mắt hột, khi có ít nhất 2 trong 4 tiêu chuẩn này thì chẩn đoán xác định làn bệnh mắt hột:
- Có hột rõ rệt ở kết mạc sụn mi trên.
- Có sẹo đặc trưng ở kết mạc sụn mi trên.
- Có hột hoặc vết tích hột ở rìa giác mạc trên.
- Có màng máu ở phần trên của giác mạc.
TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Tiến triển
Qua 4 giai đoạn: khởi phát, toàn phát, làm sẹo và khỏi bệnh.
Thông thường bệnh có thể khỏi tự nhiên hoặc khỏi nhanh nếu được điều trị và không có biến chứng, nhưng một số trường hợp bệnh mắt hột lưu hành ở trong một vùng, những người có bệnh mắt hột thường xuyên có nguy cơ bị nhiễm liên tiếp nhiều lần, do vậy bệnh kéo dài và năng, sinh ra biến chứng và gây mù loà.
Biến chứng
- Viêm kết mạc phối hợp
- Lông quặm
- Loét giác mạc
- Khô mắt
- Viêm bờ mi (toét mắt).
- Mộng thịt.
PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ BỆNH MẮT HỘT
- Một số nguyên tắc chung
Trước khi điều trị bệnh mắt hột phải điều trị những viêm nhiễm phối hợp (viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm mủ túi lệ, …).
Điều trị bệnh mắt hột phải tiến hành song song với phồng bệnh (giải quyết tốt vấn đề nước, chất thải).
Điều trị mắt phải đi đôi với điều trị toàn thân.
Điều trị phải lâu dài vì bệnh mắt hột thường trường diễn và lại có nhiều biến chứng.
- Phác đồ điều trị
- Căn cứ vào tình hình thực tế của nước ta hiện nay, điều trị đại chúng (tra thuốc cho tất cả mọi người trong cộng đồng) ở vùng có mắt hột lưu địa.
- Phải cố gắng áp dụng phương thức điều trị dự phòng ở những nơi có tỷ lệ bệnh mắt hột hoạt tính từ 15% trở lên theo phác đồ sau:
+ Cho tất cả những người có mắt hột hoạt tính trong gia đình: Tra thuốc mỡ Tetracyclin 1%, 2 lần/ngày, trong 6 tuần liền hoặc mỗi tháng trả trong 10 ngày liền, 1 lần/ngày, trong 6 tháng, những ngày khác có thể nhỏ dung dịch Chloramphenicol 0,4% hoặc Sulfacilum 20%, 2 lần/ngày.
+ Cho những người khác trong hộ gia đình (chưa bị nhiễm hoặc đã khỏi) nhỏ dung dịch Chloramphenicol 0,4% hoặc Sulfacilum 20%, 2 lần/ngày, trong 3 tháng.
+ Nơi tỷ lệ bệnh mắt hột hoạt tính dưới 15%, y tế cơ sở nên quản lý số người đau mắt hột trong địa bàn, tiến hành điều trị gia đình và cá thể theo phác đồ trên và theo dõi thường xuyên để tiếp tục hạ thấp hơn nữa tỷ lệ chung của bệnh mắt hột trong dân số.
PHÒNG BỆNH
Giáo dục ý thức vệ sinh cho toàn dân: Vệ sinh môi trường, nhà ờ và vệ sinh cá nhân.
Dùng nước sạch để rửa mặt và tắm gội.
Dùng khăn rửa mặt riêng.
Tạo cho mọi người nhu cầu và thói quen rửa mặt vài lần mỗi ngày.