Trang chủBệnh truyền nhiễmLỵ Trực Khuẩn (lỵ trực trùng, nhiễm shigella) - Chẩn đoán và...

Lỵ Trực Khuẩn (lỵ trực trùng, nhiễm shigella) – Chẩn đoán và điều trị

Tên khác: lỵ trực trùng, nhiễm shigella.

Định nghĩa

Viêm trực tràng – đại tràng cấp có sốt do các vi khuẩn loại Shigella gây ra; có đặc điểm là đau bụng, có các cơn đau quặn và đi ngoài nhiều lần; phân có máu, mủ và chất nhầy.

Căn nguyên

Nguyên nhân gây bệnh là trực khuẩn Shigella có hình que ngắn, không di động, Gram âm thuộc các trực khuẩn đường ruột. Đây là các vi khuẩn chỉ gây bệnh ở người. Người ta phân biệt bốn loài gây bệnh:

Shigella dysenteriae hay trực khuẩn Shiga (nhóm A, 13 typ huyết thanh)

Shigella flexneri hay trực khuẩn Flexner (nhóm B, 8 typ huyết thanh)

Shigella boydii (nhóm c, 18 typ huyết thanh)

Shigella sonnei hay trực khuẩn Sonne (nhóm D, 1 typ huyết thanh)

Các trực khuẩn này đều có khả năng xâm lấn và phá huỷ niêm mạc đại tràng.

Dịch tễ học

Bệnh có tính lưu hành ở các xứ nhiệt đới và là nguyên nhân quan trọng gây ỉa chảy nặng ở trẻ nhỏ. ở các xứ ôn đới, gây dịch ở trẻ nhỏ (ỉa chảy mùa hè ở các trại hè), ở các cộng đồng có điều kiện vệ sinh kém. Truyền bệnh theo đường phân-miệng là hay gặp nhất: ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn do tay hay do ruồi, tay bị nhiễm khuẩn từ chỗ ngồi trong nhà xí. Truyền bệnh do nước bị nhiễm khuẩn ít gặp hơn. Thời gian thải vi khuẩn theo phân kéo dài từ 1 đến 4 tuần.

Giải phẫu bệnh

Sung huyết niêm mạc ruột từ phần cuối của ruột non đến tận trực tràng. Sau đó là phù, xuất huyết và hoại tử nông niêm mạc với các giả mạc. Mô bị hoại tử bong ra và để lại các vết loét nông có bò nét, khác với vết loét của lỵ do amip. Trong thể bán cấp hầu như chỉ gặp ở người lớn, các tổn thương thường khu trú ở nửa dưới của đại tràng.

Triệu chứng

Ủ BỆNH: thường ngắn, từ 8 đến 10 giờ nhưng cũng có thể dài tới 7 ngày.

PHÁT BỆNH: đột ngột, đau toàn bụng hay khu trú ở các hố chậu. Sốt, có khi tới 39-40°, kèm theo rét run, khó chịu, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn và ỉa chảy ra nước.

HỘI CHỨNG LỴ: đau bụng dữ dội buộc phải đi ngoài 10, 20 thậm chí tới 50 lần trong 24 giờ. Mót đi ngoài với cảm giác buổt mót, đau quặn. Đi ngoài chỉ ra chất nhầy, chất nhớt, mủ, thanh dịch, thường là có lẫn cả máu. Hiện tượng mất nước và sụt cân tiến triển nhanh và vào ngày thứ 3 hay ngày thứ 4 thì tình trạng toàn thân ngày càng xấu đi, bệnh nhân không chịu ăn và rơi vào tình trạng lơ mơ. 0 trẻ con thường có co giật.

TIẾN TRIEN: các thể nhẹ được điều trị khỏi trong vòng một tuần. Với các thể nặng thì thời kỳ lại sức kéo dài. Có những thể tối cấp, chủ yếu là do trực khuẩn Shiga, dẫn đến tình trạng nhiễm độc sau 24-48 giờ. Đôi khi có thể gặp các thể bán cấp. Trong thời kỳ lại sức, có khi cả sau khi đã khỏi bệnh, người bệnh vẫn còn mang mầm bệnh trong một thồi gian.

Chẩn đoán phân biệt: với nhiễm Escherichia coli gây xuất huyết ruột (chủng 0157/H7). Bệnh cảnh lâm sàng tương tự. Phân biệt dựa trên xác định mầm bệnh.

Biến chứng

Chảy máu đường ruột: hiếm gặp.

Thủng ruột và viêm phúc mạc: hiếm gặp.

Viêm khớp do lỵ: có thể xuất hiện vào thời kỳ toàn phát hay vào đầu thời kỳ lại sức. Có thể bị ở một khớp hoặc nhiều khớp. Bệnh khỏi không để lại di chứng.

Liệt do lỵ: hiếm gặp, chữa khỏi không để lại di chứng.

Biến chứng nhãn khoa: mất khả năng điều tiết nhìn xa-gần, viêm kết mạc, hội chứng Reiter (xem thuật ngữ này), viêm mống mắt hay viêm mông mắt-thể mi.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Soi trực tiếp phân: các kháng thể đơn dòng (đơn clôn) cho phép nhận biết các Shigella.

Nuôi cấy phân: dương tính ngay từ ngày đầu tiên, cho phép khẳng định chẩn đoán. Có khi phải làm đi làm lại ba ngày liền.

Chẩn đoán huyết thanh: ít có ý nghĩa thực tiễn. Các ngưng kết tố xuất hiện từ ngày thứ sáu.

Máu: lúc đầu có giảm nhẹ bạch cầu, sau đó tăng bạch cầu, công thức bạch cầu Areth chuyển trái (bạch cầu non chiếm ưu thế). Hiện tượng máu bị cô đặc ít hoặc rõ rệt.

Rối loạn cân bằng dịch và điên giải dẫn đến nhiễm toan chuyển hoá (bicarbonat huyết tương thấp).

Thăm khám bổ sung: cần thận trọng khi soi trực tràng. Soi thấy niêm mạc bị viêm, có giả mạc che phủ và đôi khi có các vết loét. Có thể lấy mẫu bệnh phẩm để nuôi cấy bằng cách đưa vào trực tràng một miếng bông có tẩm dung dịch sinh lý.

Chẩn đoán

Hội chứng lỵ: đau bụng, buốt mót, đau quặn, phân nhầy có máu.

Sốt, khó chịu, lơ mơ.

Đang hoặc đã ở trong vùng có bệnh lưu hành.

Cấy phân cho kết quả dương tính. Chẩn đoán phân biệt

Lỵ do amip: khởi phát kém đột ngột, không sốt. Soi trực tràng thấy bờ các vết loét không nét.

Nhiễm Salmonella và Coli: chẩn đoán nhờ cấy phân.

Lỵ do virus: thường thì phân không có lẫn máu.

Nhiễm độc-nhiễm khuẩn do tụ cầu khuẩn: có nôn dữ dội.

Viêm dạ dày-ruột cấp: xem từ này.

Tiên lượng: tiên lượng tốt nếu bù nước sớm. Trong trường hợp .không được điều trị, tỷ lệ tử vong là 25% ở trẻ em, còn ở người lớn thì gần bằng 0. Trực khuẩn Shiga (Shigella dysenteria) typ huyết thanh 1 có độc tính mạnh nhất còn trực khuẩn Sonne (S. Sonnei) có độc tính yếu nhất.

Điều trị

TOÀN THÂN: bù nước theo đường uống; trong trường hợp nặng phải điều chỉnh rối loạn điện giải và tình trạng nhiễm toan bằng cách truyền tĩnh mạch dung dịch sinh lý, dung dịch glucose, natri bicarbonat và kali chlorur.

KHÁNG SINH: ampicillin và sulfamethoxazol + trimethoprim làm giảm thời gian bị bệnh và thời gian mầm bệnh tồn tại trong phân. Tuy nhiên, các chủng kháng các kháng sinh này ngày càng nhiều. Khi đó có thể thử dùng ciprofloxacin hay ceftriaxon theo đường tĩnh mạch. Không dùng kháng sinh trong các thể nhẹ, vì thường có thể tự khỏi được. Tránh dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột vì có thể gây ra phình đại tràng do nhiễm độc và nhiễm khuẩn huyết.

Phòng bệnh: các biện pháp vệ sinh, diệt ruồi nhặng, che đậy bảo quản thức ăn, kiểm soát những người mang mầm bệnh. Những người đi tới các vùng có bệnh lưu hành chỉ nên ăn thức ăn được nấu chín và ăn nóng, hoa quả được rửa sạch và gọt vỏ.

 

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây