Liệt nửa thân

Định nghĩa: liệt nửa thân là liệt hai chi dưới.

Định khu và căn nguyên

TỔN THƯƠNG NƠRON VẬN ĐỘNG NGOẠI BIÊN: liệt mềm, mất phản xạ gân, không có dấu hiệu Babinski, teo cơ mạnh, không bị rối loạn cơ thắt vòng, đôi khi có các cử động rung và có đáp ứng điện kiểu thoái hoá.

  • Mắc nhiều bênh thần kinh và viêm đa thần kinh:liệt kín đáo, chủ yếu là ở các cơ cẳng chân trước. Rối loạn cảm giác bắt đầu bằng loạn cảm, tiến tới mất cảm giác sâu và mất điều hoà động tác.
  • Viêm đa rễ dây thần kinh cấp của Guillain-Barré:liệt đối xứng và tiến triển làm nhiều kỳ, có loạn cảm và đau kiểu viêm dây thần kinh. Phân ly albumin tế bào trong dịch não tuỷ.
  • Liệt lên cao của Landry:theo mô tả kinh điển, liệt mềm bắt đầu từ các chi dưới và sau vài ngày lên tới bụng, rồi chi trên và các cơ hô hấp.
  • Viêm tủy xám trước cấp tính (bại liệt):ở thể gây liệt nửa thân, rối loạn vận động xảy ra đột ngột. Không có rối loạn rõ rệt về cảm giác.

TỔN THƯƠNG NƠRON VẬN ĐỘNG TRUNG ƯƠNG: liệt cứng, trừ khi bó tháp bị đứt đột ngột. Trong trường hợp này, có liệt mềm chi dưới một thời gian rồi dần dần trở thành liệt cứng. Liệt cứng chi dưới do tổn thương nơron vận động trung ương có tăng phản xạ gân, có dấu hiệu Babinski nhưng không có teo cơ (trừ teo cơ do cơ không hoạt động), không bị rối loạn cơ thắt và các đáp ứng điện bình thường. Các nguyên nhân hay gặp là:

  • Chèn ép tuỷ:do khối u cột sống hay khối u tủy sống, bệnh Pott. Liệt cứng nửa thân có đau rễ theo kiểu đai lưng, mất cảm giác có ranh giới trên rõ (tương ứng với mức có tổn thương), có phản xạ tự vệ và chẹn dòng trong tủy sống (tăng protein trong dịch não tuỷ, phân ly albumin- tế bào, nghiệm pháp Queckenstedt dương tính).
  • Xơ hốc tuỷ:liệt cứng nửa thân, thường có phân ly cảm giác (mất cảm giác nhiệt-đau, còn cảm giác xúc giác).
  • Viêm tủy (bệnh truyền nhiễm, giang mai thần kinh, phản ứng với vaccin): ngược với liệt nửa thân do chèn ép tuỷ, các rối loạn về cảm giác và đau không rõ, không có phản xạ tự vệ, điện quang cột sống bình thường. Người ta phân biệt:

+ Viêm tủy ngang có liệt mềm nửa thân do tổn thương lớn và đột ngột, sau đó trở thành liệt cứng.

+ Viêm tủy bán cấp và mạn tính có liệt cứng nửa thân ngay, rối loạn cảm giác và rối loạn các cơ thắt.

+ Tổn thương tủy sống do AIDS.

  • Xơ hoá bên gây teo cơ:liệt cứng nửa thân, các chi bị liệt và bị teo.
  • Xơ hoá tủy sống bán cấp phối hợp:liệt cứng nửa thân có kèm theo thiếu máu ác tính và/ hoặc dạ dày không bài tiết. Thường gặp loạn cảm và mất chọn lọc cảm giác sâu, mất điều hoà vận động.
  • Xơ cứng rải rác:liệt cứng, trước đó có hoặc kèm với các triệu chứng thần kinh khác (rối loạn thị giác, rung giật nhãn cầu, rối loạn cảm giác v.v…).
  • Tổn thương 2 bán cầu não:

+ Liệt cứng nửa thân hay bệnh Little: có thể do vô sản bẩm sinh nơron vận động trung ương, do ngạt hay do sang chấn sản khoa (chi tiết xem bệnh não ở trẻ).

+ Đa tổn thương ở các bán cầu não trong xơ vữa động mạch (hội chứng giả hành não).

  • Chấn thương tủy sống:liệt nửa thân lúc đầu là liệt mềm do các trung tâm thần kinh bị sốc (sốc tuỷ), nhưng sau đó có thể trở thành liệt cứng. Liệt nửa thân có kèm theo mất cảm giác, mất phản xạ, rối loạn các cơ thắt. Có thể thấy phân ly cảm giác kiểu xơ hốc tủy do có ổ máu trong tủy sống.
  • Tắc mạch do hơi khi giảm áp:bệnh thợ lặn (xem bệnh này).

Thể lâm sàng

LIỆT MỀM NỬA THÂN

  • Khởi phát đột ngột.
  • Giảm trương lực cơ và mất phản xạ gân xương.
  • Phản xạ da lòng bàn chân bình thường hoặc có duỗi.
  • Rối loạn cảm giác có ranh giới trên rõ.
  • Tuỳ theo vị trí tổn thương, người ta phân biệt:
  • Tổn thương nơron vận động ngoại biên: không chuyển sang liệt cứng và không có rối loạn cơ thắt.
  • Tổn thương đột ngột nơron vận động trung ương: thường chuyển sang liệt cứng và có rối loạn cơ thắt (thải phân và nước tiểu tự động).

LIỆT CỨNG NỬA THÂN

  • Khởi phát từ từ.
  • Co cứng cơ và tăng phản xạ gân xương, rung giật bàn chân và đầu gối, dấu hiệu Babinski ở hai bên.
  • Do tổn thương nơron vận động trung ương. Người ta phân biệt:

+ Liệt nửa người ở tư thế duỗi: là thể hay gặp nhất. Các chi dưới bị cố định do cơ co cứng. Nếu đi được thì có “dáng đi chân rũ”: đùi và đầu gối chụm lại,bàn chân rơi và lết trên mặt đất, chân đưa ra trước được là nhờ cử động của thân mình.

+ Liệt nửa người ở tư thế gấp: thường tiếp nối thể nói trên và đôi khi gặp trong chèn ép tuỷ.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây