Trang chủBệnh nhi khoaHội chứng Stevens-Johnson ở trẻ

Hội chứng Stevens-Johnson ở trẻ

Hội chứng Stevens-Johnson là hội chứng lâm sàng: tổn thương hồng ban đa dạng ở da và niêm mạc. Nguyên nhân thường do dị ứng (Sulfamid, Carbamazepin,…) hoặc nhiễm siêu vi (Herpes simplex), vi trùng (Mycoplasma pneumoniae). Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải.

CHẨN ĐOÁN

Công việc chẩn đoán

  1. Hỏi bệnh
    • Tiền sử có dị ứng.
    • Có dùng thuốc từ vài ngày đến vài tuần.
    • Khởi phát có hoặc không sốt.
  2. Khám lâm sàng
    • Tổn thương da và niêm mạc:
      • Da: hồng ban đa dạng kèm bóng nước trên hồng ban.
      • Niêm mạc: viêm loét niêm mạc lỗ tự nhiên: miệng, mắt, hậu môn, sinh dục.

Ngoài ra có thể tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu.

  • Triệu chứng khác: sốt cao, ho, chảy mũi, đau họng, ói, tiêu chảy đau ngực, đau cơ, đau khớp.

Đề nghị cận lâm sàng

  • X-quang phổi: có hình ảnh viêm phổi, nếu giai đoạn sớm gợi ý nhiễm Mycoplasma hoặc giai đoạn muộn gợi ý viêm phổi bội nhiễm.
  • Ion đồ, đường huyết ở bệnh nhân có nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.
  • Huyết thanh chẩn đoán Herpes simplex, Mycoplasma pneumoniae
  • Cấy máu, cấy dịch bóng nước, cấy nước tiểu khi có bội nhiễm để tìm tác nhân gây bệnh và có hướng chọn lựa kháng sinh thích hợp.
  • CTM: bạch cầu tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái (thường do nhiễm trùng hay bội nhiễm).

Chẩn đoán xác định

  • Tiền sử dùng thuốc.
  • Tổn thương da và niêm mạc đặc hiệu: hồng ban đa dạng, bóng nước, kèm tổn thương niêm mạc ít nhất ở 2 lỗ tự nhiên.

ĐIỀU TRỊ

  1. Nguyên tắc điều trị
    • Ngừng ngay thuốc nghi ngờ là tác nhân.
    • Phòng ngừa bội nhiễm.
    • Đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng.
  1. Điều trị ban đầu
    • Điều trị đặc hiệu
      • Ngừng ngay thuốc nghi ngờ là tác nhân.
      • Nếu nghi ngờ do Mycoplasma pneumoniae: kháng sinh nhóm Macrolides:
        • Erythromycin: 50 mg/Kg/ngày, chia 3 – 4 lần, trong 10 – 14 ngày.
        • Hoặc Azithromycin: 10 mg/Kg/ngày, liều duy nhất/ngày, trong 3 ngày.
      • Nếu do Herpes simplex: Acyclovir (Zovirax): 20 mg/Kg uống mỗi 6 giờ, trong 5 ngày.
    • Corticoid

Nếu nguyên nhân là do dị ứng thuốc nên có chỉ định Corticoids. Các nguyên nhân khác hiệu quả của Corticoids còn bàn cãi.

  • Dùng trong giai đoạn cấp trong vòng 48 – 72 giờ sau phát ban.
  • Methyl prednisolone 4 mg/kg/ngày chia 2 lần tiêm mạch trong 3 – 5 ngày.
  • Điều trị triệu chứng
    • Nằm phòng vô trùng, hạn chế thăm viếng đề phòng bội nhiễm qua da.
    • Sử dụng drap vải vô trùng.
    • Săn sóc da: rửa da bằng dung dịch NaCl 0,9% vô trùng. Sau đó, thoa dung dịch Betadin 10% hoặc đắp gạc Betadin ở những nơi tổn thương da sâu, loét. Không được chọc vỡ các bóng nước.
    • Vệ sinh răng miệng, bộ phận tiết niệu sinh dục, hậu môn.
    • Khám chuyên khoa mắt để tránh các biến chứng ở mắt như: dính mi, viêm mống mắt, viêm loét hoặc thủng giác mạc, mù mắt. Nhỏ mắt với thuốc nhỏ mắt không có corticoid (Neocin, Chlramphenicol…).
  • Dinh dưỡng
    • Truyền dịch: ngoài nhu cầu cơ bản cần bổ sung thêm lượng dịch mất qua da (tương tự phỏng).
    • Nuôi ăn tĩnh mạch một phần hoặc toàn phần trong những ngày đầu: xem phác đồ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Nuôi ăn qua sonde dạ dày: khi bệnh nhân không chịu ăn uống hoặc ăn không đủ so với nhu cầu. Lưu ý khi nuôi ăn qua sonde dạ dày nên đặt sonde nhẹ nhàng vì thường có kèm theo tổn thương niêm mạc thực quản, có thể lưu sonde khoảng 1 tuần.

  • Kháng sinh

Khi có bội nhiễm: Cephalosporin thế hệ thứ 1: Cephapirin 50 – 100 mg/kg/ngày TM, chia 3 – 4 lần, hoặc Cephalosporin thế hệ thứ 3: 100 mg/kg/ngày TM, chia 3 – 4 lần. Nếu có nhiễm trùng bệnh viện: peflacin ± vancomycin.

  1. Theo dõi
    • Sinh hiệu: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, nước tiểu. 
    • Diễn tiến tổn thương da, niêm.
    • Ion đồ, đường huyết nếu có chỉ định nuôi ăn tĩnh mạch.
  1. Phòng ngừa
    • Nếu nguyên nhân nghi ngờ là do dị ứng thuốc: phải thông báo và ghi vào sổ khám bệnh thuốc gây di ứng, dặn dò bệnh nhân thông báo cho thầy thuốc mỗi khi đi khám bệnh.
    • Khi dùng thuốc phải hỏi tiền sử dị ứng của bệnh nhân và gia đình, dặn dò bệnh nhân theo dõi, ngừng thuốc và tái khám ngay khi có dấu hiệu như nổi mẩn đỏ, ngứa….
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây