Xoắn ruột là một loại tắc ruột do nguyên nhân gây nghẹt ruột, nhưng là dạng tắc ruột đặc biệt vì tổn thương gồm 2 phần: thành ruột và các mạch máu mạc treo ruột.
Do nguyên nhân nào đấy mà một hay nhiều quai ruột xoắn theo trục của mạc treo ruột có thể thuận hay ngược chiều kim đồng hồ, hậu quả của sự xoắn này được thể hiện trên lâm sàng với các dấu hiệu rất rầm rộ khiến người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc do đau và nhiễm độc.
Các yếu tố thuận lợi hay gặp:
- Tại các quai ruột:
Các quai ruột bị thay đổi nhu động do nguyên nhân cơ học như ứ trệ: do giun đũa hay bã thức ăn, tổn thương thành ruột do u hay tăng nhu động ruột, do một số bệnh nhân dùng các thuốc thần kinh tâm thần (bệnh Parkinson, Alzheimer, tâm thần phân liệt…).
- Mạc treo ruột bất thường do không được cố định hay quay chưa hoàn toàn đây là các tổn thương bẩm sinh trong thời kỳ bào thai: các quai ruột không được cố định hay mạc treo ruột dài.
- Bên ngoài ruột hay mạc treo: dây chằng, dính sau mổ bụng, ruột thừa dài khi viêm dính vào các quai ruột hay gốc mạc treo, túi Meckel dính vào rốn… là các điểm khởi phát tạo thuận lợi cho xoắn ruột.
RỐI LOẠN SINH LÝ BỆNH CỦA XOẮN RUỘT
Quá trình này xẩy ra rất nhanh chóng và gây các rối loạn sâu sắc toàn thân là do:
- ứ trệ dịch hơi trong các quai ruột xoắn như tắc ruột thông thường nhưng có đặc điểm do có tổn thương các mạch máu mạc treo ruột nhất là hệ tĩnh mạch nên có sự cản trở máu trở về hệ tuần hoàn cùng với dịch của cơ thể tập trung nhiều vào vùng ruột xoắn gây shock do giảm khối lượng tuần hoàn.
- Shock trong xoắn ruột còn được gây ra vì quá đau.
- Các quai ruột bị xoắn do bị tổn thương mạch máu mạc treo cả đường động và tĩnh mạch rất nhanh chóng dẫn đên tình trạng hoại tử, thủng gây viêm phúc mạc, là một biến chứng rất nặng và thường xuyên của xoắn ruột.
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG
Cơ năng
- Đau bụng: thường được chú ý nhiều nhất bằng khởi đầu đột ngột và cường độ cao, người bệnh có khi ngất xỉu, trẻ nhỏ thường la hét… Với tính chất đau liên tục có những cơn trội lên rõ rệt nhất là khi thay đổi tư thế, khiến người bệnh có thể vã mồ hôi, tái mặt trong các cơn đau bụng.
Vị trí đau bụng tương ứng với chân của vùng mạc treo ruột bị xoắn, có thể giữa bụng, hay lệch bên trái trong xoắn đại tràng xích ma hay bên phải do xoắn manh tràng hay thượng vị do xoắn dạ dày…
Cũng có một số ít các trường hợp cường độ đau có thể nhẹ hơn phụ thuộc vào tình trạng nghẹt của mạc treo chưa chặt. Trong xoắn dạ dày biểu hiện đau ít rầm rộ hơn xoắn ruột non hay đại tràng xích ma.
- Nôn: dấu hiệu này cũng nhanh chóng xuất hiện, thường nôn nhiều, khi hết dịch ứ đọng phía trên chỗ ruột xoắn người bệnh lại nôn khan gây cho bệnh nhân rất khó chịu.
Nôn trong xoắn ruột ngoài do tình trạng ứ trệ còn do phản xạ của các quai ruột bị xoắn gây liệt ruột trên và dưới chỗ tắc. Những trường hợp mạn tính nôn nhiều gây rối loạn nước điện giải trầm trọng có biểu hiện suy thận nhất là các trường hợp xoắn tá tràng hay toàn bộ ruột non trong trường hợp mạc treo chung.
- Bí rắm ỉa: xuất hiện hay sau đau bụng, quá trình xoắn ruột xẩy ra nhanh nên dấu hiệu này trong những giờ đầu không được lưu ý nhưng những trường hợp diễn biến chậm thì rõ ràng.
Toàn trạng
Tình trạng sốc hay trụy mạch xảy ra sớm: mạch nhanh, nhỏ có trường hợp không bắt được.
Huyết áp thấp cả tối đa và tối thiểu.
Vẻ mặt xanh tái, trán vã mồ hôi, có cảm giác sợ hãi do đau.
Tại chỗ
- Bụng trướng:
Bụng người bệnh trướng sớm, tính chất đặc biệt là trướng lệch, có thể bụng trướng lệch về một bên phải hay trái, phía trên hay dưới. Dấu hiệu này không rõ ràng ở các bệnh nhân có sẹo mổ bụng cũ.
- Dấu hiệu quai ruột nổi:
Thường thấy các quai ruột nổi rõ nhưng khi kích thích trên thành bụng (xoa, búng…) các quai ruột này ít khi di chuyển được như các trường hợp tắc ruột thông thường (dấu hiệu rắn bò) do ruột bị liệt. Khi kích thích nhất là khi nắn bụng thấy đau ở các quai ruột dãn hay vị trí tương ứng với vùng mạc treo ruột bị xoắn. Các quai ruột nổi trên thành bụng thường ít và tương ứng với các quai ruột bị xoắn: 2 hay 3 quai. Trường hợp xoắn đại tràng xích ma khám thấy chỉ có 1 quai to chiếm gần hết cả ổ bụng.
- Nghe bụng: mất tiếng réo của ruột gọi là cái bụng “im lìm” của Von Wahl mô tả cho các trường hợp xoắn ruột điển hình.
- Thăm trực tràng: bóng trực tràng thấy rỗng trong trường hợp xoắn đại tràng xích ma, có thể thấy đau khi đưa ngón tay lên cao nhưng dấu hiệu này không chính xác và không có giá trị, nhưng có thể có máu màu nâu theo tay trong các trường hợp ruột có hoại tử.
- Các lỗ thoát vị: cần khám các lỗ thoát vị như đùi bẹn.
HÌNH ẢNH
- Chụp bụng không chuẩn bị
Có các dấu hiệu của tắc ruột nhưng với tính chất đặc biệt:
Số các mức nước hơi thường ít, tương đương với vị trí của vùng ruột bị xoắn. Nếu xoắn ruột non thường có 2,3(,mức nước hơi giữa bụng. Xoắn đại tràng xích ma: là một ‘mức hơi lớn được mô tả như chữ u lộn ngược, bên trái hay chiếm cả ổ bụng. Trường hợp xoắn manh tràng thường thấy mức nước hơi to vùng hố chậu phải, xoắn ruột do mạc treo chung thấy các mức nước hơi của ruột non ở bên phải còn các mức nước hơi của đại tràng ở bên trái…
- Chụp lưu thông ruột
Chỉ được làm trong các trường hợp bệnh tiến triển không điển hình ít rầm rộ.
Chụp khung đại tràng: trong các trường hợp xoắn đại tràng xích ma thuốc từ trực tràng lên sẽ bị dừng lại chỗ đại tràng xích ma bị xoắn tạo thành một hình ảnh điển hình: dấu hiệu mỏ chim.
Chụp dạ dày có thuốc Baryt sẽ thấy hình xoắn: dạ dày hình 2 túi.
- Nội soi
Có thể áp dụng cho các trường hợp xoắn đại tràng xích ma vừa chẩn đoán và điều trị.
- Siêu âm và CT Scanner ổ bụng: ít khi được áp dụng trong các trường hợp cấp vì đã rõ trên lâm sàng và X quang.
- Các xét nghiệm
– Máu:
Công thức máu: bạch cầu thường cao do ứ trệ và nhiễm khuẩn, bạch cầu cao nhiều khi có viêm phúc mạc do hoại tử ruột (trên 15 – 20.000/ml).
– Sinh hoá: rối loạn nước và điện giải nặng do nôn, không ăn được và ứ trệ dịch trong các quai ruột bị xoắn.
U rê máu cao, suy thận…
CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN HAY CÁC DẠNG LÂM SÀNG
1. Xoắn ruột non
1.1. Xoắn ruột non do giun dũa: thường gặp ở trẻ em, do các búi giun tuy chưa gây tắc ruột, nhưng gây nặng các quai ruột và ứ trệ thay đổi nhu động ruột dễ dẫn tới xoắn.
– Lâm sàng: đau bụng là dấu hiệu chính, có thể đau âm ỉ vài ngày trước đấy sau đó đau tăng lên với tính chất rất dữ dội, trẻ la hét hay nằm im do quá đau. Nôn xuât hiện sớm, có thể nôn ra giun.
Thể trạng chung nhanh chóng bị suy giảm và rơi và tình trạng nặng với các dấu hiệu truỵ mạch và nhiễm độc.
– Khám bụng: bụng trướng ít, có thể nắn thấv quai ruột có búi giun bị xoắn.
Phần bụng còn lại cũng có cảm giác là các búi giun nhưng không chặt.
– X quang: chụp bụng không chuẩn bị sẽ thấy các mức nước hơi của các quai ruột bị xoắn, với đặc điểm không rõ ranh giới hơi và nước, số lượng các quai ruột thường ít.
Nếu chất lượng phim tốt có thể nhìn thấy phần còn lại của ổ bụng các quai ruột có nhiều búi giun.
1.2. Xoắn ruột sau mổ: xuất hiện ban đầu bằng biểu hiện của tắc ruột do dính sau mổ với các dấu hiệu đau bụng từng cơn. nôn và bí rắm ỉa. Cũng có khi xuất hiện ngay với các dấu hiệu đau bụng dữ dội và người bệnh rơi vào tình trạng truy mạch.
Thăm khám sẽ thấy bụng trướng trên bụng có sẹo mổ cũ nên dấu hiệu trướng lệch không được lưu ý. Thông thường trên các bệnh nhân có các dấu hiệu của tắc ruột sau mổ đã được đặt ống thông dạ dày, truyền dịch… và đau tăng, truy mạch phải cần lưu ý ngay bị xoắn ruột.
Nguyên nhân do có các dây chằng là khởi điểm cho các quai ruột xoắn.
1.3. Xoắn ruột do mạc treo chung: đây là một bệnh không hiếm gặp, có đặc điểm lâm sàng thường dưới hai dạng cấp tính và mãn tính.
Để hiểu rõ về loại xoắn ruột này xin được nhắc lại phôi thai học của sự phát triển Ống tiêu hoá:
Quá trình phát triển của ống tiêu hoá có thể được hiểu như sau: trong thời kỳ bào thai ống tiêu hoá nguyên thuỷ phát triển xuống đường giữa của phôi, kéo dài và chui ra ngoài khoang cơ thể theo dây rốn (thoát vị sinh lý) và sau này lại chui vào khoang cơ thể hay khoang bụng, Ống tiêu hoá được chia làm 3 phần theo sự cấp máu: đoạn ruột đầu (Foregut) sau này hình thành hầu họng, thực quản và dạ dày được nuôi dưỡng bằng động mạch thân tạng. Đoạn ruột giữa (midgut) hình thành ruột non và phần đại tràng, được nuôi dưỡng bằng động mạch mạc treo tràng trên. Đoạn ruột cuối (hindgut) hình thành hậu môn trực tràng và phần đại tràng xuống, được nuôi dưỡng bằng động mạch mạc treo tràng dưới.
– Giai đoạn 1: vào tuần lễ thứ 4-10 đoạn ruột giữa phát triển nhanh nên khoang thân (Coelomic Cavity – giữa lá phôi ngoài và giữa) không có khả năng chứa nên chúng chui ra ngoài theo dây rốn.
– Giai đoạn 2: Sau khi chui ra khỏi khoang thân vào tuần lễ thứ 4 – 10, đoạn ruột giữa chui lại vào khoang thân hay khoang bụng, trong ổ phúc mạc nhưng chủ yếu là ruột non chui vào trước và chiếm toàn phần bên trái của ổ bụng. Phần đại tràng chui vào sau và nằm góc trên trái của ổ bụng. Khung đại tràng nhanh chóng quay 270 độ ngược theo chiều kim đồng hồ để góc hồi manh tràng nằm ở góc hố chậu phải. Khung tá tràng cũng xoay 270 độ ngược chiểu kim đồng hồ và ra phía sau động mạch mạc treo tràng trên (vào tuần lễ 10 – 12).
– Giai đoạn 3: là giai đoạn cuối, chủ yếu là sự phát triển của các nụ ruột non như các quai ruột, mạc treo.
* Trong giai đoạn 2 do một lý do nào đó mà có các bất thường:
– Ruột không quay: sau khi trở lại ổ bụng thì phần lớn đại tràng nằm bên trái, ruột non bên phải và manh tràng ở giữa bụng như vậy không có sự quay và cố định của đại tràng và tá tràng.
– Ruột quay không hoàn toàn: đại tràng chỉ quay khoảng 180 độ và dừng lại khiến manh tràng ở dưới gan, hạ sườn phải. Trường hợp này thường có 1 dải phúc mạc thành bụng chạy ngang qua đoạn II tá tràng gọi là dây chằng Ladd. Toàn bộ ruột giữa (midgut) được treo bởi bó mạch mạc treo tràng trên bằng một cuông rất hẹp và rất dễ dàng bị xoắn do không được cố định.
– Ruột quay ngược: thường đại tràng quay 180 độ theo chiều kim đồng hồ kết quả đại tràng nằm sau tá tràng và bó mạch mạc treo tràng trên (hiếm gặp). Ruột quay thái quá (hyperrotation) đại tràng quay ngược chiều kim đồng hồ 360 hay 450 độ (hiếm gặp).
– Tạo vỏ (Encapsulated): túi vô mạch của dây rốn chui theo vào ổ bụng và bọc lấy toàn bộ ruột.
– Các quai ruột quay bình thường nhưng thiếu hụt về cố định: manh tràng và đại tràng lên quá di động nên dễ bị xoắn sau này.
+ Xoắn ruột non cấp tính do mạc treo chung: các dấu hiệu thường rất rầm rộ trẻ thường la hét và ngất xỉu, rơi vào tình trạng truy mạch và viêm phúc mạc do hoại tử ruột.
Với thanh thiếu niên và người lớn: các dấu hiệu tắc ruột xuất hiện cũng rất rầm rộ và nặng: đau bụng dữ dội, nôn nhiều, truy mạch.
Khám bụng: bụng trướng, có nhiều quai ruột, bụng đau, nghe không thấy tiếng réo của ruột (bụng im lìm).
Chụp X quang bụng không chuẩn bị:
Có nhiều mức nước hơi của ruột non bên phải và các mức hơi của đại tràng bên trái (dấu hiệu gợi ý).
Nhiều trường hợp mổ bụng ra thấy toàn bộ ruột non bị hoại tử do xoắn để muộn.
1.4. Xoắn ruột non mạn tính do mạc treo chung
– Đau bụng từng cơn, nôn nhiều, ít có rắm ỉa.
– Thăm khám bụng thấy bụng trướng trong các cơn đau.
Trường hợp tắc tá tràng có thể thấy bụng trên lõm dễ nhầm với hẹp môn vị. Tắc toàn bộ ruột non có thể cả trướng bụng. Có thể có quai ruột nổi và dấu hiệu rắn bò do tình trạng mạc treo ruột chưa bị xoắn chặt gây nghẹt hoàn toàn. Những trường hợp xoắn ruột non mạn tính, nôn là dấu hiệu dễ gây những rối loạn nước và điện giải trầm trọng nhiều trường hợp được chẩn đoán nhầm là suy thận.
X quang:
Chụp bụng không chuẩn bị:
Trường hợp xoắn gây tắc tá tràng ngoài mức hơi lớn của dạ dày sẽ thấy một mức nước hơi lớn dưới gan. Nếu xoắn tắc thấp hơn sẽ có nhiều mức nước hơi giữa bụng.
Vì diễn biến mạn tính có thể người bệnh được chụp lưu thông ruột sẽ thấy ứ trệ thuốc cản quang từ dạ dày tới các quai ruột non bị xoắn tắc.
2. Xoắn đại tràng
2.1. Xoắn đại tràng Sigma: là một loại xoắn ruột hay gặp ở nam giới, người có tuổi. Trên các cơ địa:
– Đại tràng Sigma quá di động do mạc treo dài.
– Ở những người táo bón.
– Những người có chế độ ăn nhiều xơ.
– Những người già, có rối loạn thần kinh tâm thần.
– Bệnh phình to đại tràng.
Biểu hiện lâm sàng: thường được nhận thấy dưới 2 dạng cấp tính và bán cấp.
– Dạng cấp tính hay gặp ở người trẻ với các dấu hiệu rầm rộ và nhanh chóng có dấu hiệu hoại tử do thủng. Còn ở người già diễn biến chậm hơn và hay tái diễn.
Đau bụng: xuất hiện từng cơn vùng hạ vị, đau quặn và âm ỉ, tăng khi người bệnh đi lại. Các triệu chứng thường rầm rộ như xoắn ruột non ở người trẻ (đau liên tục) nhiều người già lại biết mình bị xoắn đại tràng Sigma vì bệnh tái diễn nhiều lần (đau từng cơn).
Nôn: xuất hiện sớm ở dạng cấp tính và muộn ở dạng mạn tính.
Bí rắm ỉa: thể hiện sớm, có một số trường hợp có thể vẫn còn ỉa được phần phân dưới chỗ tắc.
Khám bụng: bụng trướng lệch phải, trái hay trướng toàn bộ ổ bụng tuỳ theo mức độ dãn của quai ruột bị xoắn.
Nắn bụng thấy bụng trướng hơi (quai ruột) không thấy quai ruột di chuyển. Gõ thấy quai ruột dãn vang.
Thăm trực tràng: có thể có máu tươi hay nâu theo tay.
X quang: chụp bụng không chuẩn bị: hình ảnh điển hình của xoắn đại tràng Sigma đó là một quai ruột trướng hơi rất to chiếm toàn bộ ổ bụng, như một chữ u lộn ngược mà vòm của quai ruột này có thể sát cơ hoành. Trong những giờ đầu chưa rõ có mức nước ở phía thấp nhưng sau đó hai chân của quai ruột sẽ có dịch rõ ràng. Cũng trong giờ đầu phần đại tràng phải bình thường, nhưng những giờ tiếp theo đại tràng bên phải cũng dãn hơi và các quai hồi tràng cũng ứ trệ có biểu hiện tắc ruột. Chỉ cần chụp phim bụng không chuẩn bị cũng đủ để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên trong các dạng bán cấp có thể thụt đại tràng có Baryt sẽ thấy thuốc vào trực tràng rồi không qua được chỗ xoắn tạo nên hình mỏ chim.
Trên X quang cần lưu ý phân biệt với: xoắn manh tràng, tắc đại tràng do u trực tràng và bệnh phình to đại tràng bẩm sinh.
Hiện nay với nội soi ống mềm có thể giúp cho chẩn đoán và điều trị xoắn đại tràng Sigma.
2.2. Xoắn manh tràng
Biểu hiện lâm sàng với các dấu hiệu như những trường hợp xoắn ruột nhưng có đặc điểm:
– Bụng trướng lệch bên phải, phần thấp.
– Chụp bụng không chuẩn bị có mức nước hơi rất lân vùng hố chậu phải ban đầu được mô tả như một hạt đậu hay quả thận về sau có thể thêm một vài mức nước hơi của ruột non kèm theo.
Cần lưu ý với các trường hợp dãn manh tràng cấp trong hội chứng Ogilvie.
2.3. Xoắn dạ dày: hay gặp ở người có tuổi.
Thường biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, nôn nhiều và nôn khan.
Thăm khám không có gì đặc biệt.
Xoắn dạ dày thường dưới dạng bán cấp hay mãn tính, ít có hoại tử dạ dày vì dinh dưỡng của dạ dày rất phong phú. Các dấu hiệu gợi V chẩn đoán xoắn dạ dày mang tính kinh điển:
– Đau bụng vùng thượng vị dữ dội và trướng bụng.
– Nôn sau đau và nôn khan.
– Không đặt được ống thông dạ dày.
Chụp bụng không chuẩn bị: thấy dạ dày dãn, túi hơi lớn thường được chẩn đoán dãn dạ dày cấp.
Chụp dạ dày có uống Baryt: dạ dày bị xoắn có 2 túi có thể thấy 2 túi hơi phần trên là phình vị và phía dưới là hang vị.
Soi dạ dày sẽ thấy rõ thương tổn.
THÁI ĐỘ XỬ TRÍ
Là một cấp cứu cho các dạng biểu hiện cấp tính, người bệnh phải nhanh chóng được chuẩn bị hay sơ cứu:
– Truyền dịch.
– Đặt ống thông dạ dày.
– Dùng kháng sinh.
– Giảm đau.
– Chuyển mổ sớm.
- Các nguyên tắc phẫu thuật:
Đường rạch da thông thường phải là đường giữa trên và dưới rôh, rộng rãi. Tổn thương sẽ phụ thuộc vào người bệnh được mổ sớm hay muộn, thường thấy các quai ruột xoắn bị dãn. Sẽ dễ dàng nhận biết các quai ruột xoắn khi bệnh chưa bị mổ bụng bao giờ trong các trường hợp như xoắn ruột non do giun, có dây chằng do ruột thừa hay túi Meckel. cần xác định số lượng quai ruột bị xoắn, mầu sắc của các quai ruột có dấu hiệu bình thường, tím, có giả mạc, có lạnh hay không? Sau đó đánh giá mạc treo ruột xoắn như thế nào có thể xoắn hơn 90 độ hay 180 độ hay 360 độ hoặc hơn…
Tiến hành tháo xoắn các quai ruột: chỉ tháo xoắn khi biết chắc chắn các quai ruột chưa bị hoại tử: mầu sắc còn chưa tím, chưa có giả mạc hay các đám đen hoại tử. Phải cắt các dây chằng trước khi tháo xoắn.
Trong các trường hợp này có thể giải quyết các tổn thương hay nguyên nhân gây xoắn ruột như mở ruột lấy giun, cắt đoạn ruột có túi Meckel, cắt dây chằng hay u ruột non…
Không tháo xoắn khi thấy các quai ruột có dấu hiệu tím đen, thủng hay thành các ruột đã xám lạnh. Trường hợp này phải cắt đoạn ruột và phải cắt mạc treo trước để đề phòng các chất hoại tử tràn vào máu. Nếu xoắn ruột non đơn thuần sau khi cắt đoạn ruột xoắn có thể nối ruột ngay. Trường hợp xoắn nhiều ruột non mà phải cắt bỏ rộng rãi, phần còn lại của ruột ngắn sẽ có nhiều rối loạn hấp thu sau mổ. Để hạn chế rối loạn hấp thu có thể phải xoay một đoạn ruột còn lại trước khi nối hay tạo các nếp niêm mạc so le nhau trên quai ruột đó để làm chậm lưu thông tăng khả năng hấp thu cho ruột sau này.
Các trường hợp xoắn manh tràng, đại tràng Sigma khi phải cắt ruột thường phải đưa đầu trên ra ngoài (dẫn lưu hồi tràng hay hậu môn nhân tạo, đóng đầu dưới và lập lại lưu thông ruột sau một thời gian).
Các trường hợp đặc biệt:
– Xoắn dạ dày:
Sau khi tháo xoắn phải cố định dạ dày vào dây chằng tròn, thành bụng ở các vị trí: phình vị lớn, mặt trước dạ dày lưu ý nếu có thoát vị phải khâu các lỗ thoát vị hay làm hẹp khe hoành…
Hẹp, xoắn tá tràng do xoắn ruột non do mạc treo chung’
– Cố định tá tràng sau khi xoay lại tá tràng, cố định tá tràng…
Xoắn manh tràng: phải cố định manh tràng vào thành bụng và các quai cuối hồi tràng lại với nhau dạng Noble. Trong trường hợp dãn đoạn manh tràng và đại tràng lên (Hội chứng Ogilvie) lưu ý phải dẫn lưu manh tràng.
– Đại tràng Sigma:
Khi chưa có dấu hiệu hoại tử: kết hợp với người phụ đặt 1 ống thông trực tràng, đưa qua chỗ xoắn cho phân, hơi thoát hết để cho đại tràng xẹp sau đó để tránh tái phát phải tạo các nếp ruột 2,3 quai ruột và cố định vào thành bụng bên. Có tác giả chủ trương cắt bớt đoạn đại tràng dài và quá di động này.
Nếu có dấu hiệu hoại tử phải cắt đoạn đại tràng xoắn, không tháo xoắn. Sau đó đưa đầu trên ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, đóng đầu dưới chờ lập lại lưu thông sau 6-8 tuần.
Hiện nay với ông nội soi mềm người ta có thể soi trực tràng đưa qua chỗ xoắn giải thoát các chất ứ trệ trong quai đại tràng Sigma xoắn và sau đó xoắn được tháo, tuy nhiên sau này xoắn dễ tái phát nếu không được cố định.