Trang chủBệnh mắtViêm giác mạc và loét giác mạc

Viêm giác mạc và loét giác mạc

VIÊM GIÁC MẠC NÔNG

VIÊM GIÁC MẠC – KẾT MẠC DO HERPES (herpes giác mạc) và viêm giác mạc Zoster: do virus herpes (HSV) hoặc do virus thuỷ đậu-zona (VZV). Tổn thương điển hình là loét hình cành cây xuất hiện sau khi các phỏng herpes trên bề mặt giác mạc bị vỡ ra. Các vết loét có màu xanh lục sau khi nhỏ fluorescein, vết loét hầu như bao giờ cũng ở một bên, rất đau và bệnh nhân có cảm giác là có vật lạ trong mắt. Có thể tiến triển thành viêm giác mạc nhu mô, đục hình đĩa ở phần trung tâm giác mạc (viêm giác mạc hình đĩa có triệu chứng viêm mống mắt nặng).

Điều trị: nhỏ thuốc hoặc bôi thuốc mỡ có idoxuridin hoặc acyclovir. Có thể nhỏ atropin để giảm đau. Nếu cần phải mô để lấy đi chỗ biểu mô bị tổn thương. Thể nặng: khâu sụn mi hoặc ghép giác mạc.

VIÊM GIÁC MẠC DO PSEUDOMONAS: giác mạc bị nhiễm Pseudomonas aeruginosa sau chấn thương. Nhiễm khuẩn lan dần từ chỗ bị chấn thương và tạo vết loét có bờ màu xanh lục hoặc màu lam. Nếu không được điều trị thì có thể bị thủng nhãn cầu trong vòng 48 giờ.

Điều trị: kháng sinh nhỏ vào mắt và tiêm dưới kết mạc (gentamicin, carbenicillin v.v…).

VIÊM GIÁC MẠC DO PHẾ CẦU: có vết loét giác mạc, bờ màu xám, thường có ranh giới rõ ràng. Thường có mủ ở phần dưới góc tiền phòng. Nếu không được điều trị, loét có thể gây thủng nhãn cầu.

Điều trị: nhỏ mắt dung dịch có sulfamid hoặc kháng sinh.

VIÊM GIÁC MẠC ĐIỂM THÀNH DỊCH: làm viêm kết mạc do adenovirus nặng thêm, xuất hiện vào ngày thứ 6 và tự khỏi sau 1-2 tuần. Giác mạc có những điểm bị xói mòn. Bệnh nhân đau và thị lực bị giảm.

VIÊM GIÁC MẠC – KẾT MẠC CÓ PHỔNG NUỚC: viêm khu trú ở kết mạc và ở phần kết mạc trùm ở rìa giác mạc. có thâm nhiễm lympho và phồng nước dưới biểu mô. Được cho là do dị ứng với vi khuẩn, nhất là do lao, hay gặp ở trẻ nhỏ (hiện nay ít gặp). Bệnh nhân bị đau chói, chảy nhiều nước mắt và sợ ánh sáng. Phồng nước ở rìa giác mạc nổi lên, trong và trở thành loét. Thường tự khỏi sau 1 – 2 tuần nhưng hay bị tái phát. Điều trị lao nếu có và điều tra tiền sử gia đình.

LOÉT CÓ MỦ TIỀN PHÒNG: loét giác mạc, có một ít mủ ở phần thấp của tiền phòng, đằng sau giác mạc và phía trước mông mắt. Mức mủ nằm ngangvà thay đổi theo tư thế đầu của bệnh nhân; đôi khi mủ có lẫn máu. Biến chứng: đục giác mạc, nhãn cầu bị thủng hoặc bị nhiễm khuẩn . Xác định vi khuẩn gây bệnh bằng phiến đồ và nuôi cấy: phế cầu, tụ cầu, vi khuẩn lậu. Đôi khi có tuyến lệ bị nhiễm khuẩn mạn tính kèm theo.

Điều trị: nhỏ và tiêm kháng sinh dưới kết mạc; kháng sinh toàn thân. Đôi khi phải can thiệp phẫu thuật.

VIÊM GIÁC MẠC NHU MÔ

Viêm giác mạc kẽ: thâm nhiễm mạn tính ở các lớp sâu của giác mạc; gặp ở trẻ nhỏ như một biến chứng của giang mai bẩm sinh; thường biểu hiện lúc còn nhỏ hoặc vào lúc dậy thì. Hiếm gặp hơn là có kèm theo lao hoặc phong. Trong bề dầy của võng mạc có những chỗ đục, lúc đầu có màu trắng, sau đó có mạch máu và thị lực bị giảm.

Viêm giác mạc hình đĩa: các vết đục hình đĩa ở giác mạc, là biến chứng của herpes giác mạc.

Viêm giác mạc nhu mô có tổn thương lan toả hoặc thành hạt, ở sâu trong nhu mô giác mạc và có nhiều mạch máu nuôi, các mô bị thâm nhiễm và có các tổn thương viêm ở lớp bao giữa của mắt. Các vết mờ nằm ngay trong bề dầy của giác mạc và không có vết loét ở mặt trước. Lúc đầu, bị tổn thương ở một bên nhưng thường sau vài tuần sẽ bị ở cả hai bên.

Điều trị: điều trị nguyên nhân, đeo kính mát, nhỏ thuốc có kháng sinh (hoặc thuốc kháng virus) thích hợp.

VIÊM GIÁC MẠC DO LIỆT THẦN KINH: có loét mềm, sâu; giác mạc không có cảm giác và bị mất phản xạ giác mạc; không có biểu hiện viêm, không đau và không chảy nước mắt. Giác mạc bị mất cảm giác có thể là do bị mất cảm giác vì lão hoá, do tổn thương dây sinh ba (u não, tiêm cồn vào hạch Gasser, cắt dây thần kinh sau hạch Gasser) hoặc do bị zona mắt từ trước. Nếu không, được điều trị thì vết loét lan rộng và có thể làm thủng nhãn cầu.

Điều trị: khâu mi để khép mắt tạm thời; sau đó vài tháng mở khe mi nếu vết loét tiến triển tốt.

VIÊM GIÁC MẠC DO HỞ MI: nếu mi mắt không chớp thì giác mạc bị khô, dễ bị các yếu tố bên ngoài gây tổn thương dẫn đến bị loét và biểu mô giác mạc bị mờ đục. Gặp trong liệt dây mặt, hở mi do sẹo bỏng hoặc sẹo ở mặt, lồi mắt ác tính hoặc hôn mê kéo dài.

Điều trị: băng bịt mắt nếu hở mi ngắn ngày, khâu mi nếu giác mạc bị loét.

VIÊM GIÁC MẠC DO TIA CỰC TÍM:

do bị tác động của tia cực tím và mắt không được bảo vệ tốt (dùng đèn chiếu tia cực tím để làm xạm da, bị chiếu nắng ở núi cao, hàn điện v.v…). Sau khi bị chiếu từ 6 đến 12 giờ, bệnh nhân kêu đau đớn không chịu được và sợ ánh sáng. Khám bằng đèn khe sau khi đã nhỏ thuốc có fluorescein cho thấy ở hai giác mạc có các chấm mờ.

Điều trị: băng bịt hai mắt, dùng thuõc giảm đau hoặc an thần theo đường toàn thân. Không được bôi hoặc nhỏ thuốc giảm đau vào mắt. Nói chung, khỏi trong vòng 24 – 48  giờ và không để lại di chứng.

VIÊM GIÁC MẠC KHÔ (viêm giác mạc thành sợi hay hội chứng mắt khô): khô kết mạc và giác mạc mạn tính là do không bài tiết hoặc giảm bài tiết nước mắt. Mức độ bài tiết nước mắt được đánh giá bằng cách kích thích và dùng miếng giấy thấm đặt ở dưới mi dưới để thu nước mắt (test Schirmer). Trong khô mắt có các sợi dài và mảnh được hình thành từ biểu mô giác mạc và dính vào giác mạc. Cũng có thể thấy các vết bọt Bitot là các vết xói mòn lan toả trên biểu mô giác mạc (thấy dưới đèn khe). Đến giai đoạn muộn hơn có các vết loét làm giảm thị lực. Người ta phân biệt:

  • Bài tiết không đủ: do các ống bài tiết của tuyến nước mắt bị tắc (mắt hột, bỏng và sẹo vết thương ở túi cùng trên của kết mạc).
  • Sản xuất không đủ: hội chứng Sjogren, thiếu vitamin A, lão hoá, sarcoidose (hội chứng Heerfordt), bệnh chất tạo keo, xạ trị.

Điều trị: nhỏ nước mắt nhân tạo. đeo kính áp tròng. Đôi khi phải giải quyết tắc ống lệ.

NHUYỄN GIÁC MẠC: viêm giác mạc khô trở thành loét mềm, có khi làm thủng giác mạc. Hay gặp trong khô giác mạc do thiếu vitamin A (xem bệnh này).

GIÁC MẠC CHÓP SAU: giác mạc bị giãn từ từ thành hình chóp, thường xuất hiện vào tuổi vị thành niên. Giác mạc bị biến dạng hình chóp làm thay đổi độ khúc xạ của mắt và làm cho phải hay kính luôn luôn.

Có thể phải ghép giác mạc.

LOẠN DƯỠNG NỘI MẠC – BIỂU MÔ GIÁC MẠC: giác mạc bị phù, phù lan ra nhu mô. Gặp sau khi mổ đục thuỷ tinh thể và đặt thuỷ tinh thể nhân tạo. Mắt bị đỏ, đau và thị lực giảm.

Điều trị: thể nhẹ thì nhỏ methylcellulose. Thể nặng: đeo kính áp tròng ưa nước và có khi phải ghép giác mạc.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây