Trang chủBệnh lão khoaNghe kém và điếc ở người cao tuổi - nguyên nhân và...

Nghe kém và điếc ở người cao tuổi – nguyên nhân và khắc phục

Nghe (thính giác) là một trong những giác quan rất tinh vi, có chức năng quan trọng là giúp cho người nghe hiểu được để nắm bắt các sự việc.

Tai gồm có 3 phần:

Tai ngoài: Gồm có vành tai để hứng và hướng sóng âm, ống tai ngoài vận chuyển sóng âm đến vành tai.

Tai giữa: dẫn truyền và tăng cường sóng âm đến tai trong. Tai giữa gồm màng tai, các xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) và vòi tai. Tai trong được bảo vệ nhờ lớp cơ của các xương con và lớp đệm không khí của tai giữa.

Tải trọng: Là bộ phận tiếp nhận sóng âm và chuyển các sóng âm thành luồng thần kinh, giúp cho con người nhận biết âm thanh.

Nguyên nhân:

Nghe kém là giai đoạn đầu của điếc, nghe kém cũng có rất nhiều nguyên nhân.

Tổn thương tai ngoài: Nút ráy ổ ống tai ngoài có thể gây nghe kém và điếc. Trường hợp có vật lạ kẹt trong ống tai hoặc chít hẹp ống tai cũng gây nghe kém.

Tổn thương tai giữa: Vòi tai (thông từ mũi – họng lên tai giữa) bị tắc, do viêm mũi – họng. Viêm tai giữa có tiết dịch, có mủ, xỏ sẹo màng tai làm cho nghe kém và điếc.

Xốp tai: Là một quá trình các xương con của tai giữa bị xốp cứng khớp, làm sức nghe hai tai giảm dần rồi điếc. Hiện tượng này hay gặp ở người cao tuổi, tiến triển trong cả hai tai, không thể chữa bằng phẫu thuật.

Tổn thương tai trong: Do viêm tai giữa, viêm xương chũm biến chứng vào tai trong, do nhiễm độc một số loại thuốc: Streptomycin. Kanamycin, Neomycin, Gentamvnin, Quinin v.v… hoặc do các nhóm mỡ trong máu tăng lên. Nghiện rượu làm nhiễm độc thần kinh nghe cũng có thể gây ra điếc.

Ở người cao tuổi, sức nghe giảm dần, nghe không rõ, nhất là ở nơi ồn ào. Tuổi càng cao, hiện tượng nghe kém càng tăng.

Tác động của tiếng ồn trong một thời gian dài sẽ gây những tổn thương không hồi phục được ở cơ quan thính giác của tai trong. Nếu trước đó tiếp xúc với tiếng ồn càng lâu thì tỷ lệ điếc càng cao.

Cách xác định mức độ điếc:

Trong một căn buồng hoặc một hành lang yên tĩnh dài độ 6 mét, người đó thì thào nói một số câu, từ đơn giản hướng về phía tai được đo cách độ 5 mét. Người được đo đứng hoặc ngồi, hướng tai đo của mình về phía tiếng nói người, dùng ngón tay bịt chặt tai bên kia và nhắc lại những từ, những con số nghe được. Đo lần lượt hết tai này sang tai kia. Tai bình thường đo được tiếng nói bình thường ở khoảng cách 5 mét. Người nào không nghe được tiếng nói thì thào ở sát vành tai hoặc không thể nghe tiếng nói bình thường ở cách vành tai một gang tay có thể coi như bị điếc.

Khả năng phục hồi sức nghe cho người điếc.

Để làm cho tai nghe lại hoặc ngăn không cho bệnh tiến triển nặng thêm, thì phải tìm ra được nguyên nhân chính xác để trị bệnh.

Đối với tai nghe kém hoặc điếc do tổn thương tai ngoài, có thể lấy các dị vật như ráy tai, vật lạ kẹt ở ống tai (trường hợp này phải đi đến bệnh viện).

Ở người cao tuổi bị điếc bởi xốp tai do tuổi, nên đeo máy điếc (máy trợ thính), có ít nhất 50 % người từ 60 – 65 tuổi bị điếc do tuổi, nhờ máy trợ thính đã cải tạo được sức nghe (việc chỉ định dùng máy phải do cơ sở tai mũi họng đo sức nghe để chỉ định).

Bảo vệ sức nghe:

Phải giữ vệ sinh mũi họng, chữa kịp thời các bệnh mũi họng, vì nó là nguồn gốc chính gây viêm tai. Phát hiện và điều trị kịp thời viêm tai dù là viêm tai ngoài hay tai giữa có mủ hay không. Bệnh viêm tai ở nước ta rất hay gặp. Đó là nguyên nhân quan trọng gây ra điếc.

Chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt điều độ, luyện tập thể dục, dưỡng sinh thích hợp, tránh các hoàn cảnh, điều kiện gây căng thẳng thần kinh.

Đặc biệt phải lưu tâm đến tiếng động ngoài cũng có thể bị nghe kém và điếc. Cho nên phải quy định tiếng ồn theo từng nơi, từng lúc hợp lý, những nơi như sân bay, khu công nghiệp phải có liệu pháp cách ly.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây