Trang chủBệnh chứng Đông yTrúng phong Đông y và pháp, phương thuốc điều trị

Trúng phong Đông y và pháp, phương thuốc điều trị

Trúng phong là chứng bệnh phát sinh cấp, đột ngột và rất nặng. Bệnh nhân bỗng nhiên ngã bất tỉnh nhân sự, hoặc bán thân bất toại, hoặc tứ chi cử động không được, mặt méo, mắt lệch, nói khó. Cũng có thể nhẹ hơn, không bất tỉnh nhân sự, nhưng vẫn có bán thân bất toại. Trong YHHĐ, các bệnh xuất huyết não, lấp mạch não, tắc mạch não, liệt mặt thuộc phạm trù của trúng phong.

Nguyên nhân

Thường do ngoại phong và nội phong.

Hải thượng Lãn ông cho là “thỉnh thoảng mới có do ngoại phong, còn 70 – 80% do âm hư, 10 – 20% do dương hư, vì hư yếu sinh phong”.

Về ngoại phong: Kim quỹ yếu lược ghi: “do lạc mạch hư rỗng nên phong tà thừa hư xâm nhập”, Linh khu (Thích tiết chân tà) ghi: “Hư tà ở nửa thân, nó vào sâu ở dinh vệ;, nếu dinh vệ suy yếu thì chân khí sẽ đi và phong tà một mình lưu ở đó thành “thiên khố (khô nửa người). Tố vấn (Phong luận) ghi “Phong trúng huyệt du của ngũ tạng lục phủ là phong của tạng phủ, các cửa ngõ bị tác động gây trúng phong gọi là thiên phong” (phong nửa người).

Về nội phong: Tố vân (Điều kinh luận) viết: “huyết theo khí cùng đi lên trên sẽ gây đại quyết, quyết thì bạo tử, nếu khí trở về chỗ cũ thì sống, nếu không về thì chết”. Thiên sinh khí luận cũng viết “Người có dương khí, nếu đại nộ (giận dữ quá độ) thì hình khí tuyệt và huyết ứ ở trên gây nên bạo quyết”. Lưu Hà Gian cho là “tâm hỏa bạo thậm” gây nên. Diệp Thiên Sỹ cho rằng bệnh là do can dương hóa phong gây nên.

Lý Đông Viên ghi “Cả bôn mùa trong năm nếu giận buồn quá thì đều thương khí, hoặc người béo phì có thân hình thực, song có khí suy”, và chính khí tự suy gây bệnh này.

Chu Đan Khê ghi “thấp sinh đờm, đờm sinh nhiệt, nhiệt sinh phong”.

Khái quát triệu chứng của trúng phong “Tà ở lạc, cơ phu bất nhân (da tê dại), tà ở kinh, trọng bất thắng (vận động khó); tà ở phủ, bất thức nhân (bất tỉnh); tà ở tạng, thiệt nạn ngôn (nói khó), khẩu thổ dãi”. (Kim quỹ yếu lược).

Điều trị Đông y

1. Trúng phong do ngoại phong – phong trúng kinh lạc.

Bệnh thường là nhẹ, phong trúng kinh lạc do mạch lạc hư rỗng, không có đủ khí huyết, mặt khác vệ khí suy yếu không đủ sức chống đỡ sự tấn công của ngoại phong.

Triệu chứng:

Đột nhiên người có cảm giác tê dại, bước đi nặng nề, hoặc đột nhiên mồm méo mắt lệch, bán thân bất toại, có thể có nói khó nếu bán thân bất toại bên phải. Nếu nặng có thể bất tỉnh nhân sự.

Ngoài chứng trên, còn biểu hiện kinh lạc bị trúng ngoại phong như: không có mồ hôi, ố hàn, hoặc hơi có mồ hôi ố phong (bệnh ở kinh thái dương); hoặc người nóng không ố hàn hoặc không ố phong (bệnh ở kinh dương minh); hoặc không có mồ hôi, người mát (bệnh ở kinh thái âm) hoặc không có 4 chứng trên (kinh quyết âm); hoặc khớp chân tay co, đau, hoặc tê dại v.v…

Phép điều trị: khu tán phong tà là chính.

Phương thuốc (đều trích từ Thuốc nam châm cứu)

Bột hoa kinh giới 10g

Rượu trắng 20ml

Mỗi lần dùng 5g bột hoa kinh giới, 10ml rượu và thêm nước sôi để nguội, hòa uống. Mỗi ngày uống 2 lần.

Kinh giới   100g

Bạc hà     90g

Gừng hoặc Địa liền    40g

Ngâm với 1 lít rượu. Mỗi lần uống một thìa canh.Bạc hà hay Bạc hà nam

Kinh giới tươi 100g

Bạc hà tươi 100g/ngày

Giã thuốc vắt lấy nước cốt, bỏ bã – Mỗi lần uống 2 thìa con cho đến hết.

Kinh giới       100g

Bạc hà     90g

Gừng hoặc Địa liền                   40g

Ngâm với 1 lít rượu. Mỗi lần uống một thìa canh.

Rượu, Kinh giới, Bạc hà.

Nước tiểu trẻ em 50 – 70 ml uống, 100 ml dùng để bóp bên bất toại.

Phương thuốc: Tiểu tục mệnh thang (Thiên kim phương)

Ma hoàng 1 đồng cân Quế chi 1 đồng cân
Hạnh nhân 1 đồng cân Cam thảo 1 đồng cân
Thược dược 1 đồng cân Sinh khương 5 đồng cân
Xuyên khung 1 đồng cân Phòng kỷ 1 đồng cân
Hoàng cầm 1 đồng cân Phòng phong 1,5 đồng cân
Nhân sâm 1 đồng cân Phụ tử 1 đồng cân
  • Nếu chân tay không cử động được, lưỡi cứng nói khó là phong tà vào ở trong nhiều kinh và lạc mạch hư rỗng rõ.

Phép điều trị: Dưỡng huyết khu phong.

Tần giao 3 lạng Cam thảo 2 lạng
Xuyên khung 2 lạng Đương quy 2 lạng
Tế tân 1,5 lạng Sinh địa 1 lạng
Khương hoạt 1 lạng Thục địa 1 lạng
Thạch cao 2 lạng Bạch chỉ 1 lạng
Bạch truật 1 lạng Bạch phục linh 1 lạng
Độc hoạt 2 lạng Phòng phong 1 lạng

Nếu có thể làm thành thuốc tán – Mỗi lần uống 1 lạng gồm 16 vị trên.

Ý nghĩa:

Tần giao để khu phong thông kinh lạc. Khương Độc hoạt, Phòng phong, Bạch chỉ, Tế tân (tân ôn) để khu phong tán tà. Đương quy, Bạch thược, Thục địa để dưỡng huyết nhu can, làm cho tân dịch không bị hao tổn khi dùng thuốc khu phong. Xuyên khung phối hợp với Quy Thược để hoạt huyết thông lạc. Bạch truật, Phục linh để ích khí sinh huyết; Hoàng cầm, Thạch cao, Sinh địa để lương huyết thanh nhiệt. Cam thảo để điều hòa thuốc, hòa trung.

Nếu không có biểu hiện của nhiệt thì bỏ 3 vị: Hoàng cầm, Thạch cao, Sinh địa.

Bài thuốc này có thể dùng cho các thể phong trúng kinh lạc.

Hoặc phép điều trị: Khu phong thông lạc, hoạt huyết hòa dinh.

Phương thuốc: Khiên chính tán (Dương thị gia tàng phương) gia vị.

Bạch phụ tử, Bạch cương tàm, Toàn yết (Khiên chính tán) lượng bằng nhau tán mịn mỗi lần dùng 1 đồng cân. Gia Kinh giới, Phòng phong, Bạch chỉ, Hồng hoa.

Ý nghĩa: Khiên chính tan để khu phong thông lạc. Kinh giới, Phòng phong, Bạch chỉ để tán phong khu tà. Hồng hoa để hoạt huyết hóa ứ.

  • Sau khi phong tà đã giải rồi, song vẫn còn bán thân bất toại, nói không rõ do phong tà lưu ở kinh lạc, huyết mạch không thông huyết ứ khí trệ, khí không hành được, huyết không nuôi dưỡng được tổ chức.

Phép điều trị: Điều hòa dinh vệ, thông lợi kinh lạc.

Phương thuốc: Lục quân tử thang (Phụ nhân lương phương) gia vi

Nhân sâm 10g Bạch truật 9g
Phục linh 9g Cam thảo 6g
Trần bì 9g Bán hạ 12g

Gia Khương hoạt, Phòng phong, Tần giao, Đương quy, Sinh địa, Bạch thược, sắc uống.

Ý nghĩa:

Nhân sâm để bổ nguyên khí, kiện tì, dưỡng vị, Bạch truật để kiện tỳ táo thấp, Phục linh hợp Bạch truật để kiện tỳ thẩm thấp. Cam thảo để điều trung, Trần bì để lý khí, Bán hạ để hóa dòm. Khương hoạt, Phòng phong, Tần giao để khu phong, Đương quy, Bạch thược để hòa huyết dưỡng huyết. Sinh địa để lương huyết.
Hoặc phép điều trị: ích khí, khí ứ, thông lợi kinh lạc. Phương thuốc: Bổ dương hoàn ngũ thang: (Y lâm cải thác)

Hoàng kỳ sống 4 lạng Quy vĩ 2 đồng cân
Xích thược 1,5 đồng cân Địa long 1 đồng cân
Xuyên khung 1 đồng cân Hồng hoa 1 đồng cân
Đào nhân 1 đồng cân

Ý nghĩa: Hoàng kỳ để đại bể nguyên khí của tỳ vị, đê thúc đẩy cho huyết hành, khử được ứ mà không làm tổn thương chính khí. Quy vĩ để hoạt huyết khứ ứ mà không tổn thương huyết; Khung, Thược, Đào, Hồng cùng Quy vỹ để hoạt huyết khứ ứ; Địa long để thông kinh hoạt lạc. Nếu nói khó thêm Xương bồ, Viễn chí, phân khô bón thêm Đại hoàng, đái không cầm được thêm Thục địa, Sơn thù, ích trí nhân Ngũ vị tử.

Chú ý: Hoàng kỳ mới đầu có thể dùng lượng nhỏ 1 lạng, rồi 2 lạng và tăng dần. Bài thuốc này chủ yếu dùng cho bán thân bất toại loại chính khí hư, huyết mạch tuần hoàn không thông lợi.

Xem tiếp

Trúng phong do nội phong – Phong trúng tạng phủ

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây