Cây dâu tây thuộc loại thân thảo, mọc bò lan trên mặt đất. Lá kép, hoa trắng, hình chén. Quả bế tập hợp quanh trụ ở đế hoa, mọng nước. Quả dâu tây được dùng làm thuốc và ăn được.
Theo Đông y, quả dâu tây có vị ngọt, chua se, tính mát. Tác dụng lợi tiểu, chữa sỏi tiết niệu, tê thấp đau nhức, dùng làm rượu bổ.
Thuốc ứng dụng từ quả dâu tây:
Bài 1. Rượu bổ
+ Quả dâu tây 500g
+ Táo tàu 500g
+ Rượu ngon 1.500ml
Quả dâu tây nhặt hết cuống, dùng vòi hoa sen rửa sạch, để ráo nước, cho vào túi vải mỏng buộc chặt miệng túi, cho vào bình cùng táo Tàu. Rượu hâm nóng đổ vào bình đó rồi buộc chặt miệng lại. Sau 20 ngày, lấy túi dâu tây vắt kỹ, bỏ bã. Táo Tàu ngâm tiếp trong rượu 60 ngày thì vớt bỏ táo, uống rượu. Người bệnh ngày uống một lần, mỗi lần 30ml trước khi ăn tối. Cần uống trong nhiều ngày.
Bài 2. Thuốc chữa bệnh sỏi tiết niệu
+ Quả dâu tây (quả gần chín) 30g
+ Kim tiền thảo 10g
+ Rễ cỏ tranh 8g
+ Quả cối xay 10g
Các thứ rửa sạch, cho vào nồi cùng 400ml nước, đun sôi kỹ, chắt lấy 200ml nước đặc. Người bệnh uống ngày một thang, chia 3 lần trước bữa ăn. cần uống liền 10 ngày.
Ngoài ra quả dâu tây còn có các tác dụng
1) Hỗ trợ giảm cân: dâu tây chứa lượng calo thấp và nhiều chất xơ. Một chén dâu tây chỉ chứa 53 calo và chất xơ giúp bạn no lâu hơn. Chúng cũng chứa vitamin C có tác dụng tăng cường trao đổi chất và giúp cơ thể đốt cháy calo nhanh hơn.
2) Tăng cường trí nhớ: thành phần fisetin có trong dâu tây được coi như một flavonoid tự nhiên giúp tăng cường trí nhớ và kích thích các dây thần kinh. Ăn dâu tây còn giúp ngăn ngừa suy giảm chức năng nhận thức.
3) Giảm viêm: một nghiên cứu của trường Y tế công cộng Harvard đã chỉ ra rằng, những người phụ nữ ăn 16 trái dâu tây hoặc nhiều hơn mỗi tuần có thể giảm 14% nguy cơ cơ thể có nồng độ cao chất C-reactive protein (CRP) trong máu, ‘thủ phạm’ gây viêm nhiễm cho cơ thể.
4) Cải thiện sức khỏe tim mạch: chất flavonoid có trong dâu tây ngăn ngừa cholesterol ứ đọng lại ở động mạch. Dâu tây còn chứa một số hợp chất khác có công dụng điều hòa huyết áp, thúc đẩy chức năng của mô tế bào và ngăn ngừa huyết khối.
5) Tăng cường miễn dịch: Dâu tây giàu vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại nhiễm trùng. Chỉ một chén dâu tây có thể đáp ứng nhu cầu vitamin C của cơ thể trong cả ngày.
6) Tốt cho xương: các chất dinh dưỡng như kali, magiê và vitamin đóng vai trò quan trọng với sức khỏe xương khớp. Ăn dâu tây sẽ thúc đẩy phát triển xương ở trẻ em và duy trì xương chắc khỏe ở người lớn.
7) Ngăn ngừa ung thư: dâu tây có chứa chất chống oxy hóa như lutein và zeathanacins ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Vitamin C trong dâu tây làm tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể chống lại các tế bào ung thư.
8) Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: dâu tây có chỉ số đường huyết là 40. Chỉ số này tương đối thấp và an toàn cho những bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, hợp chất trong dâu tây có tác động tích cực đến mức độ glucose và lipid, giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
9) Chống lão hóa: biotin là hợp chất được tìm thấy trong dâu tây có tác dụng giúp tóc và móng tay chắc khỏe. Dâu tây cũng chứa một hợp chất chống oxy hóa được gọi là axit ellagic duy trì các sợi đàn hồi và ngăn ngừa chảy xệ làn da, chống lại các thiệt hại gây ra bởi các gốc tự do và ngăn ngừa nếp nhăn.
10) Chữa táo bón: 100 gram dâu tây có chứa 8% chất xơ hỗ trợ hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt, điều hòa nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón.
11) Tốt cho phụ nữ có thai: folate có trong dâu tây là một chất dinh dưỡng ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi và thúc đẩy sự phát triển của não, tủy sống và xương sọ của bé.
12) Cải thiện sức khỏe đôi mắt: các chất chống oxy hóa trong dâu tây giúp ngăn chặn đục thủy tinh thể và Vitamin C bảo vệ đôi mắt khỏi các tia cực tím có hại của mặt trời.
13) Tóc khỏe mạnh: axit folic, Vitamin B5, Vitamin B6 và axit ellagic trong dâu tây ngăn chặn tóc rụng. Dâu tây cũng chứa các khoáng chất như đồng, magiê ngăn ngừa gàu và nhiễm trùng da đầu do nấm.
14) Phòng chống bệnh cao huyết áp: nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ Vitamin C khi đang căng thẳng có thể làm giảm huyết áp và làm bạn bình tĩnh hơn, do đó làm giảm nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp. Dâu tây cũng chứa ít đường và natri, 2 thành phần chính khiến huyết áp tăng cao.