Trang chủBệnh truyền nhiễmSốt Hồi Quy (sốt phát ban hồi quy) - chẩn đoán và...

Sốt Hồi Quy (sốt phát ban hồi quy) – chẩn đoán và điều trị

Tên khác: sốt phát ban hồi quy.

Định nghĩa

Là các bệnh lây do các xoắn khuẩn Borellia được truyền bởi chấy rận hay bọ tuỳ theo vùng, có các sơn sốt lặp đi lặp lại xen kẽ với các đợt thuyên giảm có vẻ như đã khỏi bệnh.

Căn nguyên

Mầm gây bệnh là các xoắn khuẩn Borellia. Các đợt tái phát là do sự thay đổi cấu trúc gen của vi khuẩn trong quá trình gây bệnh. Do đó, cơ thể phải chịu đựng nhiều đợt nhiễm khuẩn trước khi có khả năng miễn dịch với tất cả các biến thể của kháng nguyên.

Dịch tễ học

SỐT HỔI QUY DO CHẤY RẬN: đặc hiệu cho người, do Borellia recurrentis, do rận (Pediculus corporis) truyền: chấy rận hút máu bệnh nhân và truyền sang người lành qua các chất mà chúng thải ra (gãi sau khi bị đốt, giết chấy rận ở chỗ bị chúng cắn). Thể này gặp ở một số vùng nhất định có bệnh lưu hành ở châu á, châu Phi và Nam Mỹ. Dịch xuất hiện trên toàn thế giới ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Người là nguồn chứa mầm bệnh.

SỐT HỔI QUY DO BỌ: do nhiều loài Borellia khác nhau gây ra, các loài gậm nhấm là nguồn chứa mầm bệnh. Vi khuẩn được truyền ngẫu nhiên sang người qua vết cắn của bọ Ornithodorus. Các vùng có dịch lưu hành là Bắc Phi và vùng nhiệt đới châu Phi, Trung Đông, Iran, Ân Độ, Trung Á và toàn châu Mỹ. Bệnh do bọ cắn nhẹ hơn là do chấy rận.

Giải phẫu bệnh

Lách to có các ổ hoại tử chứa đầy xoắn khuẩn. Xuất huyết thanh mạc và niêm mạc.

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh là 5- 15 ngày. Khởi phát đột ngột, có rét run và sốt 39-41°C, nhức đầu, nôn, sung huyết kết mạc và đau cơ. Sốt kéo dài 4-7 ngày rồi hết đột ngột, bệnh nhân kiệt sức. Sau một thời kỳ không sốt từ 4-7 ngày, lại xuất hiện đợt sốt có rét run. Có thể thấy lách to, đôi khi có ban đỏ. Các cơn lặp đi lặp lại; nếu không được điều trị thì thể trạng sẽ suy sụp dần. Các đợt sốt tự hết sau 6-8 tuần.

Biến chứng

Gan to và vàng da, viêm thận, viêm màng não lympho, viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm màng bồ đào, viêm cơ tim, hội chứng xuất huyết, vỡ lách.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Phát hiện xoắn khuẩn trong máu trong các thời kỳ có sốt bằng soi trực tiếp giọt máu đàn (dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn, và nhuộm Giemsa).

Sinh thiết mô: có thể phát hiện các borellia bằng phương pháp ngấm bạc hay các phương pháp miễn dịch hoá học.

Có thể cấy máu ở các phòng thí nghiệm chuyên khoa.

Tiêm truyền cho chuột nhắt: xoắn khuẩn xuất hiện trong máu con vật trong vòng 48 giờ.

Thiếu máu và giảm tiểu cầu, protein niệu, trụ niệu.

Phản ứng Bordet-Wassermann dương tính trong 10-20% số trường hợp.

Chẩn đoán phân biệt: bệnh vàng da xuất huyết do xoắn khuẩn, sốt rét, dengue, sốt vàng, sốt thương hàn, sốt rickettsia phát ban.

Tiên lượng: tỷ lệ tử vong của bệnh do bọ truyền là 2-10% nếu không được điều trị; tỷ lệ tử vong của bệnh do chấy rận truyền lên tới 30%. Tỷ lệ tử vong của các thể bệnh hầu như bằng không nếu được điều trị bằng kháng sinh.

Điều trị

Thể do bọ truyền: 0,5 g tetracyclin, 6 giờ một lần trong 5-10 ngày; hoặc procain benzylpenicillin 600.000 đơn vị 12 giờ một lần.

Thể do chấy rận: điều trị như trên. Liều một lần 0,5 g tetracyclin hay tiêm một liều 600.000 đơn vị procain- benzylpenicillin đủ để ngăn cơn sốt. Penicillin cần phải được tiêm vào đầu cơn, trước khi nhiệt độ tăng để tránh phản ứng Herxheimer có thể xảy ra.

Phòng bệnh

Diệt chấy rận, tiêu diệt các ổ bọ.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây