Trang chủBệnh truyền nhiễmBệnh Tả - Chẩn đoán và điều trị

Bệnh Tả – Chẩn đoán và điều trị

Tên khác: bệnh tả châu Á

Định nghĩa

Là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, phát thành dịch địa phương và dịch lớn, gây ra bởi phẩy khuẩn tả, bệnh có đặc tính là ỉa chảy và nôn rất nhiều, đưa tới mất nước nặng và truy tim mạch.

Căn nguyên

Tác nhân gây bệnh là phẩy khuẩn Koch có tên khoa học là Vibrio cholerae, hoặc Vibrio comma. Đó là một trực khuẩn nhỏ, ngắn, yếu, hình dấu phảy, di động, Gram âm, mà người là nguồn dự trữ chính. Phẩy khuẩn tả lây truyền từ người này sang người khác qua nước uống và những thực phẩm bị nhiễm bẩn bởi chất thải của người bệnh hoặc của “người lành” mang mầm bệnh. Những người này là nguồn lây nhiễm quan trọng vì bàn tay của họ dễ bị nhiễm bẩn. Ruồi cũng có vai trò truyền bệnh, nhưng lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác thì không đáng kể. Sò huyết và một số loài thân giáp có thể là những động vật mang những chủng phẩy khuẩn ở trong nước biển bị nhiễm. Phẩy khuẩn tả cư trú trong ruột và tiết ra độc tố ruột bệnh tả. Độc tố này hoạt hoá enzym adenylcyclase, do đó làm tăng nồng độ AMP vông nội tế bào, dẫn tới tăng hoạt động chế tiết ở tế bào ruột, và đồng thời làm mất một lượng lớn nước và các chất điện giải.

Nhiễm phẩy khuẩn tả không gây ra tổn thương nào trong cơ thể, nên ngay sau khi bệnh nhân được bù lượng nước và chất điện giải trở lại mức bình thường, và độc tố của vi khuẩn tự phá huỷ thì bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Nguyên nhân của những triệu chứng nặng và tử vong chỉ là do tình trạng mất nước của tế bào và những rối loạn mà tình trạng đó gây ra. Do đó điều trị bệnh chỉ cần tới biện pháp đơn giản phục hồi nước và nuôi cho cơ thể là đủ.

Vibrio cholerae bao gồm nhiều typ huyết thanh khác nhau:

Typ 01: typ huyết thanh Inaba (AC), Ogavva (AB), Hikojima (ABC) và typ sinh học “E1 Tor”. Các typ này gây bệnh tả kinh điển.

Typ 0139 Bengale: xuất hiện năm 1992, có khuynh hướng thay thế typ huyết thanh 01 ở châu Á.

Những typ huyết thanh không gây bệnh: hay gặp ở trong nước ở bờ biển những xứ nóng.

Dịch tễ học: khả năng dễ mắc bệnh ở từng cá nhân rất khác nhau, và trong những vụ dịch thì bệnh chỉ biểu hiện ở 1% hoặc 2% dân số, trong khi đó thì số lượng những “người lành” mang mầm bệnh lại rất nhiều. Đã có những đại dịch xuất xứ từ ấn độ lan truyền trên khắp thế giới ở thế kỷ thứ XIX. Hiện nay, thỉnh thoảng người ta còn phát hiện ra những ổ dịch địa phương và những đợt dịch lan tràn ở những vùng khác nhau trên thế giới, nhưng đó thường là những vùng mà hoàn cảnh vệ sinh không tốt, đặc biệt là ở châu Á (vùng vịnh Bengale), ở Trung Đông, ở châu Phi (vụ dịch năm 1994 ở Zaire đã làm 80.000 người chết), và từ năm 1991 thì có cả dịch ở Nam Mỹ (Peru).

Giải phẫu bệnh: niêm mạc ruột non có màu đỏ, hiện tượng viêm chỉ ở lớp nông của niêm mạc và xuất huyết thường hay xảy ra ở các mảng Peyer. Các hạch bạch huyết mạc treo tràng phì đại và đôi khi hoại tử. Khi bệnh nhân bị tử vong thì thi thể sóm bị cứng và rất cứng.

Triệu chứng

THỜI KỲ Ủ BỆNH: 24-48 giờ (có thể tới 6 ngày).

ỈA CHẢY: rất nhiều, tới mức không kiểm soát cơ thắt hậu môn được nữa. Bệnh nhân có cảm giác tê cóng, đau
bụng từng cơn, phân toàn là nước có lẫn những “hạt gạo” hoặc chỉ có chất nhày. Cơ thể bị mất nước có thể tới 10-20 lít trong 24 giờ. Đau ở vùng bụng và nôn không thể nhịn nổi. Bệnh nhân có thể tử vong ngay cả trước khi ỉa chảy xuất hiện (gọi là dịch tả khô), nhưng những trường hợp như thế hiếm gặp.

MẤT NƯỚC: do nôn và ỉa chảy tiến triển nhanh. Lưỡi và da bệnh nhân trở nên khô nhanh chóng, nhãn cầu giảm độ căng, má hõm và da bệnh nhân tím tái. ở giai đoạn này, thường có giảm natri huyết. Đầu tiên, bệnh nhân đái ít (thiểu niệu), rồi vô niệu, với hậu quả là nhiễm toan và urê huyết nặng hoặc vừa. Bệnh nhân hay bị chuột rút rất đau. Huyết áp giảm (do giảm thể tích máu) và đo thân nhiệt ở nách thấy bình thường hoặc hơi giảm (giai đoạn lạnh), nhưng thân nhiệt đo ở trực tràng thì thường cao. Mạch và nhịp thở đều tăng nhanh. Tri thức và cảm giác giữ nguyên bình thường, và nếu không được điều trị thì bệnh nhân tử vong trong vòng 2-3 ngày.

DIỄN BIẾN: trong những trường hợp không bị tử vong, thì từ ngày thứ 3 tình trạng của bệnh nhân được cải thiện dần với các dấu hiệu: phục hồi chức năng thận, nôn giảm dần, ỉa chảy và đau bụng giảm bớt. Da bệnh nhân ấm dần lên và huyết áp cũng tăng lên dần dần. Bệnh có thể bị tái phát.

Nhiễm vi khuẩn tả cũng có nhiều trường hợp không biểu hiện triệu chứng.

Thể thô sơ được gọi là “bệnh tả nhẹ”.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm trực tiếp phiến đồ phân ngay từ khi xuất hiện những dấu hiệu lâm sàng đầu tiên. Phiến đồ phân nhuộm carbofuchsin cho phép nhìn thấy phẩy khuẩn, đó là những trực khuẩn Gram âm, hình dấu phẩy hoặc hình que, rất di động.

Chẩn đoán nhanh nhờ kháng thể kháng typ 01 kết gắn với Auorochrom

Cấy phân hoặc chất nôn và xác định mầm bệnh bằng phản ứng ngưng kết.

Huyết đồ: tăng bạch cầu trong máu tới khoảng 20.000. Số lượng hồng cầu cũng tăng vì hiện tượng máu bị cô đặc.

ỉa chảy và nôn gây ra hậu quả máu bị cô đặc và mất các chất điện giải (nhất là Na và KC1) dẫn tới nhiễm toan.

Chẩn đoán dựa vào

Hỏi bệnh được biết bệnh nhân đã có một thời gian sống ở một vùng có dịch địa phương hoặc có dịch tả lưu hành.

Bệnh khởi phát với triệu chứng ỉa chảy ra phần chủ yếu là nước.

Nôn, các dấu hiệu mất nước nhanh với tình trạng sốc và urê huyết.

Chẩn đoán được xác định bối cấy phân dương tính và phản ứng ngưng kết với huyết thanh đặc hiệu.

Chẩn đoán phân biệt: ở những vùng có dịch địa phương, những dấu hiệu lâm sàng kể trên đủ để khẳng định bệnh. Tuy nhiên, vẫn cần chẩn đoán phân biệt bệnh tả với các trường hợp nhiễm salmonella, những trường hợp ngộ độc thực phẩm có triệu chứng nhiễm độc nhiễm khuẩn, và những thể lỵ trực khuẩn bán cấp.

Tiên lượng: phụ thuộc vào điều kiện y tế của địa phương. Nếu không được điều trị, bệnh tả gây tử vong trong 50% trường hợp. Tiên lượng phụ thuộc vào những phương tiện đảm bảo truyền dịch và lập lại cân bằng về các chất điện giải. Nếu những điều kiện điều trị được đảm bảo như thế sốm thì tỷ lệ tử vong không vượt quá 1%.

Điều trị

Điều trị mất nước, rối loạn chất điện giải và tình trạng nhiễm toan bằng truyền tĩnh mạch dung dịch huyết thanh mặn đẳng trương có thêm bicarbonat natri. Cũng có thể sử dụng một dung dịch chứa những chất điện giải với nồng độ gần như nồng độ của dịch ruột: một lít dung dịch này- chứa 5g natri clorid, 4 g natri bicarbonat, và 1-2 g kali clorid.

Khi bệnh nhân bị nôn, không được cho ăn thức ăn đặc hoặc loãng, nhưng cố gắng cứ cách 15 phút lại cho uống một chút dung dịch muôi nhằm phục hồi nước bằng đường uống theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (xem: phục hồi nước bằng đường uống).

Bệnh nhân bị mất nước hàng ngày có thể quá 5 lít. Nếu có thể, lượng dịch truyền tĩnh mạch nên được kiểm soát căn cứ vào biến động của hematocrit hoặc tỷ * trọng của huyết tương (đo bằng phương pháp Sulfat đồng). Mục đích của sự kiểm soát này là cần bao nhiêu nước thì truyền dịch bấy nhiêu để giữ cho hematocrit hoặc tỷ trọng huyết tương (1,065) ở mức bình thường. Khi tình trạng sốc và mất nước đã lui dần, có thể bệnh nhân lại bị giảm kali huyết và lúc đó phải truyền một dung dịch kali clorid cho bệnh nhân.

Cho tetracyclin với liều 0,5 g, uống cách nhau 6 giờ một lần, trong 3-5 ngày để làm giảm thời kỳ ỉa chảy và thời gian thải loại phẩy khuẩn tả theo phân. Có thể thay thế tetracyclin bằng Cotrimoxazol trong vòng 48 giờ.

Phòng bệnh: bệnh tả là bệnh bắt buộc phải khai báo y tế. Kiểm soát nguồn nước uống. Phẩy khuẩn tả bị huỷ diệt ở 80°c trong 5 phút, hoặc bởi những thuốc diệt khuẩn thông thường, ở những vùng có dịch địa phương, chỉ nên sử dụng nước uống đun sôi (hoặc nước suối có ga) và thức ăn đã nấu chín.

Không bắt buộc phải tiêm vaccin cho những người đi du lịch, vì vaccin chỉ bảo vệ được đối tượng trong thời gian 6 tháng và không có hiệu quả trong 50% trường hợp. Tuy nhiên, người ta vẫn yêu cầu tiêm vaccin trước khi tới một số nước. Hiện nay một loại vaccin uống, có tác dụng, và chỉ uống một lần đang được hoàn thiện (Orochol, Berna). Những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân có thể phòng bệnh bằng cách uống tetracyclin (liều duy nhất 200 mg doxycyclin).

GHI CHÚ: Có hai loài phẩy khuẩn khác cũng gây bệnh là:

Vibrio parahaemolyticus, gây viêm dạ dày ruột, người bị măc bệnh là do ăn thực phẩm không nấu chín thuộc các loài nhuỵễn thể có vỏ cứng bị nhiễm vi khuẩn.

Vibrio alginolyticus: loài này không sản xuất độc tố, nhưng có thể gây nhiễm khuẩn vết thương và gây ra viêm mô tế bào lan rộng sau khi vết thương tiếp xúc với những sản phẩm của động vật bị nhiễm.

Điều trị bằng tetracyclin, chloram­phenicol, hoặc fluoroquinolon.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây