Nhiều bệnh nhân thường tìm đến với thầy thuốc vì triệu chứng đau lưng, đau lan xuống một hoặc hai chân, hoặc đau cột sống cổ lan xuống một hoặc hai tay, bệnh nhân đến bệnh viện khám vì cảm giác yếu cơ. Khi được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm có nghĩa là nhân của đĩa đệm (hay còn gọi là chất dịch) đã thoát ra ngoài và chèn ép trên rễ thần kinh hoặc trên tủy sống gây các triệu chứng trên. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tàn phế do liệt, teo cơ hoặc đại tiểu tiện không tự chủ. làm sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động
Đĩa đệm là gì và điều gì xảy ra khi bị thoát vị đĩa đệm?
Đĩa đệm là một miếng lót làm giảm sốc nằm giữa hai thân đốt sống, đĩa đệm sẽ trở nên giòn dễ vỡ theo thời gian. Ở những người trẻ thì đĩa đệm mềm dẻo hơn những người già, cũng giống như những cấu trúc khác trong cơ, chúng trở nên mất tính dẻo dai và bền chắc, theo thời gian chúng dễ bị tổn thương, thậm chí ở những người trẻ ở độ tuổi 30 cũng trường hợp bị hư hỏng đĩa đệm khoảng 30%, khi một đĩa đệm mất tính mềm dẻo, nó có thể bị rách ra và khi đó một chất dịch thoát ra ngoài, hiện tượng này gọi là thoát vị đĩa đệm, chất dịch này có thể đè lên rễ thần kinh hoặc tủy gây nên tình trạng đau tức khi khối thoát vị đó đủ lớn.
Nguyên nhân gì gây ra thoát vị đĩa đệm?
Ngoài nguyên nhân do thoái hoá tự nhiên, do bị tai nạn té ngã thì người bệnh bị thoát vị đĩa đệm phần nhiều là do tư thế lao động, tư thế ngồi gây cong vẹo cột sống, thay đổi tư thế một cách đột ngột, mang vác nặng sai cách. Thường gặp nhất là việc bê vác vật nặng (thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm)
Những triệu chứng gì khi đĩa đệm bị thoát vị?
Đau: Đau thường xuất hiện sớm nhất, đau bắt đầu sau sự té ngã, đau xuất phát từ cột sống, lan xuống hai tay hoặc hai chân tùy theo vị trí thoát vị ở lưng hay ở cổ.
Dấu hiệu kiến bò hay tê bì: Bệnh nhân có cảm giác kiến bò hay tê bì một số vùng da mà rễ thần kinh đó chi phối, dấu hiệu nay thường xảy ra trên vùng da có cảm giác đau.
Yếu cơ: Dây thần kinh chi phối vận động, bị chặn dẫn truyền những xung động thần kinh từ não bộ xuống do đó gây tình trạng yếu nhược cơ.
Bí trung, đại tiện: Những triệu chứng này rất quan trọng bởi vì nó là dấu hiệu của hội chứng chùm đuôi ngựa, đây là tình trạng cần phải được điều trị cấp cứu, bệnh nhân nên đi khám ngay, nếu như có tình trạng bí trung đại tiện hoặc bệnh nhân có cảm giác tê bì quanh bộ phận sinh dục ngoài. Tất cả những triệu chứng trên là do kích thích của rễ thần kinh.
Làm thế nào để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm?
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm không phải dễ dàng. Để xác định đĩa đệm bị tổn thương và thoát vị, bác sĩ phải thử cảm giác sức cơ, phản xạ, làm điện cơ và những xét nghiệm cần thiết, chụp MRI Qua đó bác sĩ sẽ có thể đánh giá được hình thái, tính chất tổn thương đĩa đệm, vị trí thoát vị vào ống sống hay vào lỗ liên hợp, cũng như mức độ hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm gây ra. Từ đó lập kế hoạch, quyết định các biện pháp điều trị hợp lý.
Xem thêm
Các phương pháp điều trị hiện nay
MRI là xét nghiệm cận lâm sàng hết sức cần thiết để kết luận thoát vị đĩa đệm, tùy thuộc vào mức độ và những triệu chứng lâm sàng mà bác sĩ quyết định điều trị nội khoa hay chỉ định phẫu thuật. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị như làm giảm áp lực nhân đĩa đệm thông qua:
- Cắt đốt sống cao tần Radioequency. Nguyên lý của phương pháp là đưa sóng radio vào vùng đĩa đệm thoát vị thông qua một mũi kim qua da. Với nhiệt độ tỏa ra từ các bước sóng radio làm cho khối thoát vị bị thu nhỏ, trở về vị trí cũ làm giải phóng thần kinh bị chèn ép.
- Laser dùng hiệu ứng nhiệt của tia laser để hủy phần đĩa đệm thoát vị, giải phóng chèn ép thần kinh.
- Lấy nhân đệm bằng phương pháp mổ hở.
- Phương pháp mổ nội soi: Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, người ta đã sản xuất ra những trang thiết bị cực nhỏ để có thể đưa qua những lỗ phẫu thuật rất nhỏ để lấy khối thoát vị mà những mô mềm chung quanh ít tàn phá nhất, đó là chính là phương pháp phẫu thuật nội soi. 6. Biện pháp phòng tránh và luyện tập cho người bệnh bị thoát vị đĩa đệm
- Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc, ngay từ tuổi trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
- Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng. Điều đó giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống, là một yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm.
- Người trưởng thành cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom.
- Cũng cần tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất.
- Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức và kéo dài.
Dự phòng bệnh tái phát
Giảm cân với những người béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý.
Thực hiện các động tác sinh hoạt hằng ngày thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Cần tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, không quá sức để nâng cao thể lực. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cần áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai của các khối cơ lưng và cơ bụng. Có thể đi bộ trên nền phẳng, bơi, đạp xe.
Cần chú ý rằng đi xe máy, ô tô trên đường xóc, mấp mô cũng là một nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm cột sống. Do vậy, người bị thoát vị đĩa đệm cần tránh đi xe đường xóc. Nếu cần phải đi ô tô, xe máy thì cần đeo đai lưng.
Ngoài ra cần điều trị kịp thời các bệnh lý cột sống. Cần cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế các sang chấn về tinh thần, chấn thương do lao động. Thích nghi với nghề nghiệp: tránh các nghề như lái mô tô, máy kéo.