Trang chủBệnh tai mũi họngChẩn đoán điều trị bệnh Papilloma (u nhú) mũi xoang

Chẩn đoán điều trị bệnh Papilloma (u nhú) mũi xoang

U nhú mũi xoang là u lành tính xuất phát từ biểu mô niêm mạc mũi xoang.

Là loại u thường gặp nhất trong các khối u lành tính mũi xoang, chiếm tỷ lệ 0,5- 4% u mũi xoang, có thể có xu hướng ác tính hóa.

NGUYÊN NHÂN

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của u nhú mũi xoang.

  • Do virus: Đây là giả thuyết được nhiều tác giả chấp nhận.

Nhiều tác giả đã tìm thấy ADN của Human Papilloma Virus (HPV) trong mô của u nhú với hai nhóm gây bệnh chính là HPV 6 và HPV 11.

  • Các yếu tố môi trường như ô nhiễm, hoá chất….bị nghi ngờ là nguyên nhân gây u nhú nhưng chưa có thống kê đầy đủ.
  • Do viêm: Giả thuyết này ít được chấp nhận.

Theo nhiều tác giả viêm thường thấy kèm theo u nhú do hậu quả của khối u gây bít tắc lỗ thông mũi xoang cản trở đường vận chuyển niêm dịch từ xoang ra ngoài.

CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

  • Triệu chứng cơ năng:

+ Ngạt tắc mũi là triệu chứng nổi bật.

+ Chảy nước mũi.

+ Đau nhức vùng mặt.

+ Giảm ngửi hoặc mất ngửi.

+ Có thể xì ra máu mũi.

Các triệu chứng này thường chỉ ở một bên hốc mũi.

  • Triệu chứng thực thể:

+ Soi mũi thấy khối u ở một bên hốc mũi có dạng như chùm nho nhợt màu hoặc như quả dâu sẫm màu.

Cận lâm sàng

  • X quang thường quy (Blondeau, .)

+ Hình ảnh không đặc hiệu.

+ Hình ảnh mờ các xoang và mờ trong hốc mũi.

  • CT Scan:

+ Xác định vị trí khối u.

+ Đánh giá lan rộng của khối u ra các xoang, các vùng lân cận.

+ Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khó phân biệt khối u với ứ đọng dịch và niêm mạc dày do bít tắc lỗ thông mũi xoang.

  • MRI:

+ Cho phép phân biệt u với các tổn thương do tắc lỗ thông mũi xoang (dày niêm mạc, polyp, dịch trong xoang).

+ Đánh giá những tổn thương xâm lấn phần mềm và nền sọ tốt hơn CT Scan.

  • Kết quả mô bệnh học

Giúp chẩn đoán xác định u nhú và phân loại u nhú.

Theo mô bệnh học, có hai loại u nhú: u nhú thường và u nhú đảo ngược.

  • Phân giai đoạn u nhú đảo ngược

Theo John H. Krouse (2000), u nhú mũi xoang chia làm bốn giai đoạn:

  • T1: Khối u nằm trong hốc mũi, chưa phát triển vào xoang; không có tổn thương ác tính.
  • T2: Khối u phát triển tới vùng phức hợp lỗ ngách và xoang sàng, hoặc thành trong xoang hàm; không có tổn thương ác tính.
  • T3: Khối u chiếm toàn bộ xoang hàm; hoặc lan vào xoang bướm; hoặc lan vào xoang trán; không có tổn thương ác tính.
  • T4: Khối u vượt khỏi phạm vi mũi xoang (xâm lấn ổ mắt, nội sọ, hố chân bướm hàm) hoặc có tổn thương ác tính.

Chẩn đoán phân biệt

  • Với bệnh polyp mũi:

+ Thường ở hai bên hốc mũi.

+ Soi mũi thấy polyp mềm, nhẵn, mọng trong, màu hồng nhạt.

+ Kết quả mô bệnh học là polyp.

  • Với bệnh ung thư mũi xoang:

+ Thường ở một bên hốc mũi.

+ Thường chảy máu hoặc xì ra máu mũi.

+ Soi mũi thấy tổ chức u sùi, loét dễ chảy máu.

+ Kết quả mô bệnh học là tổn thương ác tính.

ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị bằng phẫu thuật.
  • Phẫu thuật càng sớm càng tốt.
  • Lấy hết bệnh tích u.

Điều trị cụ thể

  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang: chỉ định với khối u nhú giai đoạn I, II, III.
  • Phẫu thuật mở cạnh mũi: chỉ định với khối u nhú ở giai đoạn IV.

TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

Tiên lượng

  • U nhú thường tiên lượng tốt hơn u nhú đảo ngược do ít tái phát và hiếm phát triển thành tổn thương ác tính.
  • U giai đoạn sớm (I, II) tiên lượng tốt hơn giai đoạn muộn (III, IV).

Biến chứng

  • U nhú mũi xoang, đặc biệt là u nhú đảo ngược có khả năng chuyển thành tổn thương ác tính với tỷ lệ từ 7 đến 10%.

PHÒNG BỆNH

  • Thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực.
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm môi trường, hoá chất. Trong trường hợp phải tiếp xúc, phải có trang bị lao động đầy đủ.
  • Thường xuyên đi khám sức khoẻ định kỳ.
Bài trước
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây