Trang chủBệnh xương khớpThoái hóa khớp và nguyên nhân bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp và nguyên nhân bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và hiện tượng giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn điểm nối giữa hai đầu xương.

Đây là tình trạng lão hóa của khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết…

Thoái hóa khớp là một trong những bệnh khớp mạn tính thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh gặp ở mọi chủng tộc, mọi thành phần xã hội, bệnh xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới, trong số những người mắc các bệnh về xương khớp thì có khoảng 20% bị thoái hóa khớp, ở Việt Nam, thoái hóa khớp chiếm khoảng 10,4% các bệnh về xương khớp.

Càng cao tuổi, tỷ lệ người mắc bệnh thoái hóa khớp càng cao.

Các vị trí khớp thường bị thoái hóa được thống kê lần lượt theo thứ tự sau:

  • Cột sống thắt lưng
  • Cột sống cổ
  • Khớp gối
  • Khớp háng
  • Các ngón tay
  • Riêng ngón tay cái
  • Các khớp khác
Các vị trí khớp thường bị thoái hóa
Các vị trí khớp thường bị thoái hóa

Bệnh làm giảm chức năng vận động, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thoái hóa khớp thuộc phạm vi chứng “tý” của y học cổ truyền.

GIẢI PHẪU BỆNH

  • Sụn khớp và đĩa đệm bình thường

Hầu hết các khớp trong cơ thể đều có cấu tạo gồm ba phần chính: đầu xương, sụn, phần mềm quanh khớp.

Sụn khớp là phần nối giữa hai phần xương, là nơi chịu lực và chịu sự ma sát khi vận động.

Thành phần chính của sụn bao gồm các tế bào sụn, sợi collagen và chất cơ bản. Các tế bào sụn có nhiệm vụ tổng hợp các sợi collagen và chất cơ bản, hai chất này có đặc tính hút và giữ nước rất mạnh (khoảng 70%), có tác dụng điều chỉnh sự đàn hồi, chịu lực của đĩa đệm và sụn khớp.

  • Các sợi collagen là các phân tử acid amin lớn có cấu tạo chuỗi dài, đan vào nhau, làm thành một mạng lưới dày đặc.
  • Chondromucoprotein (hay còn gọi là chất cơ bản) là một chất trùng hợp của mucoprotein với chondroitin—4-sulphat và chondroitin—6—sulphat (thuộc nhóm mucopolysaccharid, hay còn gọi là nhóm proteoglycan), có thể có một lượng nhỏ keratin

Sụn khớp bình thường có màu trắng ánh xanh, nhẵn bóng, rất cứng, có tính đàn hồi mạnh.

  • Thoái hóa khớp

Đại thể: khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp và đĩa đệm có màu vàng nhợt, mờ đục, khô, mềm, mất dần tính đàn hồi, mỏng và nứt rạn,

Vi thể: số lượng tế bào sụn giảm, tế bào sụn thưa thớt; các sợi collagen gãy đứt nhiều chỗ, cấu trúc lộn xộn; phần xương dưới sụn có chỗ xơ hóa dãy lên và có hốc nhỏ, trong chứa chất hoạt dịch; phần diềm xương và sụn mọc gai xương.

NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THOÁI HÓA KHỚP

Thoái hóa khớp xảy ra do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tái tạo sụn và thoái hóa sụn.

  • Lão hóa: tuổi càng cao thì quá trình tái tạo sụn càng giảm, đồng thời tôc độ thoái hóa sụn tăng lên. Sự mất cân bằng giữa hai quá trình này dẫn tới hiện tượng các tế bào sụn già không được thay thế, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharide giảm và rối loạn. Từ đó, chất lượng sụn giảm dần, tính chất đàn hồi và khả năng chịu lực giảm.
  • Yếu tố cơ giới:

+ Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tích tỳ nén bình thường của khớp và cột sống.

+ Biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u, loạn sản làm thay đổi hình thái, sự tương quan của khớp.

+ Quá tải: tăng cân, béo phì, nghề nghiệp.

Theo thuyết cơ học: các yếu tố này tác động làm tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích bề mặt khớp hoặc đĩa đệm, lâu ngày gây tổn thương sụn khớp, từ đó gây thoái hóa khớp.

Theo thuyết tế bào: các tế bào sụn bị cứng lại do tăng áp lực, giải phóng ra các enzym tiêu protein. Enzym này làm hủy hoại dần chất cơ bản, dẫn tới thoái hóa khớp.

  • Các yếu tố khác:

+ Di truyền: cơ địa già sớm.

+ Mãn kinh.

+ Đái tháo đường.

+ Loãng xương.

+ Bệnh goutte.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây