Trang chủBệnh thần kinhGiải phẫu và khám Dây thần kinh mặt (VII)

Giải phẫu và khám Dây thần kinh mặt (VII)

Giải phẫu: dây mặt là dây vận động của mặt. Dây mặt bắt nguồn từ một nhân nằm ở cầu não, đi ra ở rãnh hành-cầu não, qua xương đá, lỗ trâm – chũm và tới chi phối các cơ mặt. Trong xương đá, dây thần kinh VII có các nhánh cảm giác của hai phần ba trước lưỡi và các sợi bài tiết của tuyến dưới hàm, dưới lưỡi và tuyến nước mắt (dây trung gian của Wrisberg xem dây thần kinh sinh ba).

Khám lâm sàng: liệt thể hiện bằng mặt bị mất đối xứng, có thể kín đáo. Bảo bệnh nhân nhắm chặt mắt và quan sát xem hai mắt có chặt như nhau không bằng cách vành mi mắt bệnh nhân trong khi bệnh nhân cố nhắm mắt. Khi nhắm chặt mắt thì hai mép được nâng lên và nếu có liệt thì bên bị liệt không được nâng. Bảo bệnh nhân huýt sáo; nếu bị liệt dây thần kinh VII thì không thể làm được. Bảo bệnh nhân nhe răng, có thể thấy miệng không đối xứng. Nếu bị liệt thì khe môi bị kéo lệch về bên lành lúc ngậm miệng. Bảo bệnh nhân phồng má, bệnh nhân không làm được và hơi bị phì ra ở một bên. Kích thích ở da, ở hai bên để so sánh dây thần kinh VII và quan sát co cơ ngoại biên (test Hilger) cho phép đánh giá mức độ liệt dây mặt ngoại biên.

Liệt mặt ngoại biên

LIỆT MẶT CẤP KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN HAY LIỆT CỦA BELL: liệt mặt một bên, xuất hiện đột ngột, đôi khi bị cho là do lạnh (rất có thể là do bị nhiễm virus và có bị mất myelin). Các cơ mặt bên liệt bị giãn và các nếp bị kéo về bên lành. Nếu nặng, mi bị hở nhiều và không thể nhắm mắt được. Có thể đau cơ nhai trước hay cùng với liệt. Sau khi hết liệt, thường là sau 12-48 giò, có thể có co cơ mặt một bên và mặt bị lệch về phía ngược lại (các nếp bị kéo lệch về phía bị tổn thương). Phần lớn tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần.

Điều trị: bảo vệ mắt bằng kính râm; nếu rất đau thì dùng prednisolon liều 60-80 mg/ngày trong 5 ngày, sau đó giảm dần liều trong 5 ngày tiếp theo. Xoa bóp các cơ mặt bị yếu. Nếu mi mắt không khép lại được, bảo vệ giác mạc bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo.

THỂ THỨ PHÁT: gặp trong viêm tai, u tuyến mang tai và u ở góc cầu-tiểu nãỏ (u thần kinh dây thính giác). Dây mặt có thể bị tổn thương do chấn thương (vỡ xương đá), zona ở hạch gối (hội chứng Ramsay-Hunt có nổi ban rõ hoặc chỉ ở trong tai), bệnh Lyme, hội chứng Guillain-Barré, viêm màng não lao, giang mai thần kinh, AIDS hay sarcoma (hội chứng Heerfordt). Liệt mặt ngoại biên tác động lên tất cả các cơ mặt (liệt mặt hoàn toàn) còn liệt mặt trung tâm thường không ảnh hưởng lên phần trên của mặt. Sự khác nhau này là do các cơ vòng của mi mắt được cả hai bên vỏ não chi phối.

TRIỆU CHỨNG LIỆT MẶT NGOẠI BIÊN: các cơ ở nửa mặt giãn, khe môi ở bên tổn thương bị hạ thấp, mi mắt không khép lại được và khe mi mắt rộng hơn bình thường (hở mi mắt), cử động duy nhất còn lại là ở bên bị tổn thương là nâng mi lên (do dây thần kinh III). Khi bệnh nhân cố khép mi mắt trên bị liệt thì nhãn cầu bị kéo lên trên và ra ngoài (dấu hiệu Bell). Bệnh nhân ăn khó vì thức ăn nằm giữa má và lợi; còn nước bọt và nước mắt thì chảy ra (“nước mắt cá sấu”). Bệnh nhân biết khi chạm vào giác mạc bên bị liệt nhưng không có phản xạ nhắm mắt bên đó mà mắt bên kia lại nhắm lại. Các test chuyên khoa (test Hilger, ghi điện cơ dây thần kinh VII, ghi điện nơron Esslen) cho phép đánh giá tỷ lệ sợi còn hoạt động bình thường của dây mặt.

CÁC DẤU HIỆU KHU TRÚ

  • Tổn thương một nhánh tận: liệt mặt một phần, dưới hoặc trên.
  • Tổn thương sau khi đi qua lỗ trâm-chũm (ở mức tuyến mang tai): liệt mặt hoàn toàn, không bị rối loạn vị giác và thính giác.
  • Tổn thương trong xương đá (viêm tai v.v…): liệt mặt có rối loạn vị giác ở 2/3 trước lưỡi, miệng khô (tổn thương thừng màng nhĩ), rối loạn nghe có tăng nghe và đau khi nghe (tổn thương dây thần kinh chi phối cơ bàn đạp).
  • Tổn thương giữa ống tai trong và chỗ ra ở rãnh hành – cầu não (viêm màng não, khối u ở góc cầu-tiểu não); liệt mặt, đôi khi có rối loạn thăng bằng (do tổn thương dây thính giác), đau ở vùng do dây sinh ba chi phối và liệt vòm hầu.
  • Tổn thương ở đường đi trong sọ: liệt mặt kiểu ngoại vi và liệt nửa người (hội chứng Millard-Gubler).

GHI CHÚ: Hội chứng Melkersson-Rosenthal là liệt nửa mặt ngoại vi tái phát, có sưng môi trên (môi to có hạt) và lưỡi có nếp gấp. Có thể bị sưng cả má và mi mắt.

Liệt mặt trung tâm (trên nhân)

Liệt này thường kết hợp với liệt nửa người do tổn thương vỏ não. Mặt bị liệt ở nửa đối diện với bên có tổn thương, tức là bên có các chi bị liệt, cần chú ý là nếu liệt nửa người do tổn thương cầu não dưới thì liệt mặt là ở bên đối diện với bên có chi bị liệt. Trong trường hợp này, liệt mặt là thuộc kiểu ngoại vi, dây mặt bị tổn thương ở giữa nhân và chỗ đi ra (xem hội chứng Millard- Gubler và hội chứng Foville). Liệt mặt trung ương chủ yếu là liệt nhánh dưới. Các cơ trán và cơ vòng mi không bị liệt, do đó bệnh nhân vẫn nhắm mắt được (khác với liệt ngoại biên). Điều này là do các cơ được chi phối bởi cả hai bên.

Liệt mặt hai bên

Mặt bị phang, không biểu cảm, bất động, miệng và mắt mở, chảy nước măt và nước bọt. Liệt mặt hai bên có thể do viêm đa dây thần kinh, do viêm màng não ở đáy, tổn thương hai bên vỏ não thuỳ thái dương hay do tổn thương hành não (có khó nuốt và khó phát âm). Nét mặt nhược cơ rất khác với sụp mi (xem hội chứng Moebius).

Zona hạch gối

Zona ở hạch gối gây liệt mặt đột ngột, đau và nổi mụn nước ở vành tai và quanh lỗ tai (vùng này do dây trung gian của Wrisberg chi phối). Trong một số trường hợp, nổi ban ở cả hai phần ba trước lưỡi.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây