Thiên Ma

Tên khoa học:

Rhizoma Gastrodiae Họ khoa học: Thiên ma thuộc họ Lan.

Tên khác: Minh thiên ma, xích tiễn, Thiên ma còn gọi là Định phong thảo, Thần thảo, Vô phong tự động thảo, Chân tiên thảo, Minh thiên ma, Hợp ly Thiên ma.

Tên tiếng Trung: 天麻

Nguồn gốc:

Đây là củ thiên ma khô thuộc loài thực vật họ lan. Sản xuất chủ yếu ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quí Châu v.v…

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Vị thuốc Thiên ma
Vị thuốc Thiên ma

Đây là những miếng mỏng hình bầu dục hoặc không đồng đều. Bề ngoài màu trắng vàng nhạt đến nâu vàng nhạt, hơi trong suốt, có các vân nhàn dọc. Có miếng còn sót củ cả mầm hình mỏ vẹt, hoặc ngấn sẹo rốn hình tròn. Mặt cắt màu trắng vàng đến nâu nhạt, ở giữa đôi khi có kẽ nứt, lộ rõ chất bột màu trắng, như chất sừng, chất giòn, dễ bẻ gãy. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt, đưa lên miệng nhấm thấy dính, nếu bỏ vào nước sôi, ngửi hơi của nó bốc lên, thấy có mùi sữa dê rất đặc biệt. Loại nào củ to, giầu chất bột là loại tốt.

Bảo quản:

Để nơi khô ráo thoáng gió, phòng độc, phòng mọt.

Thành phần chủ yếu:

Gastrodin, gastrodioside, vannillyl, alcohol, vanillin, alkaloid, vitamin A.

Gần đây chứng minh: Thiên ma tố (Gastrodin) là thành phần có hiệu lực chủ yếu và đã chế nhân tạo được.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Theo các nghiên cứu hiện đại, thiên ma có tác dụng ức chế đối với bệnh động kinh trong thực nghiệm khi lên cơn, còn có thể chống co quắp và ngất xỉu của con chuột bạch do khí nitơ gây ra, có tác dụng giảm đau và làm trấn tĩnh lại.

Tính vị và công hiệu:

Thiên Ma tính bình, vị ngọt, lợi về kinh gan. Có công hiệu bình can diệt phong, trấn kinh giảm co giật, trừ phong giảm đau, giảm ho long đờm. Phù hợp với người can dương thượng cang, sinh ra váng đầu, đau đầu, tứ chi co quắp, tê liệt, suy nhược thần kinh, cao huyết áp, động kinh, váng đầu vì nhĩ nguyên tính, kinh sợ, trúng gió bán thân bất toại, bị hen suyễn vì dị ứng, bị ngộ độc thuốc ngủ barbital và các loại kim loại nặng, bị rắn đeo kính cắn, ngộ độc kiềm và các chứng bệnh đau về thần kinh khác.

Liều dùng và chú ý:

  • Liều thường dùng: 3 – 10g. Tán bột uống 1 – 1,5g/lần.
  • Thiên ma là loại thuốc quí trên thị trường nên có nhiều loại giả, lúc mua cần chú ý: Thiên ma loại chất đặc bóng, hơi trong là thứ tốt (cho nên gọi là Minh Thiên ma). Chú ý nhận mặt thuốc thật thường là: chất cứng đặc, một đầu có nha bào khô màu đỏ nâu, một đầu có rốn tròn thành sẹo, trên mặt có vân là thật. Đông ma nặng không có tâm rỗng, cắt ngang trong suốt. Xuân ma phần nhiều chất nhẹ, cắt ngang tối xạm tâm rỗng, nên chất lượng kém hơn.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào bị triều nhiệt, đổ mồ hôi trộm, tâm phiền, họng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, thân nhiệt thấp vào lúc xế trưa, đau lưng, di tinh, tưa lưỡi hồng ít hoặc tưa lưỡi đỏ sẫm bị tróc ra, cấm uống nhiều hoặc uống lâu 1 vị thuốc.

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:

Thiên ma đồn đản (thiên ma hấp trứng vịt)

Bột thiên ma 3g – Trứng vịt 1 quả

Đánh trứng vào bát, cho thêm ít rượu gạo, cho bột thiên ma vào đánh lên hấp cách thuỷ, trứng chín là được. Uống chia 2 lần sớm, tối.

Dùng cho người bị váng đầu, đau đầu.

Thiên ma đồn trư não (thiên ma hầm óc lợn)

Bột thiên ma 12g – Óc lợn 1 bộ

Cho nước vừa phải, hầm cách thuỷ cho chín mang ra ăn. Ngày 1 lần hoặc cách 1 ngày 1 lần.

Dùng cho người xơ cứng động mạch cơ tim, cao huyết áp, váng đầu v.v…

Thiên ma ẩm (thuốc sắc thiên ma)

Thiên ma 10g – Long nhãn 30g

Sắc uống ngày 1 thang. Dùng cho người chân tay tê liệt, đau mỏi.

Thiên ma đồn kê (thiên ma hầm gà)

Thiên ma 10g – Gà mái già 1 con.

Thịt gà bỏ lông, lòng ruột, rửa sạch, nhồi thiên ma vào bụng, vẩy 1 ít rượu vàng (hoàng tửu) lên, hấp cách thuỷ 3 – 4 giờ, cho thịt nhừ là được. Ăn cả thiên ma và thịt gà, ngày 2 lần, ăn trong 3 ngày thì hết. Dùng cho người ngón tay tê dại, hoảng hốt, mơ nhiều…

Thiên trúc ẩm (thuốc sắc thiên ma trúc lịch)

Thiên ma 10g – Trúc lịch 30ml

Sắc uống ngày 1 thang.

Dùng cho người bị động kinh can phong đàm nhiệt.

Thiên ma áp tử thang (thiên ma hầm vịt)

Thiên ma 15g – Sinh địa 30g

Vịt 1 con

Thịt vịt bỏ lông, lòng ruột, rửa sạch, hầm chung vơi thiên ma, sinh địa, cho tới khi thịt vịt chín, cho thêm muối, mì chính cho vừa. Ăn thịt, uống thang, trong 3 ngày ăn hết.

Dùng cho người âm hư dương cang khi có mang dự đoán trước sẽ mắc bệnh tử nhàn, người chửa giai đoạn cuối xuất hiện các chứng đầu váng mắt hoa, đầu đau tai ù, miệng đắng họng khô v.v…

Thiên ma câu đằng ẩm (thuốc sắc thiên ma câu đằng)

Thiên ma 20g – Bò cạp 10g

Câu đằng 30g – Mật ong vừa phải.

Thiên ma, bò cạp, cho nước vào sắc 2 lần. Trộn lẫn 2 nước, cho câu đằng vào đun sôi 10 phút, bỏ bả, cho mật ong vào đánh tan. Uống ngày 3 lần, trong 2 ngày uống hết.

Dùng cho người trúng phong kinh lạc, tê liệt nửa người, méo mồm lệch mắt, cứng lưỡi ngọng lưỡi, đầu váng mắt hoa v.v…

Thiên ma câu đằng thang sung ngẫu phấn (thiên ma câu đằng hoà bột ngó sen)

Thiên ma 9g – Bột ngó sen 20g

Câu đằng 12g – Đường trắng vừa phải

Thạch quyết minh 15g

Thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh bọc vải sắc lấy nước, nhân lúc nóng đánh bột ngó sen vào cho chín, pha đường vào uống ngày 1 thang, uống 5 ngày liền. Dùng cho người can phong nhức đầu hoa mắt thuộc các chứng rối loạn tiền đình.

Bổ thận dưỡng huyết sinh phát tán (thuốc bổ thận dưỡng huyết mọc tóc)

Thục địa 60g

Vừng đen 30g

Đào nhân 30g

Bạch thược 30g

Hồng hoa 24g

Hà thủ ô 30g

Thiên ma 30g

Thỏ ty tử 30g

Đương qui 30g

Khương hoạt 24g

Lá dâu 30g

Xuyên khung 30g

Mộc qua 30g

Nghiền chung thành bột mịn. Ngày 2 lần, mỗi lần 5g Dùng cho người bị hói đầu.

Khiên chính tán (thuốc trúng gió)

Thiên ma 10g – Bọ cạp 10g

Bạch phụ tử 10g

Cương tàm 10g

Nghiền chung thành bột mịn. Ngày 2 lần, mỗi lần 3g.

Dùng cho người vừa bị trúng gió, mồm méo, mắt xếch, nửa người bị tê liệt và bị động kinh, co giật.

Thiên ma trà (trà thiên ma)

Thiên ma 50g, mỗi lần lấy 5g, thêm 7g chè xanh, hãm nước sôi 5 phút, mang ra uống.

Dùng cho người và chân tay bị run, mắt hoa, đầu váng, tai ù, hay quên, mất ngủ, mơ nhiều…

Theo “Dược phẩm vựng yếu”

THIÊN MA (Thứ béo to, rắn, chắc và trong suốt là tốt)

Khí vị:

Vị cay, tính ấm, không độc, là đương dược, phù mà thăng lên, vào Túc quyết âm kinh.

Chủ dụng:

Chữa trẻ con kinh phong thốt giật, người lớn nhiệt đầu xây xẩm, chữa thấp tê, co quắp, trị tê dệt, tiếng nói ú ớ, sơ thông đờm khí và huyết mạch, khai khiếu, trừ phong thấp, sưu phong nhuận táo, khỏe gân, thông lợi lưng gối, bổ khí, bổ âm, kiêm trị chứng hàn sán, nhiệt độc, cổ độc, chữa ung thũng, ác sang, tiêu trừ đồ ô uế.

Kỵ dụng:

Trường hợp huyết hư mà không có phong thì không thể cho uống bừa, vì nó tuy không táo lắm nhưng cũng là phong dược hay trợ hỏa.

Nhận xét:

Thiên ma là thuốc của Can kinh, chữa phong rất hay, có công năng từ trong đạt ra ngoài, nói Can bất túc dùng nó để bổ, nhưng nó thuộc về khí phận, nhất định phải dùng huyết dược làm tá thì phong khí của Can, Đởm dậy lên từ bên trong tự nhiên lắng xuống hết.

Cách chế:

Chế luyện hoàn chỉnh thì to béo, ngâm Rượu 1 đêm 1 ngày, dùng giấy bản gói lại mà lùi.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang

Nhân sâm 5g, Trạch tả 5g, Bạch linh 9g, Mạch nha 6g, Bạch truật 12g, Thần khúc 6g, Hoàng kỳ 5g, Bán hạ 9g, Thiên ma 6g, Trần bì 9g, Hoàng bá 3g, Sinh Khương 4g, Can Khương 2,5g. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Áp dụng: Dùng cho người ăn vào mệt mỏi, muốn ngủ, Dạ dày nhiều nước, huyết áp khi tăng, khi giảm, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, vì Vị Tràng mất trươmg lực. Bệnh viêm hốc vòm miệng trên cũng dùng được bài này. Người khí huyết thượng xung, đau đầu, nôn mửa, bụng căng, nước ở Dạ dày nhiều thì dùng bài Ngô thù du thang.

“Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa”

Bài Thiên ma câu đằng ẩm

Thiên ma, Chi tử, Hoàng cầm đều 8-12g, Câu đằng, Ngưu tất, Đỗ trọng, ích mẫu thảo đều 12-16g, Dạ giao đằng, Bạch linh đều 12-20g, Thạch quyết minh, Tang ký sinh, đều 20-30g, (Thạch quyết minh sắc trước), sắc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng bình Can, tức phong, tư âm thanh nhiệt. Trị huyết áp cao, đau đầu, ù tai, mắt hoa, mất ngủ, hoặc bản thân bất toai, lưỡi đỏ, mạch huyền sác.

Gia giảm: Chân tay co giật thêm Linh dương giác, Mẫu lệ.

Nhiệt thịnh, phong động bỏ Tang ký sinh, Đỗ trọng, Ngưu tất, ích mẫu thảo, thêm Tang diệp, Cúc hoa, Long đởm thảo.

Bài này cũng như bài “Linh giác câu đằng thang” đều có tác dụng bình Can, tức phong, nhưng bài “Thiên ma câu đằng ẩm” có tác dụng thanh nhiệt mạnh hơn, đồng thời dưỡng huyết, an thần, còn bài “ Linh giác câu đằng thang” thiên về chống co giật, kèm có tác dụng hóa dòm thông lạc.

“Ngoại khoa chính tông”

Bài Thần ứng dưỡng chân đan

Đương quy 12g, Thục địa 16g, Xuyên khung 10g, Thiên ma 12g, Bạch thược 10g, Khương hoạt 8g, Mộc qua 8g, Thỏ ty tử 10g. Chữa tà khí xâm phạm tạng Can, bán thân bất toại, chân tay tê dại, nói khó, nhiều nước dãi, choáng váng, răng nghiến chặt, suyễn thở, tự ra mồ hôi, đau khắp mình.

Bài trước
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây