Thạch xương bồ

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học:

Acorus gramineus Soland. Họ khoa học: Araceae

Tiếng Trung: 石菖蒲.

Tên khác: Hương xương bồ, thủy kiếm thảo.

Nguồn gốc:

Thạch xương bồ dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh còn có tên Xương bồ, Cửu tiết xương bồ, là thân rễ phơi khô của cây Thạch xương bồ Acorus Gramineus Soland. Còn Thủy xương bồ (Rhizoma Acori calami) là thân rễ phơi khô của cây Thủy xương bồ Acorus Calamus L. Thạch xương bồ cũng như Thủy xương bồ mọc khắp nơi ở miền Trung và Bắc nước ta. Cây Xương bồ thuộc họ Ráy ( Araceae).

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Cây Thạch xương bồ
Cây Thạch xương bồ

Thạch xương bồ có hình trụ tròn, bẹt, phần lớn là cong, thường có nhiều nhánh. Bề mặt màu be nâu hoặc nâu xám, sần sùi, có các đốt vòng thưa nhặt không đều nhau, giữa các đốt dài 0,2 – 0,8cm, có vân dọc nhỏ, một mặt có các rễ phụ còn sót lại hoặc ngấn rễ dưới dạng các chấm tròn; ngân lá có hình tam giác, hai bên trái phải sắp xếp so le nhau. Có cái trên thân còn vết tích cuống lá dưới dạng vẩy. Chất cứng, mặt cắt có dạng xơ, màu trắng hoặc hơi hồng, có thể thấy lớp vỏ trong hình vòng và những chấm đầu màu nâu. Hương thơm, vị đắng, hơi cay. Loại nào thân to mập, mặt cắt màu trắng, hương thơm đậm là loại tốt.

Bảo quản:

Để nơi khó ráo, dâm mát.

Thành phần hóa học:

  • Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam:
    + Thạch xương bồ có chừng 0,5 – 0,8 tinh dầu, trong tinh dầu có chừng 86% asaron, một ít chất phenol và acid béo.

+ Thủy xương bồ có 1,5 – 3,5% tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu cũng là asaron rồi đến asarylandehyt có glucozit đắng gọi là acorin và tanin.

  • Theo sách Chinese herbal medicine: thành phần chủ yếu của Thạch xương bồ có Beta-asaron, asaron, caryophyllene, ahumulene, sekishone.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

Thuốc sắc, thuốc sắc khử dầu đều có tác dụng an thần, tinh dầu có tác dụng gây ngủ. Thuốc sắc còn có tác dụng chống co giật. Dầu bay hơi của Thạch xương bồ làm giảm vận động của chuột và làm giảm tác dụng kích thích của Ephedrin đối với hệ thần kinh trung ương. Thuốc sắc làm kéo dài tác dụng của thuốc barbiturate.

Thuốc sắc và tinh dầu của thuốc đều có tác dụng làm giảm co thắt của cơ trơn dạ dày và ruột và làm tăng tiết đường tiêu hóa.

Nước sắc của thuốc hạ chế sự lên men quá mạnh của đường tiêu hóa.

Tinh dầu của thuốc có tác dụng hạ nhiệt đối với chuột trắng thí nghiệm.

Dịch chiết xuất nồng độ cao của thuốc có tác dụng ức chế nấm gây bệnh ngoài da.

Độc tính: liều lượng lớn của thuốc gây co giật ở chuột và dẫn đến chết.

Tại Việt Nam, beta asaron có trong tinh dầu tự nhiên của các cây thuộc chi xương bồ. Cây chi xương bồ gồm nhiều loài được sử dụng làm thuốc dưới dạng thân rễ phơi khô như thạch xương bồ và thủy xương bồ. Beta asaron là một chất có nhiều tính năng quý như chống co thắt, tăng tiết dịch, chống nhiễm khuẩn. Nhưng người ta đã chứng minh được rằng beta asaron dùng với thời gian dài gây ra tác hại như ngộ độc, ung thư, đột biến, viêm gan và ức chế miễn dịch.

Beta asaron có khả năng gây ung thư và đột biến gen. Một nghiên cứu kéo dài trong 2 năm trên chuột có bổ sung vào chế độ ăn tinh dầu xương bồ với các liều 500; 1000; 2500 và 5000 ppm cho thấy có sự ức chế tăng trưởng và xuất hiện u tá tràng ác tính ở chuột sau khi sử dụng 59 tuần với tất cả các liều sử dụng. Lô chứng không dùng tinh dầu xương bồ không quan sát thấy u tương tự.

Beta-asaron thể hiện khả năng gây đột biến gen (biến đổi mạnh cấu trúc nhiễm sắc thể và làm tăng tỷ lệ trao đổi chromatid chị em) trong mẫu nuôi cấy tế bào bạch huyết người. Trong số các chủng Salmonella typhimurium TA98, 100, 1535, 1537 và 1538 được thử nghiệm, dịch chiết rễ xương bồ, cồn thuốc và beta-asaron chỉ gây đột biến gen trên chủng TA100 trong điều kiện có mặt của hỗn hợp hoạt hóa microsom. Dịch chiết xương bồ cũng không thể hiện khả năng gây đột biến gen khi thử với các chủng Salmonella typhimurium trên (trừ chủng TA1538) cả trong điều kiện có và không có mặt hỗn hợp hoạt hóa microsom.

Độ an toàn và độc tính của xương bồ chưa được đánh giá trên lâm sàng và cần có thêm các nghiên cứu về vấn đề này.

Tại Việt Nam, trong thời gian xem xét để xác định giới hạn an toàn của thành phần asaron trong dược liệu xương bồ, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 14975/QLD-ĐK ngày 02/10/2012. Theo đó, tạm ngừng cấp số đăng ký mới, đăng ký lại các chế phẩm thuốc ho bổ phế chứa dược liệu thạch xương bồ; khuyến khích các công ty nghiên cứu thay thế thạch xương bồ bằng một vị thuốc khác có tác dụng tương tự về mặt y học cổ truyền và trong thành phần không có beta asaron.

Liều lượng thường dùng và chú ý:

Liều thường dùng uống: 5 – 10g cho vào thuốc thang hoặc hoàn tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ, tán bột đắp hoặc sắc rửa. Lượng tươi liều gấp đôi.

Chú ý: trường hợp âm huyết hư, tinh hoạt, ra mồ hôi nhiều cần thận trọng.

Khí vị:

Vị đắng, cay, rất ôn, không độc, ghét Ma hoàng, Kỵ Di đường, thịt Dê, đồ dùng bằng sắt, Tần giao làm sứ.

Chủ dụng:

Làm cho chân tay thấp tê co duỗi được, bôi dán ung nhọt, phát bối, tiêu được thũng độc, hạ khí, trừ buồn phiền, diệt cổ độc, khỏi nhọt lở, tiêu màng mắt, trừ phong ở đầu, khai Tâm Phế, phát thanh âm, thông khiếu, thêm trí khôn, chữa tai ù, tai điếc, són đái, đi tiểu luôn, đau bụng, chạy cuồng thì mau kiến hiệu, thai động muốn sẩy thì yên được, chứng tích nhiệt của ôn ngược không giải thì nấu nước Xương bồ cho đặc mà tắm gội, dùng độc vị nấu với Rượu chữa huyết hải hư yếu và hậu sản ra huyết mãi không thôi, dùng bột rắc vào dường nằm thì giải độc khắp mình. Những mụn lở không ngứa phát đau đều do khởi phát từ dương khí ra, Thạch xương bồ vị cay đạt được ra bốn bên, chạy tới các khiếu làm tán kết, thông lợi là thuốc chủ yếu cuả 2 kinh Tâm, Tỳ. Lại nói: bổ 5 tạng, uống lâu tăng tuổi thọ và nâng cao chí khí.

Cấm kỵ:

Xương bồ rất cay thơm, tuổi trẻ mà Tâm khiếu bị vít lấp thì nên dùng, nếu Tâm hư, thần háo thì cấm dùng.

Cách chế:

Xương bồ
Xương bồ

Sinh ở khe đá, 1 tấc rễ có tới 9 mắt, rễ không lộ ra là tốt, tháng 5 và tháng chạp âm lịch lấy về phơi râm, bỏ lông dùng.

Nhận xét:

Mùi thơm lợi cho các khiếu, có thể làm tá cho những vị thuốc như Địa hoàng, Mạch đông, Thiên đông thì có khả năng điều hòa khí huyết, nhưng nếu dùng nhiều, dùng độc vị thì có hại cho khí huyết

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Y tông kim giám”

Bài Xương bồ hoàn

Nhân sâm 8g, Thạch xương bồ 8g, Mạch môn đông 8g, Viễn chí 8g, Xuyên khung 8g, Đương quy 8g, Nhũ hương 4g, Chu sa 4g. Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 4-6g, ngày 2 lần.

Chữa trẻ em 4-5 tuổi vẫn chưa biết nói thuộc loại bệnh ngũ trì (Nếu chưa đến 2-3 tuổi mà chua biết nói thì không nên dùng thuốc, chỉ nên luyện tập dần dần cho trẻ).

“Ôn bệnh toàn thư”

Bài Xương bồ uất kim thang

Thạch xương bồ 12g, uất kim 8g, Sơn chi tử 12g, Liên kiều 8g, Cúc hoa 8g, Khương chấp 12g, Hoạt thạch 12g, Trúc diệp 12g, Mầu đơn bì 12g, Ngưu bàng 8g, Trúc lịch 20g, Ngọc khu đan 2g.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa phong ôn phục tà, sau khi dùng thuốc tân lương biểu tà tuy giải, tạm thời nhiệt lui mình mát nhưng ngực bụng còn nóng chưa hết, tiếp tục phát sốt, tự ra mồ hôi, vật vả không ngủ được, thần thức lơ mơ, đêm ngủ hay mê, lưỡi tỉa, mạch sác. Hoặc chân tay giá lạnh, mạch hoãn, bệnh chưa nặng lắm.

“Đan khê tâm pháp”

Bài Tỳ giải phân thanh ẩm

Tỳ giải 16g, ích trí nhân 12g, Thạch xương bồ 6g, Ô dược 8g, Bạch linh 4g, Cam thảo 4g. sắc, uống 3 lần trong ngày.

Chữa chân nguyên bất túc, hạ tiêu hư hàn, tiêu tiện vặt, nước tiểu nổi váng như dầu mỡ, như cao.

“Y học tâm ngộ” Bài Tỳ giải ẩm

Bài Tỳ giải âm

Tỳ giải 12g, Văn cáp 6g, Thạch vi 6g, Thạch từ tâm 3,2g, Thạch xương bồ 3,2g, Xa tiền tử 6g, Bạch linh 6g, Đăng tâm 8g, Hoàng bá 3,2g. sắc, chia uống 2 lần trong ngày. Chữa phong độc lưu chủ ở tạng Thận, lưng chân đau, gân mạch co rút.

“Thiên kim phương”

Trị sản hậu băng trung, hạ huyết không cầm được dùng Thạch xương bồ 15đ, Rượu 2 chén, sắc còn 1 chén, chia uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn.

“Bản thảo cương mục”

Trị xích, bạch đới hạ dùng Thạch xương bồ, Phá cố chỉ, hai vị bằng nhau, tán nhỏ, liều uống 2đ, ngày 2 lần. cần thiết đồng thời uống Thạch xương bồ sắc với Rượu như trên.

“Thể nhân vựng biên”

Bài Bá tử dưỡng Tâm hoàn

Bá tử nhân 160g, Câu kỷ tử 120g, Mạch môn 40g, Đương quy 40g, Cam thảo 20g, Thạch xương bồ 40g, Phục thần 40g, Huyền sâm, Thục địa 80g. Cùng tán bột, thêm Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 3 lần.

Chữa doanh huyết bất túc, Tâm Thận không điều, tinh thần hoảng hốt, đêm ngủ hay mê, hay quên, ra mồ hôi trộm.

“Thiên gia diệu phương”

Bài Hoạt lạc tiêu ứ thang

Sài hồ 9g, Chỉ xác 12g, Xích thược 30g, Bạch thược 30g, Đan sâm 15g, Đương quy 9g, Nhũ hương 3g, Một dược 3g, Cam thảo 3g, Sinh địa 18g, Xương bồ 9g, sinh Bồ hoàng 9g, Xuyên khung 9g, Hổ phách 9g (tán nhỏ, uống với nước thuốc), sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa nghẽn mạch não. Có thể phối hợp với Thất li tán để chữa các bệnh khí huyết tắc nghẽn khác.

Những cấm kỵ khi dùng thuốc:

Người nào âm khuy huyết hư và hoạt tinh nhiều mồ hói không nên uống.

Các bài thuốc thường dùng:

Xương bồ tửu (rượu xương bồ)

Thạch xương bồ 500g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước. Gạo nếp 500g nấu thành cơm, đổ nước thạch xương bồ và men rượu vào trộn đều, đựng vào liễn sứ, bịt kín, ủ ấm khoảng 6 ngày là được. Uống nóng ngày 3 lần, mỗi lần 50ml.

Dùng cho người tai ù, tai điếc.

Thạch xương bồ bạn trư tâm (thạch xương bồ trộn với tim lợn)

Thạch xương bồ 30g, nghiền bột min; Tim lợn 1 qua thái miếng cho vào nồi đất, cho vừa nước nấu chín. Lấy bột thạch xương bồ 3 – 6g trộn với tim lợn, ăn lúc đói, ngày 1-2 lần.

Dùng cho người tim đập hoảng hốt, mất ngủ, hay quên và các bệnh tâm thần, động kinh, ngây dại v.v…

Xương bổ trư thận chúc (cháo xương bồ cật lợn)

Thạch xương bồ 60g – Hành cây 20g

Cật lợn 1 đôi  – Gạo 200g

Sắc thạch xương bồ lấy 2500ml nước, bỏ bã, cho gạo, hanh, bầu dục lợn và cho vừa muối vào nấu cháo, ăn lúc đói như bình thường.

Dùng cho người điếc hoặc cứ ù ù như giông bão trong tai.

Khai tâm thang (thang thuốc khai tâm)

Viễn chí 12g – Phục linh 60g

Nhân sâm 12g – Thạch xương bồ 30g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Dùng cho người tim đập hoảng hốt, mất ngủ, hay quên.

Xương bồ hoàng liên tán (thuốc bột xương bồ, hoàng liên)

Thạch xương bồ, hoàng liên (lượng băng nhau)’ Nghiền nát thành bột, uống với rượu, ngay 2 lần, mỗi lần 2 – 3g.

Dùng cho người đái đêm hang chục lần.

Thạch xương bồ trần bì thang (thang xương bồ, trần bì)

Thạch xương bồ 9g

Hương phụ 6g

Trần bì 6g

Thảo quả (thảo đậu khấu) 6g

Sắc uống ngày 1 thang, chia ba lần.

Dùng cho người bị trướng bụng, buổn bực, không thiết ăn uống.

Xương bồ khai khiêu thang (Thang xương bồ mở mang đầu óc)

Thạch xương bồ 9g

Viễn trí 9g

Uất kim 9g

Bán hạ 9g

Phục linh 9g

Đảm nam tinh 6g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Dùng cho người đàm thấp bao phu thát khiêu, đầu oc không tỉnh táo.

Xương bổ trà (trà xương bồ)

Thạch xương bồ 1,5g – Cùi táo tầu 2 quả

Cùi mơ chua 2 quả – Đường đỏ vừa phải.

Cùng hãm nước sôi, uống thay trà

Dùng cho người tim đập hoảng hốt khiếp sợ, mất ngủ hay quên, không thiết ăn.

Thạch xương bồ chúc (cháo xương bồ)

Thạch xương bồ, gạo lức, đường phèn vừa phải.

Thạch xương bồ nghiền bột, gạo và đường phèn cho vào nồi đất, cho vào 450ml nước, nấu cho toi khi gạo nở bung ra, cho bột thạch xương bồ vào quấy đều, nấu thành cháo đặc. Ngày 2 lần, ăn nóng.

Dùng cho người thấp trọc ứ trệ ngăn trở trung tiêu gây nên buồn bực đầy trướng trong lòng, không thiết gì ăn uống, cũng như thấp trọc che lấp thanh khiếu, sinh ra tinh thần đờ đẫn, tai nghễnh ngãng kém thông minh v.v…

Xương bồ thông nhĩ tửu (rượu xương bồ nhẹ tai)

Thạch xương bồ 120g – Ngưu tất 120g

Phòng phong 120g – Mộc thông 80g

Quế tâm 120g – Từ thạch 200g

Nghiền chung thành bột thô, đựng trong túi vải, cho 500ml rượu trắng ngâm 7 ngày sau mang ra uống. Ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 20ml.

Dùng cho người hư lao taỉ điếc.

Xương bồ bạch truật tửu (rượu xương bồ bạch truật)

Thạch xương bồ 70g – Bạch truật 70g

Ngâm trong 350ml rượu trắng, 7 ngày sau mang ra uống, ngày 2 lần, mỗi lần 10ml. Dùng cho cả 8 chứng phong 12 chứng tẻ, lưu thông mạch máu, dưỡng dạ con, chỉnh xương chống co rút.

Xương bồ nhân sâm tán (thuốc bột nhân sâm xương bồ)

Thạch xương bồ 50g – Thục địa 50g

Nhân sâm 50g – Tế tân 5g

Xuyên khung 50g – Phòng phong 25g

Nghiền bột. Uống mỗi lần 5g, với thang bạc hà. Dùng cho người sau khi đẻ, ác huyết ngừng ứ tại tim, tâm khi tắc, ngọng lưỡi không nói được.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận