Tác dụng chữa bệnh của Xuyên tâm liên

Vị thuốc Đông y

Tên tiếng Việt: Xuyên tâm liên, Công cộng, Khổ diệp, Hùng bút, Khổ đởm thảo, Nguyễn cộng, Nhất kiến kỷ, King of bitter

Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm.f.) Wall. ex Nees. Họ: Acanthaceae (Ô rô)

GIỚI THIỆU

Xuyên tâm liên hay được gọi là Khổ đởm thảo, Hùng bút, Khổ diệp,… là vị thuốc y học cổ truyền ở nước ta, được dùng chủ yếu trị các bệnh cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm phổi, lỵ cấp tính, viêm ruột, dạ dày, rắn độc cắn. Ngoài ra, còn được dùng ngoài để nấu nước tắm chữa lở ngứa, rôm sảy, nhiễm trùng ngoài da, vết thương, rắn cắn. Xuyên tâm liên cũng được coi là “thần dược” thời bao cấp ở nước ta để chữa nhiều loại bệnh khác nhau, được coi như là một loại kháng sinh có hiệu quả chữa bệnh cao.
Xuyên tâm liên ở Việt Nam có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau lan sang các nước nhiệt đới khác, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, cây được trồng nhiều nhất vào những năm 1980 và tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Xuyên tâm liên cũng được đưa vào Danh mục thuốc thiết yếu của Bộ Y tế (2018), Danh mục 70 cây thuốc nam trồng tuyến cơ sở của Bộ Y tế (2014).
Trên thế giới, Xuyên tâm liên được sử dụng trong Y học cổ truyền để làm thuốc thanh nhiệt, thải độc cơ thể; ngăn ngừa cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm viêm xoang và sốt; giải độc do rắn cắn và côn trùng đốt. Cây thuốc này có nhiều hoạt tính sinh học in vivo cũng như in vitro như tính kháng khuẩn, kháng vi rút, chống viêm, chống HIV, điều hòa miễn dịch / kích thích miễn dịch và chống ung thư.
Gần đây nhu cầu sử dụng Xuyên tâm liên để làm thuốc ngày càng lớn như các bệnh cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm phổi…

Xuyên tâm liên
Xuyên tâm liên

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong cây Xuyên tâm liên chứa các glucosid đắng gồm andrographolid, panaculosid, các flavonoid, andrographonin, panicalin, neoandrographolid, apigenin 7‐4‐dimethyl ether.
Các thành phần hóa học của cây có sự khác nhau phục thuộc vào bộ phận sử dụng, vùng phân bố, mùa và thời gian thu hoạch. Ví dụ, hàm lượng andrographolid cao nhất ở mẫu thu hoạch sau khi trồng 110 ngày, sau đó là ngay trước giai đoạn ra hoa (130 ngày). Hàm lượng andrographolid ở lá là 2,6%, ở thân là 0,1 – 0,4%. Lá chứa hơn 2% andrographolid trước khi cây ra hoa, sau đó chỉ còn dưới 0,5%. Theo quy định của Dược điển Trung Quốc 1997 (bản in tiếng Anh), Xuyên tâm liên chứa không được dưới 0,4% dehydroandrographolid.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

• Tác dụng kháng khuẩn
• Chống oxy hóa
• Chống viêm
• Hạ đường huyết
• Tiêu chảy và bệnh đường ruọto
• Chống ung thư
• Chống sốt rét
• Nhiễm trùng đường hô hấp trên
• Viêm và sốt
• Bảo vệ gan, lợi mật
• Điều hòa miễn dịch
• Chống virus HIV
• Kháng virus và kháng nấm

ỨNG DỤNG TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Xuyên tâm liên có vị rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau.

Ở Việt Nam, Xuyên tâm liên được dùng trị lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm amiđan, viêm phổi, rắn độc cắn. Ngày dùng 10 – 15g lá dưới dạng thuốc sắc uống. Nếu tán bột, mỗi lần uống 2 – 4 g, ngày 2-3 lần.

Để chữa viêm miệng, viêm họng, dùng vài lá nhai ngậm. Dùng ngoài, lá xuyên tâm liên một nắm giã với rượu xoa đắp phối hợp với uống thang thuốc có xuyên tâm liên, kim ngân hoa, sài đất, chữa lở ngứa rôm sảy, sưng tấy, nhiễm trùng ngoài da, vết thương, rắn cắn.

Lá và rễ của cây Xuyên tâm liên đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ nay ở châu Á và châu Âu để chữa nhiều loại bệnh về sức khỏe. Do hoạt tính “lạnh”, nó được khuyến khích sử dụng để thanh nhiệt cơ thể khi bị sốt và thải độc tố ra khỏi cơ thể. Cây cũng được khuyến khích sử dụng trong các trường hợp bệnh phong, bệnh lậu, ghẻ, nhọt, lở ngoài da và sốt mãn tính theo mùa vì đặc tính “lọc máu” cao.

Xuyên tâm liên đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống y học Siddha, Ayurvedic và Y học cổ truyền ở Ấn Độ để điều trị sốt, mụn rộp, đau họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên và các bệnh truyền nhiễm và mãn tính khác. Loại thảo dược này có đặc tính làm se được dùng để chữa viêm phế quản, tả, tiểu đường, cúm, viêm, ngứa, mót rặn, lậu, rối loạn gan, vàng da và kiết lỵ. Nước sắc Xuyên tâm liên được sử dụng như một chất làm sạch máu. Nước ép lá Xuyên tâm liên, kết hợp với thảo quả, đinh hương và quế, được sử dụng để điều trị bệnh dạ dày ở trẻ em. Nước sắc rễ có đặc tính giảm đau và được sử dụng để chữa đau và sưng tấy, làm thuốc chữa dạ dày và tẩy giun sán. Nó có tác dụng hữu ích trong việc giảm tiêu chảy và nhiễm trùng do vi khuẩn. Xuyên tâm liên được sử dụng để giảm nhiệt cơ thể và chữa sốt cao, ngừa cảm lạnh và một số thông tin cho rằng nó có thể kích thích khả năng miễn dịch. Một số tác giả cho rằng cây này có thể bảo vệ gan khỏi tổn thương do độc tố, kích thích sự co bóp của túi mật, ngăn cản quá trình đông máu, bảo vệ tim mạch và lợi mật và có đặc tính giảm đau, tiêu hóa, long đờm, bảo vệ gan, hạ đường huyết, tăng cường miễn dịch, nhuận tràng, tiêu huyết khối và diệt khuẩn (giun đường ruột). Cũng được dùng chữa một số bệnh khác, như nhiễm trùng vùng chậu, viêm tai giữa chảy mủ, hoại thư da ở trẻ sơ sinh, bệnh phong, herpes, thủy đậu, quai bị, viêm da thần kinh, chàm và bỏng.
Đối với bệnh sốt rét 20 g toàn cây giã nhỏ, hòa vào nước, lọc và cho uống.

Trong bệnh chàm, bệnh leucoderma, dùng 2g bột Xuyên tâm liên trộn với dầu và bôi lên vết thương ngày 1 lần, trong 40 ngày (Panchamalais, Malayali). Đối với vết thương hở, mụn nhọt và nhiễm trùng cũng có thể dùng bột này để bôi.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận