Tác dụng chữa bệnh của cây Đinh lăng

Vị thuốc Đông y

TÊN KHOA HỌC:

Tieghemopanax fruticosus Vig.

Họ Nhân sâm (Araliaceae)

Tên khác: Đinh lăng lá nhỏ, cây gỏi cá, nam dương lâm.

MÔ TẢ

Cây nhỏ có thân nhẵn, ít phân nhánh, có tán lá xanh tốt quanh năm. Lá kép lông chim, mọc so le, lá chét khía răng nhọn, đôi khi chia thùy, gốc có bẹ to, vò ra có mùi thơm nhẹ.

Cụm hoa mọc thành chùy ngắn gồm nhiều tán ở ngọn thân; hoa nhỏ màu lục nhạt hoặc trắng xám, đài và tràng có 5 thùy, nhị 5, bầu 2 ô.

Quả dẹt, hình trứng, màu trắng bạc.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.

Đinh lăng rất phong phú về chủng loại: đinh lăng lá tròn, đinh lăng lá to hay đinh lăng lá ráng, đinh lăng trổ hay đinh lăng viền bạc.

Các loài này đều không được sử dụng làm thuốc như đinh lăng lá nhỏ.

Cây Đinh lăng
Cây Đinh lăng

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, đinh lăng phân bố rải rác ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, kể cả một số đảo ở Thái Bình Dương.

ở Việt Nam, đinh lăng là cây trồng từ lâu đời và phổ biến ở vườn gia đình, đình chùa, trạm y tế để làm cảnh và làm thuốc.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Rễ đinh lăng, thu hái vào mùa thu đông ở những cây đã trồng được từ 3 năm trở lên, lúc này rễ mềm và chứa nhiều hoạt chất. Rũ hết đất cát, cắt bỏ phần gôc thân, rửa sạch. Đôi với rễ chính (rễ to), dùng dao sắc tách lấy vỏ rễ, bỏ phần gỗ, rễ phụ (rễ con) thì dùng cả. Đem thái mỏng, phơi khô ở chỗ mát, thoáng gió hoặc sấy lửa nhẹ để bảo đảm mùi thơm và phẩm chất của dược liệu.

Khi dùng, để nguyên hoặc tẩm rượu gừng (tỷ lệ 5g gừng giã nhỏ ngâm với 100ml rượu 40°), sao qua, rồi tẩm 5% mật ong, sao thơm.

Còn dùng thân cành và lá, thu hái quanh năm, để tươi hoặc phơi, sấy khô.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Đinh lăng chứa alcaloid, saponin, tanin, glycosid, tinh dầu, các acid amin, các vitamin Bl, B2, B6, c, acid hữu cơ, nhiều nguyên tố vi lượng, đường.

Lá đinh lăng có saponin triterpen và 5 hợp chất polyacetylen.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Đinh lăng có tác dụng tăng lực, làm tăng trọng lượng cơ thể, tăng co bóp tử cung và lợi tiểu. Ba chất polyacetylen trong rễ và lá có tác dụng kháng khuẩn mạnh và đang được nghiên cứu chống một số dạng ung thư.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong dân gian, đinh lăng thường dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẫn ngứa. Lá đinh lăng cũng được dùng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

Đinh lăng cùng họ với nhân sâm, tam thất nên đã được nghiên cứu và thử nghiệm với những tính chất của những dược liệu này. Kết quả đã xác nhận rễ đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai và sức đề kháng của cơ thể, chống hiện tượng mệt mỏi, chán ăn, làm ngủ ngon, tăng khả năng lao động cả trí óc lẫn chân tay, lên cân và chống độc. Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, rễ đinh lăng còn là thuốc dùng cho phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, chữa ho, ho ra máu, sưng tấy, mụn nhọt, kiết lỵ. Dược liệu có vị ngọt đắng, mùi thơm, tính mát, không độc, được dùng dưới những dạng thuốc sau:

  • Thuốc bột và thuốc viên: Rễ đinh lăng đã sao tẩm (100g) tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 0,5 -lg. Hoặc trộn bột với mật ong vừa đủ làm thành viên, mỗi viên 0,25 – 0,50g. Ngày uống 2 – 4 viên chia làm hai lần.
  • Thuốc hãm: Rễ đinh lăng đã sao tẩm (5 – 10g) hãm với nước sôi như hãm chè, uống làm nhiều lần trong ngày.
  • Thuốc ngâm rượu: Rễ đinh lăng phơi khô (không sao tẩm) 100g tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu 30 – 35° trong 7 – 10 ngày, càng lâu càng tốt. Thỉnh thoảng lắc đều. Ngày dùng hai lần, mỗi lần 5 -10ml, uống trước bữa ăn nửa giờ.

Trong ngành y học quân sự, các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô trước đây đã nhận thấy rễ đinh lăng có tác dụng tốt đối với các nhà du hành vũ trụ khi luyện tập. Bột rễ đinh lăng đã được áp dụng cho bộ đội hành quân và tập luyện với kết quả là khả năng chịu đựng và sức dẻo dai của họ được tăng cường rõ rệt.

Viện Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi đã thử nghiệm trên lâm sàng thuốc bổ “Đinh lăng – Sữa ong chúa” gồm dịch chiết rễ đinh lăng (5%), sữa ong chúa (2,5%), mật ong (15%), cồn (10%) và tá dược vừa đủ 100%, thấy thuốc có tác dụng tăng trọng tốt trên trạng thái người bệnh, làm ăn ngon, dễ ngủ, đỡ mệt mỏi, tăng cân, tăng lực cơ, giảm cholesterol.

Theo nghiên cứu của Học viên Quân sự Việt Nam dung dịch cao đinh lăng có tác dụng:

Tăng biên độ điện thế não, tăng tỉ lệ các sóng alph bêta và giảm tỉ lệ sóng delta. Những biến đổi này diễn ra ở vỏ não mạnh hơn so với ở thể lưới.

Tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng.

Tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ.

Tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt.

Nhìn chung, dưới tác dụng của cao đinh lăng, vỏ não được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều tốt hơn.

Chú ý: Không dùng rễ đinh lăng liều cao, để tránh hiện tượng bị say, mệt mỏi.

Lá đinh lăng
Lá đinh lăng

Từ trước đến nay, nhân dân ta vẫn có tập quán lấy búp và lá non đinh lăng để tươi, ăn sống cùng nhiều lá thơm khác như vọng cách, mơ tam thể, ngổ… trong món gỏi cá, nem chạo với mục đích làm thơm, chống tanh nhất là đối với những người hay bị dị ứng, mẩn ngứa.

Theo kinh nghiệm dân gian, ngày trước, các đồ vật thường nhai lá đinh lăng để tăng cường sức dẻo dai khi thi đấu. Đối với trẻ nhỏ, để phòng và chống kinh giật, người ta lấy lá đinh lăng (cả lá non lẫn lá già) phơi khô, đem lót gối hay trải giường cho trẻ nằm. Phụ nữ sau khi đẻ thường dùng lá đinh lăng phơi khô (50g) thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày để chống lại sức, chống mệt mỏi, kém ăn. Còn muốn có nhiều sữa nuôi con, họ lấy lá đinh lăng (30 – 50g) băm nhỏ với bong bóng lợn (1 cái) rồi nấu với gạo nếp thành cháo ăn trong ngày. Có thể dùng chân giò hoặc móng giò thay bong bóng.

Dùng ngoài, lá đinh lăng để tươi băm nhỏ hoặc phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn, rồi trộn với ít muối và nước làm thành bánh, đắp chữa vết thương, viêm dây thần kinh.

Thân và cành đinh lăng tuốt bỏ lá, thái nhỏ, phơi khô (20 – 30g) sắc uống chữa đau lưng, mỏi gối, tê thấp, sưng vú. Dùng riêng hoặc phối hợp với rễ cây xấu hổ, cúc tần, bưởi bung, cam thảo dây.

Rễ đinh lăng
Rễ đinh lăng

BÀI THUỐC

Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ.

  • Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, đau tức ngực, nước tiểu vàng:

Vỏ rễ đinh lăng (30g), lá hoặc vỏ quả chanh (10g), vỏ quýt (10g), rễ sài hồ (20g), lá tre (20g), rau má (30g), cam thảo dây (30g), chua me đất (20g). Tất cả thái nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

  • Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, thục địa, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh (mỗi vị 100g), tam thất (20g), tán nhỏ, rây bột, sắc uống ngày 100g.
  • Chữa gãy xương, bong gân: Lá đinh lăng (80g), vỏ cây gạo (40g, cạo bỏ vỏ đen), chân cua sống (40g), tô mộc (20g), nụ đinh hương (5 cái).

Lá đinh lăng, vỏ gạo, chân cua rửa sạch bằng nước muối, giã nhỏ; tô mộc tán thành bột mịn, đinh hương tán riêng. Tất cả trộn đều, đắp, nẹp cố định và băng lại. Mỗi ngày một lần. Kiêng ăn thịt bò. (Kinh nghiệm của Tổ y học cổ truyền huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).

5 Bài thuốc dân gian sử dụng Đinh lăng

  1. Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng

Lá đinh lăng tươi từ 150-200g, khoảng 200ml nước đang sôi. Tắt bếp, cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Cách dùng lá tươi thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn đảm bảo được lượng hoạt chất cần thiết.

  1. Chữa tắc tia sữa

Rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn nóng.

  1. Chữa nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng

Lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc.còn 250 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.

  1. Ho suyễn lâu năm

Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá mỗi thứ đều 8g, củ xương bồ 6g, gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250 ml. Chia làm 2 lần uông trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.

  1. Phong thấp, thấp khớp

Rễ đinh lăng 12g; cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ rễ xước, thiên niên kiện mỗi thứ 08g; vỏ quít, quế chi 04g. Riêng vị quế chi bỏ vào sau cùng khi sắp nhắc ấm thuốc xuống.

Đổ 600 ml nước sắc còn 250 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận