Sài đất

Vị thuốc Đông y

SÀI ĐẤT

Tên khác:             Húng trám, cúc nháp, ngổ đất, lỗ địa cúc.

Tên khoa học: Wedelia chinensis (Osbeck) Merr. Họ Cúc    (Asteraceae)

MÔ TẢ

Cây thảo mọc bò, sau đứng thẳng. Thân ngầm bén rễ ở những mấu, thân trên không cao 20 – 40cm. Lá mọc đối, gần như không cuống, hai mặt có lông cứng, mép khía răng to và nông, mỗi bên 3 cái; lá vò ra có mùi thơm như quả trám.

Cụm hoa mọc thành đầu trên một cán dài ở kẽ lá và đầu cành; hoa màu vàng, tràng hình lưỡi ở phía ngoài có 3 răng, ông tràng ngắn, tràng hình ống ở giữa, có 5 thùy, nhị 5, bầu hình nêm.

Quả bế.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 5.

Sài đất
Sài đất

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, sài đất phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới.

Ở Việt Nam, sài đất mọc hoang ở vùng núi thấp và trung du. Thường gặp cây mọc thành đám dày đặc trên đất ẩm ở chỗ gần nước như ven suối, bờ mương máng.

Cây đã được trồng phổ biến ở đồng bằng, trung du và miền núi, trừ vùng núi cao lạnh.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Cả cây sài đất, trừ rễ, thu hái quanh năm, nhưng chủ yếu vào mùa hè thu, lúc cây đang ra hoa, rửa sạch. Dùng tươi hay phơi khô.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Sài đất chứa wedelolacton, saponin triterpen, tinh dầu, chất béo, nhựa, đường, tanin, muối vô cơ, pectin.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Trên lâm sàng, sài đất biểu hiện tác dụng kháng sinh và chống viêm rất rõ. Có thể dùng sài đất thay thế sulfamid và trong một số trường hợp thay penicillin. Hoạt chất kháng khuẩn của sài đất có độ bền vững cao với nhiệt độ sôi.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Theo kinh nghiệm dân gian, ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, sài đất được dùng ăn sống hoặc nấu với thịt, cá ăn cho mát, giải nhiệt, về mùa hè, sài đất thường được nấu với nước để tắm cho trẻ phòng rôm sảy. Tác dụng trong y học của sài đất chủ yếu là tiêu độc, chống nhiễm khuẩn, tiêu viêm, chữa sưng tấy, bắp chuối, mụn nhọt, áp xe, viêm họng.

Ngày dùng 50 – 100g cây tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp vào chỗ sưng tấy. Nếu dùng sài đất phơi khô thì lấy 20 – 40g thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uông làm hai lần trong ngày. Trẻ em tùy tuổi, uống 1/3 – 1/2 liều người lớn. Dùng 5 – 7 ngày. Với số lượng nhiều, có thể đem sài đất phơi khô rồi nấu thành cao lỏng dùng dần.

Ở nhiều nhà trông trẻ, người ta đã nấu sài đất với râu ngô làm nước uống hàng ngày cho trẻ vừa có tác dụng mát, lợi tiểu, vừa phòng được rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa.

BÀI THUỐC

  • Chữa dị ứng, mẩn ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, viêm mũi: Sài đất (20g), kim ngân (20g), bồ công anh (20g), ké đầu ngựa (12g).

Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

  • Chữa mụn nhọt, chốc lở: Sài đất (10g), bồ công anh (10g), ké đầu ngựa (10g), kim ngân (5g), cam thảo đất (2g). Tất cả phơi khô, tán nhỏ, trộn đều, sắc hoặc hãm với nước uống trong ngày.

 

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận