Trang chủVị thuốc Đông yRắn hổ mang - Cách sử dụng, tác dụng chữa bệnh của...

Rắn hổ mang – Cách sử dụng, tác dụng chữa bệnh của rắn hổ mang

RẮN HỔ MANG

Rắn hổ lửa, rắn mang bành, rắn đeo kính, rắn hổ đất, ngù háu tha (Tày), ngù hố (Thái).

Tên khoa học: Naja naja L.

Họ Rắn hổ (Elapidae)

MÔ TẢ

Loài bò sát (động vật có máu lạnh) có thân dài khoảng 2m hay hơn, có vảy nhỏ. Bụng phẳng, màu trắng nhạt. Lưng gồ lên thành sống, màu xám đen hoặc nâu đen. cổ nhỏ, khi bị tấn công thì bạnh to ra và hiện rõ hai vòng tròn nối với nhau bằng một dải cong cùng màu trắng trông như mắt kính (nên gọi là rắn đeo kính). Rắn có nọc độc.

Loài hổ mang chúa hay nhãn kính vương xà (Nạịa hannah Bourret) cũng được dùng.

Một số loài rắn khác cũng được dùng phổ biến (dùng riêng hoặc dùng chung với rắn hổ mang) như rắn cạp nong, rắn cạp nia và rắn ráo.

  • Rắn cạp nong. Tên khác là rắn mai gầm, rắn

khoanh đen vàng, kim xà, ngù khớp đông (Tày), ngù tăm tàn (Thái). Tên khoa học: Bungarus fasciatus Schneider, thuộc họ Rắn hổ (Elapidae).

Thân dài, có thể đến l,8m. Đầu hình tam giác, mắt nhỏ. vảy xếp thành nhiều hàng. Trên thân có 24 – 27 khoanh to gần bằng nhau, màu đen và vàng xen kẽ. Bụng màu trắng nhạt.

Rắn có noc độc.

  • Rắn cạp nia. Tên khác là rắn mai gầm bạc, rắn khoanh đen trắng, bạch hoa xà. Tên khoa học là Buĩigarus candidus, thuộc họ Rắn hổ (Elapidae). Thân dài 1 – l,3m, giống rắn cạp nong nhưng điểm phân biệt chủ yếu là thân có những khoanh đen hay nâu và khoanh trắng xen kẽ (khoanh đen to hơn). Bụng trắng nhạt.

Rắn có nọc độc.

  • Rắn ráo. Tên khác là rắn hổ chuôi, hoàng tiêu xà, ngù tinh (Tày), ngù xinh (Thái). Tên khoa học là Ptyas korros Schlegel, thuộc họ Rắn nước (Colubridae).

Thân dài đến 2m. Đầu thuôn dài, mắt to, các vảy trên toàn thân rất rõ. Lưng màu lục xám hoặc nâu xám. Bụng màu trắng ngà. Đuôi nhỏ dài.

Rắn không có nọc độc.

Rắn hổ mang
Rắn hổ mang

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Trên thế giới, rắn phân bố trên cạn, dưới nước (sông, hồ, biển). Có rắn độc và rắn không độc. Bốn loại rắn hổ mang, cạp nong, cạp nia và rắn ráo là đặc sản của vùng châu Á.

Ở Việt Nam, rắn sống ở khắp nơi từ đồng bằng, trung du đến miền núi cao. Nơi ở của rắn là hang hốc trong rừng, gò đống, vườn tược. Rắn hổ mang thường gặp ở chỗ khô ráo, cạp nong và cạp nia ở chỗ ẩm, gần nước, rắn ráo lại ở gần nơi có người ở. Rắn ngủ đông, ăn động vật nhỏ như chuột, chim, ếch nhái, kể cả trứng chim và các loài rắn khác. Ba loại rắn độc thường hoạt động về đêm, riêng rắn ráo chuyên kiếm ăn vào ban ngày. Rắn đẻ trứng, trứng nở thành rắn con vào tháng 9-10.

Do giá trị cao trong kinh tế và y học, nên rắn được nuôi đã lâu ở Vĩnh Phú (làng Vĩnh Sơn), Gia Lâm – Hà Nội (làng Lệ Mật), Tiền Giang (làng Đồng Tâm).

BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN

– Thịt rắn. Bắt rắn, cắt bỏ đầu, hứng tiết để riêng, rồi mổ bụng, bỏ ruột, lột da (nếu ngâm rượu thì không lột da), chặt thành từng khúc, tẩm rượu gừng, rồi chế biến thành những món ăn – vị thuốc tùy sở thích.

Để làm rượu rắn, người ta thường dùng một bộ 3 con rắn hổ mang, cạp nong hoặc cạp nia và rắn ráo, gọi là tam xà hoặc 5 con là hổ mang, cạp nong, hổ trâu, rắn ráo và rắn sọc dưa (ngũ xà). Sau khi tẩm rượu gừng như trên, nướng cho vàng thơm. Ngâm rượu theo tỷ lệ một phần thịt rắn với 3 phần rượu 40°, trong 15 – 20 ngày, để càng lâu càng tốt. Có khi còn ngâm thêm một con chim bìm bịp và một số vị thuốc nguồn gốc thực vật như hà thủ ô, ngũ gia bì, kê huyết đằng, hồi hoặc quế. Có người lại để nguyên cả con rắn (đã bỏ nọc độc) ngâm rượu trong thời gian dài cùng với việc hạ thổ để hàng năm mới dùng.

  • Mật rắn. Để nguyên túi phơi hoặc sấy khô hoặc lấy nước mật ngâm với rượu.
  • Xác rắn lột. Thu nhặt ở thiên nhiên, thường gặp trên cành các cây trong rừng. Phơi cho khô. Dược liệu là lớp da mỏng nhăn nhúm, thường bị rách, màu xám óng ánh, thể nhẹ, trơn nhẵn. Khi dùng, để sống hoặc tẩm rượu rồi sao nhẹ cho khô.
  • Nọc rắn. Bóp mạnh miệng rắn ở chỗ tuyến độc hàm trên, nọc sẽ chảy thành giọt được hứng vào vật đựng đã sát khuẩn. Đó là chất lỏng trong suốt, khi làm khô, nọc sẽ thành một khối lổn nhổn màu vàng.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Thịt rắn chứa nhiều protid, trong đó có những acid amin cần thiết như arginin, leucin, valin; chất béo và saponozid.

Mật rắn chứa cholesterin như các loại mật động vật khác.

Xác rắn có oxyd titan, oxyd kẽm.

Nọc rắn chứa chất độc thuộc loại zootoxin.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong y học cổ truyền, thịt rắn có tên thuốc là xà nhục, vị ngọt, mặn, mùi tanh, tính ấm, có tác dụng giảm đau, trừ thấp, chữa chân tay đau nhức, khớp xương sưng đau, bán thân bất toại, mụn nhọt, lở loét, tràng nhạc.

Dùng rượu rắn, mỗi ngày uống 20ml sau bữa ăn chiều.

Để chữa phong thấp, chân tay nhức mỏi, lấy thịt rắn băm với lá lốt, xương sống và mùi tàu, nặn thành viên, nướng chín mà ăn.

Chú ý: Những người huyết hư phong nhiệt, trẻ em và phụ nữ có thai không được dùng thịt rắn.

Mật rắn (xà đởm) chữa ho, đau lưng, nhức đầu kinh niên. Mỗi ngày nuốt 1 – 2 túi mật hoặc lấy nước mật pha rượu uống. Mật của ba loại rắn hổ mang, cạp nong hoặc cạp nia và rắn ráo, phối hợp với trần bì và một số thuốc khác được bào chế thành biệt dược đông y “Tam xà đởm trần bì” chữa ho, tiêu chảy rất có kết quả. Mật của ba loại rắn nêu trên ngâm với rượu 20° (25ml) uống trong ngày còn chữa viêm đa khớp dạng thấp.

Xác rắn lột (xà thoát). Tuệ Tình (Nam dược thần hiệu) đã dùng xác rắn lột đốt lấy khói xông vào họng chữa viêm họng. Hải Thượng Lãn Ông (Bách gia trân tàng) lại lấy xác rắn lột sao, tán bột, tẩm rượu nặn thành bánh, đắp chữa nhọt không thành mủ. Để chữa da ngứa ngáy, hay tróc vảy, lấy xác rắn lột cắt nhỏ, nấu với

nước uống hàng ngày (Kinh nghiệm của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên).

Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng xác rắn lột.

Nọc rắn rất độc chỉ được dùng trong y học hiện đại dưới các dạng bào chế bôi ngoài như Viprosalum của Liên Xô trước đây, Vipratox của Đức, Najatox của Việt Nam để giảm đau, chống viêm chữa thấp khớp, viêm dây thần kinh, viêm cơ, đau nhức. Không được dùng các loại thuốc có nọc rắn để bôi lên chỗ da bị rách, trầy xước, những vết thương hở, lở loét. Nọc rắn còn được chế thành thuốc tiêm (biệt dược Viperalgin của Tiệp Khắc trước đây) để giảm đau trong bệnh ung thư.

Máu rắn (xà huyết) có tác dụng tăng cường sức lao động, chống mệt mỏi. Dạng dùng thông thường là máu pha rượu uống.

BÀI THUỐC

  • Chữa mụn nhọt, đầu vú nứt nẻ ở phụ nữ: Xác rắn lột (100g), đốt tồn tính, tán nhỏ, rây bột mịn; nghệ vàng (100g) để tươi, thái mỏng cho vào dầu vừng rán khô, rồi bỏ bã; củ ráy dại (100g) nấu cùng với nghệ vàng.

Trộn đều bột xác rắn với dầu các dược liệu. Dùng bôi hàng ngày.

  • Chữa tổ đỉa: Xác rắn lột đốt thành tro trộn với mỡ trăn và phèn phi (lượng bằng nhau). Bôi hàng ngày.

Ghi chú: Trong thiên nhiên, ba loại rắn hổ mang, cạp nong và rắn ráo bị săn bắt triệt để nên số lượng giảm sút nhiều. Chúng đã được ghi vào Sách Đỏ quốc gia để bảo vệ.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây