Phục linh

Vị thuốc Đông y

Tên khoa học:

Poria cocos Wolf Họ Nấm lỗ (Polyporaceae)

Tên khác: Vân linh, bạch phục linh

Mô tả

Vị thuốc phục linh
Vị thuốc phục linh

Nấm ký sinh trên rễ cây thông, có hình khối to nhỏ không đều, nặng từ vài lạng đến 5kg. Vỏ ngoài màu nâu đen, sần sùi, có khi nổi bướu, bên trong có chất bột lổn nhổn các khuẩn ty, bào tử, cuống đảm tử. Loại có mặt trong màu trắng gọi là bạch phục linh hay bạch linh, loại màu hồng xám là xích phục linh hay xích linh, loại có rễ thông xuyên vào giữa gọi là phục thần.

Phân bố, nơi mọc

Trên thế giới, nhục linh phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, vùng Viễn Đông thuộc Liên Bang Nga.

Ở Việt Nam, người ta cho rằng nấm phục linh có thể tìm thấy ở rừng thông thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Hà Giang. Từ giữa những năm 70, phục linh đã được gây trồng thử nghiệm ở Tam Đảo, nhưng chưa có kết quả.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến

Theo tài liệu nước ngoài, phục linh trồng cho thể quả thu hoạch ở cây 3 – 4 năm là tốt nhất. Do nấm mọc sâu dưới mặt đất khoảng 20cm, nên khi thu hoạch phải bộc lộ dần dược liệu để tránh làm xây sát và bỏ sót.

Phục linh được phân loại cụ thể như sau:

  • Phục linh bì là phần vỏ ngoài của nấm.
  • Xích phục linh là lớp sát phần vỏ ngoài, có màu hồng hay nâu nhạt.
  • Bạch phục linh là lớp trong cùng màu trắng.
  • Phục thần là nấm phục linh bao quanh rễ thông.

Phân biệt tính chất, đặc điểm:

Phục linh có dạng hình cầu, hình bầu dục, hình tròn bẹt hoặc các cục không đồng đều, lớn bé to nhỏ không giống nhau. Vỏ ngoài mỏng mà sần sùi, màu be nâu đến be đen, có đường vân nhăn rõ rệt. Chất nặng mà rắn chắc, mặt cắt có tính hạt, có miếng có khe nứt, lớp ngoài mầu nâu nhạt, bên trong mầu trắng, có một số ít mầu hồng nhạt, có miếng ở chính giữa có rễ xốp. Không có mùi, vị nhạt, nhấm thấy dính răng. Trong đó, loại gọt lấy lớp vỏ ngoài gọi là phục linh bì, loại cắt lấy lớp bên trong có màu hồng nhạt gọi là xích phục linh, phần mầu trắng sau khi đã cắt lấy xích phục linh còn lại, gọi là bạch phục linh, chỗ bao bọc rễ xốp mà sống gọi là phục thần.

Phục linh nào có thể trọng rắn chắc, vỏ ngoài màu be nâu, vân vỏ nhỏ, không có kẽ nứt, mặt cắt màu trắng mịn, nhấm dính răng là loại tốt.

Bảo quản:

Để nơi khô ráo thoáng gió, phòng ẩm, phòng mốc.

Thành phần hóa học

Phục linh chứa polysaccharid, acid pachymic, acid dehydropachymic, acid pinicolic, adenin, cholin, lecithin, dầu béo, sucrose, fructose, muối vô cơ.

Tác dụng dược lý

  • Dịch chiết phục linh được thử nghiệm thấy có tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Dược liệu còn vỏ ngoài (phục linh bì) có tác dụng mạnh hơn phục linh đã loại bỏ vỏ.
  • Nước sắc phục linh có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Enterococcus.
  • Bột bạch linh cho bệnh nhân bị phù uống thấy giảm phù nhất là phù do bệnh tim và thận. Bột bạch linh cũng có tác dụng chống tiêu chảy kéo dài.

Theo các nghiên cứu hiện đại, phục linh có hàm chứa chất albumin, chất mỡ, kích thích tố, noãn lân chi, nhóm acid amin, chất kiềm trong mật, nhiều loại đường, hormon v.v… Có tác dụng trợ tim, tẩm bổ, lợi tiểu, kháng khuẩn, hạ lượng đường trong máu, hạ huyết áp và tăng cường chức năng miễn dịch cho cơ thể người v.v… Nhiều chất đường phục linh còn có thể ức chế mạnh mẽ các tế bào ung nhọt dùng đồng thời với các loại hoá dược chống ung thư khác, có tác dụng hiệp đồng.

Công dụng và liều dùng

Trong y học cổ truyền, phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, lợi tiểu, kiện tỳ, định tâm, chữa suy nhược cơ thể, phù thũng, tiêu chảy, tỳ hư, bụng đầy chướng. Mỗi bộ phận của phục linh đều có tác dụng riêng biệt như phục linh bì ưu tiên lợi tiểu, tiêu thũng; xích linh hành thủy, trừ thấp, bạch linh bổ tỳ vị, chống hư tổn. Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Có công hiệu lợi thuỷ thẩm thấp, bổ tỳ tĩnh tâm. Phù hợp với người phù nề, đái ít, đàm ẩm, đầu váng, tim hốt hoảng, tỳ hư, ăn ít, ỉa chảy, tâm thần bất an, sợ hãi, mất ngủ v.v…

Phục thần là thuốc an thần chữa hồi hộp, phiền muộn, sợ hãi, hoảng hốt, mất ngủ, mất trí. Liều dùng hàng ngày: 4 – 12g dưới dạng thuốc sắc.

Bài thuốc

  • Chữa bụng đầy chướng, phù thủng: Phục linh bì, vỏ quýt lâu năm, vỏ quả cau, vỏ rễ dâu, vỏ gừng sống (mỗi vị 10g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. (Nam dược thần hiệu)

Hoặc bạch phục linh, bạch truật, trư linh (mỗi vị 10g), trạch tả (12g), quế chi (4g). Tất cả tán bột, rây mịn. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 – 3 lần.

  • Chữa tinh thần suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ, kém ăn: Phục thần (10g), đảng sâm (10g), hạt sen (10g), long nhãn (10g), đại táo (10g), táo nhân (8g, sao vàng), viễn chí (8g), thạch xương bồ (8g). Tất cả phơi khô, tán bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 12 – 20g.

Hoặc phục thần (12g), bạch truật (12g), hoàng kỳ (12g), đương quy (8g), đảng sâm (8g), long nhãn (8g), táo nhân (4g, sao), viễn chí (4g), cam thảo (4g, nướng), mộc hương (2g). Tất cả tán bột, rây mịn, luyện với mật ong làm viên. Ngày 2 lần, mỗi lần 20g (Quy tỳ hoàn).

Những cấm kỵ khi dùng thuốc

Phục linh thiên về thấm nhạt, đối với người hư hàn hoặc tinh và khí hư hạ hăm, cần bớt liều dùng hoặc khi dùng phải thận trọng.

Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:

Phục linh chúc (cháo phục linh)

Phục linh 6g, nghiền thành bột mịn, gạo tẻ 30 – 60g, nấu cháo đặc, ăn hết 1 lần. Ngày 1 thang.

Dùng cho mọi trường hợp mất ngủ, còn có tác dụng bổ tì, cầm ỉa chảy.

Phục linh kê nhục hồn đồn (mằn thắn, phục linh, thịt gà)

Phục linh 30g – Thịt gà 60g

Cho thêm gia vị, trộn đều làm nhân, lấy bột mì nặn áo làm mằn thăn. Mằn thắn: món ăn thông thường của người Trung Quốc, nhào bột mì làm áo, gói nhân vào trong làm bánh, luộc, ăn cả bánh lẫn nước.

Dùng cho người già yếu đuối, ăn nuốt không trôi, hay ợ, hay nấc.

Phục linh kê đản (phục linh trứng gà)

Phục linh 15g

Lòng đỏ trứng gà tươi 1 quả

Phục linh cho 1 cốc rưỡi nước, sắc lấy 1 cốc, đổ vào lòng đỏ trứng, đánh tan, uống nóng trước khi đi ngủ. Dùng cho người bị mất ngủ.

Phục linh bính (bánh phục linh)

Bột phục linh, bột gạo, đường trắng (lượng bằng nhau), cho nước vào trộn nhuyễn thành hồ, chiên thành bánh.

Dùng cho người tim hoảng hốt, mất ngủ, ăn ít, ỉa lỏng.

Phục linh tửu (rượu phục linh)

Phục linh 500g – Rượu trắng 1500ml

Ngâm 7 ngày sau đem ra uống, ngày 2-3 lần, mỗi lần 20ml.

Dùng cho người trướng bụng ỉa chảy, tiểu tiện bất lợi, phù nề, đánh trống ngực, mất ngủ.

Phục linh chử kê can (phục linh nấu với gan gà)

Phục linh 10g – Gan gà 30g

Cho nước nấu lẫn, khi gan chín, ăn gan, húp thang.

Dùng cho trẻ con bị cam, hai mắt sợ ánh sáng, mặt vàng gầy com, tóc khô, chân lông dựng đứng, tinh thần bạc nhược…

Phục linh thang viên (bánh bột nếp phục linh)

Phục linh 10g

Mỡ lợn chín 20g

Vữa đậu sa 50g

Đường trắng 100g

Bột gạo nếp 250g

Sơn dược 10g

Nhân sâm 5g

Nhân sâm, phục linh, sơn dược nghiền bột mịn, đánh lẫn với vữa đậu sa, đường trắng, mỡ lợn (làm nhân), bột gạo nếp (đánh dẻo) nặn bên ngoài, làm thành thang viên. (Đậu sa: đậu đỏ, đậu đũa hoặc các loại đậu thường dùng làm rau ăn, nâu nhừ, giã nát, hoặc say thành bột, trộn đường vào làm nhân bánh điểm tâm Thang viên: loại bánh hình cầu, nặn bằng bột nếp, phần lớn có nhân, luộc ăn cả bánh cả nước,  luộc chín lên ăn.

Dùng cho người tỳ vị hư nhược, hạ nguyên bất túc, ăn ít, ngại không muốn nói nhiều, khí đoản lực khiếm, đau lưng mỏi gối v.v…

Phục linh tán (thuốc bột phục linh)

Phục linh vừa phải nghiền bột dùng dần. Mỗi lần uống 15g bằng nước sôi. Dùng cho trẻ em bị cảm, thường xuyên không thiết ăn uống, hay đầy bụng đi lỏng, sắc mặt vàng vọt không có ánh quang, gầy mòn.

Phục linh nhân sâm chúc (cháo phục linh nhân sâm)

Nhân sâm 10g – Gừng tươi 10g

Phục linh 10g – Gạo lức 100g

Sắc phục linh gừng nhân sâm, bỏ bã lấy nước, bỏ gạo vào nấu cháo, gần được pha thêm muối cho vừa, quấy đều ăn lúc đói.

Dùng cho trẻ con gầy yếu ít sinh khí, vị khi bất hoà, không thiết ăn, ngày càng gầy mòn.

Phục linh đại táo chúc (cháo phục linh, táo tầu)

Phục linh 30g – Gạo lức 100g

Cùi hạt dẻ 50g – Đường trắng một ít

Táo tầu 10 quả

Bốn vị trên (trừ đường trắng) cho nước vào nấu cháo, khi ăn pha đường vào, ăn tuỳ ý. Dùng cho người tỳ vị hư nhược, rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy ra ngũ cốc.

Phục linh nhân sâm tán (thuốc bột nhân sâm phục linh)

Phục linh, nhân sâm, táo nhân (lượng bằng nhau).

Sấy khô nghiền bột mịn, uống ngày 3 lần, mỗi lần 6g; uống với nước cháo.

Dùng cho người tim hồi hộp, mất ngủ, tự ra mồ hôi, đổ mồ hôi trộm…

Phục linh kháng nham thang (thuốc phục linh chống ung thư)

Phục linh 45g – Tô ngạnh 18g

Chỉ xác 10g – Quả trám 24g

Hậu phác 12g – Côn bố 18g

Giả thạch 30g – Rong biển 24g

Quất hồng 9g – Thanh bán hạ 30g

Gừng sống 9g – Phèn chua 3g

Nguyệt thạch (tức bằng sa) 3g Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Dùng để chữa ung thư thực quản.

Phục linh bạch truật thang (thang phục linh, bạch truật)

Phục linh 12g – Bạch truật 6g

Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần..

Dùng cho người tiểu tiện bất lợi, tỳ hư, phù nề.

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận