Nhục thung dung ( 肉苁蓉 )
Tên khoa học:
Boschniakia glabra C. A. Mey. Họ khoa học: Họ Lệ Dương (Orobanchaceae).
Tên khác:
Đại vân, địa tinh, kim duẫn.
Tên và nguồn gốc
+ Tên thuốc: Nhục thung dung (Xuất xứ: Bản kinh).
+ Tên khác: Nhục tùng dung (肉松蓉),Tung dung (纵蓉),Địa tinh (地精), Kim duẩn (金笋),Đại vân (大芸).
+ Tên Trung văn: 肉苁蓉 ROUCONGRONG
+ Tên Anh Văn: all-grass of Desertliving Cistanche
+ Tên La tinh: Cistanche deserticola Y. C. Ma.
+ Nguồn gốc: Là thân chất thịt của Nhục thung dung hoặc Thung dung, Mê nhục dung v.v…
Dược liệu Nhục thung dung
Phân bố
Chủ yếu sản xuất ở các vùng Nội Mông Cổ, Cam Túc, Tân Cương, Thanh Hải v.v… (Trung Quốc).
Thu hoạch
Mùa xuân lúc mầm chưa ra khỏi đất hoặc lúc vừa ra khỏi đất đào móc lên, bỏ đi cụm hoa.
Bào chế
Cắt lát dùng sống, hoặc chế rượu dùng.
Phân biệt tính chất, đặc điểm
Nhục thung dung có hình trụ tròn mà hơi bẹt, 1 đầu hơi nhỏ, hơi cong. Bề mặt có màu be xám hoặc màu be gụ, bị bọc bởi các lớp áo vảy mập mạp dày đặc, chất nạc, xếp theo hình xoáy ốc, chất mềm, nạc, giầu chất dầu, không dễ gì bẻ gẫy, mặt cắt màu gụ, có chấm hoa, xếp thành hình tên bắn hoặc hình sóng. Mùi nhẹ, vị ngọt, hơi đắng. Loại nào to mập mạp, chất nạc màu be gụ, mềm nhuận là loại tốt.
Nghiên cứu hiện đại
- Thành phần hóa học: Nhục thung dung hàm chứa lượng ít alkaloid và chất trung tính kết phẩm. Mê Nhục thung dung hàm chứa alkaloid (Trung dược đại từ điển).
- Tác dụng dược lý: Chất chiết ngâm cồn lõang Nhục thung dung cho vào nước uống nuôi chuột lớn còn nhỏ, thể trọng tăng nhanh so với tổ đối chiếu. Thí nghiệm thuốc ngâm nước, ethanol – dịch chiết ngâm nước và dịch chiết ngâm ethanol vào động vật gây mê như chó, thỏ v.v…,chứng minh có tác dụng giáng áp. Nhục thung dung có tác dụng xúc tiến phân tiết nước bọt và tê liệt hô hấp, thành phần xúc tiến phân tiết nước bọt là lọai chất dạng Organic acid, thành phần tê liệt hô hấp khả năng là Glycosides (Trung dược đại từ điển).
- Nghiên cứu lâm sàng: Điều trị u cơ tử cung có hiệu quả rõ rệt. Theo các nghiên cứu hiện đại, nhục thung dung có hàm chứa chất kiềm sinh vật và các chất trung tính kết tinh. Có các kích thích tố có tác dụng kích thích tính dục; có tác dụng hạ huyết áp, trợ tim, giãn động mạch cơ tim, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, kích thích tiết nhiều nước bọt v.v…
Bảo quản
Để nơi khô ráo, thoáng gió, đựng trong lọ có vôi hút ẩm.
Tính vị
– Trung dược đại từ điển: Ngọt, chua, mặn, ấm.
– Trung dược học: Ngọt, mặn, ấm.
– Bản kinh: Vị ngọt, hơi ấm.
– Biệt lục: Chua mặn, không độc.
– Bản thảo chính: Vị ngọt mặn hơi cay chua, hơi ấm.
– Ngọc thu dược giải: Ngọt mặn, khí bình.
Qui kinh
– Trung dược đại từ điển:: Qui kinh Thận, Đại trường.
– Trung dược học: Qui kinh Thận, Đại trường.
– Bản thảo kinh sơ: Vào Thận, Tâm bào lạc, Mệnh môn.
– Bản thảo kinh giải: Vào kinh Túc quyết âm Can, kinh Túc Thái âm Tỳ, kinh Túc thiếu âm Thận.
– Ngọc thu dược giải: Vào Túc quyết âm Can, Túc thiếu âm Thận, kinh Thủ Dương minh Đại trường.
Công dụng và chủ trị
Bổ Thận, ích tinh, nhuận táo, họat trường. Trị đàn ông dương nuy, đàn bà không con, đái hạ, huyết băng, lưng gối lạnh đau, huyết khô đại tiện bí.
– Bản kinh: Chủ ngũ lao thất thương, bổ trung, trừ hàn nhiệt đau trong âm hành, dưỡng ngũ tạng, cường âm, ích tinh huyết, phụ nữ trưng hà.
– Biệt lục: Trử tà khí bàng quang, đau eo lưng, cầm lỵ.
– Dược tính luận: Ích tủy, đẹp nhan sắc, kéo dài tuổi thọ, trị phụ nữ huyết băng, tráng dương, đại bổ ích, chủ xích bạch hạ.
– Bản thảo kinh sơ: rượu trắng nấu nhừ liền ăn, trị người già tiện bí táo kết.
Có công hiệu bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận tràng thông tiện. Phù hợp với các bệnh liệt dương, không có chửa, lưng đau gối mỏi, gân cốt không có lực, bị huyết hư sau khi ốm dậy hoặc sau khi đẻ, ruột táo, bí ỉa v.v…
Liều dùng và cách dùng
Sắc uống 10 ~ 15g.
Kiêng kỵ
– Trung dược đại từ điển: Người vị nhược, đại tiện lỏng, tướng hỏa vượng kỵ dùng.
– Trung dược học: Bổn phẩm có thể trợ dương, họat trường, cho nên người âm hư hỏa vượng và đại tiện tiết tả không nên dùng. Trường Vị thực nhiệt và đại tiện bí kết cũng không nên uống.
– Bản thảo mông thuyên: Kỵ qua đồ sắt.
– Bản thảo kinh sơ: Tiết tả cấm dùng, trong thận có nhiệt, cường dương dễ hưng khởi mà tinh bất cố kỵ vậy.
– Dược phẩm hóa nghĩa: Tướng hỏa vượng, ngưới Vị trường yếu kỵ dùng.
– Đắc phối bản thảo: Kỵ đồng, sắt. Hỏa thịnh tiện bí, tâm hư khí trướng, đều cấm dùng.
Những cấm kỵ khi dùng thuốc:
Người nào âm hư hoả vượng, ỉa lỏng, ỉa chảy kiêng dùng. Ruột và dạ dày có thực nhiệt mà ỉa táo cũng không nên uống.
Bài thuốc cổ kim tham khảo
+ Phương thuốc 1:Trị đàn ông ngũ lao thất thương, âm nuy không khởi, lâu ngày có 10 năm, ngứa thấp, tiểu tiện lâm lịch nhỏ giọt, lúc tiểu vàng lúc đỏ: Nhục thung dung, Thỏ ty tử, Xà sàng tử, Ngũ vị tử, Viễn chí, Tục đọan, Đỗ trọng đều 4 phân. Thuốc trên 7 vị, giã sàng, mật hòa làm hòan như hạt ngô đồng, lúc trời sáng uống 5 hòan, ngày lại uống.
(Y tâm phương – Nhục thung dung hòan)
+ Phương thuốc 2:
Trị hạ bộ hư tổn, trong bụng đau nhức, không thích ăn uống, bình bổ: Nhục thung dung 2 cân, ngâm rượu 3 ngày, cắt nhỏ, sấy khô, giã sàng làm bột, phân 1 nửa, nấu rượu làm cao, và 1 nửa cho vào trong cối, giã hòan lớn như hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 20 hòan, thêm đến 30 hòan, uống với rượu nóng hoặc nước cơm, trước bửa ăn lúc bụng đói.
(Thánh tể tổng lục – Nhục thung dung hòan)
+ Phương thuốc 3:
Trị hư tổn, ấm hạ nguyên, ích tinh tủy, lợi lưng gối: Nhục thung dung (rượu ngâm 1 đêm, cạo đi vỏ nhân, nướng khô), Xà sàng tử, Viễn chí (bỏ tâm), Ngũ vị tử, Phòng phong (bỏ đầu mầm), Phụ tử (say cháy nứt, bỏ vỏ, núm), Thỏ ty tử (rượu ngâm 3 ngày, phơi khô, giã riêng thành bột), Ba kích, Đỗ trọng (bỏ vỏ thô, nướng hơi vàng, cát nhỏ) đều 1 lượng. Thuốc trên giã sàng làm bột, luyện mật hòa hòan lớn như hạt ngô đồng. Mỗi ngày bụng đói, dùng rượu nóng uống 20 hòan, dần dần thêm đến 40 hòan là độ.
(Thánh Huệ Phương – Nhục thung dung hòan)
+ Phương thuốc 4:
Trị Thận hư bạch trọc: Nhục thung dung, Lộc nhung, Sơn dược, Bạch phục linh lượng bằng nhau. Tán bột, hồ gạo làm hòan lớn như hạt ngô đồng. Táo làm thang mỗi lần uống 30 hòan.
(Thánh tể tổng lục)
+ Phương thuốc 5:
Trị phát hãn lợi tiểu tiện tân dịch mất, đại phủ bí kết, người già, người hư yếu có thể dùng: Nhục thung dung (ngâm rượu, sấy) 2 lượng, Trâm hương (nghiền riêng) 1 lượng. Thuốc trên nghiền bột, dùng nước Ma tử nhân làm hóan, lớn như hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 70 hòan, dùng nước cớm tống uống lúc bụng đói.
(Tế sinh phương – Nhuận trường hòan)
+ Phương thuốc 6:
Trị cao tuổi huyết dịch khô héo, đại tiện bí kết, trong ngực phiền muộn: Đại nhục thung dung 3 lượng, rượu trắng ngâm, rửa sạch vảy giáp, cắt lát, nước sôi 3 chén, sắc 1 chén, liền uống.
(Y học quảng kí bút)
+ Phương thuốc 7:
Trị tiêu trung dễ đói: Nhục thung dung, Sơn thù, Ngũ vị tử nghiền bột, mật hòan lớn như hạt ngô đồng. uống với nước muối mỗi lần lần 20 hòan.
(Y học chỉ nam)
Theo “Dược phẩm vựng yếu”
Khí vị:
Vị ngọt, mặn, chua, hơi ôn, tính thung dung, hòa hoãn, không độc.
Chủ dụng:
Bổ ích lao thương, giúp đỡ Tướng hỏa, thư thái eo lưng, đầu gối, cứng mạnh gân xương, đàn ông liệt dương, tiết tinh, tiểu tiện ra huyết, phụ nữ tuyệt âm, không sinh đẻ, băng huyết, đới hạ, âm hàn, lại chữa cả kiết lỵ, khỏi đau trong Ngọc hành do hàn hoặc nhiệt, tà khí ở Bàng quang, phụ nữ bị các chứng trưng hà.
Cấm kỵ: Phàm chứng tiết tả, hoạt trường và chứng trong Thận có nhiệt, cường dương, tinh không giữ vững được thì phải kiêng dùng nó, là vì tính nó hoạt mà nhuận. Đan Khê nói: Tuy có khả năng bổ mạnh cho tinh huyết, nhưng dùng vội thì sinh ra ỉa lỏng.
Cách chế:
Chọn cái mềm, mập, dày to bằng cánh tay thì tốt, rửa vảy cùng màng trắng trong ruột, sấy khô dùng. Một cách khác: tẩm Rượu 1 đêm, hoặc chưng Rượu, hoặc phết mỡ sũa nướng.
Nhận xét:
Nhục thung dung là do tinh Ngựa rơi xuống đất mà sinh ra, được âm khí của đất, dương khí của trời mà hình thành, thuộc hành Thổ, có cả hành Thủy và Hỏa, đi vào Thận, Tâm, Bào lạc và Mệnh môn, bổ cho tinh huyết, thêm được Hỏa ở trong Thủy, là thuốc đầu vị để nhuận Thận, bổ tinh, ôn mà không nhiệt, bổ mà không gấp, có ý nghĩa thung dung, Khí nó vốn hơi ôn, không phải nhiệt.
Phụ
TỎA DƯƠNG
Vị ngọt mặn, tính ôn, không độc, vào kinh Thận, mạnh âm, bổ tinh, tráng dương, nhuận trường, nuôi gân, cứng xương, phàm chứng khí có thừa mà đại tiện táo kết thì nấu cháo nó mà ăn, không táo thì đừng dùng (cho vào thuốc thì phải nướng). Sách “Truyền canh lục” nói: Giống giác long nhỏ tinh vào trong đất, lâu ngày thì mọc lên như cái măng, rất giống cái dương vật của đàn ông, công năng gần như Thong dong, cấm kỵ cũng giống nhau.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Đan Khê tâm pháp”
Bài Hổ tiềm hoàn
Hoàng bá (sao Rượu) 200g, Bạch thược 80g, Quy bản (Tẩm Rượu nướng) 160g,Tri mẫu (sao) 40g, Hổ cốt (Nướng) 20g, Thục địa 80g, Tỏa dương 40g, Can khương 20g, Trần bì 80g
Thục địa giã nát, nấu thành cao, các vị khác tán nhỏ, lấy Mật làm hoàn. Liều uống 12-16g, ngày 2 lần với nước muối nhạt, trước bữa ăn.
Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, làm mạnh gân xương.
Trị can, Thận bất túc, gân xương mềm nhũn, bắp chân gầy teo, đi lại kém sức, thắt lưng đau, tinh suy. Đối với chứng bại liệt vì Can Thận âm suy, có nhiệt, thường được dùng trên lâm sàng, Sách “Y phương tập giải” gia thêm Đương quy, Ngưu tất, thịt Dê tác dụng càng hơn.
“Cảnh Nhạc toàn thư”
Bài Tán dục đan
Thục địa 160g, Bạch truật 160g, Đương quy 120g, Câu kỷ tử 120g, Đỗ trọng 80g, Tiên mao 80g, Phụ tử 20g, Ba kích 80g, Sơn thù 40g, Tiên linh tỳ 80g, Nhục thung dung 80g, Phí từ 80g, Sà sàng tử 40g, Nhục quế 20g.
Thục địa giã nát, chưng thành cao, các vị khác tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.
Có tác dụng bổ Mệnh môn hỏa, tráng dương, ích tinh.
Chữa nam giới liệt dương do hỏa suy.
“Tế sinh phương”
Bài Thỏ ty tử hoàn
Thỏ ty tử 80g, Lộc nhung 80g, Phụ tử 10g, Kê nội kim 20g, Mẫu lệ 20g, Nhục thung dung 80g, Tang phiêu tiêu 20g, Ngũ vị tử 40g. Tất cả cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn.
Liều uống 8-12g, ngày 2 lần.
Chữa tiểu tiện nhiều lần hoặc không tự chủ.
“Y học quảng bút ký”
Trị người nhiều tuổi, huyết dịch khô, đại tiện táo kết,
trong ngực buồn bực, dùng Nhục thung dung 3 lạng (120g) tẩm Rượu, nướng, bỏ hết vảy, thái mỏng, sắc, chia uống vài lần trong ngày.
“Trung quốc sa mạc địa khu dược dụng thực vật”
Trị sa Tử cung độ 2, dùng Tỏa dương 5đ, Mộc thông 3đ, Xa tiền tử 3đ, Cam thảo 3đ, Ngũ vị tử 3đ, Đại táo 3 quả.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
“Y tâm phương”
Bài Nhục thung dung hoàn
Nhục thung dung, Thỏ ty tử, Sà sàng tử, Ngũ vị tử, Viễn chí, Tục đoạn, Đỗ trọng. Có tác dụng tráng dương, ích tinh.
Trị nam giới ngũ lao, thất thương, dương nuy bất khởi.
“Hiệu phỏng tân phương-Hải Thượng Lãn Ông
Bài Thăng thanh giáng trọc phương
Nhục thung dung 5đ, Bạch thược 2đ, Nhân sâm 2đ, Ngô thù (sao Muối) 0,8đ, Bạch linh 0,8đ, Trạch tả 0,8đ, Trầm hương 0,3đ (mài riêng), Thăng ma (sao Rượu) 1,5đ, Cát căn (sao Rượu) 0,5đ, Gừng 3 lát, sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng thăng dương, giáng trọc.
Chữa âm hư, đầy trướng lâu ngày không khỏi.
Các bài thuốc bổ dưỡng thường dùng:
Thung dung tửu (rượu thung dung)
Nhục thung dung 30g – Rượu trắng 500ml
Ngâm 7 ngày sau đem ra uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 cốc nhỏ.
Dùng cho người thận hư, liệt dương.
Thung dung dương nhục chúc (cháo thung dung, thịt dê)
Thịt dê tinh vừa phải – Gạo tẻ 30 – 60g
Nhục thung dung 15g (rửa sạch, thái lát mỏng)
Nấu chung thành cháo đặc, ăn lúc đói.
Dùng cho người thận hư, liệt dương, di tinh, lưng và đầu gối lạnh và đau đớn, sắc mặt xám ngoét v.v…
Thung dung dương nhục canh (canh thung dung, thịt dê)
Nhục thung dung 15g, dùng rượu rửa sạch, bỏ nước đen, thái lát mỏng, hầm chung với thịt dê thành món canh, nêm mắm muối, vừa vặn ăn thuốc, ăn thịt, uống thang.
Dùng cho người thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng, đi đái nhiều v.v…
Thung dung lộc tiên chúc (cháo thung dung, dái hươu)
Nhục thung dung 30g – Hành vừa phải
Tinh hoàn hươu 1 đôi – Hạt tiêu vừa phải
Gạo lức 100g – Muối vừa phải
Tinh hoàn hươu rửa sạch, nhục thung dung ngâm rượu 1 đêm, thái lát mỏng. Trước hết cho gạo lức vào nấu cháo. Khi cháo gần được cho lộc tiên và thung dung vào, cho thêm hành muối, hạt tiêu cho vừa, đun 30 phút nữa là được. Ăn lúc đói.
Dùng cho người thận dương bất túc, thận khí khuy hư, lưng và đầu gối giá lạnh đau nhức, sợ rét, chân tay giá lạnh, liệt dương, xuất tinh sớm v.v…
Thung dung thông tiện thang (thang thung dung chống táo)
Nhục thung dung 16g – Đương qui 16g
Hoả ma nhân 13g – Mật ong 30g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Dùng cho người táo bón, bí ỉa kinh niên.
Thung dung tăng dục ẩm (thuốc sắc thung dung kích thích tình dục)
Nhục thung dung 15g – Phục linh 9g
Sơn du nhục 10g – Thỏ ti tử 9g
Thạch xương bồ 6g
Sắc chung, đổ 2 bát nước sắc lấy 1 bat, uống lúc nóng ngày 1 thang chia 3 lần.
Dùng cho người’bị giảm sút tình dục, thần kinh sinh dục bị suy nhược.
Nhục thung dung hoàn (thuốc viên nhục thung dung)
Nhục thung dung 30g – Phòng phong 9g
Viễn chí 9g – Xạ sàng tử 6g
Đỗ trọng 9g – Thỏ ti tử 15g
Ba kích thiên 9g – Phụ tửu 6g
Nghiền chung thành bột mịn, nhào mật ong, vê viên.
Dùng cho người thận dương hư tổn, liệt dương, xuất tinh sớm, tử cung lãnh, không thụ thai được v.v…