Nhục đậu khấu

Tên khoa học:

Myristica fragrans Houtt. Họ khoa học: Họ nhục đậu khấu (Myristicaceae)

Nhục đậu khấu còn có tên là Nhục quả (Cương mục), Ngọc quả (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam), Già câu lắc (Bản thảo thập di), Đậu khấu (Tục truyền tín phương.

Tên tiếng trung: 肉豆蔻

Cây Nhục đậu khấu được trồng ở miền Nam nước ta, Campuchia, Trung quốc ( Quảng đông), Indonesia, Malasia, Tây Ấn độ v..v..

Mô tả cây

Vị thuốc Nhục đậu khấu
Vị thuốc Nhục đậu khấu

Nhục đậu khấu là một cây to, cao 8 – 10m. Toàn thân nhẵn. Lá mọc so le, xanh tươi quanh năm, dai, phiến lá hình mác rộng, dài 5 – 15cm, rộng 3 – 7cm, mép nguyên, cuống lá dài 7 – 12mm. Hoa khác gốc mọc thành xim ở kẽ lá, có dáng tán. Màu hoa vàng trắng. Quả hạch, hình cầu hay quả lê, màu vàng, đường kính 5 – 8cm, khi chín nở theo chiều dọc thành 2 mảnh trong có một hạt có vỏ dày cũng bao bọc bởi một áo hạt bị rách màu hồng.

Thu hái và chế biến

Trồng được 7 năm thì bắt đầu thu hoạch. Mỗi năm có thể thu hoạch 2 lần, một lần vào các tháng 11 – 12 và một lần vào các tháng 4 – 6. Khi đã bắt đầu thu hoạch thì có thể thu hoạch luôn trong vòng 60 – 70 năm. Mức thu hoạch cao nhất vào năm thứ 25. Từ năm thứ 10 đến năm thứ 25 hàng năm mỗi cây cho từ 1.500 – 2.000 quả, nghĩa là chừng 8 – 10kg quả. Sau khi hái quả, loại bỏ vỏ quả. Sau đó lấy riêng áo hạt, ngâm muối rồi phơi hay sấy khô. Hạch đem sấy ở lửa nhẹ (600) cho đến khi lắc lên thấy kêu lóc cóc (thường việc sấy này kéo dài tới 2 tháng) thì đem đập lấy nhân, phân loại to nhỏ rồi ngâm nước vôi này có mục đích để tránh bị sâu bọ mối mọt. Người ta phân loại nhục đậu khấu căn cứ vào to nhỏ.

Liều thường dùng:

Liều uống 3 – 8g, trị tiêu chảy nên nướng.

Khí vị:

Vị cay, khí ôn, không độc, vào Túc thái âm, Túc dương minh và Thủ dương minh Đại tràng.

Chủ dụng:

Làm ấm Tỳ, Vị hư lạnh, chữa bụng dạ trướng đau, thức ăn ngưng đọng không tiêu, ỉa chảy, lãnh lỵ lại càng cần phải dùng nó.

Lại có khả năng tiêu độc Rượu, trừ tích lạnh, hạ khí khoan khoái ngực, chữa hoắc loạn, mửa ra bọt dãi, chữa đi tả do Đai tràng hư, chữa chứng khí lỵ và lỵ ra máu mũi, trẻ em hoắc loạn nôn mửa, không chịu ăn, đi ngoài lỏng và đau bụng giun.

Sách Nhật hoa nói: Nhục khấu hạ khí xuống là vì Tỳ được bổ mà vận hóa tốt hơn, không phải như Trần bì, Hương phụ tiết ra nhanh chóng. Sách Diễn nghĩa nói: uống nhiều tổn khí e rằng không đúng.

Cấm ky:

Nếu chứng thấp nhiệt tích trệ dương thịnh thì kiêng dùng.

Cách chế:

Lấy bột nếp hoặc bột mỳ, hòa Nước hoặc Dấm bọc kín, nướng trong tro than đến chín vàng, rồi dùng giấy bản gói lại, đập cho dầu thấm ra hết, kiêng dùng đồ đồng để chế.

Nhận xét:

Nhục đậu khấu bẩm thụ khí của các hành Hỏa, Thổ và Kim để sinh; vị cay thì tán được, tiêu được; tính ôn thì điều hòa làm cho Trung tiêu thông suốt; khí thơm thì vào Tỳ; ấm thì mở được Dạ dày; cho nên nó là thuốc thánh để điều hòa Tỳ, khai Vị, tiêu thức ăn ngưng đọng, chỉ tả.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Thiên gia diệu phương”

  • Bài Bổ nguyên phục vị thang

Đảng sâm 12g, Bạch truật 10g, Bach linh 10g Sa nhân 6g, Khấu nhân 6g, Trần bì 6g, Chỉ xác 6g, Hậu phác 6g, Mạch nha 6g, Cốc nha 6g, Thần khúc 6g, Sơn tra 6g, Mộc hương 3g, Sơn dược 15g, Đại táo 6 quả, Cam thảo 6g, Kê nội kim 12g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày; hoặc tán nhỏ, liều uống 8-16g, ngày 2-3 lần. Có tác dụng bổ Trung, ích khí, kiện Tỳ, hòa Vị.

Chữa sa dạ dày

Bàn luận: Bài này có cái hay bổ mà không trệ, thông mà không tổn thương. Đây là bài thuốc có ích mà vô hại.

“Hành giản trân nhu”-Hải Thượng Lãn Ông

  • Bài Nhục đậu khấu tán

Nhục đậu khấu, uống với nước Gừng tươi lúc đói.

Trị bệnh tiết tả không dứt, dạ dày kêu óc óc, bụng đau.

Chữa nốt ruồi (Lâm sàng báo) dùng một vị Nhục đậu khấu xát nhiều lần vào, nốt ruồi tự biến hết.

“Nhân bị trực chỉ phương luận”

  • Bài Cố tràng tán

Cồ túc xác (sao), Trần bì, bào Khương, chích Cam thảo, Nhục đậu khấu, Mộc hương. Trị lãnh tả, tràng hoạt, hạ lỵ.

“Phụ nhân lương phương”

  • Bài Tứ thần hoàn

Bổ cốt chỉ 40g, Nhục đậu khấu 20g, Ngô thù du 40g, Ngũ vị 20g. Chủ trị: Tỳ Thận hư hàn, ngũ canh tiết tả, hoặc ỉa chảy kéo dài, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng, chân tay lạnh, viêm đại tràng mạn tính thuộc thể Tỳ Thận hư hàn.

Bài viết liên quan
Bài viết cùng danh mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây