Hy thiêm thảo

Vị thuốc Đông y
Hy thiêm thảo
Hy thiêm thảo

Tên khoa học:

Siegesbeckia orientalis L. Họ Cúc (Asteraceae)

Tên khác:Cúc dính, cỏ đĩ, cỏ bà a, nụ áo rìa, cứt lợn, chó đẻ hoa vàng, sơn bích, lưỡi đòng, nhả khỉ cáy (Tày), co boóng bo (Thái)

MÔ TẢ

Cây thảo sống hàng năm, cao chừng 30-40cm hay hơn, có nhiều cành nằm ngang. Thân cành đều có lông. Lá mọc đối, có cuống ngắn; phiến hình tam giác hình quả trám, dài 4-10cm, rộng 3-6cm, mép có răng cưa không đều và đôi khi 2 thuỳ ở phía cuống; 3 gân chính mảnh toả ra từ gốc. Hoa đầu có cuống dài 1-2cm. Bao chung có hai loại lá bắc; 5 lá ngoài to, hình thìa dài 9-10mm, mọc toả ra thành hình sao, có lông dính; các lá bắc khác ngắn hơn họp thành một bao chung quanh các hoa, 5 hoa phía ngoài hình lưỡi, các hoa khác hình ống, đều có tràng hoa màu vàng. Quả bế hình trứng 4-5 cạnh, màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Hy thiêm phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới

châu Á và châu Đại Dương bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang chủ yếu ở vùng núi và trung du phía Bắc như các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An… Thường gặp ở chỗ sáng và ẩm trên các bãi sông, ruộng bỏ hoang, ven đường đi.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Phần trên mặt đất từ ngọn trở xuống dài 30 – 50cm, thu hái trước khi cây có hoa, phơi hoặc sấy khô, rồi bó thành từng bó.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Cả cây hy thiêm chứa daturosid, orientin, orientalid và 3,7 – dimethyl quercetin.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hy thiêm có tác dụng chống viêm cấp và viêm mạn tính, giảm đau rõ rệt trên lâm sàng, an thần, hạ huyết áp và đường huyết.

Khí vị:

Vị đắng, hàn, không độc, vào 2 kinh Can và Thận.

Chủ dụng:

Trị phong khí của Can và Thận, chữa tay chân tê dại, gân xương đau buốt, phong thấp lở ngứa, thốt nhiên trúng phong tà, miệng mắt méo lệch, chuyên chữa thấp tê, eo lưng và chân đau nhức, làm dài lông mày, xanh râu, tóc, trừ phong, đuổi thấp, sát trùng, là thánh dược chữa bệnh tê đau.

Lại nói: trị vấp ngã, mất âm thanh.

Cách chế:

Vị đắng, khí hàn mà mùi hôi, phải tẩm Mật và Rượu, chưng 9 lần, phơi 9 lần thì khí trọc âm đắng hàn mới hết, còn lại mùi thơm mát, không thế thì không thể thông suốt tới gân xương để đuổi phong thấp.

Nhận xét:

Hy thiêm thảo cảm khí Thiếu dương để sinh, đốt và lá nó đối nhau. Ngày 5 tháng 5, ngày 6 tháng 6 và ngày 9 tháng 9 âm lịch hái về rửa sạch, tẩm Rượu và Mật, 9 lần chưng, 9 lần phơi (không cần thật khô), rồi giã nát, thêm Mật làm hoàn, mỗi lần uống 3đ, ngày vài lần với Rượu ấm hoặc nước ấm, chuyên chữa chứng trúng phong, miệng mắt méo lệch, và rất bổ ích nguyên khí.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Hành giản trân nhu”-Hải Thượng Lãn Ông

Bài Hy thiêm hoàn

Hy thiêm thảo dùng thứ tốt, thái khúc 2-3cm, tẩm hồn hợp Rượu và Mật ong (100g Rượu hòa với 50g Mật ong, dùng tâm lkg Hy thiêm), cho vào chõ đồ rồi phơi, 9 lần đồ, 9 lần phơi.

Qua bào chế như thế Hy thiêm thảo đã chuyển từ tính hàn thành tính ôn.

Thành phẩm tán nhỏ, thêm Mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 3đ, ngày 2 lần, với Rượu ấm hoặc nước ấm. cỏ tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc, mạnh gân xương.

Chữa trúng phong miệng mắt méo lệch, và bo Tỳ Vị, hiệu quả khác thường.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Dược liệu Hy thiêm thảo
Dược liệu Hy thiêm thảo

Hy thiêm có vị cay, đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, trừ thấp, lợi gân xương, chủ trị tê thấp, chân tay nhức mỏi, lưng và đầu gối đau. Thường dùng phối hợp giữa hy thiêm (50g), thổ phục linh (20g), rễ cỏ xước (20g), lá lốt (10g); các dược liệu phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, làm viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 – 15g. Có thể ngâm rượu uống.

Dùng ngoài, cả cây hy thiêm để tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, bã đắp chữa nhọt độc, rắn cắn.

BÀI THUỐC

– Chữa tê thấp, đau nhức gân xương: Hy thiêm (150g), hà thủ ô đỏ (50g), cỏ xước (50g), ké đầu ngựa (50g), khúc khắc (50g), tỳ giải (50g), bạch đầu ông (50g). Tất cả thái nhỏ, nấu thành cao mềm, rồi pha với đường và 250ml rượu 35°. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh trước bữa ăn và trước khi đi ngủ.

Hoặc hy thiêm (60g), vòi voi (40g), lá lốt (20g), ké đầu ngựa (20g), thiên niên kiện (20g), thạch xương bồ (10g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 3 đợt, mỗi đợt 15 ngày, cách nhau một tuần.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị các chứng tiêu chảy do cảm phải phong hàn, dùng trị phong khí chạy vào trường và gây tiêu chảy, dùng Hy thiêm thảo tán bột trộn hồ giấm làm viên bằng hạt ngô đồng lớn lần uống 30 viên với nước (Hỏa Thiêm Hoàn – Thánh Tế Tổng Lục).

+ Trị ung nhọt sưng độc, các chứng lở dữ, dùng Hy thiêm thảo 1 lượng (Hái vào Tết Đoan ngọ), Nhũ hương 1 lượng, Bạch phàn (phi) nửa lượng, Tán bột lần uống 2 chỉ với Rượu nóng cho tới khi lành (Càn Khôn Bí Uẩn Phương).

+ Đinh nhọt sưng độc, vào tết Đoan ngọ hái Hy thiêm thảo phơi khô tán bột, lần uống nửa lượng với Rượu nóng, khi mồ hôi ra là đạt, rất có hiệu quả (Tập Giản Phương).

+ Bệnh ăn vào mửa ra, dùng Hy thiêm thảo sậy khô tán bột luyện mật làm viên với nước nóng (Bách Nhất Tuyển Phương).

+ Chữa phong thấp: Hy thiêm thảo 250 lượng (100g) Thiên niện kiện 12 lượng (50g), Đường và Rượu 1 lít nấu thành cao ngày uống 2 lần, lần một ly nhỏ trước khi ăn trưa tối (Kinh nghiệm phương).

+ Trị phong thấp, tê mỏi, đau nhức xương: dùng cao mềm Hy thiêm 9 lượng, bột Hy thiêm 10 lượng, bột Thiên niên kiện 3 lượng bột Xuyên khung 2 lượng. Trộn lại làm viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4-5 viên, uống cách xa bữa ăn (Hy Thiêm Thảo – Kinh Nghiệm Phương).

+ Miệng méo mắt xiên, phong thấp đau nhức, dùng Hy thiêm thảo (sống) 4 lượng tán bột, chưng phơi 9 lần, luyện mật làm viên lần uống 2 chỉ, mỗi lần 3 lần với Rượu nóng (Kinh Nghiệm Phương).

+ Phong thấp viêm đa khớp dạng thấp, dùng Hy thiêm thảo 4 lượng sắc nước cốt gia thêm đường đen, cô lại thành cao, lần uống 1 chén trà nhỏ, ngày 2 lần uống.

+ Bài thuốc kinh nghiệm “Hy thiêm hoàn” chữa những chứng miệng méo, mắt trợn cấm khẩu không nói được, thường sùi bọt mép, uống lâu có thể sáng mắt rõ tai, đen nhánh râu tóc và cứng mạch gân cốt. Ngày mùng 5 tháng 5 lấy lá và cành non cây Hy thiêm rửa sạch phơi hông được 9 lần, sao khô tán nhỏ làm viên với mật bằng hạt Ngô đồng, lần uống 40 viên với nước cơm hoặc rượu nóng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Đinh nhọt phát bối, dùng Hy thiêm thảo, Ngũ diệp thảo (tức Ngũ trảo long), Dã hồng hoa (tức Tiểu kế), Đại toán, các vị bằng nhau đâm nát rồi vắt lấy nước uống, khi ra mồ hôi là đạt (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị đau đầu cảm mạo: Hy thiêm thảo 3 chỉ, Lục nguyệt sương 5 chỉ, Tử tô 3 chỉ, Thông bạch 2 chỉ. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị viêm khớp do phong thấp, tê tay, tê chân, đau nhức gân xương: Hy thiêm thảo, Bạch mao đằng, mỗi thứ 3 chỉ, Xú ngô đồng hoặc (Ngưu tất) 5 chỉ. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trị xuất huyết ngoại thương, đinh nhọt sưng tất, rắn cắn: Hy thiêm thảo (tươi) liều lượng tùy ý, rửa sạch đâm nát đắp nơi đau (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Ngoài ra, Hy thiêm thảo lại có tác dụng hạ huyết áp, có thể dùng Hy thiêm thảo, Hòe hoa, mỗi thứ 5 chỉ sắc uống. Lại có tác dụng an thần, cũng có thể dùng nó trong trường hợp suy nhược thần kinh, mất ngủ (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Vị thuốc Đông y
Tìm kiếm điều bạn cần
Bài viết nổi bật
  1. Cảm thấy Mệt mỏi thường xuyên – Triệu chứng bệnh gì, phải làm sao
  2. Bị bệnh thủy đậu có nên tắm không?
  3. Tác hại của uống nhiều rượu bia đối với sức khỏe
  4. Dị ứng thuốc – biểu hiện, điều trị
  5. Thuốc chống dị ứng và cách dùng
  6. Sốt phát ban
  7. Thuốc chống say xe hiệu quả nhất hiện nay
  8. Cách chữa đau răng nhanh nhất, hiệu quả không dùng thuốc
  9. Cây Cà gai leo và tác dụng chữa bệnh gan thần kỳ
  10. Bệnh Zona (Giời leo) - Hình ảnh, triệu chứng và thuốc chữa bệnh Zona

Hỏi đáp - bình luận